Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019

SUY NIỆM CHÚA NHẬT CHÚA NHẬT TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN C

Filled under:

Người phong cùi xứ Samaria tạ ơn Thiên Chúa.
13/10 – Chúa Nhật 28 Thường Niên năm C.
"Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này".

Lời Chúa: Lc 17, 11-19

Lòng biết ơn

Đoạn Tin Mừng vừa nghe kể lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và mười người phong cùi. Họ đã giữ lề luật của dân Chúa, nên đã không tiến lại gần Chúa Giêsu mà chỉ dám đứng ở đằng xa lên tiếng xin Người thương xót. Chúa Giêsu đã đáp lại lời van xin của họ, và dạy họ tới gặp các tư tế. Người đã dạy họ làm theo điều luật dạy: Kẻ mắc bệnh phong cùi khi thấy mình được khỏi thì phải tới gặp các tư tế và sau khi các tư tế xem xét và tuyên bố kẻ ấy thực sự đã khỏi, thì kẻ được khỏi mới trở lại cuộc sống bình thường trong xã hội như mọi người lành mạnh khác.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là trong khi cả mười người cùng đi tới các vị tư tế và được khỏi, nhưng chỉ có một người trong số họ đã trở lại sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà ca ngợi Thiên Chúa và cảm tạ Ngài. Và trớ trêu thay, người độc nhất có cử chỉ đứng đắn này lại là một người Samaria, một người lai căng và tạp giáo đáng ghét dưới mắt người Do Thái. Chín người kia có thể là đã mải mê đi làm theo điều luật dạy. Có thể họ đã nghĩ rằng họ được khỏi là nhờ lề luật, nhờ việc họ làm theo lề luật, và do đó đã quên hay không nhận ra nguyên nhân đích thực đã làm cho họ khỏi bệnh. Trong khi đó thì người Samaria, có lẽ ít câu nệ đối với những chi tiết của lề luật hơn, không quá đề cao vai trò của lề luật, nên đã có thể nhận ra mình được khỏi bệnh là do đâu. Anh ta đã nhận ra Chúa Giêsu đã chữa lành cho anh và anh trở lại để cám ơn người đặt mình trong mối quan hệ cứu và được cứu với Chúa Giêsu. Và do đó, anh ta tự trở thành người được cứu chữa thực sự, người được hưởng ơn cứu chuộc cứu chuộc của Chúa. Chín người phong cùi kia mới chỉ được khỏi bệnh, nhưng người phong cùi thứ mười và cùng là người Samaria mới là người được cứu chữa thực sự. Chín người phong cùi kia đã dừng lại ở lề luật, chỉ có người phong cùi thứ mười mới đi đến lòng tin và tình thương.
Đây không phải là lần độc nhất chúng ta được chứng kiến cái thực tế lạ lùng này: Người bị coi là ở ngoài hoá ra lại là ở trong. Người ở xa mà thực sự lại là gần. Hơn một lần Chúa Giêsu đã quả quyết người ngoại đạo như viên sĩ quan Rôma hay người đàn bà Canaan, có lòng tin mạnh mẽ hơn những người Do Thái. Người được kể làm ví dụ về việc thực thi lòng bác ái yêu thương là một người Samaria, chứ không phải là thầy tư tế, trợ tế hay một người Do Thái nào đó. Như thế, sống đạo bao gồm việc tuân giữ những giới luật của Chúa và Hội Thánh, tuy nhiên chúng ta cần phải nhận ra điều này, đó là không phải việc tuân giữ những giới luật và việc cử hành các nghi lễ đã cứu chữa chúng ta mà chính là Đức Kitô.
Thực vậy lòng đạo đích thực không phải là việc sốt sắng với lề luật, với nghi thức nhưng chính là phải đặt mình trong mối quan hệ với Đức Kitô, một mối quan hệ đầy tin tưởng và đầy thương yêu.

SUY NIỆM 2
 
Đoạn Tin Mừng hôm nay nhắc đến một căn bệnh, mà ở Việt Nam chúng ta, người Bắc gọi là bệnh hủi, người Trung gọi là bệnh phong, còn người miền Nam gọi là bệnh cùi. Đây là một căn bệnh dễ lây lan và nan y vào thời đó. Xã hội Do Thái thời xưa coi người mắc bệnh này là hình ảnh điển hình của tội lỗi. Vì thế, khi Chúa Giêsu chữa lành mười người phong, trong đó có cả một người dân ngoại cho thấy ơn cứu độ Người mang đến cho hết thải mọi người, cả người có đạo cũng như lương dân, nhất là người khốn cùng, tội lỗi.

 Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, người ấy lại là một lương dân. Vâng, ở các nơi hành hương, chúng ta nhận thấy không thiếu những lương dân chạy đến cầu xin, tạ ơn. So với các Kitô hữu thì cách nào đó người lương dân là một người ngoại. Nhưng cung cách của họ thể hiện lòng thành tín có thể sánh vai với người đạo gốc, cho nên không thiếu ơn lành của Chúa đến cho họ.

Trong mười người mà đoạn Tin Mừng nhắc tới, chỉ mỗi người lương dân chạy đến với Chúa nên người ấy còn được Chúa chữa lành tâm hồn khi nói với anh: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Lòng tin hệ tại ở việc nhận biết mình được Thiên Chúa cứu chữa, vì thế biết ngọn nguồn mà tạ ơn, “sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn Người”. Cũng vì điều ấy, người phong còn được chữa lành không những bệnh tật thể xác mà còn được gột rửa phần hồn. Đó cũng là thao thức mà Chúa muốn đem Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết ý thức sứ mệnh loan báo Tin Mừng, để ngày càng có nhiều người hơn nữa nhận biết họ được Thiên Chúa xót thương và cứu chuộc, để cùng cộng đoàn Kitô giáo, họ được cất chung lời cảm tạ. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường