Ngày mồng 2 tháng 11 toàn thể Giáo hội tưởng nhớ và cầu nguyện cho mọi tín hữu đã qua đời. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ vào 4h chiều tại Nghĩa trang Prima Porta của Roma, cách Thành Vatican 15km về phía bắc. Trước Thánh lễ, Đức Thánh Cha đăng trên tweet lời mời gọi cầu nguyện ngay cả cho “những người đã qua đời mà không còn ai nhớ tới”.
Chia sẻ trong Thánh lễ, Đức Thánh Cha nói: nhớ về những người quá cố với niềm hy vọng vào sự phục sinh.
Nỗi buồn và niềm hy vọng
Ông Gióp đã đi trong bóng tối khi ông cận kề cái chết. Trong giây phút đau khổ đau đớn, ông tuyên xưng niềm hy vọng: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất! … Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ” (Gióp 19:25.27).
Khi tưởng nhớ và cầu nguyện cho người quá cố, có hai ý nghĩa. Một là cảm giác buồn bã: nghĩa trang gợi nhớ sự buồn bã, buồn vì những người thân yêu của chúng ta đã ra đi, cũng buồn bã khi nghĩa trang gợi nhắc tương lai về cái chết của mỗi người. Thế nhưng, trong nỗi buồn này, chúng ta mang theo những bó hoa gợi nhắc dấu chỉ niềm hy vọng. Như thế, nỗi buồn và niềm hy vọng đan xen nhau. Và đây là tất cả những gì chúng ta cảm thấy trong ngày hôm nay: một ký ức về những người thân yêu, và hướng tới niềm hy vọng.
Hy vọng vào sự phục sinh
Chúng ta cảm thấy rằng, niềm hy vọng này nâng đỡ chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta đều phải làm cuộc hành trình này. Tất cả chúng ta sẽ trải qua hành trình này. Kẻ trước người sau, đau buồn ít hay nhiều, nhưng là tất cả mọi người. Thế nhưng chúng ta có bông hoa của niềm hy vọng, niềm hy vọng đặt nơi cái neo của sự phục sinh.
Người đầu tiên đã làm điều này, người đầu tiên đã phục sinh là Chúa Giêsu. Chúng ta bước đi trên con đường mà Người đã đi. Người mở cửa cho chúng ta, và cánh cửa là chính Người. Với Thập giá, Chúa Giêsu mở ra cánh cửa hy vọng cho chúng ta để chúng ta sẽ ở nơi chiêm ngưỡng Thiên Chúa. “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất! … Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ.”
Hôm nay chúng ta trở về nhà với hai điều khắc ghi: một kí ức về quá khứ về những người thân yêu của chúng ta đã qua đời, và một niềm hy vọng về tương lai về con đường mà chắc chắn chúng ta sẽ đi. Cùng với sự đảm bảo chắc chắn từ lời hứa của Chúa Giêsu: “Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6:40).
Tứ Quyết SJ
(Radio Vaticana)
(Radio Vaticana)
Đức Thánh Cha: Giáo Hội Công Giáo không bao giờ có thể phong chức cho phụ nữ
Sự kiên định của Giáo Hội Công Giáo trong việc không thể tấn phong phụ nữ làm linh mục và giám mục là giáo huấn vốn có thể tồn tại vĩnh viễn, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết.
Vào ngày 01 tháng Mười Một, sau cuộc gặp gỡ được chủ trì bởi Giáo Hội Luther Thụy Điển dưới sự dẫn dắt của Tổng Giám Mục Antje Jackelen Uppsala, nữ tổng giáo chủ đầu tiên của quốc gia này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được hỏi liệu một ngày nào đó Giáo Hội Công Giáo có thể có những linh mục và giám mục nữ giới hay không.
Như ngài đã trả lời trước đây, Đức Thánh Cha đáp lại rằng câu hỏi ấy đã được thánh giáo hoàng Gioan Phao-lô II giải quyết vào năm 1994. Khi ấy, đức Gioan Phao-lô II đã dạy rằng vì Chúa Giêsu đã chỉ chọn người nam làm tông đồ, nên việc truyền chức cho phụ nữ trong Giáo hội Công giáo là không thể.
