Thứ Hai, 21 tháng 10, 2019

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 21/10/2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 21/10/2019
“Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12,21).
Thời gian gần đây mạng xã hội lan truyền tin; gia đình một nhà giàu nọ đưa nhau ra tòa ly dị, lý do chỉ vì tiền. Người giàu đó buồn bã thốt lên rằng: "Tiền nhiều để làm gì?).
Của cải (tiền bạc) là nhu cầu cần thiết trong cuộc sống. Không có tiền, không thể đáp ứng nhu cầu căn bản như cơm ăn, áo mặc. Tuy nhiên, của cải là con dao hai lưỡi, nó có thể trở thành đầy tớ tốt cho những ai biết sử dụng và trở thành ông chủ tồi nơi những kẻ coi trọng nó.
Cuộc sống này chỉ là tạm bợ, nhưng có người đã dành tất cả thời gian để vun đắp cho nó. Có người chạy theo của cải bất chấp công bằng, hơn thua nhau từng chút, … để rồi một lúc nào đó nhìn lại; Ôi! người thân đâu mất cả rồi, bạn bè lánh xa, chỉ còn lại một lũ xu nịnh đang nhìn chằm chằm vào đống tiền kia kìa.
Tin mừng hôm nay Đức Giêsu không nói của cải là xấu, không được chiếm hữu nó, bởi vì bản chất của nó không phải là xấu hay tội. Vì thế, Đức Giêsu không hề có thái độ kết án người giàu, mà chỉ kết án những kẻ làm giàu bất chính, những người không biết sử dụng đồng tiền cách khôn ngoan.
Ước mong chúng con không khờ khạo như người phú hộ kia, chỉ tìm sự cho mình cuộc sống dư thừa, mà quên đi nỗi lầm than túng thiếu của anh em.
Lạy Chúa, chúng con đang sống giữa một xã hội thật là bát nháo, mạnh được yếu thua, gian manh quỷ quyệt. Những đồng tiền chúng con làm ra đôi khi dính máu của những người cùng khổ. Xin cho chúng con sớm nhận ra điều tồi tệ ấy, để chúng con xứng đáng đón nhận sự bình an và yêu thương của hết mọi người. Amen.

Thánh Hilarion Gaza
(291-372)

Thánh Hilarion sinh năm 291 tại Tabata, xứ Palestine. Lúc rời bỏ quê nhà Palestina để đến học ở Ai Cập, thánh nhân vẫn chưa gia nhập Giáo hội Công giáo. Tại Ai Cập, Hilarion học biết đức tin Công giáo, và chẳng bao lâu ngài được chịu phép Thanh tẩy. Khi ấy, Hilarion mới chỉ 15 tuổi. Sự  kiện Hilarion trở về với Giáo hội đã bắt đầu một hành trình vinh quang dẫn ngài đến gần Thiên Chúa hơn. Sau đó, thánh nhân lên đường tới thăm viếng thánh Antôn tu rừng.
Như thánh Antôn, Hilarion cũng muốn sống ở nơi thanh vắng để phụng sự  Đức Chúa Giêsu, Đấng đã đến trần gian để yêu thương con người. Hilarion lưu lại độ hai tháng với thánh Antôn nhưng ở đây không có đủ bầu khí thinh lặng vì có quá nhiều người tìm đến với thánh Antôn để xin ngài giúp đỡ. Không gặp được thứ bình an mình đang tìm kiếm, Hilarion quyết định rời bỏ chỗ ấy. Sau khi phân phát hết tài sản cho người nghèo, Hilarion tìm đến một nơi thanh vắng và sống ở đó như một ẩn sĩ.
Thánh Hilarion cũng phải chiến đấu với nhiều cám dỗ. Đôi lúc dường như những lời cầu xin của ngài chẳng được Thiên Chúa ưng nhận. Tuy vậy, thánh Hilarion không để cho những cám dỗ này ngăn cản mình cầu nguyện cách chăm chỉ hơn.
Sau 20 năm sống trong sa mạc, vị ẩn tu thánh thiện này đã làm một phép lạ đầu tiên. Chẳng bao lâu nhiều người bắt đầu tìm đến túp lều của Hilarion để xin ngài giúp đỡ. Cũng có nhiều người xin thánh Hilarion cho phép được lưu lại với ngài để học nơi ngài cách thức cầu nguyện và làm việc đền tội. Với lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân lớn lao, vị thánh đã mời họ ở lại với mình.
Nhưng sau cùng, khi được 65 tuổi, thánh Hilarion bắt đầu du lịch từ nước này sang nước kia để tìm bầu khí thanh bình và tĩnh lặng. Tuy nhiên, danh tiếng về các phép lạ mà thánh Hilarion đã làm do lòng thương xót đã luôn khiến nhiều đám đông người tìm đến với ngài. Vài năm trước khi về trời, thánh Hilarion đã tìm được sự thanh vắng trên núi Sinai ở Ai Cập, nơi mà ngài hằng ao ước; và Hilarion cảm thấy thực sự được ở yên một mình với Thiên Chúa. Thánh Hilarion qua đời năm 372 tại Cyprus, hưởng thọ 80 tuổi. Thánh tích hiện còn ở Majuma, Palestine.
Khi chúng ta nghĩ rằng tha nhân và những hoàn cảnh sống chi phối việc kết hợp giữa chúng ta với Thiên Chúa, chúng ta hãy cầu nguyện cùng thánh Hilariôn. Thánh nhân sẽ chỉ cho chúng ta cách thức tìm kiếm Đức Chúa Giêsu, dù cho đôi lúc cũng phải quan tâm tới tha nhân và những vấn đề khác.