Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 22/10/2019
"Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức" (Lc 12, 35-38).
Ông chủ của một công ty lớn trong thành phố, vì không tin tưởng tổ bảo vệ, nên ông giả dạng ăn trộm lẻn vào nhà kho giữa đêm, nhưng bị người bảo vệ lớn tuổi phát hiện. Ông được chủ tin và giao cho làm tổ trưởng tổ bảo vệ.
Ông chủ của một công ty lớn trong thành phố, vì không tin tưởng tổ bảo vệ, nên ông giả dạng ăn trộm lẻn vào nhà kho giữa đêm, nhưng bị người bảo vệ lớn tuổi phát hiện. Ông được chủ tin và giao cho làm tổ trưởng tổ bảo vệ.
Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu bảo các môn đệ phải luôn tỉnh thức, thắt lưng cho gọn nghĩa là sẵn sàng làm việc hay chuẩn bị đón chủ trong mọi hoàn cảnh. Phúc cho những ai khi chủ về mà ra đón chủ kịp lúc.
Đức Giêsu nói đến tỉnh thức là mỗi người cần có thái độ sẵn sàng đón chờ ngày Chúa đến; chờ đợi cái chết của chính mình với đầy đủ đèn, dầu trong tay là những hy sinh, những việc đạo đức...
Ước gì mỗi người chúng con luôn trong tư thế chờ đón Chúa đến. Quả vậy, cuộc sống hiện tại bị chi phối bởi lo lắng áo cơm, tiền tài, danh vọng... dễ làm cho chúng con mất sự khôn ngoan, quên tỉnh thức, không lo lắng cho cuộc sống vĩnh cửu. không tìm ra được niềm hạnh phúc thật mà lại chạy theo những hạnh phúc chóng qua giả hiệu.
Lạy Chúa. Mỗi lần gặp Chúa là mỗi lần chúng con được bình an và hạnh phúc, nhờ đó càng tỉnh thức, sống tỉnh táo hơn. Chỉ trong niềm tin yêu, phó thác, chúng con mới có được sự khôn ngoan để trình diện với Chúa trong ngày sau hết. Amen.
Thánh Peter Alcantara
(1499-1562)
Thánh Phêrô là một trong những vị thánh Tây Ban Nha nổi tiếng của thế kỷ 16, gồm Thánh Ignatius ở Loyola và Thánh Gioan Thánh Giá. Ngài là cha giải tội của Thánh Têrêsa Avila. Sự cải cách Giáo Hội thời đó là vấn đề chính yếu trong thời đại của ngài, và ngài dồn mọi nỗ lực cho công cuộc đó. Ngài từ trần một năm trước khi Công Ðồng Trent bế mạc.
Sinh trưởng trong một gia đình quý tộc (cha ngài là thủ hiến Alcantara, Tây Ban Nha), Thánh Phêrô học luật ở Ðại Học Salamanca và khi lên 16 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô Khó Nghèo. Trong thời gian tu tập, ngài chứng tỏ nhiều khả năng trổi vượt. Ngài được chọn làm giám đốc một tu viện mới ngay cả trước khi chịu chức linh mục; và khi 39 tuổi, ngài được chọn làm bề trên tỉnh dòng; ngài còn là vị rao giảng nổi tiếng. Tuy nhiên, công việc hàng ngày của ngài vẫn là rửa chén, đốn củi cho nhà dòng. Ngài không muốn được người ta chú ý, thật vậy, ngài thích sự cô độc.
Về phương diện sám hối, ngài trổi vượt về việc ăn uống kham khổ và quần áo rất đơn sơ. Người ta nói ngài chỉ ngủ có 90 phút mỗi đêm. Trong khi những người khác chỉ nói về sự cải tổ, thì Thánh Phêrô đã bắt đầu cải tổ từ chính ngài. Ngài có được đức tính kiên nhẫn lớn lao đến độ sau này người ta có câu châm ngôn rằng: “Ðể chịu được sự xúc phạm ấy, phải có sự kiên nhẫn của Phêrô Alcantara.”
Vào năm 1554, Thánh Phêrô, sau khi được cho phép, đã thành lập một nhóm tu sĩ Phanxicô sống nghiêm nhặt theo Quy Luật Thánh Phanxicô. Những vị này thường được gọi là tu sĩ Alcantarines. Một số tu sĩ Tây Ban Nha đến Bắc Mỹ và Nam Mỹ trong các thế kỷ 16, 17 và 18 là thành viên của tu hội nói trên. Vào cuối thế kỷ 19, các tu sĩ Alcantarines sát nhập với các tu sĩ Phanxicô Khó Nghèo để trở thành Dòng Tiểu Ðệ.
Là vị linh hướng cho Thánh Têrêsa Avila, Thánh Phêrô khuyến khích thánh nữ phát động sự cải cách trong dòng Camêlô. Lời rao giảng của Thánh Phêrô cũng đã đưa nhiều người trở về với đời sống đạo đức, nhất là dòng Ba Phanxicô, và dòng Thánh Clara Hèn Mọn.
Ngài được phong thánh năm 1669.
Lời Bàn
Sự khó nghèo là một phương tiện chứ không phải cùng đích của Thánh Phêrô Alcantara. Mục đích là theo Chúa Kitô với một tâm hồn thật thanh khiết. Bất cứ gì cản trở con đường đó đều bị loại trừ mà không thực sự mất mát.
Triết lý thụ hưởng của thời đại chúng ta – giá trị của một người tùy thuộc những gì họ có – sẽ thấy rằng phương cách của Thánh Phêrô Alcantara thật khó khăn. Tuy nhiên, phương cách của ngài đã đem lại sự sống trong khi sự hưởng thụ chỉ đem lại sự hủy diệt.
Lời Trích
“Tôi không ca ngợi việc sống khó nghèo chỉ vì sự khó nghèo; tôi chỉ ca ngợi sự khó nghèo mà chúng ta kiên trì chịu đựng vì lòng yêu thương Ðấng Cứu Thế, và tôi coi đó là điều đáng khát khao hơn là sự khó nghèo mà chúng ta thi hành một cách máy móc; vì nếu tôi suy nghĩ hoặc tin tưởng ngược lại, thì dường như tôi không có căn bản đức tin” (Thư của Thánh Phêrô gửi cho Thánh Têrêsa Avila).