Sứ điệp ĐTC Phanxicô bế mạc Đại Hội Thánh Thể quốc tế ở Cebu
CEBU. ĐTC khích lệ các tín hữu trở thành thừa sai loan báo lòng thương xót của Chúa và ngài loan báo Đại hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 52 sẽ tiến hành tại thành phố Budapest, thủ đô Hungari, vào năm 2020.Sứ điệp của ĐTC được phổ biến vào cuối thánh lễ chiều ngày 31-1-2016 do ĐHY Đặc Sứ Charles Maung Bo, SDB, TGM Yangoon, Myanmar, chủ sự tại Cebu, để kết thúc Đại hội Thánh Thể thứ 51 tiến hành tại đây từ ngày 24 đến 31-1-2016.
ĐTC nói với gần 1 triệu tín hữu hiện diện tại buổi lễ rằng:
Anh chị em thân mến
Tôi chào tất cả anh chị em đang tụ họp tại Cebu tham dự Đại Hội Thánh Thể quốc tế thứ 51. Tôi cám ơn ĐHY Bo, đặc sứ của tôi nơi anh chị em và tôi đặc biệt chào thăm ĐHY Vidal, Đức TGM Palma và các Giám Mục, Linh Mục và tín hữu tại Cebu. Tôi chào thăm ĐHY Tagle và tất cả các tín hữu Công Giáo tại Philippines. Nhất là tôi vui mừng vì Đại Hội này đã đưa nhiều người từ Á châu rộng và từ nhiều nơi trên thế giới về đây với nhau.
Cách đây một năm, tôi đã viếng thăm Philippines sau cuồng phong Yolanda. Tôi đã có thể chứng kiến tận mắt niềm tin sâu xa và khả năng phục hồi của dân tộc này. Nhờ sự phù hộ của Chúa Hài Đồng, nhân dân Philippines đã nhận lãnh Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô cách đây 500 năm. Từ đó, họ đã nêu gương cho thế giới về lòng trung thành và sùng mộ sâu xa đối với Chúa và Giáo Hội của Người. Họ cũng là một dân tộc thừa sai, chiếu giãi ánh sáng Tin Mừng tại Á châu và cho tới cận cùng trái đất.
Đề tài Đại Hội Thánh Thể lần này - Chúa Kitô ở nơi anh chị em, Niềm Hy vọng vinh quang của chúng ta - thật là đúng lúc: nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu Phục Sinh luôn sinh động và hiện diện trong Giáo Hội của Người, nhất là trong Thánh Thể, bí tích Mình và Máu Chúa. Sự hiện diện của Chúa Kitô giữa chúng ta không phải chỉ là một an ủi, nhưng còn là một lời hứa và là một lời kêu gọi. Đó là một lời hứa theo đó một ngày kia chúng ta sẽ được niềm vui vĩnh cửu và an bình trong vương quốc viên mãn của Người. Nhưng đó cũng là một lời kêu gọi hãy ra đi, như những thừa sai, để mang sứ điệp dịu dàng của Chúa Cha, ơn tha thứ và lòng từ bi thương xót cho mỗi người nam nữ và trẻ em.
Thế giới chúng ta đang cần sứ điệp này dường nào! Khi chúng ta nghĩ đến các cuộc xung đột, những bất công và các cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra ngày nay, chúng ta nhận thấy thật là điều quan trọng dường nào đối với mỗi Kitô hữu cần phải trở thành môn đệ thừa sai đích thực, mang Tin Mừng tình thương cứu độ của Chúa Kitô cho một thế giới đang rất cần sự hòa giải, công lý và hòa bình.
Vì thế, thật là một điều thích hợp vì Đại Hội Thánh Thể này được cử hành trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, trong đó toàn thể Giáo hội được mời gọi tập trung vào trọng tâm của Tin Mừng, đó là lòng thương xót. Chúng ta được kêu gọi mang thuốc thơm tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho toàn thể gia đình nhân loại, băng bó các vết thương, mang hy vọng tới những nơi mà tuyệt vọng dường như chiếm ưu thế.
Vào cuối Đại Hội Thánh Thể này, trong lúc anh chị em chuẩn bị ”đi ra”, có hai cử chỉ của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly tôi xin anh chị em suy tư. Cả hai đều liên hệ tới chiều kích truyền giáo của Thánh Thể. Đó là sự đồng bàn và rửa chân.
Chúng ta biết đối với Chúa Giêsu, việc chia sẻ bữa ăn với các môn đệ là điều rất quan trọng, và đặc biệt với những người tội lỗi và ở ngoài lề. Khi ngồi vào bàn, Chúa Giêsu có thể nghe những người khác, những chuyện đời của họ, đánh giá cao những hy vọng và ước mong, và nói với họ về tình thương của Chúa Cha. Trong mỗi thánh lễ, bàn tiệc của Chúa, chúng ta cũng phải noi gương Chúa, đi gặp tha nhân, trong tinh thần tôn trọng và cởi mở, để chia sẻ với họ hồng ân chúng ta đã nhận lãnh.
Tại Á châu, nơi mà Giáo Hội đang dấn thân trong cuộc đối thoại trân trọng với những tín đồ các tôn giáo khác, chúng ta biết chứng tá ngôn sứ này rất thường diễn ra qua cuộc đối thoại trong cuộc sống.
Chứng tá qua cuộc sống được tình thương của Chúa biến đổi, đối với chúng ta, đó là cách thức tốt đẹp nhất để công bố lời hứa vương quốc hòa giải, công lý và hiệp nhất cho gia đình nhân loại. Tấm gương của chúng ta có thể mở rộng các tâm hồn cho ơn của Chúa Thánh Linh, Đấng dẫn đưa họ về cùng Chúa Kitô Cứu Thế.
- Một hình ảnh khác Chúa cống hiến cho chúng ta trong bữa Tiệc Ly là việc rửa chân. Buổi tối trước khi ra đi chịu nạn, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ như dấu chỉ phục vụ khiêm tốn, yêu thương vô điều kiện, qua đó Chúa dâng hiến chính mạng sống của Ngài trên thập giá để cứu độ trần thế. Thánh Thể là trường dạy khiêm tốn phục vụ, dạy chúng ta sẵn sàng hiện diện cho tha nhân. Cả điều này cũng ở trung tâm sứ mạng làm môn đệ thừa sai.
Ở đây tôi nghĩ đến những hậu quả của cuồng phong. Nó đã gây ra tàn phá lớn lao ở Philippines, nhưng cũng khơi lên một làn sóng liên đới, quảng đại và lòng từ nhân mãnh liệt. Nhiều người dấn thân tái thiết không những gia cư của mình, nhưng cả cuộc sống nữa. Thánh Thể nói với chúng ta về sức mạnh nảy sinh từ thập giá và liên tục mang lại cho chúng ta sức sống mới. Thánh Thể thay đổi con tim, giúp chúng ta trở nên ân cần, bênh vực người nghèo, người dễ bị tổn thương và nhạy cảm đối với tiếng kêu của các anh chị em chúng ta đang ở trong cảnh túng thiếu. Thánh Thể dạy chúng ta hành động liêm chính và từ chối bất công, tham nhũng, làm ô nhiễm căn cội của xã hội.
Và ĐTC kết luận rằng:
”Các bạn thân mến, ước gì Đại Hội Thánh Thể này củng cố anh chị em trong tình yêu đối với Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể. Ước gì Đại hội làm cho anh chị em, như những môn đệ thừa sai, có khả năng mang kinh nghiệm sâu xa này về tình hiệp thông của Giáo Hội và dấn thân truyền giáo cho các gia đình, giáo xứ, các cộng đoàn, và các Giáo Hội địa phương của anh chị em. Ước gì Đại Hội này là men hòa giải và an bình cho toàn thế giới.
Giờ đây, vào cuối Đại Hội này, tôi vui mừng loan báo rằng Đại hội Thánh Thể quốc tế lần tới đây sẽ diễn ra tại Budapest, Hungari, vào năm 2020. Tôi xin tất cả anh chị em hiệp với tôi để cầu nguyện cho Đại Hội Thánh Thể tới đây được phong phú về đàng thiêng liêng và xin Chúa Thánh Linh đổ tràn ơn thiêng trên tất cả những người dấn thân trong công cuộc chuẩn bị. Trong khi anh chị em trở về nhà được canh tân trong đức tin, tôi vui lòng ban phép lành Tòa Thánh cho anh chị em và gia đình anh chị em, như bảo chứng niềm vui và an bình lâu bền trong Chúa.
Xin Thiên Chúa là Cha, là Con và Thánh Thần chúc lành cho anh chị em.
G. Trần Đức Anh OP chuyển ý
Người Công Giáo Trung quốc sống đức tin của mình như thế nào
Mặc dù có những khó khăn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần bày tỏ mong muốn đến thăm Trung quốc.
Đức Thánh Cha Phanxicô, 28 tháng 9 năm 2015:
“Tôi rất muốn đến Trung Quốc. Tôi yêu người dân Trung quốc, tôi yêu họ rất nhiều. Tôi hy vọng rằng sự kiện có thể xảy ra để có mối quan hệ tồn tại tốt đẹp. Chúng ta có nhữn cuộc tiếp xúc, đàm phán, và chúng ta đang hướng về phía trước. Được là bạn bè với một quốc gia như Trung quốc, một quốc gia có rất nhiều nền văn hóa và rất nhiều cơ hội để thực hiện tốt, đó sẽ là một sự vui mừng .”
Mối quan hệ của Trung Quốc với Giáo hội Công giáo đã bị hạn chế kể từ khi Mao Trạch Đông lên nắm quyền. Kết quả là sự hình thành hai cộng đồng riêng biệt: một là cộng đồng Công giáo bị đàn áp và một cộng đồng khác được sản sinh trong sự bí mật ngầm, do chính quyền cộng sản kiểm soát. Cuốn sách “The Gospel beyond the Great Wall” đã giải thích người Công giáo sống ở Trung quốc như thế nào.
Kin Sheung Chiaretto Yan, Tác giả:
“Chỉ có một Giáo Hội tại Trung Quốc, không phải là hai. Tuy nhiên, có hai cộng đồng theo theo đạo. Do vấn đề lịch sử nên đã có những khó khăn. Chúng tôi là cộng đồng chịu bất hạnh nhất và rất khó để chấp nhận cộng đồng khác và hòa nhập với họ. Nhưng chúng tôi trong Năm Thánh Từ Bi và điều này nhắc nhở chúng tôi rằng Giáo Hội phải hướng về lòng thương xót và hòa giải .”
Tổng giám mục Celli làm việc tại Thánh bộ Vatican chịu trách nhiệm về quan hệ đối ngoại với các quốc gia và, cũng như Trung quốc. Ngài nhớ lại những ngày khi cộng đồng hầm trú có 3 giám mục được phong chức cho một giáo phận, vì nếu một người bị cản trở giữ, người kế sẽ tiếp tục. Ngài nhớ lại những người này có một vài thời điểm khó khăn họ dường như đã vượt qua.
Đức Tổng Giám mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội
“Tôi phải nói rằng có nhiều cuộc đối thoại với chính quyền Trung Quốc. Đó là lộ trình không phải là dễ dàng, nhưng có một mong muốn rất lớn để đạt được thỏa thuận là vì lợi ích của Giáo Hội Công Giáo và các tín hữu Trung quốc, cũng góp phần đối với hòa bình quốc tế .”
Người ta ước tính rằng mỗi năm có khoảng 100.000 người được rửa tội ở Trung quốc. Đến năm 2050, Trung quốc có thể là quốc gia Kitô giáo lớn nhất trên thế giới. Điều này sẽ không chỉ thực hiện nguyện vọng của Đức Thánh Cha, mà còn mang đến cho ngài cơ hội là vị giáo hoàng đầu tiên bước chân đến Trung quốc.
Jos. Tú Nạc, NMS
Trung Quốc: Linh mục mong sớm được về quê hương để giúp Giáo hội thống nhất
Thường trú ở Phi Luật Tân từ mười năm nay, linh mục Martin Cui mong sớm được về quê hương để giúp Giáo hội Trung Quốc thống nhất.
