Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 30/10/2019

Filled under:

Lời Chúa: Lc 13, 22-30

Suy Niệm 1

Hãy Vào Qua Cửa Hẹp

Câu hỏi mà một người vô danh đặt ra cho Chúa Giêsu đang khi Ngài trên đường lên Giêrusalem, đó cũng là câu hỏi thông thường nơi các trường phái của các vị thông luật thời Chúa Giêsu, và là câu hỏi như muốn giới hạn số lượng những người vào Nước Chúa: "Thưa Thầy, phải chăng ít người được cứu thoát?" Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không nhằm đến số lượng nhưng là hướng tới một bình diện khác, tức là phẩm chất của những kẻ muốn vào Nước Chúa: họ phải qua cửa hẹp và cố gắng vào đúng lúc, khi còn thời giờ thuận tiện, đừng cậy dựa vào những liên hệ hời hợt bên ngoài với Chúa. Ơn cứu rỗi được Thiên Chúa trao ban cho mọi người: những kẻ trong dân Chúa chọn và cả những kẻ ở ngoài, bởi vì Chúa Giêsu đã đến để dẹp bỏ mọi hàng rào ngăn cách, thiên hạ sẽ từ đông, tây, nam, bắc đến dự tiệc trong Nước Chúa.
Ðặc tính phổ quát của ơn cứu rỗi không được hiểu theo phạm trù số lượng, nghĩa là không phải mọi người tự động đều được cứu rỗi. Sự cộng tác từ phía con người là điều cần thiết. "Hãy vào qua cửa hẹp", hẹp, vì nó đòi con người phải từ bỏ nhiều. Hình ảnh cậu bé Charlie trong phim hoạt hình, đứng trước cửa, ôm trên người rất nhiều thứ; cậu muốn bước ra ngoài chơi với bạn bè, nhưng lại không muốn bỏ những thứ đang chồng chất trên người mình; cậu bé bực tức nói lớn: "Làm sao tôi có thể bước qua cửa này được?". Nhiều người Kitô hữu chúng ta cũng có thể hành xử như vậy: vừa muốn vào Nước Chúa, vừa muốn giữ lấy mọi thứ không phù hợp với Nước Chúa; muốn vào Nước Chúa, nhưng lại không thực hành giáo huấn của Ngài, không canh tân đời sống của mình.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã ban ơn cứu rỗi cho mọi người. Xin cho chúng ta biết từ bỏ những gì không cần thiết, nhất là những gì mất lòng Chúa, để chúng ta có thể bước qua cửa hẹp trở về Nhà Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



SUY NIỆM 2
 
Nghi lễ bên ngoài và tâm tình bên trong nhiều khi trái ngược nhau. Có khi người ta đi chia buồn với người có tang, mà đùa vui như ngày hội. Hoặc đi mừng tiệc cưới mà nét mặt, cõi lòng như đi đưa tang! “Chúng tôi đã từng ăn uống trước mặt Ngài”, nhưng  vẫn nhận được câu trả lời xót xa: “Ta không biết các ngươi từ đâu mà đến. Cút đi cho khuất mắt  ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính”.

Không thể an lòng, vì chúng ta đã từng là người Công giáo nhiệt thành, làm nhiều công phúc, nhưng nay lòng nhiệt thành đã ra cằn cỗi. Không thể an tâm khi chúng ta đã giữ ngày Chúa Nhật, và cũng trong ngày Chúa Nhật sau khi dự lễ về, chúng ta dùng thời giờ nghỉ việc để ăn uống say sưa vô độ, đánh bài, hoặc gặp nhau mà nói hành nói tỏi người khác. Trong khi những lương dân biết dùng thời giờ quí giá của ngày Chúa Nhật đi làm công quả!

Thật là khó hiểu khi nhiều người luôn vỗ ngực mình là một Kitô hữu, thế nhưng mỗi Chúa Nhật họ đến nhà thờ sao có vẻ thờ ơ, chiếu lệ! Mỗi thánh lễ luôn kết thúc với lời chúc: “Lễ xong chúc anh chị em đi bình an”, “đó cũng là lời sai chúng ta đi làm những việc thiện ích mà ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa”, vậy tại sao nhiều người hối hả ra về khi chưa kịp nhận lãnh “bài sai” để tiếp tục công việc của Đức Kitô?

Thiên hạ từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”,  còn người mang danh là Kitô hữu thì lại “bị đuổi ra ngoài”. Ngay trong cuộc sống hôm nay, có nhiều người có đạo đã tự mình đuổi mình ra khỏi Nước Chúa rồi. Làm sao bước vào Nước Chúa, khi mỗi ngày người có đạo lại sống không tốt bằng người ngoại đạo! Người ngoại thì giữ Lời Chúa, khi biết sống yêu thương, chia sẻ trong tình bác ái, còn người có đạo thì sống ích kỷ, nhỏ nhen, tranh chấp!

Lạy Chúa, xin đừng để chúng con ngủ yên trong tình trạng yên hàn giả tạo. Vì chỉ có những ai mỗi ngày sống phù hợp với Tin Mừng Chúa, mới được vào Nước Chúa thôi. Xin giúp chúng con  canh tân đời sống đạo của chúng con mỗi ngày. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường