Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

Lột xác - Chuyện phiếm Gã Siêu

Filled under:

Chuyện xưa tích cũ kể lại rằng:
Ngày kia, Lưu Bá Ôn đi thăm miếu Khổng Minh, trong miếu có một ngọn đèn dầu, được gọi là vạn niên đầy, nghĩa là đời đời không hề tắt. Ngoài cửa có một câu đối chỉ còn một vế: 
– Vạn đại quân sư Gia Cát Lượng.
Lưu Bá Ôn thầm nghĩ:
– Ta đây cũng đủ tài thao lược.
Lập tức, ông lấy bút ghi qua một bên:
– Nhất thống sơn hà Lưu Bá Ôn.
Bước vào trong miếu, ông chỉ cúi đầu, chứ không chịu sụp lạy. Bỗng chốc, ông cảm thấy mình mất thăng bằng và bị một sức vô hình kéo ngọt lên không. Kinh hãi, ông bèn nắm lấy các đồ vật chung quanh, nhưng vô ích. Ông bị hút lên và dính chặt vào triền núi. Phải chăng vì vô lễ mà ông đã bị Đức Khổng trừng phạt?
Trong lúc hốt hoảng, ông nhìn thấy bức hoành phi có bốn chữ:
– Giải y nhi thoát, có nghĩa là cởi áo ắt sẽ thoát.
Ông liền vội vã cởi áo và tụt xuống đất bình an vô sự. Bấy giờ ông mới cung kính quỳ gối tạ tội với Khổng Minh.
Thì ra Lưu Bá Ôn mặc áo giáp sắt, mà ngôi mộ lại xoay lưng vào một sườn đá có nam châm.
Dầu vậy, Họ Lưu cũng đáng mặt anh hùng, vì trong thời chinh chiến còn gì quí giá hơn bộ giáp sắt, nhưng khi nó đã trở thành mối nguy hiểm, ông không ngần ngại cởi bỏ để được an toàn.
Việc họ Lưu cởi bỏ bộ giáp sắt để thoát thân cũng chỉ là một việc nhỏ và dễ dàng như trở bàn tay, bởi vì bộ giáp sắt dù quí giá, thì nó vẫn chỉ là một đồ vật ở bên ngoài chúng ta. Trên đời này còn nhiều thứ cởi bỏ cam go và khó khăn hơn nhiều, nhất là những cái ở bên trong chúng ta, trong thân xác cũng như trong tâm hồn.
Trước hết, gã xin bàn đến việc lột bỏ những cái trong thân xác.
Viết đến đây, chẳng hiểu sao gã liền nghĩ đến việc làm mấy món nhậu. Chẳng hạn như làm món thịt chuột: có người thì lột da và vứt đi, có người thì làm lông, rồi thui chứ không lột da, như vậy thịt mới ngon. Chẳng hạn như làm món lươn rút xương: người ta lột da lươn, lấy thịt lươn băm nhuyễn với thịt heo và mục nhĩ, rồi dồn vào bộ da lươn, như khi làm dồi heo hay dồi chó. Sau đó đem chưng với nước cốt dừa hay đem chiên dòn. Nhưng nói tới lột da, người ta thường nhớ tới loài rắn.

Ngày xửa ngày xưa, đường xá còn ít, mà bờ bụi thì lại nhiều, nên loài rắn có nơi cư trú, sinh sôi nảy nở, giết hại loài người một cách ghê gớm. Không tìm ra phương cách tự vệ, loài người mới hội lại, rồi cử người lên thiên đình, để tấu trình với Ngọc Hoàng Thượng Đế, xin ngài mau giải cứu. Ngọc Hoàng Thượng Đế thương tình bèn dạy rằng:
 – Người già, người lột,
   Rắn già, rắn chui tọt vô săng.
 Nghe xong, người  ấy vội vã trở về trần gian để kể lại cho mọi người được hay biết. Thế nhưng vì quá mừng vui,  người ấy đã nói lộn:
 – Rắn già, rắn lột,
   Người già, người chui tọt vô săng.
 Thế nên từ đó, loài rắn vốn đã sinh sản nhiều, lại càng sinh sản nhiều hơn, vì không một con nào bị chết già. Cũng do đó, nạn rắn cắn người lại càng gia tăng gấp bội, khiến loài người bất mãn, lại phải phái ông đại diện cũ lên kêu nài một lần nữa với Ngọc Hoàng Thượng Đế.
 Rõ là tại người ấy nói lộn, nên Ngọc Hoàng Thượng Đế liền bắt tội và đày người ấy làm kiếp con bọ hung, cả đời phải sống chui rúc trong đống phân. Còn việc kia, Ngọc Hoàng Thượng Đế vốn dĩ đã là người lớn, nên không thể nói đi nói lại nhiều lời, đành phải để chịu vậy mà thôi.
 Theo quan niệm cổ tích, thì dường như khi gìa rắn sẽ lột da và cứ thế, cứ thế mà sống mãi. Còn dưới cái nhìn khoa học thì lại không phải vậy đâu. Chuyện rắn lột xác thay da chỉ là một hiện tượng sinh lý bình thường, vì toàn thân rắn được bao phủ bằng một lớp vảy cứng và không lớn lên tương ứng với sự phát triển thân hình của rắn.
 Vì vậy, cứ hai ba tháng, khi thân hình rắn lớn lên, lớp da trở nên chật chội, khiến rắn phải thay da một lần, bỏ lớp da cũ và thay bằng lớp da mới. Mỗi lần lột xác như vậy, rắn lại lớn thêm lên một tí. Và như thế, không phải chỉ rắn già, mà cả rắn non cũng lột, giống như chúng ta cởi bỏ chiếc áo cũ đã quá chặt hẹp, để mặc chiếc áo mới rộng rãi và thích hợp với cơ thể hơn. Những chiếc vảy này không phải chỉ giúp cho rắn bảo vệ, mà còn có chức năng như bàn chân để rắn trườn bò.
 Trước khi lột xác, rắn có thói quen ngâm mình trong nước, vì nếu không có đủ độ ẩm, sẽ rất nguy hiểm, lớp da không thể bị lột, sẽ bám lại và trở thành nơi sinh ra vi khuẩn và bệnh tật.
Khi sắp lột da, cử động của rắn trở nên lờ đờ và chậm chạp. Mắt rắn chuyển dần sang màu trắng đục, như bị một lớp sương mùa che phủ. Khi lột da, trước hết bắt đầu từ miệng. Rắn lấy miệng cọ xát vào chỗ thô ráp. Cọ long da miệng ra, xong rồi mới lột mảng da đầu, tiếp đến lột dần phía sau một mạch do đến cái đuôi.
Chuyện rắn lột là như vậy, còn con người chúng ta thì sao? Các nhà khoa học ngày xưa cho biết cứ bảy năm, cơ thể chúng ta lại được trùng tu một lần. Còn các nhà khoa học ngày nay lại còn xác quyết mạnh mẽ hơn thế nữa, đó là cứ  mỗi năm các bộ phận trong cơ thể đều được “đại tu”, nghĩa là lần lượt được gỡ bỏ, những tế bào cũ được thay thế đi hết bằng những tế bào mới, còn kỹ lưỡng hơn gấp ngàn vạn lần các chú thợ sửa xe!
Tuy nhiên, việc thay da đổi thịt này lại âm thầm diễn ra bên trong cơ thể mỗi người, không gây nên đớn đau, khiến chúng ta chẳng hề hay biết và nhiều người lại còn coi đó như cái lý đương nhiên: Đã sinh ra thì phải lớn lên, bằng không thì cơ thể ấy đang có vần đề, cần phải được xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân bệnh tật.
Thế nhưng, việc cắt bỏ một chi thể, hay mổ xẻ một khối u nơi thân xác thường làm cho bệnh nhân rất đau đớn.
Anh bạn gã vừa mới qua đời vì bị ung thư xương hàm. Cách đây bốn tháng, anh ta bị nhức răng và đi nhổ. Sau khi nhổ chiếc răng bị sâu, anh về nhà mà vẫn cứ bị nhức. Anh liền đi khám bác sĩ ở tỉnh và tỉnh chuyển anh lên thành phố. Bác sĩ tại thành phố cho hay anh bị ung thư xương hàm. Người ta cưa một nửa xương hàm của anh, rồi chữa trị bằng hoá chất, nhưng mới vô được ba lần thì anh đuối sức và bác sĩ cho anh về nhà để chờ chết.
Đến thăm anh, gã thấy anh thường hay nhăn mặt và nắm chặt đôi bàn tay. Những lúc như thế, chắc hẳn anh đau đớn lắm, đau đớn cho đến khi nhắm mắt từ giã cuộc đời và những người thân yêu. Đó là kết quả của việc cắt bỏ trên thân xác.
Tiếp đến, gã xin bàn về việc lột bỏ những cái trong tâm hồn.
Xét về mặt tinh thần, gã cũng nhận thấy có một việc lột xác, hay nói đúng hơn, có một việc cởi bỏ thật quan trọng, mà mỗi người chúng ta cần phải thực hiện, đó là việc cởi bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới. Vậy thế nào là con người cũ và thế nào là con người mới?
Con người cũ là con người xấu xa với những thói hư. Còn con người mới là con người xinh đẹp với những tính tốt. Ai cũng muốn khử trừ con người cũ và phát triển con người mới. Nhưng thực tế lại chẳng được như vậy, vì sự thiện chúng ta muốn thì lại chẳng chịu làm, còn điều ác chúng ta chẳng ghét, thì lại hăng hái thực hiện.
 Có những lúc chúng ta quyết tâm quyết tâm loại bỏ con người cũ, nhưng quyết tâm này chẳng kéo dài được bao lâu, để rồi chúng ta lại xẹp xuống như quả bóng xì hơi. Chúng ta giống như một anh chàng tay nâng chén rượu nồng:
 – Đổ đi thì tiếc, uống vào thì sợ say.
 Chúng ta giống như cô nàng đỏng đảnh, giận hờn với anh chàng, muốn bỏ đi cho bõ ghét, nhưng vẫn cứ chần chừ:
 – Nửa về, nửa muốn ở đây,
   Nửa thơm như mít, nửa cay như gừng.
 Cuối cùng, chúng ta vẫn chứng nào tật ấy, mèo vẫn hoàn mèo và chó đen thì vẫn giữ mực. Chúng ta cúi đầu nhượng bộ cho sự dữ, cho điều ác. Thành thử, cuộc chiến chống lại con người cũ là một cuộc chiến thật cam go, đến nỗi Napoléon đã thú nhận:
 – Thắng được cả Âu châu còn dễ hơn là thắng được chính bản thân mình.
 Sở dĩ như vậy, vì nó đòi buộc chúng ta phải đấu tranh một cách kiên trì và không được ngơi nghỉ và buông xuôi, như một câu danh ngôn đã bảo: Sống là bơi ngược dòng nước. Nếu không cố gắng bơi, thì sẽ bị dòng nước cuốn trôi.
 Có một anh chàng mắc phải tật nghiện rượu. Bị vợ cằn nhằn, anh quyết tâm bỏ rượu, chứ không như đám bạn nhậu, kẻ “bỏ rượu”, người “bỏ mồi”. Ngày ngày anh vẫn ngồi uống, nhưng trước khi uống, anh nhỏ vào chiếc ly một giọt nến. Phải, chỉ một giọt mà thôi. Và thời gian cứ êm đềm trôi qua, cho đến khi chiếc ly đầy nến và anh cũng thôi không còn nghiện rượu nữa.
 Một anh chàng khác, sau khi tham dự khoá tĩnh tâm, cũng đã dốc quyết làm lại cuộc đời, vì anh thấy mình quá khô khan, quá nguội lạnh. Anh đã thực hiện điều dốc quyết của mình như sau: Mỗi khi làm được một việc tốt, anh bỏ một hạt đậu trắng vào trong chiếc lọ. Còn mỗi khi làm một việc xấu hay sai phạm một tội nào đó, anh liền bỏ một hạt đậu đen cũng vào trong chiếc lọ ấy. Ban tối trước khi đi ngủ, anh ngồi đổ ra và đếm.
 Ban đầu, chỉ toàn đậu đen, chứng tỏ anh làm một kẻ bê bối. Sau đó, những hạt đậu trắng lác đác xuất hiện, rồi mỗi ngày một gia tăng. Đậu trắng cứ thêm lên, còn đậu đen cứ giảm xuống. Cho tới một lúc chỉ còn toàn đậu trắng và anh đã trở nên một con người mới, tốt lành và thánh thiện.
 Hãy chết đi cho con người cũ, để được sống lại cho con người mới.