Thứ Tư, 3 tháng 2, 2016

Vết thương do tội gây ra thật khó lành

Filled under:

Vết thương do tội gây ra thật khó lành!
Vatican (Vat. 1-02-2016) - Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ hai, ngày 01 tháng 02 năm 2016, tại nguyện đường thánh Marta, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ: "Sự khiêm nhường là con đường nên thánh ."
Một lần nữa, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho con người, nhưng những thương tổn do tội lỗi gây ra lại khó có thể được chữa lành.
Vua Ða-vít đã bước chân vào con đường tội lỗi, gian tà; nhưng tiên tri Na-than, người được Thiên Chúa sai đến, đã giúp vua nhận ra kịp nhận ra lỗi lầm của mình. Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha tiếp tục nhấn mạnh đến hình ảnh của vua Ða-vít, là một vị thánh nhưng cũng là một tội nhân. Vua Ða-vít đã ý thức được tội lỗi mà vua đã phạm và sẵn sàng chịu sỉ nhục trong sự tín thác nơi Thiên Chúa.
Thương tổn do tội gây ra thật khó để chữa lành
"Vua Ða-vít là tội nhân nhưng không phải là một người hư hỏng, thối nát, vì người hư hỏng không nhận ra được tình trạng thối nát của mình.
Cần phải có ân sủng đặc biệt để biến đổi tâm hồn của một người hư hỏng. Vua Ða-vít, mặc dù thuộc hàng đế vương quyền quý, nhưng vẫn khiêm nhường thú nhận: 'Thật, tôi là kẻ có tội.' Và tiên tri Na-than nói: 'Ðức Chúa đã tha thứ lỗi lầm của vua, nhưng hậu quả xấu xa mà vua gây ra vẫn đang tiếp diễn. Vua đã giết một người vô tội để che dấu sự ngoại tình. Từ nay, gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của vua.' Thiên Chúa tha thứ tội lỗi, vua Ða-vít đã hoán cải nhưng vết thương do tội gây ta thật khó để được chữa lành. Chúng ta cũng có thể nhận thấy điều ấy trong thế giới hôm nay.
Vua Ða-vít phải đối đầu với con trai của mình là Áp-sa-lôm, kẻ đã trở nên tội lỗi và hư hỏng, trên chiến trường. Nhưng vua đã tập trung người của mình lại và quyết định rời bỏ thành phố, không mang theo Hòm Bia Giao Ước, vì vua không muốn dùng Thiên Chúa như là bia đỡ đạn cho mình. Hòm Bia phải ở lại thành, để Thiên Chúa bảo vệ Dân Ngài. Sau những giây phút lỡ lầm, giờ đây vua Ða-vít đã bắt đầu bước đi trên con đường công chính, thánh thiện ."
Vua Ða-vít tin tưởng nơi Chúa và nhờ thế đã thoát khỏi tội lỗi mà tiến đến sự thánh thiện
"Vua Ða-vít vừa đi vừa khóc, đầu trùm khăn và đằng sau có những kẻ đuổi theo để nhục mạ ngài. Trong số đó, có người tên là Sim-y đã nguyền rủa vua là kẻ khát máu. Vua Ða-vít chấp nhận bị lăng nhục, vì vua nghĩ rằng chính Ðức Chúa bảo nó làm như thế. Vua mới nói với những kẻ đi theo mình rằng: 'Này con trai ta, do chính ta sinh ra, mà còn tìm hại mạng sống ta, huống chi là tên Ben-gia-min này! Cứ để nó nguyền rủa nếu Ðức Chúa đã bảo nó.' Vua Ða-vít đã biết nhìn ra những dấu chỉ: sự lăng nhục đó chính là giây phút để khiêm nhường thống hối, chính là cơ hội để ngài đền trả tội lỗi đã gây ra. May ra Ðức Chúa sẽ đoái nhìn đến nỗi cực khổ của vua, và Ðức Chúa sẽ trả lại cho vua hạnh phúc, thay vì lời nguyền rủa của tên Sim-y hôm nay. Vua Ða-vít đã tin tưởng nơi Chúa. Và đó là con đường của Vua Ða-vít, từ sự tội lỗi hư hỏng tiến đến sự tin tưởng, phó thác trong bàn tay Thiên Chúa. Và đây cũng là con đường nên thánh.
Tôi cũng nghĩ về mỗi người chúng ta. Giả sử ai đó nói chúng ta một điều gì xấu xa, tồi tệ, thì ngay lập tức chúng ta tìm cách để phản bác rằng điều đó là không đúng. Hoặc chúng ta sẽ làm như tên Sim-y, đáp trả lại bằng những lời lẽ còn xấu xa hơn ."
Kitô hữu có ơn khiêm nhường
"Sự khiêm nhường chỉ có thể đi vào con tim người ta ngang qua hành vi tự hạ, chịu sỉ nhục. Sẽ chẳng khiêm nhường nếu không biết chịu sỉ nhục. Và nếu anh chị em không chấp nhận được những sỉ nhục, khinh miệt xảy ra trong cuộc đời của mình, anh chị em chưa thật sự khiêm nhường. Ðó đơn giản là phương trình của một phép toán.
Con đường dấn đến khiêm nhường là sự tự hạ, chịu sỉ nhục. Thật vậy, vua Ða-vít đã trở nên thánh thiện cũng là vì đã trải qua những giây phút bị sỉ nhục và vua đã khiếm tốn chấp nhận. Sự thánh thiện mà Thiên Chúa ban cho Dân Ngài, đã ban cho Giáo hội cũng ngang qua sự khiêm nhường tự hạ của Người Con Một, Ngài đã chấp nhận mọi điều sỉ nhục và sẵn sàng chịu chết trên thập giá. Sự tự hạ của con Thiên Chúa chính là hành trình nên thánh cho mỗi người chúng ta. Vua Ða-vít, cùng với thái độ hoán cải của mình, đã tiên báo về sự khiêm nhường, tự hạ của Ðức Giêsu.
Hãy nài xin Thiên Chúa, để mỗi người chúng ta và toàn thể Giáo hội có được ơn khiêm nhường và cũng được ơn để hiểu rằng không thể trở nên khiêm nhường nếu không có thái độ tự hạ và sẵn sàng chấp nhận sỉ nhục ."

