Lời Chúa: Lc 18, 9-14
SUY NIỆM 1
Mãnh lực lời nguyện - Lm. Minh Vận, CRM
Xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu, người ta thường phân thành hai đẳng cấp cách biệt nhau, đôi khi còn đối nghịch miệt thị nhau, như chúng ta thấy Chúa đề cập tới trong dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay.
Thượng cấp: Các thầy thông giáo, biệt phái, luật sĩ và phái pharisiêu là bậc thầy được dân chúng tôn là hàng đạo đức, người công chính. Vì thế, họ thường được trọng kính, được bái chào ngoài đường phố, dành chỗ danh dự nơi bàn tiệc, chiếm chỗ nhất nơi hội đường; mang y phục lộng lẫy, tua rua dài, thẻ bài lớn, huy chương đầy ngực.
Hạ cấp: Trái lại, các nhân viên thâu thuế lại bị liệt vào hạng người tội lỗi, kẻ bất lương đáng khinh bỉ; vì họ là những viên chức của chính quyền Roma, như những tay sai của ngoại bang, tôi tớ của đế quốc, những hạng người bị gọi là mọt dân, đục khoét, hối lộ, hà hiếp, bóc lột dân chúng.
I. ĐỂ CẢNH TỈNH NGƯỜI KIÊU CĂNG
Để cảnh tỉnh những con người kiêu căng, tự cao, tự đại, tự tôn mình là người công chính và khinh dể kẻ khác, Chúa đã nêu ra một dụ ngôn hai người lên Đền Thờ cầu nguyện:
Người biệt phái với điệu bộ huênh hoang, thay vì dâng lời ngợi khen chúc tụng Chúa, ông ta lại liệt kê một loạt những công phúc việc lành ông đã thực hiện; thay vì thống hối xưng thú tội lỗi mình để cầu xin Chúa tha thứ, ông lại phang phui các tội lỗi của người khác. Sau cùng, ông đã tự mãn kết tội: "Tôi không như tên thu thuế khốn nạn tội lỗi dưới kia". Trái lại, người thu thuế, tự cảm thấy mình là kẻ tội lỗi, khép nép đứng đàng xa mãi cuối Đền Thờ, cúi đầu không dám ngước mắt nhìn lên, đấm ngực khẩn cầu ơn tha thứ: "Lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ tội lỗi". Để kết thúc dụ ngôn, Chúa đã quả quyết: "Người thu thuế ra về được khỏi tội, còn người biệt phái không đáng lãnh nhận ơn tha thứ ". Rồi Chúa kết luận: "Vì, tất cả những ai tự tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống và những ai tự hạ mình xuống, sẽ được tôn lên".
II. MÃNH LỰC CỦA LỜI CẦU KHIÊM TỐN
Lời cầu nguyện của những kẻ khiêm tốn có một mãnh lực vô song, vì họ luôn chân nhận mình là một thụ tạo, có nghĩa vụ phải tôn vinh ca ngợi Đấng Tạo Hóa; họ ý thức thân phận thụ tạo của mình là phải hoàn toàn tùy thuộc Đấng dựng nên mình, như những kẻ thụ ân luôn phải cảm tạ Chúa, vì muôn ơn phúc Người đã ban; họ thú nhận mình chỉ là những tội nhân đáng Chúa trừng phạt, nên họ cần phải thống hối ăn năn và khẩn cầu ơn Chúa tha thứ tội lỗi. Sau cùng, họ tự cảm nhận được diễm phúc làm con cái Chúa, nên họ phải luôn dâng lời cảm tạ Chúa là Cha Nhân Từ hằng ban muôn vàn ơn lành cho họ và họ cố gắng sống hết tình con ngoan thảo đối với Chúa.
Vì thế, lời cầu của người khiêm tốn dâng lên được Chúa đoái thương chấp nhận, tha thứ tội lỗi và ban muôn phúc lành cần thiết. Đúng như lời Thánh Phêrô đã quả quyết: "Chúa hằng ban ơn cho người khiêm hạ; nhưng Chúa chống lại kẻ kiêu căng tự phụ".
Ngoài ra, lời cầu của người khiêm tốn còn có thế lực chinh phục tha nhân trở về với Chúa. Câu truyện sau đây minh chứng điều đó: Bà Dorothy Day từ trần tháng 11, 1980, hưởng thọ 84 tuổi. Khi tường thuật về cái chết thánh thiện của bà, tời báo New York Times đã kể bà là một nhân vật có thế lực nhất trong lịch sử Công Giáo Hoa Kỳ. Sau ngày bà từ giã cõi đời, người ta đã khơi dậy một phong trào, vận động xin Giáo Hội phong Thánh cho bà, vì cuộc đời thánh đức và các công việc từ thiện bái ái bà đã thực hiện để cứu giúp những người nghèo đói túng thiếu ở thành phố New York.
Trong cuốn sách nhan đề: "From Union Square to Rome", bà đã tự thuật cuộc trở lại Công Giáo của bà như sau: "Một điều lôi cuốn tôi trước hết, là một hôm, tôi thấy hình ảnh một bà mẹ đang quì đăm chiêu sốt sắng cầu nguyện. Hình ảnh ấy đã lay động lòng tôi cách mãnh liệt và sâu xa, đến nỗi không bao giờ tôi có thể quên được". Cũng trong cuốn tự thuật đó, bà còn viết: "Trong những ngày đầu khi tôi mới trở lại, tôi thường nghỉ đêm ở quán trọ, để sáng mai tôi có thể tới dự Thánh Lễ sớm tại nhà thờ Thánh Giuse; điều lôi cuốn tôi đến nhà thờ này, là tôi được thấy người ta quì cầu nguyện cách sốt sắng". Bà còn quả quyết: "Tôi khát khao được Đức Tin như họ, và bỗng nhiên tôi được ơn tin vào Chúa, nên tôi đã quyết tâm gia nhập Giáo Hội Công Giáo".
III. SỰ SÁNG CÁC CON PHẢI CHIẾU GIÃI
Mãnh lực nào đã chinh phục bà Dorothy Day từ một người ngoại trở lại Công Giáo? Sức mạnh nào đã biến đổi con người của bà, từ một người phụ nữ tầm thường đã trở nên một người thánh thiện, hăng say xả thân phục vụ trong công cuộc từ thiện bác ái, cứu giúp những người nghèo khó cùng khổ? Đó chính là hấp lực gương sáng của những người có Đức Tin vững mạnh khi họ khiêm tốn sốt sắng cầu nguyện.
Một Cha già Việt Nam, dâng Thánh Lễ trong một cộng đồng người Mỹ. Sau Thánh Lễ, một số người đã tới bày tỏ: "We are very happy to attend your Mass". Ngài hỏi: "Why?" Họ đã trả lời: "You believe what you do".
Những người đã từng được chứng kiến Đức Thánh Cha Piô XII cầu nguyện, đều đồng thanh quả quyết: "Ngài giống như một Thiên Thần sốt mến".
Cha Thánh Gioan Maria Vianney thường xuyên thấy một ông già nông dân vào nhà thờ quì gối thầm lặng, mắt đăm chiêu nhìn lên nhà tạm Thánh Thể Chúa cách sốt sắng phi thường. Một hôm, ngài hỏi cho biết ông cầu nguyện thế nào, mà không thấy ông nói gì với Chúa. Ông trả lời đơn sơ: "Je Le vois, Il me voit. Ca suffit". Xin tạm dịch: "Con nhìn Chúa, Chúa nhìn con. Thế là đủ rồi".
Một cụ già nhà quê, là một trong những người được mời đến thẩm vấn, để lập án xin phong Thánh cho Cha Gioan Maria Vianney, đã được ông phát biểu một nhận định thâm thúy về Cha Gioan Vianney như sau: "Tôi nhìn thấy Thiên Chúa nơi con người Cha Gioan Vianney".
Kết Luận
Khi dâng hay tham dự Thánh Lễ, tham dự các giờ phượng tự hay bất cứ một việc đạo đức nào, chúng ta có cảm nghiệm được rằng: Chúng ta đang được diễm phúc diện kiến với Thiên Chúa, tâm sự với Đấng thánh thiện và uy linh cao cả, Đấng đáng yêu mến vô cùng, Đấng mà các Thần Thánh trên trời, các chính nhân dưới thế và muôn loài muôn vật phải hết lòng yêu mến, phụng thờ, kính tôn?
Khi giao tiếp với tha nhân, nhất là khi chúng ta làm việc phụng sự Chúa, người ta đã gặp thấy Thiên Chúa nơi chúng ta và cảm nghiệm được Thiên Chúa đang tưởng nghĩ, nói năng và hành động nơi con người chúng ta chưa?
Người Biệt phái trong dụ mà Chúa Giêsu kể: trước mặt Thiên Chúa, ông kiêu hãnh về sự thánh thiện của mình. Ông cảm thấy sự đầy đủ của bản thân mà không cần sự trợ giúp đến từ Thiên Chúa. Ông tán dương và nhìn về mình một cách tự mãn, phô trương sự công chính của mình trước mặt người đời khi ông cầu nguyện. Hình ảnh của người Biệt phái tiêu biểu cho rất nhiều người sống trong sự đầy đủ cả tinh thần lẫn vật chất mà không cần đến bất cứ sự trợ giúp nào. Những người sống mãn nguyện với chính mình dựa trên vài việc đạo đức cầu kinh xem lễ, với họ, như người Biệt phái: vậy là quá đủ mà không cần nhờ đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ tự mãn chính mình, ông nhìn đời và khinh miệt những người anh em: “ … con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia …”. Những việc làm công chính của ông là tốt, là đáng khích lệ để tiếp tục sống, nhưng chính vì tự mãn mình, tự mãn khỏa lấp vinh quang của Thiên Chúa, ông chối bỏ ân sủng của Thiên Chúa trong đời, ông không cần nhận gì nơi Thiên Chúa vì tự ông có thể làm cho mình nên công chính. Vì thế, ơn cứu độ được ban phổ quát cho tất cả mọi người trong đó có chính ông, nhưng ông đã dửng dưng không nhận, nên ông không được công chính hóa do ân sủng đến từ Thiên Chúa.Trong lúc đó, người thu thuế ý thức về thân phận tội lỗi và bất toàn của chính mình, từ chỗ thẳm sâu của sự hèn yếu như Thánh vịnh đã cầu khẩn: “Từ vực thẳm con kêu lên Ngài, lạy Chúa” (Tv 130,1), vang tiếng kêu cầu của một tâm hồn tan nát khiêm cung. Đời anh luôn thiếu sót, đến nỗi chẳng có gì là lễ vật dâng lên Thiên Chúa, ngoài lòng sám hối ăn năn như thánh vương Đavít đã nhìn nhận lỗi lầm mình: “Lạy Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm hồn tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 51,19). Ý thức được thân phận bất xứng của mình, anh không dám đến gần Chúa, cũng chẳng dám ngước mắt lên trời, mà chỉ đấm ngực mình để bày tỏ lòng ăn năn thống hối: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).Anh bày tỏ sự thiếu hụt, luôn cần sự trợ lực đến từ Thiên Chúa. Anh mở lòng mình ra với tấm lòng thành và được sự thứ tha của Thiên Chúa như sách Châm ngôn có dạy: “Kẻ giấu tội mình sẽ không thành đạt, nhưng ai xưng thú và chừa tội sẽ được xót thương” (Cn 28,13). Anh đã được Thiên Chúa đến ban hồng ân cứu độ, như ngôn sứ Isaia phán lời hứa của Đức Chúa (x. Is 57,15).Ước chi tâm hồn mỗi chúng ta như người thu thuế mang tấm lòng chân thành, ngóng trông chờ đợi với tất cả những gì mình là, dù rằng mình khiếm khuyết bất toàn. Sự chờ đợi và mở lòng sẽ được như lời Đức Kitô nói về người thu thuế: “Người này khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính” (Lc 18,13). Amen.