Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2019

Phút cảm nhận Tin Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi.

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi.
Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền” ( Lc 1, 26-38).
Nhạc sĩ người Áo Franz Schubert được cả thế giới biết đến qua bài “Ave Maria”. Bài hát của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhiều người nhờ bài thánh ca này mà được nổi danh. Thật tuyệt vời khi Đức Trinh nữ Maria được ca tụng tôn vinh. Lời chào Đức Trinh nữ Maria Mẹ đầy ơn phúc được mọi người đón nhận trong đó có cả những người vô tín ngưỡng, tất cả đều chăm chú cảm nhận những lời ca và âm điệu ngọt ngào của bài thánh ca để tôn vinh Mẹ Chúa Trời.
Ave Maria là lời chào của thiên sứ Gabrien khi đến gặp Đức Mẹ trong ngày truyền tin. Thiên sứ xuống trần để gặp một phụ nữ khiêm hạ. Ave Maria vừa là lời chào, vừa là lời mời gọi hãy vui lên vì “Đức Chúa ở cùng Bà”.
Trinh nữ Maria đã thưa lời “Xin vâng” để mở lòng đón nhận Ngôi Lời nhập thể. Với lời thưa “Xin vâng” của Mẹ, Con Thiên Chúa đã đến thế gian, khởi đầu công cuộc cứu độ loài người.
Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện được chính Đức Mẹ khuyến khích. Quả vậy, khi hiện ra ở Lộ Đức cũng như ở Phatima, Đức Mẹ đã cùng lần hạt với các thị nhân, trong tình thân thương trìu mến.
Ước chi chúng con biết yêu mến kinh Mân Côi để cuộc sống của chúng con là một chuỗi hoa hồng luôn tỏa hương thơm để cùng Mẹ dâng lên Thiên Chúa.
Lạy Mẹ Mân Côi, xin giúp chúng con siêng năng lần hạt Mân Côi. Nhờ đó, chúng con có thể cộng tác với Mẹ trong công cuộc xây dựng nền hòa bình và đem ơn cứu độ cho toàn thế giới. Amen.



Thánh Bruno  
(1030-1101)

Thánh nhân được vinh dự là đã sáng lập một tu hội mà, như người ta thường nói, không bao giờ phải cải cách vì dòng chưa bao giờ đi lạc đường. Chắc chắn là vị sáng lập cũng như các tu sĩ dòng sẽ từ chối lời khen ngợi này, nhưng đó là một kết quả của tình yêu mãnh liệt mà thánh nhân đã dành cả cuộc đời để hãm mình đền tội trong cô độc.
Ngài sinh năm 1030 ở Cologne, nước Ðức, và là thầy giáo nổi tiếng ở Rheims và được bổ nhiệm làm chưởng ấn của tổng giáo phận khi 45 tuổi. Ngài hỗ trợ Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô VII chống lại sự suy đồi của hàng giáo sĩ và tiếp tay trong việc cách chức vị tổng giám mục gây nhiều tiếng xấu là Manasses. Dân chúng muốn đưa ngài lên làm tổng giám mục nhưng ngài lại muốn sống ẩn dật.
Ngài là một ẩn tu dưới quyền tu viện trưởng là Thánh Robert Molesmes (sau này sáng lập dòng Xitô), nhưng sau đó, vào năm 1084 cùng với sáu người bạn ngài di chuyển đến Grenoble. Họ được vị giám mục của Grenoble là Thánh Hugh cấp cho một nơi để sinh sống trong một vùng cao nguyên hoang vắng, được gọi là La Grande Chartreuse.
Bruno và các bạn xây một nhà nguyện nhỏ với các phòng riêng cách xa nhau, sống sát với quy luật của Thánh Benedict, và từ đó xuất phát Dòng Carthusian. Trong một ngày họ chỉ gặp nhau để đọc kinh sáng và tối, thời giờ còn lại họ sống trong cô độc, làm việc lao động, cầu nguyện và sao chép lại các văn bản Kinh Thánh. Ngay cả việc ăn uống, họ cũng chỉ ăn chung trong những ngày lễ lớn.
Ðức Giáo Hoàng Urbanô II nghe biết sự thánh thiện của Bruno, đã gọi ngài về Rôma để làm phụ tá trong việc cải cách hàng giáo sĩ. Sau khi khước từ chức tổng giám mục mà đức giáo hoàng ban cho, Thánh Bruno đã xin Ðức Urbanô cho phép ngài trở về đời sống ẩn dật, thành lập cộng đồng Thánh Maria ở La Torre trong vùng Calabria, và ngài sống ở đây cho đến khi lìa đời, ngày 6/10/1101.
Ngài chưa bao giờ được chính thánh phong thánh vì quy luật dòng Carthusian không chấp nhận những vinh dự công cộng, nhưng vào năm 1514, Ðức Giáo Hoàng Leo X đã cho phép dòng Carthusian mừng lễ kính ngài, và tên của ngài được xếp trong niên lịch Công Giáo Rôma từ năm 1623.

Lời Bàn

Nếu đời sống chiêm niệm là một lối sống không dễ để thực hiện, thì chắc chắn sự hãm mình đền tội được thể hiện qua cuộc đời ẩn dật của các tu sĩ Carthusian lại càng khó khăn biết chừng nào.

Lời Trích

Thành viên của các cộng đồng tận hiến cho sự chiêm niệm đã hy sinh chính mình cho Thiên Chúa trong sự cô độc và thinh lặng, liên lỉ cầu nguyện và hãm mình đền tội. Bất kể những nhu cầu của giáo hội có khẩn cấp đến đâu, những cộng đồng như thế luôn luôn góp phần độc đáo trong Nhiệm Thể Ðức Kitô…” (Sắc Lệnh về Canh Tân Ðời Sống Tu Trì, 7).