Vũ Ðức Anh Phương, SJ
(Radio Vatican)

Mỗi người Kitô hữu phải là
một môn đệ truyền giáo đích thực

"Mỗi người Kitô hữu phải là một môn đệ truyền giáo đích thực".
Sứ điệp của Ðức Thánh Cha Phanxicô gửi Ðại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 51.

Ðức Thánh Cha gửi sứ điệp Video đến Ðại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 51. Ðức Thánh Cha thông báo rằng Ðại hội Thánh Thể Quốc tế lần tới sẽ diễn ra tại Budapest, Hungary vào năm 2020.

Cebu (WHÐ 01-02-2016) - Ðại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 51 diễn ra tại Cebu, Philippines từ ngày 24 đến 31 tháng 01 năm 2016 đã bế mạc với Thánh lễ trọng thể do Ðức hồng y Charles Maung Bo, S.D.B., Tổng giám mục Yangoon, Myanmar (Miến Ðiện), Ðặc sứ của Ðức Thánh Cha, chủ sự.
Cuối Thánh lễ, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã gửi đến mọi người tham dự Ðại hội một sứ điệp video như sau:
* * *
Anh chị em thân mến,
Tôi xin chào tất cả anh chị em đang quy tụ ở Cebu tham dự Ðại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 51. Tôi cám ơn Ðức hồng y Bo đã đại diện cho tôi đến với anh chị em, và tôi đặc biệt chào Ðức hồng y Vidal, Ðức Tổng giám mục Palma cùng với các giám mục, linh mục và giáo dân ở Cebu. Tôi cũng chào Ðức hồng y Tagle và mọi người Công giáo Philippines. Tôi hết sức vui mừng vì Ðại hội lần này đã quy tụ rất nhiều người của châu Á rộng lớn và từ khắp thế giới.
Mới một năm trước đây, tôi đã đến thăm Philippines đang vươn dậy sau cơn bão Yolanda. Tôi đã có thể thấy tận mắt đức tin sâu sắc và khả năng phục hồi của dân tộc này. Dưới sự che chở của Santo Nino (Chúa Hài đồng), người dân Philippines đã đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô gần năm trăm năm trước đây. Kể từ đó, họ đã cho thế giới một tấm gương sáng về lòng trung thành và tôn sùng Chúa, và yêu mến Giáo hội của Người rất sâu xa. Họ cũng trở nên một dân tộc truyền giáo, chiếu ánh sáng Tin Mừng tại châu Á và cho đến tận cùng trái đất.
Chủ đề của Ðại hội Thánh Thể - Ðức Kitô ở giữa anh em, Ngài là niềm Hy vọng vinh quang của chúng ta - là rất thời sự. Nó nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu phục sinh luôn sống động và hiện diện trong Giáo hội của Người, đặc biệt trong Thánh Thể, là bí tích Mình và Máu Người. Chúa Kitô hiện diện giữa chúng ta không chỉ là một niềm an ủi, mà còn là một lời hứa và lời kêu gọi. Lời hứa là một ngày kia chúng ta sẽ được hưởng niềm vui và bình an vĩnh cửu trong sự viên mãn của Nước Trời. Nhưng cũng là lời hiệu triệu lên đường, như các nhà thừa sai, để mang sứ điệp của Chúa Cha về lòng nhân từ, tha thứ và thương xót đến cho mọi người, người nam và người nữ cũng như trẻ em.
Thế giới của chúng ta cần đến sứ điệp này biết bao! Khi chúng ta nghĩ đến những xung đột, những bất công và các cuộc khủng hoảng nhân đạo cấp bách là đặc trưng của thời đại chúng ta, chúng ta sẽ nhận ra thật quan trọng biết bao rằng mỗi người Kitô hữu phải là một môn đệ truyền giáo đích thực, đem tin mừng tình yêu cứu chuộc của Chúa Kitô đến cho một thế giới cần có hòa giải, công lý và hòa bình.
Thế nên việc Ðại hội này được tổ chức trong Năm Thánh Lòng Thương Xót thật là thích hợp. Trong Năm này toàn Giáo hội được mời gọi tập trung vào trung tâm của Tin Mừng là Lòng Thương xót. Chúng ta được kêu gọi để đem dầu tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho toàn nhân loại, băng bó các vết thương, đem hy vọng vào nơi dường như thất vọng thường thắng thế.