Linh mục Martin Cui sinh năm 1984 ở bang Hà Bắc miền Bắc Trung Quốc. Con út của một gia đình có ba anh em, linh mục Martin Cui lớn lên trong một gia đình có truyền thống thúc đẩy con cái mình đi tu. “Một cô giáo dạy giáo lý đã để trong đầu mẹ và dì tôi là mỗi người phải cho Chúa một đứa con của mình, và thế là ơn gọi của tôi được sinh ra .” Martin Cui muốn làm ký giả để đi đây đi đó trên thế giới, nhưng anh cũng muốn vào chủng viện để được đào tạo. Năm 2004, giám mục của anh xin anh đi Phi Luật Tân, vào thời điểm đó, anh cũng chưa tin vào ơn gọi của mình. “Lúc đó các cảm nhận của tôi còn lộn xộn. Đôi khi tôi nghĩ: nếu Chúa gởi tôi đi Phi Luật Tân là vì Ngài muốn tôi thành linh mục, nhưng đôi khi tôi lại muốn thành giáo sư. Tôi cầu nguyện, tôi tĩnh tâm và tôi cảm nhận tôi phải ở lại chủng viện .”
“Một cửa sổ mở ra cho Giáo hội Trung Quốc”
Cách đây hai năm anh được phong phó tế, sau đó anh được phong linh mục ở Phi Luật Tân. Trong khi cha sẵn sàng trở về lại Trung Quốc thì tháng 4 năm 2014, cha được báo phải ở lại Phi Luật Tân thêm hai năm nữa, để làm một nhiệm vụ mới do Đức Giám mục địa phận Manille giao, mục đích là bắt liên lạc với Giáo hội Trung Quốc ở Phi Luật Tân. “Một cách cụ thể là tôi lo cho các linh mục, các nữ tu khi họ đến đây tu nghiệp .” Cha cho rằng kinh nghiệm này là “một cửa sổ mở trên Giáo hội Trung Quốc, một cách gián tiếp giúp đỡ Giáo hội .” Sau mười hai năm ở nước ngoài, bây giờ cha muốn về lại Trung Quốc vì “Trung Quốc thật sự cần linh mục”. “Nhưng bây giờ tôi biết, chương trình của tôi không thể không tránh khỏi chương trình của Chúa!”
Cha nhận xét thấy ở Trung Quốc, các linh mục không những lo sứ vụ mà còn phải lo đối đầu với nhà nước và phải phúc âm hóa. “Ở Phi Luật Tân, chúng tôi chỉ chú tâm lo một sứ vụ, một giáo xứ, trong khi ở Trung Quốc, chung quanh chúng tôi là những người không tin. Có rất nhiều việc phải làm, các linh mục làm việc 24/24 .” Dù các con số thống kê chưa kiểm chứng được nhưng người ta ước lượng có từ 10 đến 12 triệu người công giáo, 1% số dân trên tổng số 1.3 tỷ người Trung Quốc.
“Nếu tôi nói tôi thuộc về Giáo hội chính thức hay Giáo hội chui, như thế là tôi đã chia rẽ .”
Thi hành đúng theo thư của Đức Bênêđictô XVI viết năm 2007 cho người công giáo Trung Quốc, linh mục Martin nói đến một Giáo hội duy nhất. “Nếu tôi nói tôi thuộc về Giáo hội chính thức hay Giáo hội chui, như thế là tôi đã chia rẽ .” Dù vậy, cha biết chính quyền Trung Quốc dùng một nhóm người ủng hộ chính phủ để kiểm soát tất cả các tu sĩ, làm cho họ độc lập với Rôma và phục vụ đảng cộng sản. Các trấn áp, đặc biệt đối với các tu sĩ ‘chui’ thật sự không bao giờ ngừng, dù có những tiến bộ về mặt tự do tôn giáo .” Và đó là điều làm cho công việc phục vụ ở Trung Quốc rắc rối. Những người trung thành với Rôma không muốn dính gì với chính quyền, họ ẩn mình và bị vây dồn. Theo cha Martin Cui, phải cố gắng thương thuyết với chính quyền, một chính quyền cực mạnh nhưng vẫn trung thành với Đức Giáo hoàng. “Đa số các linh mục Trung Quốc đều làm như vậy. Và đó cũng là đường hướng hành động của tôi .”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch