Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 30/10/2019

Filled under:

Lời Chúa: Lc 13, 22-30

Suy Niệm 1

Hãy Vào Qua Cửa Hẹp

Câu hỏi mà một người vô danh đặt ra cho Chúa Giêsu đang khi Ngài trên đường lên Giêrusalem, đó cũng là câu hỏi thông thường nơi các trường phái của các vị thông luật thời Chúa Giêsu, và là câu hỏi như muốn giới hạn số lượng những người vào Nước Chúa: "Thưa Thầy, phải chăng ít người được cứu thoát?" Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không nhằm đến số lượng nhưng là hướng tới một bình diện khác, tức là phẩm chất của những kẻ muốn vào Nước Chúa: họ phải qua cửa hẹp và cố gắng vào đúng lúc, khi còn thời giờ thuận tiện, đừng cậy dựa vào những liên hệ hời hợt bên ngoài với Chúa. Ơn cứu rỗi được Thiên Chúa trao ban cho mọi người: những kẻ trong dân Chúa chọn và cả những kẻ ở ngoài, bởi vì Chúa Giêsu đã đến để dẹp bỏ mọi hàng rào ngăn cách, thiên hạ sẽ từ đông, tây, nam, bắc đến dự tiệc trong Nước Chúa.
Ðặc tính phổ quát của ơn cứu rỗi không được hiểu theo phạm trù số lượng, nghĩa là không phải mọi người tự động đều được cứu rỗi. Sự cộng tác từ phía con người là điều cần thiết. "Hãy vào qua cửa hẹp", hẹp, vì nó đòi con người phải từ bỏ nhiều. Hình ảnh cậu bé Charlie trong phim hoạt hình, đứng trước cửa, ôm trên người rất nhiều thứ; cậu muốn bước ra ngoài chơi với bạn bè, nhưng lại không muốn bỏ những thứ đang chồng chất trên người mình; cậu bé bực tức nói lớn: "Làm sao tôi có thể bước qua cửa này được?". Nhiều người Kitô hữu chúng ta cũng có thể hành xử như vậy: vừa muốn vào Nước Chúa, vừa muốn giữ lấy mọi thứ không phù hợp với Nước Chúa; muốn vào Nước Chúa, nhưng lại không thực hành giáo huấn của Ngài, không canh tân đời sống của mình.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã ban ơn cứu rỗi cho mọi người. Xin cho chúng ta biết từ bỏ những gì không cần thiết, nhất là những gì mất lòng Chúa, để chúng ta có thể bước qua cửa hẹp trở về Nhà Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



SUY NIỆM 2
 
Nghi lễ bên ngoài và tâm tình bên trong nhiều khi trái ngược nhau. Có khi người ta đi chia buồn với người có tang, mà đùa vui như ngày hội. Hoặc đi mừng tiệc cưới mà nét mặt, cõi lòng như đi đưa tang! “Chúng tôi đã từng ăn uống trước mặt Ngài”, nhưng  vẫn nhận được câu trả lời xót xa: “Ta không biết các ngươi từ đâu mà đến. Cút đi cho khuất mắt  ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính”.

Không thể an lòng, vì chúng ta đã từng là người Công giáo nhiệt thành, làm nhiều công phúc, nhưng nay lòng nhiệt thành đã ra cằn cỗi. Không thể an tâm khi chúng ta đã giữ ngày Chúa Nhật, và cũng trong ngày Chúa Nhật sau khi dự lễ về, chúng ta dùng thời giờ nghỉ việc để ăn uống say sưa vô độ, đánh bài, hoặc gặp nhau mà nói hành nói tỏi người khác. Trong khi những lương dân biết dùng thời giờ quí giá của ngày Chúa Nhật đi làm công quả!

Thật là khó hiểu khi nhiều người luôn vỗ ngực mình là một Kitô hữu, thế nhưng mỗi Chúa Nhật họ đến nhà thờ sao có vẻ thờ ơ, chiếu lệ! Mỗi thánh lễ luôn kết thúc với lời chúc: “Lễ xong chúc anh chị em đi bình an”, “đó cũng là lời sai chúng ta đi làm những việc thiện ích mà ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa”, vậy tại sao nhiều người hối hả ra về khi chưa kịp nhận lãnh “bài sai” để tiếp tục công việc của Đức Kitô?

Thiên hạ từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”,  còn người mang danh là Kitô hữu thì lại “bị đuổi ra ngoài”. Ngay trong cuộc sống hôm nay, có nhiều người có đạo đã tự mình đuổi mình ra khỏi Nước Chúa rồi. Làm sao bước vào Nước Chúa, khi mỗi ngày người có đạo lại sống không tốt bằng người ngoại đạo! Người ngoại thì giữ Lời Chúa, khi biết sống yêu thương, chia sẻ trong tình bác ái, còn người có đạo thì sống ích kỷ, nhỏ nhen, tranh chấp!

Lạy Chúa, xin đừng để chúng con ngủ yên trong tình trạng yên hàn giả tạo. Vì chỉ có những ai mỗi ngày sống phù hợp với Tin Mừng Chúa, mới được vào Nước Chúa thôi. Xin giúp chúng con  canh tân đời sống đạo của chúng con mỗi ngày. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:56

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 30-10-2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 30-10-2019
"Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa." (Lc 13,29).
Ngày xưa các con đường thường nhỏ hẹp, gồ ghề nên tai nạn giao thông không đáng kể. Ngày nay, đường rộng lại bằng phẳng nên tai nạn giao thông ngày một nguy hiểm. Bởi thế, tại những khúc quanh của các con đường, gần các ngã tư và cả trong hẻm, người ta thường làm các gờ giảm tốc để tránh chạy nhanh đến độ mất kiểm soát.
Con đường Đức Giêsu muốn nói ở đây không phải là con đường đi, mà là con đường hẹp là con đường dẫn đến sự sống. Còn con đường thênh thang là con đường dẫn đến diệt vong. Muốn có được sự sống đời đời, con người phải cộng góp vào hành trình tìm kiếm đó bằng những sự hy sinh, và đôi khi cả cái chết ngắn ngủi để đổi lấy sự sống đời đời.
Con đường theo Chúa là con đường gặp đầy thử thách chông gai. Con đường đó là con đường hẹp. Con đường lên Golgotha. Con đường của thập giá. Nhưng nếu muốn được hạnh phúc thật thì hẳn không có con đường nào khác, đó là con đường đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu: “Hãy theo Ta”.
Ngày nay chúng con chỉ thích tìm an nhàn cho mình, thoải mái tiêu xài phung phá của cải của trái đất, không nghĩ gì đến tương lai. Nhiều người chìm ngập trong thân xác phì nộn, tinh thần nhão nhẹt, chúng là những lớp mỡ béo bao lấp con tim không còn chỗ cho lời Chúa thấm nhập nữa.
Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi sức nặng đang đè nén, chúng con sẽ phải tủi nhục biết bao khi các gái điếm, kẻ trộm, dân ngoại,... vào nước Chúa, còn chúng con bị đuổi ra ngoài, vào nơi bất hạnh đời đời. xin cho chúng con can đảm đi theo Chúa trên con đường hẹp, để được sống đời đời. Amen.

Chân phước Angelus thành Acri
(1669-1739)

Angelus sinh ngày 19 tháng 10 năm 1669 tại miền Acri, nước Ý. Lúc còn nhỏ, Angelus đã quyết tâm tận hiến cuộc đời của mình cho Thiên Chúa trong bậc sống tu trì. Nhưng thoạt đầu Angelus đã gặp một số trở ngại. Angelus cố gắng xin gia nhập dòng Capucinô nhưng bị từ chối. Chắc rằng mình có ơn kêu gọi, Angelus lại tới xin lần thứ hai và lại bị khước từ. Angelus không phải là một người dễ dàng bỏ cuộc. Ngài đặt niềm tin nơi Thiên Chúa và lại đến dòng Capucinô để xin nhập tu. Cuối cùng, Angelus được nhận và trở thành tu sĩ Capucinô lúc 21 tuổi.
Dường như đây chính là khuôn mẫu cho cuộc đời của Angelus Acri. Sau khi được thụ phong linh mục, cha Angelus Acri bắt đầu rao giảng nhưng kết quả chỉ được chút ít hoặc chẳng thành công gì. Hình như cha Angelus không có ơn gọi thuyết giảng! Thế nhưng một lần nữa, ngài lại đặt tin tưởng vào Chúa chứ không vào mình. Cha Angelus cứ cố gắng. Sau khoảng 10 năm, cha Angelus được gởi đến Napoli giảng thuyết trong suốt mùa Chay năm 1711. Và lần đầu tiên, bài giảng của cha Angelus mang lại thành quả tốt đẹp! Nhiều người đã tới nghe cha Angelus và bị xúc động mạnh bởi lời giảng của ngài.
Phần còn lại của cuộc đời, cha Angelus tận hiến mình phục vụ cho việc rao giảng tại Calabria và Napoli. Từng đám đông người tới nghe cha Angelus và hàng ngàn người đã bị thôi thúc phải thay đổi lối sống vì lời giảng giải của ngài. Thiên Chúa không những đã ban cho cha Angelus ơn thuyết giảng tốt mà còn ban cho ngài nhiều ơn siêu nhiên, kể cả ơn chữa bệnh và nói tiên tri. Vì điều này, nhiều người từ rất xa đã đến nghe cha Angelus thuyết giảng và xưng thú tội lỗi với ngài. Cha Angelus có thể đọc được tâm hồn của họ và trao cho họ những lời khuyên thật bổ ích.
Cha Angelus qua đời tại nhà dòng Capucinô ở Acri ngày 30 tháng 10 năm 1739, thọ 70 tuổi. Ngài được Đức Giáo Hoàng Leo XII tôn phong tôn phong lên bậc chân phước ngày 18 tháng 12 năm 1825.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:51

Tông Đồ Cầu Nguyện ngày 30.10.2019

Filled under:


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:49

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 29-10-2019

Filled under:

Lời Chúa: Lc 13, 18-21
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó".
Người lại phán rằng: "Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men".

Suy Niệm 1

 Sức Mạnh Nội Tại Của Nước Chúa
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm hai dụ ngôn về Nước Trời: hạt cải và nắm men. Cả hai dụ ngôn làm nổi bật khởi điểm khiêm tốn nhỏ bé của Nước Chúa so với sự hoàn thành cuối cùng.
Dụ ngôn hạt cải nhấn mạnh sự phát triển theo chiều rộng: từ hạt cải nhỏ bé trở thành cây to, đến độ chim trời có thể đến làm tổ được. Dụ ngôn nắm men được đem trộn vào bột nhấn mạnh đến chiều sâu, tức phẩm chất của Nước Chúa: từ một chút men có thể làm dậy cả khối bột. Cả hai dụ ngôn đều nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của Nước Chúa, một sức mạnh chỉ được nhìn thấy bằng đức tin mà thôi. Thật thế, khi kể hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu không nhằm đến diễn tiến Nước Chúa đang xảy ra như thế nào trong lịch sử, mà chỉ nhằm nhấn mạnh đến tình trạng hoàn tất chung cuộc vào lúc cuối lịch sử: mặc cho những thử thách, những ngăn trở, Nước Chúa dù được bắt đầu một cách khiêm tốn nhỏ bé, nhưng chắc chắn sẽ đạt đến mức phát triển trọn vẹn.
Hai dụ ngôn: Hạt Cải và Nắm Men trong bột, gởi đến chúng ta một sứ điệp hy vọng, nhất là khi phải đương đầu với trở ngại, thử thách trong đời sống đức tin. Nhìn thấy những điều tiêu cực luôn xảy ra trong Giáo Hội và trên thế giới, chúng ta có thể tự hỏi: Những hạt cải giá trị Kitô liệu còn có thể mọc lên và phát triển trong một thế giới ngày càng bị tục hóa và bị nhiễm tinh thần đối nghịch với Thiên Chúa không? Một chút men Lời Chúa có đủ sức thu hút và biến đổi con người nên tốt hơn không? Ðã hơn 2.000 năm kể từ khi Con Thiên Chúa nhập thể làm người và thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại qua cái chết trên Thập giá, nhưng thử hỏi nhân loại ngày nay có tốt đẹp hơn ngày xưa không?
Nếu suy nghĩ theo lý luận tự nhiên, chúng ta có thể dễ dàng rơi vào thất vọng. Tuy nhiên, những lời của Chúa Giêsu qua hai dụ ngôn trên đây không cho phép chúng ta bi quan ngã lòng. Chúng ta không nhìn thấy tương lai Nước Chúa sẽ như thế nào nhưng Chúa muốn chúng ta cộng tác vào đó, bằng sự cầu nguyện và dấn thân làm những gì có thể với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.
Xin Chúa mở rộng con mắt đức tin chúng ta, để chúng ta nhìn thấy tác động âm thầm của tình yêu Chúa trong những biến cố hằng ngày. Xin cho chúng ta luôn kiên trì trong thử thách và luôn hy vọng vào Chúa trong mọi sự.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


SUY NIỆM 2
 
Tin Mừng hôm nay về Nước Trời qua hai dụ ngôn: hạt cải và nắm men với mục đích trình bày về sự triển nở của Nước Trời.

Dụ ngôn hạt cải nói về sự phát triển theo chiều rộng: từ hạt cải bé nhỏ trở thành cây to, đến độ chim trời có thể làm tổ trên cành được. Dụ ngôn nắm men được trộn vào thúng bột cho ta thấy chiều sâu, tức phẩm chất của Nước Chúa: từ một nắm men có thể làm tất cả bột dậy men. Hai dụ ngôn đều nói đến sức mạnh nội tại của Nước Chúa, một sức mạnh mà người ta không thể thấy bằng con mắt xác thịt. Chỉ ai có đức tin mới thấy được sức mạnh ấy. Khi dùng hai dụ ngôn này, Chúa không nhắm đến diễn tiến Nước Chúa đang xảy ra như thế nào trong lịch sử, mà chỉ nhắm đến tình trạng hoàn tất chung cuộc vào lúc lịch sử nhân loại chấm dứt: dẫu cho mọi thử thách, mọi ngăn trở, Nước Chúa dù được bắt đầu một cách khiêm tốn nhỏ bé, nhưng cuối cùng sẽ đạt đến mức phát triển trọn vẹn.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một niềm hy vọng, giúp chúng ta vượt qua những giây phút xao xuyến khi đứng trước: Những tiêu cực bên trong cũng như bên ngoài Giáo Hội; những tha hoá của  một thế giới ngày càng bị trần tục hoá; những giá trị Kitô giáo ngày càng trở nên xa lạ và lạc lõng, ngay trong chính những xã hội mà người Công giáo chiếm đa số, những khó khăn trong việc đem Tin Mừng đến cho con người đương đại. Đôi khi ta tự hỏi: “Hạt giống Kitô, và nắm men Tin Mừng, sau 2000 năm Chúa gieo vào trần gian này, liệu có làm cho con người ngày hôm nay tốt hơn con người ngày xưa không?”. 

Cứ suy nghĩ theo lý luận tự nhiên thì chúng ta bi quan lắm, nhưng Lời Chúa đã chỉ ra rằng, Nước Chúa sẽ toàn vẹn và những khó khăn, thách đố mà Giáo Hội ngày hôm nay đang đương đầu, không thể làm chúng ta bi quan, ngã lòng được, mà trái lại chúng ta hăng say dấn thân và cầu nguyện cho Nước Chúa nhiều hơn nữa.

Lạy Chúa, xin mở rộng con mắt đức tin của con, để con nhìn thấy những tác động thầm lặng của tình yêu Chúa, trong những biến cố hàng ngày. Xin cho con luôn trung thành trong mọi thử thách, luôn lạc quan và tin tưởng vào Chúa. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn08:22

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN NGÀY 29/10/2019

Filled under:


Posted By Đỗ Lộc Sơn08:17

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 29/10/2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 29/10/2019
“Hạt cải lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.” (Lc 18,19).
Giáo xứ Sơn Lộc có nhiều người trồng rau, trồng nhiều hơn cả là rau cải, bởi năng xuất cao và mau được ăn. Hạt cải thì ai cũng biết, nó nhỏ chỉ bằng hạt cát biển, nhưng cây cải trưởng thành nó có thể cao tới một mét. Vùng Trung đông trong đó có nước Do Thái có những cây cải cao lớn đến 2 mét.
Dụ ngôn hạt cải nói đến sự phát triển của cây cải, từ hạt cải nhỏ bé trở thành cây to, đến độ chim trời có thể đến làm tổ được. Dụ ngôn nắm men được đem trộn vào bột, để từ một chút men có thể làm dậy cả khối bột. Cả hai dụ ngôn đều nhấn mạnh đến sức mạnh của Nước Chúa, một sức mạnh chỉ được nhìn thấy bằng đức tin.
Đời sống và đức tin của mỗi người như hạt cải nhỏ bé được lớn lên nhờ ánh sáng lời Chúa, sức nóng ấm áp của tình yêu Thiên Chúa và nước hằng sống của Thánh Thần, nhờ đó mỗi người hãy lớn lên tới mức “chim trời đến làm tổ trú ẩn”. Nghĩa là cho các nhân đức sinh sôi nảy nở, được chở che và nuôi sống.
Hạt cải phải mục nát đi, men phải được hòa tan trong bột, đời sống của chúng con cũng phải như vậy. Chúng con phải chan chứa tình Chúa, tình người, sống công bằng, từ bi, nhân hậu, hiền hòa, nhẫn nại... làm cho men yêu thương lan tỏa để nhiều người yêu mến Chúa hơn.
Lạy Chúa, xin cho đức tin của chúng con lớn bằng hạt cải, để chúng con đủ sức diễn tả tình yêu mạnh mẽ của Chúa nơi cuộc đời chúng con. Amen.

Thánh Narcissus Jerusalem
(90-215)

Thánh Narcissus khi lên làm Giám mục thành Jerusalem thì đã 80 tuổi. Ngài cùng với Theophilus ở Cesarea chủ tọa Hội đồng và đã chấp thuận cử hành lễ Phục sinh vào ngày Chúa nhật. Theo tương truyền thì vào ngày lễ làm phép dầu dùng để xức dầu bị thiếu hụt thì ngài đã truyền lấy nước giếng gần đó đem lại cho ngài làm phép và sau khi làm phép thì nước đã biến thành dầu.
Trong lúc ngài đang thi hành chức vụ Giám mục thì có ba tên vô lại muốn chạy tội nên đã vu khống những tội lỗi cho Narcissus và đặt mọi điều xấu xa vu khống cho ngài. Chúng đã thề thốt trước tòa: tên thứ nhất nói nếu tôi nói dối thì lửa sẽ thiêu sống tôi; tên thứ hai thề nếu tôi nói điều gian dối thì bệnh phong cùi sẽ ăn lở toàn thân tôi; tên thứ ba lại thêm nếu tôi vu oan thì tôi sẽ bị mù cả đôi mắt. Thánh Narcissus cảm thấy buồn vì lòng dạ con người nên ngài rời bỏ thành Jerusalem mà đi biệt tích; người ta không biết ngài đi đâu. Dius được đặt lên thay thế, kế tiếp là Germanion và Gordios.
Sau đó một thời gian thì ba tên vô lại bị những hình phạt ghê gớm mà chúng đã thề dối, tên thứ nhất bị chết cháy, tên thứ hai bi bênh cùi lở lói, tên thứ ba bị đui mù.
Ít năm sau đó thì thánh Narcissus lại trở về giữ lại chức vụ Giám mục Jerusalem. Sự thánh thiện và lòng đạo đức của ngài đã đem lại hân hoan cho giáo hữu thành Jerusalem. Ngài cầu xin Chúa gửi đến một Giám Mục để giúp đỡ ngài vì ngài đã quá già yếu. Và Chúa đã nhậm lời và thánh Alexander ở Cappadocia đã đến giúp ngài điều hành giáo phận. Ngài tại vì cho đến một trăm mười sáu tuổi mới qua đời năm 215.

Posted By Đỗ Lộc Sơn08:15

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

SUY NIỆM CHÚA NHẬT CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN C

Filled under:

Lời Chúa: Lc 18, 9-14

SUY NIỆM 1
Mãnh lực lời nguyện - Lm. Minh Vận, CRM

Xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu, người ta thường phân thành hai đẳng cấp cách biệt nhau, đôi khi còn đối nghịch miệt thị nhau, như chúng ta thấy Chúa đề cập tới trong dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay.
Thượng cấp: Các thầy thông giáo, biệt phái, luật sĩ và phái pharisiêu là bậc thầy được dân chúng tôn là hàng đạo đức, người công chính. Vì thế, họ thường được trọng kính, được bái chào ngoài đường phố, dành chỗ danh dự nơi bàn tiệc, chiếm chỗ nhất nơi hội đường; mang y phục lộng lẫy, tua rua dài, thẻ bài lớn, huy chương đầy ngực.
Hạ cấp: Trái lại, các nhân viên thâu thuế lại bị liệt vào hạng người tội lỗi, kẻ bất lương đáng khinh bỉ; vì họ là những viên chức của chính quyền Roma, như những tay sai của ngoại bang, tôi tớ của đế quốc, những hạng người bị gọi là mọt dân, đục khoét, hối lộ, hà hiếp, bóc lột dân chúng.
I. ĐỂ CẢNH TỈNH NGƯỜI KIÊU CĂNG
Để cảnh tỉnh những con người kiêu căng, tự cao, tự đại, tự tôn mình là người công chính và khinh dể kẻ khác, Chúa đã nêu ra một dụ ngôn hai người lên Đền Thờ cầu nguyện:
Người biệt phái với điệu bộ huênh hoang, thay vì dâng lời ngợi khen chúc tụng Chúa, ông ta lại liệt kê một loạt những công phúc việc lành ông đã thực hiện; thay vì thống hối xưng thú tội lỗi mình để cầu xin Chúa tha thứ, ông lại phang phui các tội lỗi của người khác. Sau cùng, ông đã tự mãn kết tội: "Tôi không như tên thu thuế khốn nạn tội lỗi dưới kia". Trái lại, người thu thuế, tự cảm thấy mình là kẻ tội lỗi, khép nép đứng đàng xa mãi cuối Đền Thờ, cúi đầu không dám ngước mắt nhìn lên, đấm ngực khẩn cầu ơn tha thứ: "Lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ tội lỗi". Để kết thúc dụ ngôn, Chúa đã quả quyết: "Người thu thuế ra về được khỏi tội, còn người biệt phái không đáng lãnh nhận ơn tha thứ ". Rồi Chúa kết luận: "Vì, tất cả những ai tự tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống và những ai tự hạ mình xuống, sẽ được tôn lên".
II. MÃNH LỰC CỦA LỜI CẦU KHIÊM TỐN
Lời cầu nguyện của những kẻ khiêm tốn có một mãnh lực vô song, vì họ luôn chân nhận mình là một thụ tạo, có nghĩa vụ phải tôn vinh ca ngợi Đấng Tạo Hóa; họ ý thức thân phận thụ tạo của mình là phải hoàn toàn tùy thuộc Đấng dựng nên mình, như những kẻ thụ ân luôn phải cảm tạ Chúa, vì muôn ơn phúc Người đã ban; họ thú nhận mình chỉ là những tội nhân đáng Chúa trừng phạt, nên họ cần phải thống hối ăn năn và khẩn cầu ơn Chúa tha thứ tội lỗi. Sau cùng, họ tự cảm nhận được diễm phúc làm con cái Chúa, nên họ phải luôn dâng lời cảm tạ Chúa là Cha Nhân Từ hằng ban muôn vàn ơn lành cho họ và họ cố gắng sống hết tình con ngoan thảo đối với Chúa.
Vì thế, lời cầu của người khiêm tốn dâng lên được Chúa đoái thương chấp nhận, tha thứ tội lỗi và ban muôn phúc lành cần thiết. Đúng như lời Thánh Phêrô đã quả quyết: "Chúa hằng ban ơn cho người khiêm hạ; nhưng Chúa chống lại kẻ kiêu căng tự phụ".
Ngoài ra, lời cầu của người khiêm tốn còn có thế lực chinh phục tha nhân trở về với Chúa. Câu truyện sau đây minh chứng điều đó: Bà Dorothy Day từ trần tháng 11, 1980, hưởng thọ 84 tuổi. Khi tường thuật về cái chết thánh thiện của bà, tời báo New York Times đã kể bà là một nhân vật có thế lực nhất trong lịch sử Công Giáo Hoa Kỳ. Sau ngày bà từ giã cõi đời, người ta đã khơi dậy một phong trào, vận động xin Giáo Hội phong Thánh cho bà, vì cuộc đời thánh đức và các công việc từ thiện bái ái bà đã thực hiện để cứu giúp những người nghèo đói túng thiếu ở thành phố New York.
Trong cuốn sách nhan đề: "From Union Square to Rome", bà đã tự thuật cuộc trở lại Công Giáo của bà như sau: "Một điều lôi cuốn tôi trước hết, là một hôm, tôi thấy hình ảnh một bà mẹ đang quì đăm chiêu sốt sắng cầu nguyện. Hình ảnh ấy đã lay động lòng tôi cách mãnh liệt và sâu xa, đến nỗi không bao giờ tôi có thể quên được". Cũng trong cuốn tự thuật đó, bà còn viết: "Trong những ngày đầu khi tôi mới trở lại, tôi thường nghỉ đêm ở quán trọ, để sáng mai tôi có thể tới dự Thánh Lễ sớm tại nhà thờ Thánh Giuse; điều lôi cuốn tôi đến nhà thờ này, là tôi được thấy người ta quì cầu nguyện cách sốt sắng". Bà còn quả quyết: "Tôi khát khao được Đức Tin như họ, và bỗng nhiên tôi được ơn tin vào Chúa, nên tôi đã quyết tâm gia nhập Giáo Hội Công Giáo".
III. SỰ SÁNG CÁC CON PHẢI CHIẾU GIÃI
Mãnh lực nào đã chinh phục bà Dorothy Day từ một người ngoại trở lại Công Giáo? Sức mạnh nào đã biến đổi con người của bà, từ một người phụ nữ tầm thường đã trở nên một người thánh thiện, hăng say xả thân phục vụ trong công cuộc từ thiện bác ái, cứu giúp những người nghèo khó cùng khổ? Đó chính là hấp lực gương sáng của những người có Đức Tin vững mạnh khi họ khiêm tốn sốt sắng cầu nguyện.
Một Cha già Việt Nam, dâng Thánh Lễ trong một cộng đồng người Mỹ. Sau Thánh Lễ, một số người đã tới bày tỏ: "We are very happy to attend your Mass". Ngài hỏi: "Why?" Họ đã trả lời: "You believe what you do".
Những người đã từng được chứng kiến Đức Thánh Cha Piô XII cầu nguyện, đều đồng thanh quả quyết: "Ngài giống như một Thiên Thần sốt mến".
Cha Thánh Gioan Maria Vianney thường xuyên thấy một ông già nông dân vào nhà thờ quì gối thầm lặng, mắt đăm chiêu nhìn lên nhà tạm Thánh Thể Chúa cách sốt sắng phi thường. Một hôm, ngài hỏi cho biết ông cầu nguyện thế nào, mà không thấy ông nói gì với Chúa. Ông trả lời đơn sơ: "Je Le vois, Il me voit. Ca suffit". Xin tạm dịch: "Con nhìn Chúa, Chúa nhìn con. Thế là đủ rồi".
Một cụ già nhà quê, là một trong những người được mời đến thẩm vấn, để lập án xin phong Thánh cho Cha Gioan Maria Vianney, đã được ông phát biểu một nhận định thâm thúy về Cha Gioan Vianney như sau: "Tôi nhìn thấy Thiên Chúa nơi con người Cha Gioan Vianney".
Kết Luận
Khi dâng hay tham dự Thánh Lễ, tham dự các giờ phượng tự hay bất cứ một việc đạo đức nào, chúng ta có cảm nghiệm được rằng: Chúng ta đang được diễm phúc diện kiến với Thiên Chúa, tâm sự với Đấng thánh thiện và uy linh cao cả, Đấng đáng yêu mến vô cùng, Đấng mà các Thần Thánh trên trời, các chính nhân dưới thế và muôn loài muôn vật phải hết lòng yêu mến, phụng thờ, kính tôn?