Bây giờ vào lúc anh chị em chuẩn bị "lên đường" khi Ðại hội Thánh Thể này sắp bế mạc, có hai cử chỉ của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly tôi muốn anh chị em hãy suy ngẫm. Phải suy ngẫm hai cử chỉ này theo chiều kích truyền giáo của Thánh Thể. Ðó là việc đồng bàn và rửa chân.
Chúng ta biết việc Chúa Giêsu chia sẻ bữa ăn với các môn đệ của Người quan trọng ra sao, nhưng và nhất là, cả với những người tội lỗi và người bị loại bỏ nữa. Ngồi vào bàn ăn, Chúa Giêsu có thể lắng nghe người khác, nghe chuyện đời của họ, cảm thông với niềm hy vọng và khao khát của họ, và nói cho họ biết tình yêu của Chúa Cha. Mỗi khi đến với Thánh Thể, bàn Tiệc Ly của Chúa, chúng ta được thúc đẩy noi theo tấm gương của Chúa, bằng cách đến với người khác, trong tinh thần tôn trọng và cởi mở, để chia sẻ với họ ơn huệ chúng ta đã lãnh nhận.
Ở châu Á, nơi mà Giáo hội dấn thân đối thoại với tín đồ của các tôn giáo khác một cách tôn trọng, chứng tá mang tính ngôn sứ này thường diễn ra, như chúng ta biết, qua các cuộc đối thoại trong cuộc sống. Qua chứng từ của cuộc sống được tình yêu Thiên Chúa biến đổi, chúng ta loan báo lời hứa của Nước Trời về hoà giải, công lý và thống nhất cho gia đình nhân loại một cách tốt nhất. Tấm gương của chúng ta có thể mở ra những cõi lòng để đón nhận ân sủng của Chúa Thánh Thần, Ðấng dẫn đưa họ đến với Ðức Kitô Cứu Thế.
Hình ảnh khác mà Chúa gửi đến chúng ta trong Bữa Tiệc Ly là rửa chân. Hôm trước ngày chịu nạn, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ của Người như là một dấu chỉ của sự phục vụ khiêm hạ, của tình yêu vô điều kiện mà Người đã hiến mạng trên thập giá để cứu rỗi thế giới. Bí tích Thánh Thể là trường dạy phục vụ khiêm hạ. Bí tích Thánh Thể dạy chúng ta sẵn sàng hiện diện vì người khác. Cả điều này cũng phải ở nơi con tim của người môn đệ truyền giáo.
Ở đây tôi nghĩ đến hậu quả của cơn bão. Nó tàn phá Philippines một cách khủng khiếp, nhưng cùng với sự tàn phá nó cũng mang lại biết bao tình đoàn kết, lòng quảng đại và lòng tốt. Người ta khởi sự tái thiết không chỉ nhà cửa, mả cả cuộc sống. Bí tích Thánh Thể nói với chúng ta về sức mạnh ấy, tuôn trào từ Thánh Giá và không ngừng mang lại sự sống mới. Sức mạnh biến đổi con tim, khiến chúng ta biết chăm sóc, bảo vệ người nghèo và người yếu thế, và nhạy cảm với tiếng khóc của những người anh chị em của chúng ta đang túng thiếu. Nó dạy cho chúng ta hành động cách liêm chính và khước từ thói bất công và tham nhũng làm cho cội rễ của xã hội thành thối nát.
Anh chị em thân mến, ước gì Ðại hội Thánh Thể này củng cố anh chị em trong lòng yêu mến Chúa Kitô hiện diện nơi Thánh Thể. Ước gì nó sẽ giúp anh chị em, với tư cách người môn đệ thừa sai, mang lại kinh nghiệm lớn lao về sự hiệp thông trong Hội Thánh và dấn thân truyền giáo cho gia đình, cho giáo xứ, cho cộng đoàn, và cho Giáo hội địa phương của anh chị em. Ước gì nó trở nên men hoà giải và hoà bình cho toàn thế giới.
Bây giờ, vào lúc bế mạc Ðại hội, tôi vui mừng thông báo rằng Ðại hội Thánh Thể Quốc tế lần tới sẽ diễn ra tại Budapest, Hungary vào năm 2020. Xin anh chị em hợp ý với tôi cầu nguyện cho Ðại hội sinh nhiều hoa trái thiêng liêng và cho Chúa Thánh Thần xuống tràn ngập trên tất cả những ai tham gia vào việc chuẩn bị Ðại hội. Khi anh chị em trở về nhà và được đổi mới trong đức tin, tôi vui mừng ban Phép Lành Toà Thánh cho anh chị em và gia đình của anh chị em như là bảo chứng của niềm vui và bình an trong Chúa.
Xin Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.

Minh Ðức chuyển ngữ