Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

HAPPY NEW YEAR 2016

Filled under:


Posted By Đỗ Lộc Sơn20:47

Bài giảng lễ Hiển Linh - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe cho thấy: Ngay khi Chúa Giêsu giáng sinh thì đã có ba nhóm người tiêu biểu cho ba thái độ của cả nhân loại đối với Chúa Giêsu trong suốt dòng lịch sử, ba thái độ đó là:
 1. Phản ứng của vua Hêrôđê: ganh ghét và thù địch.
Hêrôđê sợ Hài Nhi sẽ can thiệp vào đời sống của kinh đô,
vào quyền thế và ảnh hưởng của mình.
Bởi vậy, thôi thúc đầu tiên trong ông là tìm cách giết Ngài.
Ngày nay cũng vậy vẫn còn nhiều người muốn tiêu diệt Chúa Giêsu,
vì họ chỉ thấy Ngài là người xen vào đời sống họ,
không cho họ làm theo điều mình thích nên họ muốn giết Ngài.
2. Phản ứng của các thượng tế và các kinh sư:
Họ chỉ quan tâm đến lễ nghi tế tự trong đền thờ và những thảo luận về luật,
đến nỗi họ hoàn toàn không để ý gì đến Chúa Giêsu.
Ngài chẳng có nghĩa lý gì đối với họ.
Ngày nay vẫn còn những người chỉ quan tâm đến việc riêng của mình
đến nỗi Chúa Giêsu trở thành vô nghĩa đối với họ, không ảnh hưởng gì trên họ.
Quả thật, các thượng tế và kinh sư tại Giê-ru-sa-lem là những bậc thông thái,
hiểu biết Kinh Thánh,
thông thạo các lẽ đạo của tôn giáo do chính Thiên Chúa thiết lập.
Vì thế, họ đại diện cho những người chính đạo.
Họ là những người có Kinh Thánh trong tay, nắm vững giáo lý của đạo Chúa
họ rao giảng và bảo vệ chân lý của Thiên Chúa.
Nhưng khi Đức Giêsu đến,
những hiểu biết của họ chẳng giúp ích gì cho việc tìm gặp Chúa.
Họ biết rất rõ Đấng Cứu Thế sinh ra tại Bêlem,
nhưng họ biết để mà biết, biết để mà dạy người khác, biết để tự hào rằng mình biết,
chứ không phải biết để áp dụng vào đời sống, để đem ra thực hành.
Vì thế, cái biết của họ trở nên vô dụng cho họ.   
Cũng vậy, rất nhiều Kitô hữu hiểu biết rất sâu xa về Thiên Chúa,
nhưng họ biết chỉ để biết, để khoe khoang, để dạy đời
chứ không phải để áp dụng vào đời sống.
Vì thế, sự hiểu biết ấy không đem lại sự cứu rỗi cho họ.
Chính vì vậy Chúa Giêsu cảnh báo:
«Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá…
Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát» (Mt 7,24.26).
3. Phản ứng của các nhà đạo sĩ:
Với thái độ thành tâm thiện chí,
họ ao ước được đặt nơi chân Chúa Giêsu những tặng vật cao quý nhất.
Khi một người đã nhận ra tình yêu bao la của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu
thì chắc phải đắm chìm trong sự kinh ngạc, yêu mến và ca ngợi Ngài. 
Vậy đạo sĩ, họ là ai?
Họ là những Magi.
Theo Herodotus (1,101,132), Magi nguyên là một chi phái Mêđi.
Người Mêđi là một phần dân thuộc đế quốc Ba Tư.
Họ cố gắng lật đổ người Ba Tư đem chính quyền về cho người Mêđi.
Mưu toan thất bại, từ đó người Magi từ bỏ mọi tham vọng về quyền hành hoặc uy tín và trở nên chi phái tư tế.
Các Magi đối với dân Ba Tư cũng giống như hàng Lêvi đối với dân Israel vậy.
Họ trở thành thầy dạy và giáo dục cho các vua Ba Tư.
Tại Ba Tư không được dâng lễ vật nếu không có một Magi hiện diện,
họ là người của sự thánh thiện và khôn ngoan.
Những người Magi này rất giỏi về triết học, y khoa và khoa học tự nhiên.
Họ cũng là những thầy bói và người giải mộng.
Về sau, chữ Magi càng ngày càng mang nghĩa thấp kém hơn và trở thành chữ thầy bói, phù thủy và lang băm, như Êlyma, thuật sĩ (Cv 13,6.8),
Nhưng thực ra, các Magi không như vậy,
họ là những bậc thánh hiền, là những nhà hiền triết đi tìm chân lý.
Câu chuyện về những mẫu người trên cho chúng ta một bài học quí giá.
Những người tưởng rằng mình đang nắm được Thiên Chúa
thì lại chẳng bao giờ gặp được Ngài.
Cho nên muốn gặp Thiên Chúa,
ta phải không ngừng lên đường tìm kiếm, ra sức thực hiện những điều Chúa dạy,
thì mới hy vọng gặp được Chúa.
Thật vậy, những ai dù đang theo chính đạo, tự hào tự mãn về chính đạo của mình,
tưởng mình đang nắm được chân lý trong tay,
nhưng trong thực tế lại không sống đạo của mình,
họ sẽ trở thành những kẻ tự lừa dối chính mình:
«Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình» (Gc 1,22).
Những ai chỉ biết rao giảng Lời Chúa cho người khác,
còn chính bản thân mình lại không thèm áp dụng,
hãy lo ngại cho số phận mình như thánh Phao-lô:
«Tôi phải bắt thân thể tôi chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại bỏ» (1Cr 9,27).
Quả thực có một sự thật vô cùng trớ trêu là:
khi vị Cứu Tinh xuất hiện sau bao thế kỷ đợi chờ,
dân Do thái lại thờ ơ lãnh đạm,
các thượng tế và kinh sư thì dửng dưng,
Hêrôđê lại hoảng hốt vì sợ ngai vàng của mình bị lung lay.
thì các đạo sĩ, đại diện cho lương dân lại hăng hái lên đường,
hăm hở tìm kiếm, cho dù cuộc kiếm tìm đầy phiêu lưu trắc trở.
Và khi tìm được rồi,
Đấng Cứu Thế cũng chẳng có vẻ gì là một vị quân vương,
không uy nghi trong cung điện đền vàng,
nhưng họ vẫn vui mừng đón nhận,
xin được bái kiến và dâng lễ vật quý giá với tất cả tấm lòng thành. Amen.







Posted By Đỗ Lộc Sơn10:10

Tản Mạn Đầu Năm

Filled under:

Cung Chúc Tân XuânHappy New Year. Cung Chúc Tân NhânHappy New YouHoly New You.
Năm 2016 là năm Bính Thân (Hán tự: 丙 申). Bính Thân là sự kết hợp thứ 33 trong hệ thống đánh số Can Chi của người Á Đông. Nó được kết hợp từ thiên can Bính (Hỏa dương) và địa chi Thân (Khỉ). Năm nào cũng thế thôi, tin dị đoan là nhảm nhí. Vì con người đặt “tên” cho các năm, sao không chọn những con “tốt lành” mà lại chọn con vật “khó ưa” mà rồi than là… xui? Thật là vô lý!
Quan niệm ăn sâu vào tâm khảm, thế nên có những người mệnh danh là Kitô hữu mà vẫn xem sách bói toán (bán dạo và bán đầy lề đường) để biết năm mới sẽ hên hay xui, may hay rủi. Kitô hữu như thế thì đức tin ở đâu? Hàng ngày vẫn luôn miệng cầu xin: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”. Như vậy là thế nào? Là vẹt hay giả hình?
Năm cũ qua, năm mới tới. Người ta có lệ “tống cựu, nghinh tân”. Bỏ cái cũ nếu nó xấu, nếu nó tốt thì không bỏ. Không phải cứ cái gì cũ cũng bỏ hết trơn, bỏ tất tần tật. Năm nào cũng vậy thôi, có thành công và thất bại, có niềm vui và nỗi buồn, có nụ cười và nước mắt,... Năm mới khởi đầu, và những cái khởi sự mới cũng đang cần được bắt đầu: Canh tân, sám hối, chấn chỉnh, quyết tâm, tha thứ,...
Danh nhân Blaise Pascal (1623-1662) nhận định rất chí lý: “Thiên Chúa là Đấng không thể dò thấu. Chúng ta không thể nói được gì về Thiên Chúa. Tất cả những gì chúng ta nói về Thiên Chúa đều chỉ là tưởng tượng. Hãy tín thác vào Thiên Chúa với niềm tin tuyệt đối, có lý trí minh mẫn chứ không mù quáng hoặc miễn cưỡng.
Đây là 10 sứ điệp của các danh nhân nhắn nhủ với chúng ta trong năm mới này... Hãy cố gắng hành động ngay!
1. ĐAM MÊ. Anthony Robbins nói: Không có sự vĩ đại nếu không có niềm đam mê lớn, niềm đam mê đó tạo nên tên tuổi các nghệ sĩ, vận động viên, khoa học gia, người cha, người mẹ, doanh nhân,...”. Thật vậy, muốn đạt tới sự vĩ đại, bạn phải yêu thích chính những gì bạn làm. Ngay cả thập giá cũng vậy, không đam mê không vác nổi đâu!
2. ƯỚC. Johann Wolfgang von Goethe nói: “Bất cứ điều gì bạn có thể làm hoặc muốn làm, hãy bắt đầu ngay. Can đảm có tố chất thiên tài, sự kỳ diệu và sức mạnh”. Cứ ngại, cứ sợ, chẳng bao giờ làm được gì. Dám làm là tự tin, dám làm là yếu tố dẫn tới thành công, hãy dám làm những gì bạn mơ ước và phải khéo léo vận dụng.
3. HÀNH TRÌNH. Henry Boyle nói: “Hành trình quan trọng nhất trong đời là gặp gỡ người khác trên đường đi”. Gặp gỡ thân mật với nụ cười chứ không chỉ nhìn nhau rồi thôi. Yêu thương khởi đầu từ nụ cười, ánh mắt, rồi mới có thể hành động cụ thể. Cảm thông và hiểu người khác có thể tạo nên sự khác biệt.
4. TÌM QUÊN. Og Mandino nói: “Khi bạn sai lầm hoặc thất vọng, đừng quay lại nhìn nó quá lâu. Lỗi lầm là cách cuộc đời dạy chúng ta. Việc phạm sai lầm khác với việc đạt mục đích. Không ai hoàn toàn chiến thắng, thất bại là mẹ thành công, thất bại chỉ là một phần trong quá trình phát triển. Hãy quên đi các lỗi lầm. Làm sao bạn biết mình hữu hạn? Hãy đứng dậy và bước tới!”. Nhân vô thập toàn, không ai không sai lầm, chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng chí thiện. Biết vậy không phải để ỷ lại mà để cố gắng sống tốt. Sai thì sửa, té ngã thì đứng dậy, đừng nằm lì ra đó!
5. TÔI LÀ TÔI. Steve Jobs nói: “Thời giờ có hạn, đừng lãng phí thời gian mà sống bằng cuộc đời của người khác. Đừng sập bẫy giáo điều – tức là sống theo suy nghĩ của người khác mà không dám là chính mình. Đừng lệ thuộc ý kiến của người khác mà đánh mất chính mình. Quan trọng nhất là hãy can đảm theo con timtrực giác của mình. Đó là cách bạn thực sự muốn cho mình, mọi thứ khác là thứ cấp”. Dĩ nhiên chúng ta không bảo thủ hoặc coi thường ý kiến của người khác, nhưng đừng lệ thuộc người khác. Ý kiến của người khác cũng đa dạng, cần biết minh định rạch ròi, nếu yếu bóng vía thì bạn sẽ “qụy ngã” vì các tin đồn của các “bà tám” hoặc “ông tám”.
6. TIN TƯỞNG. Marie Curie nói: “Cuộc sống không dễ dàng đối với bất cứ ai. Vậy là sao? Chúng ta phải kiên trìtự tin. Chúng ta phải tin rằng mình có tài về lĩnh vực nào đó, và chúng ta sẽ đạt được như lòng mong ước”. Cuộc đời không như tấm thảm êm đềm, mà luôn gập gềnh, khúc khuỷu. Đôi khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi vì số kiếp lận đận. Nhưg không phải vậy, vì cụ Phan Bội Châu đã nói: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?”. Những người có tên tuổi đều là những người đã chịu nhiều thất bại, đau khổ, họ hơn chúng ta vì họ có ý chí sắt thép. Thánh Phaolô đã chịu nhiều thử thách nhưng vẫn không đầu hàng trước số phận, lại còn “tự hào về những yếu đuối của mình” (2 Cr 11:1-33). Lòng tự tin của Thánh Phaolô là niềm tín thác vào Đức Giêsu Kitô.
7. CƠ HỘI. Oprah Winfrey nói: “Cuối năm không là kết thúc cũng không là khởi đầu, mà là tiếp tục với sự khôn ngoan từ kinh nghiệm thấm nhuần trong chúng ta. Chào đón năm mới, đó là cơ hội mới để chúng ta phấn đấu”. Hãy rút lấy các bài học quý giá từ kinh nghiệm, và hãy áp dụng các bài học “xương máu” đó trong năm mới này. Rút ra rồi đừng để đó hoặc than thân trách phận, hãy quyết tâm cố gắng làm tốt hơn năm cũ.
8. KHỞI ĐẦU. Mẹ Teresa Calcutta nói: “Hôm qua đã qua. Ngày mai chưa tới. Chúng ta chỉ có hôm nay. Hãy bắt đầu từ hôm nay”. Thời gian là của Chúa. Chúng ta không làm chủ thời gian nhưng được quyền quản lý thời gian. Thời gian hiện tại rất quý. Hãy tập trung vào hôm nay, đừng ủ rũ vì quá khứ và mơ mộng với tương lai. Có hôm qua mới có hôm nay, có hôm nay mới có ngày mai. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay, ngay bây giờ!
9. NÊN MỚI. Lão Tử nói: “Khi tôi cởi bỏ chính tôi, tôi trở nên cái tôi phải là”. Điều đó có nghĩa là cứ mãi là chính mình chứ không là bản sao của người khác. Hãy tập trung vào con người mà bạn muốn trở nên, cứ trở nên dần dần, cứ từ từ, từng chút một. Đường gần hoặc xa không thành vấn đề, mà vấn đề là bạn có bước từng bước hay không. Chẳng ai có thể nhảy một cái là tới ngay nơi mình muốn đến. Chính những bước nhỏ lại có thể tạo nên hành trình dài. Kỳ lạ thật!
10. THỰC HIỆN. Mae Jemison nói: “Vị trí của bạn trong thế giới này là chính cuộc đời bạn. Hãy bước đi và làm những gì bạn có thể, hãy làm cho cuộc đời mình như bạn muốn”. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, chính cha mẹ hoặc người thân cũng không ai có thể giúp gì hơn. Dám làm thì dám chịu. Vả lại, Thánh Phêrô đã nói rõ: “Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử” (1 Pr 1:17).
Khởi đầu năm mới, hãy ghi nhớ: “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13:8). Đặc biệt hơn, năm nay là Năm Thánh Lòng Thương Xót, hãy luôn tâm niệm: Thương xót như Chúa Cha – Misericordes sicut Pater” (Lc 6:36).
Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, con xin tạ ơn Ngài đã cho sống đến giây phút này, con chân thành xin lỗi Ngài về những lỗi lầm và những động thái hờ hững trong năm qua. Trong năm mới này, xin ân thương biến đổi con nên khí cụ bình an và nên giống Tôn Nhan Thương Xót của Ngài. Xin Đức Mẹ Maria, Đức Thánh Giuse, chư thần, chư thánh và các linh hồn nguyện giúp cầu thay. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ của con. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Giao thừa 2015-2016

Posted By Đỗ Lộc Sơn10:08

Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

Filled under:

CHÚA TỎ MÌNH RA CHO NHỮNG TÂM HỒN THIỆN CHÍ

Bài Tin Mừng hôm nay đưa ra những chi tiết tương phản lạ thường.

Tương phản giữa Giêrusalem và Bêlem: Giêrusalem, thủ đô hoa lệ, trung tâm văn hoá chính trị của nước Do thái, nhưng đã khước từ, không đón tiếp Đấng Cứu thế. Trong khi đó, Bêlem, một thị trấn bé nhỏ, nghèo nàn lại là nơi đón tiếp Đấng Cứu thế hạ sinh.

Tương phản giữa những người có đạo và những người ngoại đạo: Các bậc chức sắc thông thạo Kinh thánh, nhưng chỉ ngồi im tại kinh thành, không chịu lên đường, nên không gặp được Đấng Cứu thế. Trái lại, ba nhà đạo sĩ mà ta quen gọi là Ba Vua, là những người ngoại đạo, không am tường Kinh thánh, nhưng đã biết tìm tòi học hỏi, dấn thân lên đường, nên đã gặp được Chúa.
Tương phản giữa Vua giả và Vua thật: Hêrôđê được gọi là Vua, nhưng lại cứ nơm nớp lo âu, sợ mất ngai vàng, nên tìm cách tiêu diệt người khác. Trong khi đó, Đức Giêsu Kitô, Vua Trời lại thản nhiên bình an trong cảnh khó nghèo, mở rộng vòng tay đón tiếp mọi người xa gần.

Tất cả những tương phản ấy đáng cho ta suy nghĩ. Đấng Cứu thế không đến theo cơ chế, nhưng rất bất ngờ. Người không đến trong những cung điện sang trọng nhưng đến trong một chuồng bò tăm tối, hôi tanh. Người không đến trong quyền lực nhưng trong sự yếu đuối, khiêm nhường.

Tất cả những tương phản ấy khiến ta phải lo sợ. Không phải cứ có đạo là gặp đựơc Chúa. Không phải cứ giỏi giáo lý là biết Chúa. Muốn gặp được Chúa phải có thiện chí đi tìm. Muốn biết Chúa, phải dấn thân lên đường.