Khi giao tiếp với tha nhân, nhất là khi chúng ta làm việc phụng sự Chúa, người ta đã gặp thấy Thiên Chúa nơi chúng ta và cảm nghiệm được Thiên Chúa đang tưởng nghĩ, nói năng và hành động nơi con người chúng ta chưa?

Suy niệm 2

Người Biệt phái trong dụ mà Chúa Giêsu kể: trước mặt Thiên Chúa, ông kiêu hãnh về sự thánh thiện của mình. Ông cảm thấy sự đầy đủ của bản thân mà không cần sự trợ giúp đến từ Thiên Chúa. Ông tán dương và nhìn về mình một cách tự mãn, phô trương sự công chính của mình trước mặt người đời khi ông cầu nguyện. Hình ảnh của người Biệt phái tiêu biểu cho rất nhiều người sống trong sự đầy đủ cả tinh thần lẫn vật chất mà không cần đến bất cứ sự trợ giúp nào. Những người sống mãn nguyện với chính mình dựa trên vài việc đạo đức cầu kinh xem lễ, với họ, như người Biệt phái: vậy là quá đủ mà không cần nhờ đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ tự mãn chính mình, ông nhìn đời và khinh miệt những người anh em: “ … con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia …”. Những việc làm công chính của ông là tốt, là đáng khích lệ để tiếp tục sống, nhưng chính vì tự mãn mình, tự mãn khỏa lấp vinh quang của Thiên Chúa, ông chối bỏ ân sủng của Thiên Chúa trong đời, ông không cần nhận gì nơi Thiên Chúa vì tự ông có thể làm cho mình nên công chính. Vì thế, ơn cứu độ được ban phổ quát cho tất cả mọi người trong đó có chính ông, nhưng ông đã dửng dưng không nhận, nên ông không được công chính hóa do ân sủng đến từ Thiên Chúa.

Trong lúc đó, người thu thuế ý thức về thân phận tội lỗi và bất toàn của chính mình, từ chỗ thẳm sâu của sự hèn yếu như Thánh vịnh đã cầu khẩn: “Từ vực thẳm con kêu lên Ngài, lạy Chúa” (Tv 130,1), vang tiếng kêu cầu của một tâm hồn tan nát khiêm cung. Đời anh luôn thiếu sót, đến nỗi chẳng có gì là lễ vật dâng lên Thiên Chúa, ngoài lòng sám hối ăn năn như thánh vương Đavít đã nhìn nhận lỗi lầm mình: “Lạy Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm hồn tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 51,19). Ý thức được thân phận bất xứng của mình, anh không dám đến gần Chúa, cũng chẳng dám ngước mắt lên trời, mà chỉ đấm ngực mình để bày tỏ lòng ăn năn thống hối: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).

Anh bày tỏ sự thiếu hụt, luôn cần sự trợ lực đến từ Thiên Chúa. Anh mở lòng mình ra với tấm lòng thành và được sự thứ tha của Thiên Chúa như sách Châm ngôn có dạy: “Kẻ giấu tội mình sẽ không thành đạt, nhưng ai xưng thú và chừa tội sẽ được xót thương” (Cn 28,13). Anh đã được Thiên Chúa đến ban hồng ân cứu độ, như ngôn sứ Isaia phán lời hứa của Đức Chúa (x. Is 57,15).

Ước chi tâm hồn mỗi chúng ta như người thu thuế mang tấm lòng chân thành, ngóng trông chờ đợi với tất cả những gì mình là, dù rằng mình khiếm khuyết bất toàn. Sự chờ đợi và mở lòng sẽ được như lời Đức Kitô nói về người thu thuế: “Người này khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính” (Lc 18,13). Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:47

TÔNG ĐÒ CẦU NGUYỆN NGÀY 27-10-2019

Filled under:


Posted By Đỗ Lộc Sơn04:42

Phút cảm nhận Tin Mừng chúa nhật 27-10-2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng chúa nhật 27-10-2019
Ta bảo các ngươi: "người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên"(Lc 18, 14).
Người Pharisêu lên đền thờ cầu nguyện nhưng thực ra là để khoe khoang thành tích không những với Chúa mà còn cho người thu thuế đứng xa xa kia nghe nữa.
Quả thật, người thu thuế khi nghe được những lời kể lể kia, ông không còn tâm trí nào để cầu nguyện, một lòng ông đấm ngực mà kêu lên xin thương xót.
Người Pharisêu đã không nhận ra sự công chính là một ân huệ Chúa ban cho ông, chứ không phải tự ông làm ra. Chính khi tự mãn thiếu khiêm tốn, và nhận sự công chính ấy là của riêng mình, thì ngay lúc đó ông đã mất ơn nghĩa với Chúa và không còn công chính nữa.
Ngược lại, Người thu thuế nhận mình lầm lỗi, chẳng dám ngước mắt nhìn lên, chỉ biết đấm ngực ăn năn và kêu xin lòng thương xót Chúa. Ông chỉ biết phó thác cho lòng Chúa khoan dung. Ngay lúc đó, ông đã trở nên công chính. Với tất cả lòng thành ấy, Chúa nhìn xuống và làm cho ông nên công chính.
Lạy Chúa. Chúng con thường xét đoán người này theo cái nhìn bên ngoài và vội vã kết án người khác khi chưa rõ thực hư, xin tha thứ cho chúng con. Chỉ có Chúa, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, mới có quyền kết luận mọi việc. (Mt.6,4). Amen.

27-10 Tôi Tớ Thiên Chúa Alexander ở Hales 

(c. 1245)


Alexander là người gốc Anh, theo học tại một tu viện ở Hales. Khoảng năm 1210, ngài bắt đầu dạy thần học tại Ðại Học Paris, một học viện uyên bác và uy tín. Ngài nổi tiếng về sự thánh thiện cũng như sở học của ngài.
Ðể sùng kính Ðức Maria, ngài có lời hứa là sẽ không từ chối bất cứ ai nhân danh Ðức Maria mà yêu cầu ngài. Một ngày kia, trong lần đi xin ăn, một tu sĩ Phanxicô đã nhân danh Ðức Maria yêu cầu ngài gia nhập Dòng Phanxicô. Thật bối rối, nhưng ngài đã giữ lời hứa và gia nhập dòng. Trong thời gian tu luyện, ngài bị cám dỗ bỏ nhà dòng, nhưng trong một giấc mơ, ngài thấy Thánh Phanxicô vác thập giá thuyết phục ngài hãy kiên trì trong đời sống tu trì. Sau cùng, ngài không còn bị cám dỗ ấy nữa.
Khi là một tu sĩ Phanxicô, Alexander tiếp tục dạy đại học. Ngài giúp thiết lập những nền tảng căn bản cho phái Kinh Viện cũng như việc dẫn giải, bảo vệ chân lý đức tin của phái này. Ngài được vinh dự với những tước hiệu “Tiến Sĩ Bất Khả Bác Bẻ” và “Thầy Các Tiến Sĩ.” Thánh Bonaventure và Thánh Tôma Aquinas là những người theo học với ngài. Có lần Thánh Tôma nói, “Chỉ có một thần học gia mà bạn cần vượt qua.” Ðó là Alexander ở Hales.
Thánh Alexander luôn luôn là một tu sĩ khiêm tốn, việc sùng kính Ðức Maria đã dẫn đưa ngài đến đời sống tu trì. Ngài chết với thánh danh Mẹ Maria vẫn còn trên môi.

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:41

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2019

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN NGÀY 26-10-2019

Filled under:


Posted By Đỗ Lộc Sơn06:03

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 26-10-2019

Filled under:

Lời Chúa: Lc 13, 1-9

Suy Niệm 1

 Dấu Chỉ Của Thời Ðại
Trong bài Phúc Âm của ngày hôm qua chúng ta đã nghe Chúa Giêsu dạy về việc phải biết nhìn xem những dấu chỉ của thời đại, biết phân định những biến cố xảy ra theo ánh sáng của Lời Chúa. Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy một thí dụ cụ thể là Chúa Giêsu đã đọc dấu chỉ của thời đại, tức là hai biến cố đau thương vừa xảy ra: quan tổng trấn Philatô đã giết chết một số người Galilê nơi đền thờ; và tháp Silôê sập đè chết mười tám người. Chúa Giêsu đã thuật lại hai biến cố này trước: "Các ông tưởng mấy người Galilê đó tội lỗi hơn hết những người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôê đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không chịu sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy".
Tai họa là điều tiêu cực xảy ra, không phải là hình phạt của một vị Thiên Chúa muốn trả thù vì tội lỗi của con người và những anh chị em nạn nhân, không phải là những kẻ xấu tệ, đáng khinh. Những biến cố xảy ra là những dịp kêu gọi con người trở lại cùng Thiên Chúa. Dụ ngôn về cây vả không có trái cũng vậy.
Dụ ngôn mời gọi người nghe hãy ăn năn hối cải và thực hiện đền bù trổ sinh hoa trái tốt và thôi không lạm dụng lòng nhân từ của Thiên Chúa nữa. Mỗi tín hữu đều được mời gọi sống đức tin bằng những việc tốt lành của đức bác ái, một đức tin sống động mới xác tín cá nhân để thực hiện những công việc làm của kẻ yêu mến Thiên Chúa và anh chị em.
Trước nhan Thiên Chúa không có những phân biệt đối xử, những kỳ thị cho người này cao trọng hơn người kia. Chúng ta tự nhiên thường hay có thái độ khinh thị anh chị em và kiêu ngạo cho mình tốt lành hơn cả. Chúng ta cần thay đổi tâm thức để mặc lấy những tâm tình của Chúa, hành xử như Chúa đã nêu gương. Chúng ta hãy biến đổi con tim mình để nó đừng ích kỷ, đừng khinh dễ anh chị em, đừng xét đoán hạ thấp anh chị em, nhưng ngược lại biết mở rộng trong sự vị tha, tình huynh đệ, sự hòa hợp, tình thương, lòng nhân từ, niềm vui, sự bình an, lòng quảng đại và hy vọng. Thay đổi chính tâm hồn mình là một điều khó, một tiến trình liên lỉ, dài hạn, đòi hỏi hy sinh và can đảm cộng tác với ơn Chúa. Ðừng an ủi mình, đừng trấn an lương tâm mình bằng việc phân tích phê bình những sơ sót của anh chị em, dường như thể chúng ta tốt lành hơn: "Nếu các con không sám hối, thì các con cũng sẽ chết giống như vậy".
Lạy Chúa.
Chúng con cảm tạ Chúa vì đã luôn thức tỉnh chúng con, mời gọi chúng con sám hối, canh tân. Chúng con muốn vượt ra khỏi những vòng nô lệ của tật xấu và tội lỗi. Xin thương ban ơn thánh Chúa, thanh luyện giúp chúng con trở thành những con người mới, sống theo mẫu gương của Chúa, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong mọi hoàn cảnh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


SUY NIỆM 2
 
Trước câu chuyện tai ương của những người Galilê mà một số người đến kể lại có ý nhằm khiêu khích Chúa Giêsu bởi Người cũng là người Galilê, Người đã đón nhận một cách bình tĩnh và còn dạy cho họ một bài học đáng ghi nhớ trong cuộc sống: “Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”.

Rõ ràng, Chúa Giêsu muốn nói với họ rằng, đứng trước sự đau khổ, hoạn nạn của người khác, mỗi người đừng vội xét đoán hay lợi dụng cho những ý đồ bất chính của mình. Trái lại, hãy nhìn đó như một cơ hội để kiểm thảo cuộc đời mình và thay đổi nếu cần thiết, để có thể sinh nhiều hoa trái tốt đẹp, hầu tránh được những điều bất hạnh.

Người Việt Nam chúng ta có câu: “xem người mà nghĩ đến ta”. Mọi người chung quanh ta, mọi biến cố, sự kiện xảy ra trong cuộc đời ta đều có ý nghĩa và giá trị nhất định nào đó. Những tai ương, khốn khó nơi tha nhân cũng là bài học nhắc nhớ và cảnh tỉnh mỗi người chúng ta: Điều xảy ra cho anh chị em tôi hôm nay, rất có thể sẽ xảy đến cho tôi trong tương lai! Và nếu điều đó xảy ra, tôi có những chuẩn bị gì? Lúc này đây, tôi cần phải làm gì để hạn chế tối đa, không để cho những điều bất hạnh đó xảy cho tôi? V.v.

Lạy Chúa Giêsu nhân lành, chúng con cảm tạ Chúa đã dạy chúng con bài học rất cần thiết cho đời sống đức tin. Xin cho mỗi người chúng con biết quyết tâm hối cải những tính hư nết xấu của mình, biết luôn trân quý mọi người và biết chu toàn bổn phận Chúa trao trong cuộc đời này, hầu có thể tránh khỏi những hoạn nạn trong cuộc đời này và nhất là được cứu thoát khỏi bị diệt vong muôn đời. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường 

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:01

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 26/10/2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 26/10/2019
“'Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.” (Lc 13,8-9).
Không biết từ bao giờ, một số người nông dân hễ tới ngày rằm tháng năm là đem dao ra băm vào thân cây để mong năm sau nó ra trái.
Trong cuộc đời của mỗi người đều có những biến cố xảy ra cho từng giai đoạn (Thiếu nhi, trưởng thành và già lão). Nếu biết nhận ra để cảm tạ, tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa, thì dù con người tội lỗi đến đâu, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương, tha thứ. Khi nhận ra tình yêu Thiên Chúa và thân phận yếu hèn của mình, mọi người càng phải cảm thông và yêu thương người khác nữa.
Dụ ngôn mời gọi chúng con hãy ăn năn hối cải, để mong trổ sinh hoa trái tốt . Sống đức tin bằng những việc tốt, một đức tin sống động, thể hiện bằng những việc làm của người yêu mến Thiên Chúa. chúng con nhận ra rằng: nếu Chúa không để cho có thời gian sám hối, hầu quay trở về với Thiên Chúa và làm hòa với anh chị em thì chúng con thật vô phúc.
Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra tình thương của Chúa trên chúng con. Đồng thời nhận ra sự kiên trì chờ đợi của Chúa khi mong mỏi chúng con sám hối trở về. Xin Chúa chúc lành cho chúng con và giúp chúng con trung thành với điều ước nguyện. Amen.

26-10 Chân Phước Contardo Ferrini (1859-1902)


Contardo Ferrini là con của một thầy giáo mà sau này chính ngài cũng trở nên một người có kiến thức, hiểu biết nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngày nay, ngài là quan thầy của các đại học.
Sinh ở Milan, ngài có bằng tiến sĩ luật ở Ý và được học bổng để du học ở Bá Linh về luật Rôma-Byzantine. Là một chuyên gia nổi tiếng về luật, ngài dạy ở vài trường cao đẳng trước khi dạy ở Ðại Học Pavia, là nơi ngài được coi là một người có thẩm quyền hiểu biết về luật Rôma.
Contardo cũng học biết về đức tin mà ngài đã sống và quý trọng. Ngài nói, “Ðời sống chúng ta phải vươn đến Ðấng Vô Biên, và từ nguồn cội đó chúng ta mới có thể rút ra được bất cứ những gì được coi là công trạng và phẩm giá.” Là một học giả, ngài nghiên cứu cổ ngữ trong Phúc Âm và Sách Thánh. Những bài giảng và văn từ của ngài cho thấy sự hiểu biết của ngài về đức tin và khoa học. Ngài tham dự Thánh Lễ hàng ngày và trở nên một người dòng Ba Phanxicô, trung thành tuân giữ quy luật. Ngài cũng phục vụ trong tổ chức Bác Ái Vincent de Paul.
Ngài từ trần năm 1902 lúc 43 tuổi với nhiều lá thư của các giáo sư đồng viện đã ca tụng ngài như một vị thánh; người dân Suma là nơi ngài sinh sống cũng cả quyết rằng ngài phải được tuyên xưng là một vị thánh.
Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã phong chân phước cho ngài năm 1947.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:57

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 24/10/2019

Filled under:

Lời Chúa: Lc 12, 49-53

Suy Niệm 1

Ðường Ðến Vinh Quang
Bình an chỉ có thể đạt được bằng giá của chiến đấu liên lỉ chống lại tư lợi và khuynh hướng xấu trong con người. "Nếu muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh". Nếu muốn có bình an trong tâm hồn, hãy chuẩn bị đương đầu với những cạm bẫy và sức mạnh của ác thần luôn bủa vây lôi kéo chúng ta đến tội lỗi.
Vai trò của các vua chúa trong Cựu Ước là võ trang và chuẩn bị chiến tranh. Chúa Kitô cũng được gọi là Vua, vai trò của Ngài chính là võ trang và chuẩn bị chiến đấu, nhưng khí giới Ngài trang bị cho mình là cái chết trên Thập giá. Chính khi bị treo trên Thập giá, Ngài đã được tôn phong là Vua Do thái. Chúa Giêsu cũng là Vua, vì Ngài đã đánh bại Satan, tội lỗi. Con đường vương giả Ngài đã vạch ra cũng chính là con đường Thập giá. Chúng ta không thể làm môn đệ Ngài, không thể đi theo Ngài, không thể tham dự cuộc chiến của Ngài, mà lại khước từ Thập giá.
Thật ra, thập giá chỉ là một phát minh độc ác của con người để hủy hoại nhau; mãi mãi thập giá vẫn là biểu tượng sự độc ác của con người. Nếu Chúa Giêsu đã ôm trọn Thập giá, thì không phải vì Ngài yêu sự độc ác, tự đày đọa mình, nhưng chính là để thể hiện tình yêu tột độ của Thiên Chúa. Dù con người có độc ác, xấu xa đến đâu, Thiên Chúa vẫn yêu thương, tha thứ cho họ. Chiến thắng của Chúa Kitô chính là chiến thắng của tình yêu trên hận thù, của ân sủng trên tội lỗi, của niềm tin trên thất vọng.
Chúng ta tiếp tục đi theo con đường của Chúa Kitô; chúng ta tiếp tục đau khổ vì tin rằng bên kia những thất bại, khổ đau, tình yêu Thiên Chúa vẫn còn mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Chúng ta đón nhận mọi bách hại, thù ghét, thua thiệt, vì tin rằng chỉ có tình yêu mới có thể thắng vượt được ích kỷ, hận thù trong lòng con người.
Xin Chúa Kitô ban sức mạnh để chúng ta bước theo con đường Thập giá dẫn đến vinh quang.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



SUY NIỆM 2
 
Đức Kitô đến trần gian để mặc khải tình yêu của Thiên Chúa, một tình hiến dâng, tự hiến chính mình cho nhân lọai, để nâng con người lên đồng thừa tự với Đức Giêsu. Quả thật, qua Đức Giêsu, Thiên Chúa thực sự trở nên hữu hình để chúng ta chiêm ngắm, và qua hiến lễ thập giá, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta thật vĩ đại. Từ cảm nghiệm này Thiên Chúa mời gọi chúng ta đáp trả tình yêu đã nhận lãnh.
 
Lời đáp trả tình yêu là một hành trình ra khỏi chính mình, dứt khoát những ràng buộc danh vọng, tiền tài, tham vọng trần thế, những tình cảm ngăn cản lời đáp trả. Hành trình yêu thương này luôn đòi hỏi một thái độ dứt khóat và quyết liệt như tiên tri  Êlisa đã làm: ông “bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà. Rồi ông đứng dậy, đi theo ông Êlia” 

(1V 19,21). Một hành vi dứt khóat như thế luôn gặp sự chống đối từ những người chưa cảm nhận được tình yêu Chúa và chưa nhận ra giá trị của lời mời gọi đáp trả tình yêu. Sự chống đối này cũng gay gắt nhiều khi đưa tới sự phân rẽ trong gia đình: “cha chống lại con trai, mẹ chống lại con gái”. 

Tình yêu luôn là một hành vi tự hiến, trao ban, bao dung, quảng đại, tha thứ, tôn trọng sự thật và nhân phẩm người khác, cho nên tình yêu luôn gặp phải sự chống đối của những con người sống ích kỷ, tham lam, sống buông thả, chiều theo dục vọng, những con người chất chứa đầy thù hận. Từ đó gây ra cuộc chiến ánh sáng và bóng tối. Cuộc chiến đó luôn kéo dài trong đời sống Kitô hữu chân chính, những người luôn mau mắn đáp trả lời mời gọi của tình yêu.

Lạy Chúa, xin cho ngọn lửa tình yêu Chúa luôn hun đúc trong con, để con luôn mãi là chiến sĩ của tình yêu: đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an bình vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào nơi lỗi lầm. Xin cho ngọn lửa tình yêu Chúa thanh luyện gia đình chúng con, cộng đoàn chúng con, để chúng con thực sự sống trong hòa bình. Vì chỉ có tình yêu Chúa mới cho chúng con an bình mà thôi. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:05

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN NGÀY 24/10/2019

Filled under:


Posted By Đỗ Lộc Sơn04:54

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 24.10.2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 24.10.2019
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!.” (Lc 12,49).
Một linh mục tâm sự: "Tôi được mời giảng lễ, một lễ có khá đông quan khách tham dự. Tôi lo soạn bài từ hôm trước và yên tâm về bài đã soạn. Khi giảng, tôi không đọc bất cứ một chữ nào trong trang giấy đã soạn, miệng tôi cứ thao thao với một loạt ý tưởng trong đầu tuân ra, trong khi mắt tôi đang hướng về Thánh giá".
Ngọn lửa mà Đức Giêsu đã gieo vào thế gian này chính là cuộc đời và cái chết của Ngài trên thánh giá. Thánh giá chính là nguồn lực chính để thúc đẩy người Kitô hữu sống và làm chứng cho Chúa.
Thập giá chỉ là một phát minh độc ác của con người để hủy hoại nhau; mãi mãi thập giá vẫn là biểu tượng sự độc ác của con người. Chúa Giêsu đã ôm trọn Thập giá, thì không phải vì Ngài yêu sự độc ác, tự đày đọa mình, nhưng chính là để thể hiện tình yêu tột độ của Thiên Chúa với con người..
Chiến thắng của Chúa Kitô chính là chiến thắng của tình yêu trên hận thù, của ân sủng trên tội lỗi, của niềm tin trên thất vọng.
Đức Giêsu đến không đem hòa bình theo kiểu trần gian, mà là một nền hòa bình của Thiên Chúa, thứ hoà bình này người ta chỉ có thể nhận được sau khi đã cố gắng chiến đấu để sống theo Tin Mừng của Ngài.
Lạy Chúa, để được sự bình an trong cuộc sống, chúng con phải chấp nhận từ bỏ tội lỗi, từ bỏ hận thù, ghen ghét, ích kỷ... xin ban cho chúng con bình an của Chúa. Amen.

Thánh Anthony Mary Claret
(1807-1870)

Thánh Antôn Claret sinh ngày 23 tháng 12 năm 1807 ở làng Sallent, tỉnh Catalonia, nước Tây Ban Nha. Ngài là con của một người thợ dệt. Trong khi làm thợ dệt cũng như vẽ kiểu cho một xưởng tơ sợi ở Barcelona, ngài dùng thời giờ rảnh rỗi để học tiếng Latinh và học cách in ấn: quả thật Chúa đang chuẩn bị ngài để trở nên một linh mục và nhà xuất bản tương lai.
Ðược thụ phong linh mục lúc 28 tuổi, vì sức khỏe yếu kém nên ước mơ trở nên một tu sĩ dòng Tên hay dòng Thánh Brunô không thành tựu, ngài đã trở nên một linh mục triều nổi tiếng về rao giảng ở Tây Ban Nha. Ngài dành 10 năm để đi giảng tuần đại phúc, và luôn luôn nhấn mạnh đến bí tích Thánh Thể và sự sùng kính Thánh Tâm Mẹ Maria. Người ta nói, chuỗi mai khôi không bao giờ rời khỏi tay ngài. Khi 42 tuổi, cùng với năm linh mục trẻ, ngài thành lập tu hội truyền giáo, mà ngày nay được gọi là tu sĩ dòng Claret.
Từ năm 1850 đến 1857, ngài được bổ nhiệm về làm tổng giám mục của giáo phận bị quên lãng từ lâu là Tổng Giáo Phận Santiago ở Cuba. Ngài bắt đầu cải cách bởi việc rao giảng không ngừng và giải tội. Dĩ nhiên ngài phải chịu nhiều chống đối cay đắng — phần lớn là vì ngài kịch liệt lên án vấn đề vợ lẽ và dạy giáo lý cho các người nô lệ da đen. Một tù nhân mà Cha Antôn chuộc ra khỏi tù đã được thuê mướn để giết ngài, nhưng ngài thoát chết và chỉ bị thương ở mặt và tay. Cũng chính Cha Antôn giúp người này thoát án tử hình. Ngài giúp thay đổi sự nghèo nàn của dân Cuba bằng cách giúp họ trồng trọt những thực phẩm khác nhau, cần cho thị trường. Ðiều này khiến các điền chủ tức giận, vì họ chỉ muốn dân chúng trồng mía để thu hoa lợi. Trong các văn bản về tôn giáo của ngài còn có hai quyển ngài viết khi ở Cuba: Suy Tư về Canh Nông và Lợi Nhuận Quốc Gia.
Ngài được gọi về Tây Ban Nha với một công việc mà ngài không ưa thích gì — làm tuyên uý cho nữ hoàng. Ngài đồng ý trở về với ba điều kiện: Ngài sẽ ở ngoài hoàng cung, ngài chỉ đến nghe nữ hoàng xưng tội và dạy giáo lý cho con cái họ, và ngài không bị dính líu gì đến sinh hoạt triều đình.
Cả cuộc đời Thánh Antôn, ngài chỉ mơ ước việc xuất bản sách báo Công Giáo. Ngài sáng lập Nhà In Công Giáo, một cơ sở xuất bản Công Giáo mạo hiểm kinh doanh ở Tây Ban Nha, và ngài đã viết cũng như xuất bản khoảng 200 cuốn sách lớn nhỏ.
Trong Công Ðồng Vatican I, ngài là người trung thành bảo vệ tín điều bất khả ngộ của đức giáo hoàng, ngài được sự thán phục của các giám mục bạn. Ðức Hồng Y Gibbons của Baltimore nhận xét về ngài, “Ðây thực sự là vị thánh.” Ngài mất ngày 24 tháng 10 năm 1870 tại tu viện dòng Xitô ở Fontfroide, Narbonne, nước Pháp  lúc 63 tuổi.
Đức Giáo Hoàng Pius XI đã ghi tên ngài vào sổ Các Đấng Đáng Kính ngày 06 tháng 1 năm 1926. Tám năm sau, ngài được tôn phong Chân Phước ngày 25 tháng 2 năm 1934. Và Đức Giáo Hoàng Pius XII đã nâng Chân Phước Antony Mary Claret lên bậc hiển thánh ngày 07 tháng 5 năm 1950.

Lời Bàn

Ðức Giêsu đã nói trước cho những ai muốn theo Ngài là họ sẽ bị bách hại như chính Chúa. Ngoài những cám dỗ trong đời, Thánh Antôn còn phải chịu đựng biết bao vu khống xấu xa đến độ tên Claret của ngài đồng nghĩa với nhục nhã và bất hạnh. Ma quỷ không dễ gì buông tha con mồi của chúng. Chúng ta không cần phải đi tìm sự bách hại. Tất cả những gì chúng ta cần là sẵn sàng chịu đau khổ vì đức tin chân thật nơi Ðức Kitô, chứ không phải vì những bất cẩn và tính khí bất bình thường của chúng ta.

Lời Trích

Có lần Nữ Hoàng Isabella II nói với Thánh Antôn, “Không ai có thể nói cho tôi nghe một cách rõ ràng và thành thật như cha.” Sau này hoàng hậu nói với ngài, “Mọi người đều xin tôi ban cho họ những ơn huệ này nọ, nhưng chưa bao giờ thấy cha làm như vậy. Cha có muốn xin điều gì không?” Ngài trả lời, “Thưa có, xin cho tôi từ chức.” Từ đó trở đi hoàng hậu không còn đề nghị gì khác.

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:52