Trước những phản ứng: “Thật thế sao? Sẽ là không bao giờ?”, ngài trả lời: “Đúng vậy, nếu một người đọc cẩn thận tuyên bố của thánh Gioan Phao-lô, Giáo Hội đi theo hướng đó.”
Trong một cuộc họp báo ngắn trên phi cơ, Đức Thánh Cha Phanxicô dành hơn 40 phút cho các phóng viên và trả lời sáu câu hỏi khác nhau, từ chính sách hạn chế nhập cư mới của Thụy Điển đến vai trò của người nữ trong Giáo Hội. Ngài cũng được hỏi kinh nghiệm của ngài về phong trào Đặc Sủng Thánh Linh và Ngũ Tuần, những căn nguyên trong mối bận tâm của ngài về nạn buôn người, sự thế tục hóa ở châu Âu và cuộc gặp của ngài vào cuối tháng Mười với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Kitô hữu phải là người không bao giờ khép lòng mình lại với người tị nạn và di dân, nhưng chính phủ có trách nhiệm điều tiết thông lượng người nhập cư khi phân bổ các nguồn lực để đảm bảo việc hội nhập vào xã hội của họ, ngài cho biết.
“Chẳng có tình người khi ai đó đóng lòng mình lại,” Đức Thánh Cha nói với các phóng viên trên chuyến bay từ Thụy Điển về Rome.
Như đã từng đề cập trong quá khứ, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng các quốc gia tuân thủ hiệp ước quốc tế cần đặc biệt chào đón và bảo vệ người tị nạn đang chạy trốn khỏi chiến tranh và khủng bố. Trong khi giáo huấn xã hội Công Giáo dạy rằng mỗi người đều có quyền di cư để tìm cho mình một cuộc sống tốt hơn, chấp nhận những người mới đến là nghĩa vụ quan trọng khi cuộc sống của họ đang lâm nguy.
Châu Âu không nên hoảng sợ bởi dòng người nhập cư gần đây nhất, ngài nói. “Châu Âu đã được hình thành với sự tích hợp liên tục của các nền văn hóa, nhiều nền văn hóa.”
Ngài cho biết, vấn đề chủ chốt là phải đảm bảo một sự hội nhập thích hợp cho những người mới đến với việc học ngôn ngữ, một mái nhà, trường học và nghề nghiệp. “Nguy hiểm là khi người tị nạn hoặc người di cư không được hội nhập, họ bị coi là ‘hạng thấp kém.’”
Đáp lại câu hỏi về Maduro, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đã gặp vị tổng thống này theo yêu cầu của ông. “Tôi tiếp chuyện ông ấy trong nửa giờ đồng hồ,” ngài cho biết. “Tôi hỏi một vài câu hỏi. Tôi nghe các ý kiến của ông. Việc lắng nghe cả hai phía luôn là một điều tốt.”
Tương tự như thế, trong bất cứ mâu thuẫn nảy sinh nào, ngài nói, “hoặc bạn đối thoại hoặc bạn hét lên.” Những căng thẳng chính trị và xã hội tại Venezuela – căng thẳng đã làm nảy sinh cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và gây ra nỗi thống khổ lớn lao cho biết bao người – phải được giải quyết bằng đối thoại, ngài cho biết.
Ngài nói thêm rằng Tòa thánh Vatican đang ủng hộ đối thoại ở Venezuela và đã gửi đến Đức Tổng Giám Mục Emil Paul Tscherrig, sứ thần ở Argentina trong vai trò người quan sát theo lời mời từ phía chính phủ và phe đối lập.
Đức Thánh Cha nói: Sự thế tục hóa của châu Âu hay của bất cứ xã hội nào thường là kết quả của một trong hai yếu tố: “việc Phúc Âm hóa yếu kém” gây ra bởi “những Kitô hữu thờ ơ”, hoặc tiến trình văn hóa mà trong đó ngày càng có nhiều người bắt đầu nghĩ rằng họ là chúa tể của lịch sử.
Hình thức phân tách “lành mạnh” giữa nhà thờ và nhà nước không phải là thủ phạm, ngài cho biết.
Minh Vương, S.J. chuyển ngữ
Nguồn: America Magazine