Ba Vua là những người ngoại đạo đến từ rất xa, nhưng đã trở nên gương mẫu cho ta trong việc đi tìm và hiểu biết Chúa. Các Ngài là những tâm hồn thiện chí.

Là những tâm hồn thiện chí, luôn luôn khao khát điều lành, nên các Ngài luôn để tâm tìm kiếm. Đêm đêm ngước mắt lên trời cố dò tìm dấu vết thần linh. Chắc chắn không phải chỉ trong phút chốc mà các Ngài phát giác ra ngôi sao lạ, nhưng phải trải qua nhiều năm tháng kiên trì chiêm ngắm bầu trời, cặn kẽ theo dõi đường chuyển dịch của các vì tinh tú, các Ngài mới có thể nhận biết ngôi sao lạ khi nó xuất hiện.

Việc đi theo ngôi sao lạ cũng không giản đơn. Trước hết việc lên đường đòi phải ra khỏi nhà, giã từ những tiện nghi dễ chịu, từ bỏ những sinh hoạt quen thuộc, chấp nhận những thiếu thốn, những nguy hiểm, những bất tiện trên đường đi. Thiện chí của các Ngài rất cao, nên khi ngôi sao biến mất, các Ngài vẫn không nản lòng bỏ cuộc, nhưng tìm mọi cách vượt qua khó khăn, tìm mọi cách để đến gặp được Chúa. Chúa đã chúc lành cho thiện chí của các Ngài, nên đã cho các Ngài được gặp Chúa.

Đời sống chúng ta là một cuộc đi tìm Chúa. Trong cuộc đi tìm, ta phải có thiện chí như Ba Vua, biết dấn thân lên đường, biết phấn đấu chấp nhận hy sinh gian khổ, biết kiên trì không nản lòng bỏ cuộc khi gặp thử thách.

Ba Vua không thể đến với Chúa nếu không có ngôi sao dẫn đường. Hôm nay, Chúa muốn mỗi người chúng ta là một ngôi sao lạ, loan báo tình thương của Chúa, đưa dẫn những tâm hồn thiện chí đến với Chúa. Hãy là ngôi sao sáng trong đời sống công bình. Hãy chiếu sáng đức thương yêu của Chúa. Hãy toả ánh sáng ấm áp tình người. Qua những làn ánh sáng ấy, mọi người sẽ nhận biết và tìm về với Thiên chúa là ánh sáng chân thật.

Để kết thúc, tôi xin kể một câu chuyện có thật. Một buổi chiều, một người lái xe con đi trên con đường miền núi vắng vẻ. ở một khúc quanh, người ấy phát hiện một gia đình bị hỏng xe. Đường vắng, trời tối, họ lo âu sợ hãi vì đó là đoạn đường thường xảy ra cướp bóc. Biết sửa chữa xe, nên người ấy đỗ xe, xuống giúp sửa chữa. Xe hỏng nặng. Người ấy phải chui vào gầm xe, tháo ra từng bộ phận. Tối mịt xe mới nổ máy. Cả gia đình mừng rỡ, muốn trả công cho người ấy. Nhưng người ấy không lấy công. Cả gia đình cám ơn rối rít và xin địa chỉ hẹn ngày lên thăm. Khi lên thăm, gia đình mới biết đó là một vị giám mục. Gia đình đem lòng cảm phục và xin theo đạo cả nhà. Vị Giám mục ấy chính là một Đức Cha ở cao nguyên Trung phần vào những năm 60.

Nhân dịp đầu năm mới, tôi xin cầu chúc tất cả anh chị em có một đời sống đạo trong sáng như ngôi sao sáng để đưa dẫn nhiều tâm hồn về với Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Ba Vua thiện chí ở những điểm nào?
2. Bạn có gặp thử thách trong đời sống đạo không? Khi gặp thử thách, bạn đã ứng xử thế nào?
3. Theo bạn, cách nào hữu hiệu nhất để làm chứng cho Chúa: giảng giáo lý, tranh luận, sống bác ái?
4- Tuần này, bạn quyết tâm làm gì để thực hành Lời Chúa?

Gọi tên ngày lễ - ĐGM Giuse Vũ Duy Thống.
(Trích trong ‘VỚI CẢ TÂM TÌNH’ – Trg. 31)

Trong dịp tĩnh tâm Mùa Vọng ở một giáo xứ, có người bạn trẻ đã nêu lên câu hỏi liên quan đến Thánh Lễ hôm nay: “Tại sao ngày nay Phụng Vụ không sử dụng tên gọi lễ Ba Vua nữa? Phải chăng rốt cuộc chẳng có ông vua nào đến viếng Hang đá cả?”.

Câu hỏi ấy trực tiếp về mặt kiến thức, không khó trả lời; nhưng gián tiếp về mặt tâm linh, lại hé mở cho thấy đức tin hôm nay xem ra đang có nhu cầu tìm hiểu. Đã đành, hiểu chưa phải là tin hay chưa hẳn đã tin, nhưng một phần nào cũng góp phần dẫn tới đức tin cho người chưa tin, đào sâu đức tin cho người đã biết, và cũng quan trọng không kém là củng cố sức mạnh cho những niềm tin đang ở trong tình trạng nhạt nhòa.

Niềm tin là một công trình còn phải dựng xây và là một hành trình còn phải tiếp tục. Trên cơ sở ấy, xin đi vào Thánh Lễ hôm nay.

1) Từ tên gọi “lễ Ba Vua” …
Đây là tên gọi quen dùng đối với tín hữu Việt Nam, để chỉ về việc các Đạo sĩ Đông Phương tìm đến Hang đá viếng Chúa Hài Đồng. Gọi là vua vì họ là những bậc quyền quý đến từ phương Đông theo nhãn giới của bài đọc thứ nhất; và xác định con số ba vì có ba sắc dân được nói đến trong Isaia 60, mà cũng vì lễ vật tiến dâng được liệt kê ba món rành rành là vàng, nhũ hương và mộc dược, như chuyện kể của Phúc Âm. Để rồi cứ thế theo truyền thống, Ba Vua đã trở nên tên gọi cho ngày lễ.

Nhưng điều quan trọng không phải là lo xác định họ là vua hay không phải là vua, họ có ba vị hay có thể có nhiều hơn nữa, mà chính là hãy nhìn họ như hình ảnh sống động của tất cả những ai trong đời đã có một lòng khát khao chân thành tìm kiếm Thiên Chúa khởi đi từ những thiện hảo tốt lành, để rồi với sự trợ giúp của ơn thánh, tới lúc Chúa muốn và bằng muôn ngàn cách thế linh động theo sáng kiến của Ngài, họ sẽ được dẫn tới gặp gỡ Đấng họ nỗ lực tìm kiếm.

Dưới cái tên gọi “lễ Ba Vua”, chính là một thiện chí tìm kiếm đức tin. Nhưng cũng dưới tên gọi ấy, trong bối cảnh của trang Tin Mừng, người ta lại còn thấy cả một đối chứng đau lòng. Trong khi dân ngoại từ xa, dẫu chẳng hề biết đến lời hứa để mà hy vọng, chẳng hề có được giao ước để mà tin tưởng, và cũng chẳng hề được dẫn đường bởi lề luật, nhưng lại chân thành tìm kiếm và sẵn sàng vượt qua những chặng đường gian khổ để mà tìm gặp; thì ngược lại, dân Do Thái ở gần, dẫu có tất cả thuận lợi của một truyền thống dài lâu chờ mong Đấng Cứu Thế, lại không mảy may kiếm tìm, và tệ hại hơn nữa, còn xôn xao về chính việc Chúa đến, không phải vì hối hận về việc mình không sẵn sàng, mà vì lo ngại rằng Chúa đến sẽ đặt dấu chấm hết cho cả một cơ chế họ đã bao đời gầy dựng. Không lạ gì nếu cơ chế ấy đã sản sinh ra những khuôn mặt như Hêrôđê!

Hóa ra, Ba Vua tìm Chúa với lễ vật lòng thành, khi về đã thấy mình là những kẻ tin; còn Hêrôđê tìm Chúa với ác tâm tận diệt, mãi mãi sẽ thấy mình chỉ là một bạo chúa.

2) … Đến tên gọi “lễ Hiển Linh” …
Mặc dù tên gọi “lễ Ba Vua” vẫn giữ nguyên giá trị cổ kính, nhưng ngày nay Phụng Vụ thích sử dụng tên gọi “lễ Hiển Linh” hơn, chẳng phải vì tên gọi đó nghe kêu hơn hoặc hiểm hóc hơn, cũng chẳng phải để tránh né những câu hỏi không cần thiết về những chi tiết nhiều khi chỉ làm cho ngày lễ thêm rườm rà; mà thật ra là để làm nổi bật lên ý định mầu nhiệm chung nhất của Thiên Chúa trong Mùa Giáng Sinh. Đó là: Ngài muốn tỏ mình ra cho tất cả mọi người, mọi thời, bất luận họ là ai và ở đâu, miễn là họ biết chân thành kiếm tìm Ngài.

Nếu “Ba Vua” là tên gọi nói lên thiện chí của con người, thì “Hiển Linh” là danh xưng khẳng định hồng ân của Thiên Chúa. Thiện chí thôi, dẫu rất lớn, vẫn chỉ là khởi điểm; nhưng chính hồng ân Hiển Linh mới là kết điểm mở ra những mùa gặp gỡ. Và tới phiên mình, mỗi lần gặp gỡ tại kết điểm hành trình, lại là một khởi điểm mới cho hành trình tìm kiếm mới, với những thiện chí mới nhằm vươn lên những đỉnh cao mới. Và gặp gỡ như thế là một cuộc đổi đời. Vì thiện chí luôn tìm kiếm hồng ân, mà cũng vì hồng ân luôn đợi chờ một thiện chí biến đổi cuộc đời. Ba Vua gặp Chúa với cả tâm tình được thể hiện qua những lễ vật tiến dâng, họ đã được soi sáng để theo đường khác mà về nhà. Và ở đó sẽ là những cuộc Hiển Linh mới trong đời sống thường ngày.

Gặp ai thì cũng có thể gỡ ra được, nhưng thiện chí con người một khi đã gặp được Thiên Chúa vốn từ bao giờ đã sẵn tỏ mình ra, thì sẽ không thể gỡ ra được nữa. Người ta thành người nhà của Thiên Chúa, và trong mắt nhìn của Phaolô, người ta dẫu xa cũng hóa gần, dẫu lạ cũng nên quen, dẫu gốc gác thế nào đi nữa “cũng cùng được thừa hưởng gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (bài đọc thứ hai). Hiển Linh chính là tên gọi khác của mầu nhiệm Nhập Thể, của danh xưng Emmanuel và của bốn mùa gặp gỡ.

3) … Để dẫn tới sứ điệp đời sống.
“Lễ Ba Vua” hay “Lễ Hiển Linh”, mỗi tên gọi có những bước nhấn riêng, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là một mầu nhiệm gặp gỡ mà Thiên Chúa từ bao thuở đã mở ra cho những kẻ biết kiếm tìm. Thế nên đây không chỉ là một biến cố của ngày đã qua, mà còn là một sứ điệp của ngày hôm nay và cho những ngày sẽ tới. Chúa vẫn tỏ mình, nhưng vấn đề là người ta có thiện chí đến gặp Ngài không.

Hôm qua đã có một nghịch lý là những kẻ đến gặp Chúa đều là những kẻ thành tâm như các mục đồng tại Bêlem, như cụ già Simêon tại Đền Thánh, như những Đạo sĩ hôm nay từ xa đến; còn toàn thể xã hội tôn giáo Do Thái lại hầu như vắng bóng, hay nếu có thì chỉ như một lực cản đáng buồn. Thế đấy! điều tưởng như thuận lợi lại là một cạm bẫy dẫn tới sự thảm bại, còn điều tưởng chừng như bất lợi lại trở nên lợi thế cho việc gặp Chúa. Liệu nghịch lý ấy hôm nay còn có mặt trong đời sống đức tin của cộng đoàn cũng như của mỗi cá nhân?

Trả lời câu hỏi ấy với quyết tâm khởi hành trên con đường mới, thiết tưởng sẽ là một điều tích cực trong Mùa Giáng Sinh. Nhưng điều tích cực hơn của ngày lễ hôm nay không chỉ là sứ điệp hoán cải, mà chính là lời mời gọi mở rộng tấm lòng, mà trân trọng tất cả những người không cùng chia sẻ một niềm tin với mình, bởi lẽ họ cũng có chỗ đứng trong tấm lòng hiển linh của Chúa. Ơn cứu độ là phổ quát. Và nếu nét đặc trưng của lễ Hiển Linh là ánh sao dẫn đường, thì trách nhiệm của những kẻ đã được gặp gỡ Thiên Chúa sẽ không chỉ thu hẹp trong đời sống cá nhân tu thân tích đức, mà còn hướng tới sứ vụ đối với những kẻ lân cận mình. Những chứng tá đức tin cậy mến, những gương sáng đời sống gia đình, những nỗ lực thực thi các giá trị Phúc Âm chính là những ánh sao cụ thể soi đường truyền giáo.

Nếu mỗi kẻ tin là ánh sao, con đường gặp gỡ biết bao sáng ngời, và lời tiên báo của tiên tri Isaia sẽ nên hiện thực hiển linh cho đời.

Tóm lại, khởi đi từ cách hiểu về tên gọi của ngày lễ để dẫn tới đời sống đức tin, đó là chủ đích của những điều chia sẻ trên đây. Nhưng từ hiểu biết đến đức tin, khoảng cách vẫn không nhỏ. Chính Phúc Âm hôm nay là một kinh nghiệm. Xin đừng để kinh nghiệm ấy mãi còn là một nghịch lý không thể vượt qua. Nhưng hãy để kinh nghiệm ấy biến thành những kinh nguyện quyết tâm mở sang cuộc sống mới. Và đó chính là cách gọi tên cụ thể một ngày lễ.

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:15

Kitô hữu và người Ấn giáo cùng mừng lễ Giáng sinh

Filled under:

Kitô hữu và người Ấn giáo cùng mừng lễ Giáng sinh.
Ấn Ðộ (WHÐ 29-12-2015) - Tại bang Meghalaya thuộc Ðông Bắc Ấn Ðộ, các Kitô hữu đã hân hoan cử hành Thánh lễ đêm Giáng sinh 24 tháng 12 năm 2015, chúc mừng và tặng quà cho nhau.
Người Ấn giáo cũng tham gia các cử hành mừng Chúa Kitô Giáng sinh trong tiểu bang có đến 80% dân số là Kitô hữu này.
Các giám mục và mục sư chủ sự các cử hành phụng vụ và giảng lễ tại nhiều Nhà thờ chính toà và các nhà thờ của nhiều hệ phái Kitô giáo khác nhau ở thủ phủ Shillong của tiểu bang.
Ðức Tổng Giám mục Công giáo Dominic Jala, Tổng giáo phận Shillong, đã chủ sự Thánh lễ Ðêm Giáng sinh tại bệnh viện Nazareth và sau đó tại Nhà thờ Thánh Giuse ở khu vực Laitkor. Trong bài giảng, Ðức cha Jala kêu gọi mọi người gìn giữ lý tưởng tình yêu và tình huynh đệ phổ quát.
Người Ấn giáo cũng mừng lễ Giáng sinh theo cách riêng của họ. Uỷ ban puja trung ương - cơ quan cao nhất của Ấn giáo - đã tổ chức một sự kiện để mừng Giáng sinh. Tổ chức Ramakrishna Mission ở Shillong mừng lễ Giáng sinh theo "phong cách Ấn giáo" bằng cách hát các bài shloka và dâng lên Chúa Giêsu các puja (lời kinh nguyện).
Trong dịp này, nhiều nhà lãnh đạo của các đảng chính trị khác nhau đã gửi lời chúc mừng Giáng sinh đến dân chúng.
Ông Mukul Sangma, Thủ hiến bang Meghalaya nói: "Một lần nữa Giáng sinh lại trở về, đây là mùa của bình an, tình yêu và thiện chí. Mong sao ngày sinh nhật của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta đổ đầy tâm hồn chúng ta sự bình an, tình yêu, hy vọng và thiện chí, tinh thần thực sự của Giáng sinh. Xin cho Giáng Sinh này thắp lên tinh thần yêu thương, lòng thương xót và tha thứ trong lòng dân tộc".
Thống đốc Meghalaya, ông K.K. Paul, nói: tinh thần và sự ấm áp của Giáng sinh sẽ đem lại hoà bình lâu dài, tình huynh đệ, thịnh vượng và hạnh phúc cho đời sống của mọi người dân trong tiểu bang.
(Nguồn: Matters India)

Người Hồi giáo bảo vệ nhà thờ ở Pháp trong đêm Giáng Sinh

http://baoconggiao.com/uploads/news/2015_12/nguoi-hoi-giao-bao-ve-nha-tho-o-phap-trong-dem-giang-sinh.jpg
Các nhà thờ có lẽ là nơi được bảo vệ nhất trong đêm Giáng Sinh ở Pháp. Đã một tháng rưỡi trôi qua kể từ vụ tấn công khủng bố Paris, trong Đêm và Rạng ngày Giáng Sinh, có khoảng 120.000 cảnh sát, cảnh vệ và binh lính canh giữ bên ngoài các nhà thờ Kitô giáo.
 
Nhưng ở một thành phố miền bắc nước Pháp, một nhà thờ Công giáo được thêm sự bảo vệ đặc biệt, nhờ hành động thiện chí của những người Hồi giáo trong vùng.
 
Khoảng chục người Hồi giáo đến bảo vệ nhà thờ ở thành phố Lens, trong vùng Pas-de-Calais, trong thánh lễ đêm ngày thứ năm, 24-12.
 
Quyết định này đến sau khi Bộ Nội vụ Pháp cảnh báo cần pbải ‘cảnh giác đặc biệt’ trong thánh lễ Giáng Sinh.
 
Ông Abdelkader Aoussedj, chủ tịch Liên minh Hồi giáo Bắc Pas-de-Calais, cho biết, ‘Khá là bình thường khi người Hồi giáo tôn trọng các tôn giáo khác, và đây là một hành động làm vinh danh mọi người Hồi giáo, khi sát cánh cùng với người dân nước mình.’ Khởi xướng này muốn đem lại một hình ảnh khác cho người Hồi giáo.
 
Chúng tôi muốn chuyện này sẽ có ở mọi nơi, đặc biệt là trong thời điểm người Hồi giáo bị xem là xấu xa. Đây mới là Hồi giáo đích thực, không dính dáng gì đến những kẻ ngu ngốc kia, những con sâu làm rầu nồi canh.’
 
Khoảng 200 tín hữu đã tham dự thánh lễ Đêm Giáng Sinh. Linh mục chủ tế đã có hành động cảm kích bằng cách giới thiệu các đại diện Hồi giáo là ‘ánh sáng của Bê-lem.’
 
Một đại diện của nhóm Hồi giáo đã có lời với cộng đoàn, ‘Thật là vinh hạnh khi đón nhận ánh sáng hòa bình hôm nay. Hồi giáo cũng là một tôn giáo kêu gọi hòa bình.’
 
Một giáo dân cho biết, ‘Họ là anh em với chúng tôi. Và là anh em, không có lý gì chúng tôi lại không chia sẻ ánh sáng với họ. Chúng tôi nhiều điểm chung, và rất ít khác biệt.’
 
J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:06

5 Phút cho Lời Chúa 31/12/2015

Filled under:

QUYỀN LÀM NGƯỜI – QUYỀN LÀM CON THIÊN CHÚA
Những ai đón nhận (Ngôi Lời), tức là tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền làm con Thiên Chúa. (Ga 1,12)
Suy niệm: Vụ án mạng đầu tiên được thuật lại trong Thánh Kinh là vụ Ca-in giết em là A-ben. Mặc dù luật Mô-sê qui định “ai giết người, kẻ ấy sẽ phải chết” (Lv. 24,17), Thiên Chúa đã không xử tử hình Cain, hay đúng hơn, việc thi hành án được ‘treo’ lại, để Người ‘xử’ một cách ‘rốt ráo’ qua việc Con Thiên Chúa phải ‘lưu đày’ xuống trần gian trước khi ‘thụ án’ tử hình trên thập giá. Nếu như nhiều học giả coi Phúc Âm Gio-an được trình bày như bút lục của vụ án Giêsu thì phần mở đầu Phúc Âm hôm nay có thể nói là đúc kết lời tuyên án, một lời tuyên án có hậu cho loài người: Con Thiên Chúa làm người để chúng ta được tái hưởng “quyền làm con Thiên Chúa”.
Mời Bạn: Quyền làm người quá lớn đến nỗi không tội lỗi nào kể cả tội nguyên tổ có thể xoá bỏ được, bởi vì ngay từ khi con người được tạo dựng, quyền làm người đã bao hàm quyền làm con Thiên Chúa. Công việc nhập thể làm người của Đức Kitô là để phục hồi trọn vẹn cho chúng ta quyền làm người và làm con Thiên Chúa. Quyền làm người ngày nay đang bị xúc phạm nặng nề: từ phá thai đến an tử và mọi thứ áp bức bất công. Là kitô hữu, bạn được mời gọi tiếp bước Đức Ki-tô bảo vệ quyền làm người từ lúc thụ thai đến hơi thở cuối cùng.
Sống Lời Chúa: Tích cực tham gia hoạt động bảo vệ sự sống con người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, đã hơn 2.000 năm, Chúa giáng sinh làm người để phục hồi cho chúng con phẩm giá làm con cái Chúa; thế mà ngày nay người ta vẫn còn chà đạp lên nhân phẩm của nhau. Xin cho con biết thao thức và hành động để nhân phẩm được tôn trọng hơn.

THÁNH SILVÊTÊ I GIÁO HOÀNG
Thánh Silvêtê được liệt vào số các vị thánh Giáo Hoàng và quý danh ngài được ghi vào kinh cầu các thánh. Sở dĩ ngài được vinh dự như thế là nhờ có đời sống cá nhân thánh thiện và lại có công cải tổ phụng vụ Kitô giáo. Hơn nữa trong triều đại Giáo Hoàng của ngài có nhiều biến cố lớn đánh dấu một bước tiến vượt mức của Giáo hội Công giáo. Trong số đó có hai biến cố quan trọng nhất là việc tổ chức công đồng chung đầu tiên của Giáo hội Công giáo tại Nicêa và biến cố thứ hai không kém quan trọng là vua Constantinô trở lại và do đó Giáo hội được hòa bình.
Thánh Silvêtê sinh vào quãng năm 270 tại Rôma. Từ buổi thơ ấu ngài đã được một vị linh mục thánh thiện hướng dẫn, nên trong thời niên thiếu cũng như sau này trên ngai Giáo Hoàng, ngài chiếu giãi nhiều nhân đức cao đẹp. Năm 30 tuổi ngài thụ phong linh mục do chính tay vị Giáo Hoàng Mácxellinộ Được hồng ân đó cha Silvêtê cũng cố gắng sống thánh thiện xứng đáng tước vị cao cả. Ngài sống một đời sống linh mục gương mẫu, nhiệt thành và bác ái. Với tính tình hòa nhã, dễ thông cảm, cha Silvêtê gặt được nhiều kết quả trong công cuộc tông đồ, được mọi người quý mến.
Khi thánh Giáo Hoàng Menkiát băng hà, toàn thể giáo dân cũng như giáo sĩ đồng thanh chọn ngài kế vị. Với lòng khiêm nhường, ngài từ chối. Nhưng sau hiểu biết thánh ý Chúa ngài lĩnh nhận trách vụ nặng nề. Ngài lên ngôi giữa lúc Giáo hội bị nghiêng ngả vì những cuộc bách hại liên tiếp. Vì cơn khủng bố quá gắt gao, buộc lòng ngài phải trốn khỏi đền Giáo Hoàng đến ẩn tại núi Soractê cách Rôma độ bảy dậm để lánh nạn.
May thay cuộc bắt bớ tuy dữ dằn nhưng không kéo dài, và sau khi vua Constantinô trở lại, đạo Công giáo được tự do, Giáo hội sau bao năm sống trong thầm lặng lại trở ra hoạt động hăng hái hơn bao giờ dưới vị lãnh tụ anh minh là Đức Silvêtê. Các thánh đường mọc lên như nấm rải rác khắp thành Rôma. Trong số đó ta phải kể đại giáo đường Latêranô, đại giáo đường thánh Phêrô, đại giáo đường thánh Phaolô ngoại thành.
Thời gian này là thời gian thuận tiện để Đức Giáo Hoàng Silvêtê đem hết tài đức ra phụng sự Giáo hội. Ngài nỗ lực hoạt động mạnh mẽ để tổ chức Giáo hội cho có qui củ. Ngài tu sửa lại các luật lệ, cải tân phụng vụ và trang hoàng bàn thờ bằng những đồ thờ phượng quí báu. Ngài có công rất lớn trong việc đặt nền móng cho lâu đài phụng vụ Kitô giáo sau này bằng cách ban nhiều sắc lệnh và cách thức cử hành phụng vụ. Ngài cải tổ và hợp thức hóa các nghi thức cử hành phụng vụ trong các hầm mộ thời bắt đạo.
Một việc vĩ đại hơn hết mà Đức Giáo Hoàng Silvêtê đã làm là triệu tập công đồng chung đầu tiên cho toàn thể Giáo hội theo lời yêu cầu của vua Constantinô. Công đồng họp tại Nicêa năm 325, với sự hiện diện của 318 vị Giám mục. Vì tuổi cao, sức yếu ngài không chủ tọa công đồng được, ngài cử một phái đoàn thay mặt tới chủ tọa công đồng gồm Đức cha Ôsiô, Giám mục thành Cođuba và hai linh mục Vitê và Vinhsơn. Công đồng đề cập tới ba vấn đề trọng đại nhưng mức độ trọng đại không bằng nhau. Vấn đề thứ nhất là kết án bè rối Ariô, một lạc giáo chủ trương Chúa Giêsu không có Thần tính, không đồng bản tính với Chúa Cha. Trong công đồng này có thánh Athanasiô và Ariô, thánh Athanasiô đã chủ trương ngược lại với Ariô và đem ra đủ lý lẽ để bài bác lập luận sai lầm của Ariô. Thánh nhân đã lôi kéo được tất cả công đồng theo chủ trương của ngài. Công đồng đồng thanh chấp nhận tín điều Chúa Giêsu có cùng một bản tính với Thiên Chúa Cha. Công đồng Nicêa đã định nhiều tín điều khác lập thành một bản tuyên xưng đức tin duy nhất cho toàn thể Giáo hội. Bản tuyên xưng đó là bản kinh Tin kính (Credo) mà các linh mục đọc trong lễ trọng và trong lễ Chúa nhật trừ một đoạn về Chúa Thánh Thần mới thêm vào năm 381.
Vấn đề thứ hai được bàn định là vấn đề kết án lạc thuyết Mêlêxiô chủ trương.
Vấn đề thứ ba là vấn đề thống nhất ngày lễ Phục sinh cho toàn thể Giáo hội.
Chúng ta có thể nói Công đồng chung Nicêa là công đồng quan trọng nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo. Đó là một việc làm đặc sắc nhất và vinh dự nhất trong triều đại Giáo Hoàng Silvêtê và nhờ đó ngài đã làm cho Giáo hội vẻ vang tiến mạnh.
Sau 21 năm giữ ngôi Giáo hoàng, điều khiển Hội thánh ngày 21 tháng 12 năm 335, Đức Silvêtê ngã bệnh và băng hà, để lại cho toàn thể Giáo hội lúc đó một niềm mến thương vô biên. Xác ngài được an táng tại nhà thờ ở Rôma dâng kính ngài và thánh Máctinô.
Với ý nguyện của ngày lễ kính thánh Giáo Hoàng Silvêtê hôm nay, chúng ta hãy nguyện xin Chúa là mục tử đời đời, thương xem đoàn chiên Chúa, và nhờ sự cầu bầu của thánh Silvêtê, đấng Chúa đã đặt lên hướng dẫn Giáo hội, xin Chúa giữ gìn Giáo hội khỏi mọi lầm lẫn nghịch với đức tin.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:52

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Tin Mừng Lễ Hiển Linh

Filled under:



Bài Ðọc I: Is 60, 1-6
"Vinh quang Chúa xuất hiện trên ngươi".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi.
Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi.
Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông.
Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Mađian và Epha; tất cả những ai từ Saba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 71, 2. 7-8. 10-11a. 12-13
Ðáp: Lạy Chúa, mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa (x. c. 11b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. - Ðáp.
2) Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất. - Ðáp.
3) Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống kẻ cùng khổ. - Ðáp.
4) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Ep 3, 2-3a. 5-6
"Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, (chắc) anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 2, 2
Alleluia, alleluia! - Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đã đến để triều bái Người. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 2, 1-12
"Chúng tôi từ phương Ðông đến thờ lạy Ðức Vua".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người". Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: "Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta".
Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: "Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người". Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Ba nhà đạo sĩ đã theo ánh sao lạ tiến về hang Bêlem. Trong niềm hân hoan, họ mong gặp được vị vua Do thái mới sinh để triều bái Người.
Cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình chúng ta là một cuộc hành trình tiến về nhà Cha. Ðức Giêsu vẫn là ánh sao lạ đã và đang đi trước chúng ta. Chúng ta vui sướng bước theo Ngài, nghe tiếng Ngài dạy bảo. Nhưng có những lúc dường như ngôi sao ấy biến đi khiến chúng ta phải lao đao lo sợ. Hãy kiên trì chờ đợi trong niềm tin.

Cầu Nguyện:
Lạy Cha, xưa Cha đã dùng ánh sao lạ mà dẫn ba vua đến Bê lem bái thờ con Cha. Hôm nay xin Cha khơi dậy nơi tâm hồn chúng con khao khát tìm gặp được ánh sao lạ, là Ðức Giêsu con Cha, để chúng con bước đi theo Ngài về bên Cha trong an bình và niềm vui. Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Giêsu, Chúa chúng con. Amen.


Posted By Đỗ Lộc Sơn17:42