Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 17/10/2019

Filled under:

Lời Chúa: Lc 11, 47-54

Suy Niệm 1


Dòng Máu Cứu Ðộ

Với lý thuyết: "Người chết không nói", các đối thủ của những người thường dùng bạo lực để thủ tiêu những người can đảm đóng vai trò tiên tri để nói lên sự thật chống lại kỳ thị bất công, bênh vực quyền lợi của những người nghèo khổ. Từ máu Abel, người vô tội đầu tiên đổ ra vẫn luôn nhuộm hồng với máu các tiên tri thuộc mọi màu da, tiếng nói: một Martin Luther King, mục sư chủ trương bất bạo động để tranh đấu cho sự phân biệt và kỳ thị mầu da ở xã hội Mỹ và bị bắn ngã ngày 4/4/1968; hay một Oscar Roméro, vị giám mục thật sự yêu mến người nghèo đã bị ám sát khi đang dâng Thánh Lễ tại một bệnh viện vào chiều ngày 23/4/1980.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến việc lấy máu đào làm chứng cho sự thật nơi các tiên tri, Ngài cũng nói đến việc phải trả nợ máu. Ðoạn Tin Mừng còn cho thấy lòng oán ghét của các Luật sĩ và Biệt phái đối với Chúa Giêsu ngày càng gia tăng, và chính lòng oán ghét này đã dẫn Chúa Giêsu đến cái chết đẫm máu trên Thập Giá, để Ngài thực sự chia sẻ số phận của các tiên tri. Những dòng máu chảy từ thân xác Chúa Giêsu đã không đòi nợ máu, trái lại còn giải nợ máu, bởi vì những dòng máu chảy ra vì tình yêu và vâng phục đối với Chúa Cha, đã phá tan vòng luẩn quẩn của hận thù và oán ghét, qua lời Chúa Giêsu xin Cha tha thứ cho những kẻ hành khổ và xử tử Ngài.
Cái chết vì tình yêu và vì vâng phục của Chúa Giêsu cũng đã phá tan lý thuyết "người chết không nói", bởi lẽ từ dạo ngài gục đầu tắt thở trên Thập Giá, cái chết của Ngài đã nói và vẫn tiếp tục nói trải qua gần 2,000 năm nay, nói với những người tin lẫn người không tin vào Ngài về độ sâu của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại và về độ dầy của tình yêu Ngài đối với mọi người. Qua đó, cái chết của Chúa Giêsu đã trở thành nguồn sống và trao ban cho cái chết của những người can đảm đóng vai trò tiên tri một ý nghĩa, một sức mạnh, để cái chết của họ cũng tiếp tục nói và gây ảnh hưởng cũng như thu lượm kết quả mỹ mãn hơn lúc họ còn sống. Cái chết của Mục sư Martin Luther King đã đẩy mạnh và đóng góp phần không nhỏ vào phong trào chống phân biệt, kỳ thị cho những người da mầu tại xã hội Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới. Cái gục đầu tắt thở trên bàn thờ đang lúc dâng Thánh Lễ của Ðức Cha Oscar Roméro đã gây niềm hy vọng và sức mạnh khôn lường cho bao nhiêu người dấn thân tranh đấu cho công bằng xã hội tại các quốc gia Mỹ Châu La Tinh.
Nợ máu vẫn đòi phải trả bằng máu. Nhưng từ dạo máu Chúa Giêsu chảy trên đồi Calvê và vẫn tiếp tục chảy trên bàn thờ mỗi ngày khắp nơi trên thế giới, những dòng máu hy sinh cho chính nghĩa, những dòng máu chảy ra vì tình yêu, đã trở thành khí giới sắc bén phá tan hận thù, bất công, để góp phần xây dựng một thế giới thấm nhuộm tình người, dẫn đến một nhân loại biết liên đới chia sẻ, yêu thương.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



SUY NIỆM 2

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khiển trách người Pharisêu về việc họ xây lăng cho các ngôn sứ và về việc những người thông luật đã dùng hiểu biết của mình như là một bức tường ngăn cản chính họ, cũng như người khác đi vào trong sự hiệp thông với Thiên Chúa.
Như chúng ta biết, việc xây lăng cho các ngôn sứ - những chứng nhân về tình yêu của Thiên Chúa - là việc tốt. Việc này chứng tỏ họ kính trọng đời sống và lời giảng dạy của các ngôn sứ. Đồng thời, đây cũng là một lời lên án việc bách hại các ngôn sứ mà cha ông của họ đã thực hiện trong quá khứ. Nhưng thật trớ trêu, Chúa Giêsu lại cho họ biết, chính những việc làm này lại là bản án cho họ. Những việc làm này thật sự là bản án đối với họ, bởi vì bản án mà họ đã đưa ra cho cha ông của họ vì đã đổ máu các tiên tri, bây giờ đang lập lại trên chính họ.

Thật vậy, nếu cha ông của họ bách hại các tiên tri, thì giờ đây họ lại đang bách hại Đức Giêsu Kitô - Đấng là tình yêu, Đấng mà các tiên tri đã loan báo và làm chứng. Như vậy, họ đang đi lại vết xe cũ của cha ông, nhưng vẫn tự hào và hãnh diện là mình không sai lầm như cha ông khi bách hại các tiên tri.

Lỗi lầm này còn được những người thông luật lập lại khi dùng hiểu biết của mình để giải thích lệch lạc về Kinh Thánh. Tất cả lề luật đều được rút ta từ Kinh Thánh, thế nhưng Kinh Thánh không chỉ là lề luật. Kinh Thánh trước tiên và trên hết là mặc khải về một Thiên Chúa yêu thương. Tất cả lề luật có trong Kinh Thánh cũng không có mục đích nào khác hơn là cho thấy một Thiên Chúa yêu thương dân Ngài.

Các luật sĩ là những người hiểu biết về Kinh Thánh, thế nên họ là người phải biết rõ điều này. Vậy mà thực tế, các luật sĩ chỉ chú tâm vào khía cạnh luật, mà bỏ qua các khía cạnh khác. Chính thái độ một chiều này khiến họ chỉ tập trung thêm thắt vào lề luật rất nhiều chi tiết phụ, đến nỗi làm cho lề luật trở thành gánh nặng không thể kham nổi. Như vậy, thay vì Kinh Thánh mặc khải về một Thiên Chúa yêu thương, nhưng qua cách giải thích của họ, Kinh Thánh chỉ còn là mặc khải khuôn mặt của một Thiên Chúa ghét bỏ và loại trừ những người tội lỗi. Điều này không chỉ ngăn cản người khác mà còn ngăn cản chính họ trong việc đón nhận Thiên Chúa là tình yêu.

Lạy Chúa, nhiều lúc trong cuộc sống chúng con tự hào và hãnh diện vì nghĩ mình không mắc phải những sai lầm trong quá khứ. Thế nhưng, hiện tại chúng con vẫn sống như thể không có sự hiện diện của Chúa. Qua cuộc sống của mình, con vẫn làm cho khuôn mặt của Chúa bị méo mó, vẫn làm cho người khác hiểu sai về Giáo Hội. Xin giúp mỗi người chúng con mỗi ngày một trở nên bớt bất xứng với ơn nghĩa của Chúa. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường