Ðức Thánh Cha chủ sự Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng 12-5-2019: Ðức Thánh Cha mời gọi các tín hữu lắng nghe và thân mật với Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành.
G. Trần Ðức Anh OP
Vatican (Vat. 12-05-2019) - Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng, trưa chúa nhật 12 tháng 5 năm 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu lắng nghe và thân mật với Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, từ bỏ những lối hành xử ích kỷ, để tiến bước trên những con đường mới, con đường huynh đệ và xả thân.
Ðức Thánh Cha đã xuất hiện lúc 12 giờ trưa tại cửa sổ căn hộ Giáo Hoàng ở lầu 3 của dinh Tông Tòa để chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng với 20 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Huấn dụ ngắn của Ðức Thánh Cha:
Chúa chiên lành
Trong bài Tin Mừng hôm nay (Ga 10,27-30), Chúa Giêsu tự giới thiệu như Mục Tử đích thực của Dân Chúa. Chúa nói về tương quan liên kết Ngài với các con chiên trong đoàn, nghĩa là các môn đệ của Ngài và nhấn mạnh về sự kiện đó là một tương quan biết nhau: "Các chiên của Thầy thì lắng nghe tiếng Thầy và Thầy biết chúng và chúng theo Thầy. Thầy ban cho họ sự sống đời đời và họ sẽ không bị lạc mất" (vv 27-28). Khi chú tâm đọc câu này, chúng ta thấy việc làm của Chúa được giải thích qua một số động từ: Ngài nói, biết, và ban sự sống đời đời, gìn giữ.
Chúa Giêsu quan tâm đến mỗi người
Vị Mục Tử Nhân Lành - là Chúa Giêsu - quan tâm đến mỗi người chúng ta, tìm kiếm và yêu thương chúng ta, nói với chúng ta, biết rõ tâm hồn, những ước muốn và hy vọng của chúng ta, và cả những thất bại và thất vọng của chúng ta. Chúa đón nhận và yêu thương chúng ta như chúng ta có, với những ưu điểm và khuyết điểm của chúng ta. Ngài ban cho mỗi người chúng ta sự sống đời đời: nghĩa là Chúa cho chúng ta cơ hội sống một cuộc sống sung mãn, khôn cùng. Ngoài ra, Chúa giữ gìn và hướng dẫn chúng ta trong tình yêu thương, giúp chúng ta đi qua những con đường hiểm trở và những con đường nhiều khi bị rủi ro nguy hiểm xảy đến trong hành trình cuộc sống.
Thái độ của các con chiên đối với Chúa
Qua những lời nói và cử chỉ mô tả cách Chúa Giêsu, Vị Mục Tử nhân lành, tương quan với chúng ta, ta thấy có những động từ liên quan đến các con chiên: chúng nghe tiếng Ta, theo Ta. Ðó là những hành động cho thấy cách thức chúng ta phải đáp lại như thế nào những thái độ dịu dàng và ân cần của Chúa. Thực vậy, lắng nghe và nhận ra tiếng Chúa bao hàm sự thân mật với Ngài, sự thân mật này được củng cố trong kinh nguyện, trong cuộc gặp gỡ tâm tình với Thầy Chí Thánh và là Mục Tử các linh hồn. Thái độ ấy càng củng cố trong chúng ta ước muốn theo Chúa, ra khỏi cái mê cung với những con đường sai trái, từ bỏ những lối hành xử ích kỷ, để tiến bước trên những con đường mới, con đường huynh đệ và xả thân, theo gương Chúa. Vì vậy, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta sống tương quan với Chúa Kitô trong sự hoàn toàn tín thác và thân mật. Như thế, chúng ta cũng có thể lôi kéo đến gần Chúa những người đang tìm kiếm Ngài, nhưng có lẽ họ không biết Ngài. Có bao nhiêu người mà chỉ có Thiên Chúa biết lòng họ, và họ đã là "con chiên" của Chúa, nhưng họ đang cần một người anh em, chị em, dẫn họ về với Chúa Giêsu Kitô. Thật là một ân phúc và vui mừng lớn lao khi có thể làm điều ấy.
Hậu quả đời sống thân mật với Chúa: đời sống sung mãn
Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu là vị Mục Tử duy nhất đang nói với chúng ta, biết rõ chúng ta, ban cho chúng ta sự sống đời đời và giữ gìn chúng ta. Chúng ta là đoàn chiên của Ngài và chúng ta chỉ phải cố gắng lắng nghe tiếng Chúa, trong khi Ngài yêu thương kiểm điểm sự chân thành trong tâm hồn chúng ta. Và từ cuộc sống thân mật liên lỷ với Vị Mục Tử của chúng ta nảy sinh niềm vui theo Chúa, để cho Ngài hướng dẫn chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu sung mãn. Cuộc sống đời đời này đã hiện diện trong cuộc đời sống trần thế của chúng ta, nhưng sẽ biểu lộ hoàn toàn sau cái chết, dẫn đưa chúng ta vào hạnh phúc vô biên, trong niềm hiệp thông với Chúa và với tất cả những người để cho Chúa hướng dẫn.
Hiệp ý với Mẹ Maria
Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: "Giờ đây chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria, Thân Mẫu Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành. Mẹ đã mau mắn đáp lại tiếng Chúa gọi, xin Mẹ đặc biệt giúp đỡ những người được kêu gọi đến chức linh mục và đời sống thánh hiến để họ vui mừng và sẵn sàng đón nhận lời mời gọi của Chúa Kitô trở nên những cộng tác viên trực tiếp hơn của Chúa trong việc loan báo Tin Mừng và phục vụ Nước Chúa trong thời đại chúng ta ngày nay.
Sau khi ban phép lành cho mọi người, Ðức Thánh Cha còn nói thêm rằng:
Chúc mừng và cám ơn các bà mẹ
"Ngày hôm nay, tại nhiều nước, là lễ các bà mẹ. Tôi muốn thân ái chào thăm tất cả các bà mẹ, cám ơn các bà vì hoạt động quí giá trong việc nuôi dưỡng con cái và bảo vệ các giá trị gia đình. Tôi cũng nhắc nhớ các bà mẹ đang nhìn chúng ta từ trời cao và tiếp tục canh giữ chúng ta qua kinh nguyện. Chúng ta cũng nghĩ đến Người Mẹ Thiên Quốc của chúng ta, Ðấng mà ngày mai, 13 tháng 5, chúng ta mừng kính với danh hiệu Ðức Mẹ Fatima. Chúng ta hãy tín thác nơi mẹ để vui mừng và quảng đại tiếp tục hành trình của chúng ta.
Ðức Thánh Cha nói thêm rằng:
Chúa nhật Chúa Chiên Lành: cầu cho ơn gọi
"Hôm nay là Chúa nhật thứ 4, chủ nhật Chúa Chiên Lành, cũng là Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi, năm nay có chủ đề là "Can đảm liều vì lời Chúa hứa". Trong tất cả các cộng đoàn, các tín hữu đặc biệt cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến. Sáng hôm nay, tại Ðền thờ Thánh Phêrô, tôi đã vui mừng truyền chức cho một số tân linh mục. Trong khi tôi thân ái chào thăm các tân linh mục này cũng với thân nhân và bạn hữu của họ, tôi mời gọi anh chị em hãy nhớ đến những người Chúa tiếp tục gọi đích danh, như Chúa đã làm xưa kia với các Tông Ðồ bên bờ hồ Galilea, để họ trở thành những người "đánh cá người".
Ðức Thánh Cha kết thúc buổi đọc kinh với lời cầu chúc mọi người một chúa nhật tốt đẹp, và ngài không quên xin mọi người cầu nguyện cho ngài.
Ðức Thánh Cha Phanxicô truyền chức 19 tân linh mục.
G. Trần Ðức Anh OP
Vatican (Vat. 12-05-2019) - Lúc 9 giờ 15 phút sáng chúa nhật 12 tháng 5 năm 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Ðền thờ Thánh Phêrô để truyền chức Linh Mục cho 19 phó tế nhân dịp Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi lần thứ 56. Số tiến chức Linh Mục được thụ phong năm 2019 nhiều hơn 3 vị so với năm 2018.
Trong số 16 tân Linh Mục được Ðức Thánh Chatruyền chức năm 2018 đặc biệt có 1 người Việt Nam là Phaolô Ðỗ Văn Tân, 37 tuổi, gốc tổng giáo phận Hà Nội, nhập tịch giáo phận Roma và thuộc Con đường Tân Dự Tòng, giống như 5 tiến chức khác.
Trong số 19 tiến chức năm 2019, có 1 vị xuất thân từ Ðại chủng viện Roma, so với 6 vị hồi năm 2018, bù lại có 8 tiến chức thuộc Con đường Tân Dự Tòng đến từ nhiều nước khác nhau, và 8 tiến chức xuất thân từ huynh đoàn linh mục "Nam tử Thánh Giá". Sau cùng là hai tiến chức từ các học viện khác ở Roma.
Ða số các vị thụ phong là người Ý, đặc biệt là từ Roma, các vị còn lại đến từ Nhật Bản, Croát, Haiti.. Người lớn tuổi nhất là cha Goran Kuhner, 46 tuổi, từ Zagreb, thủ đô Croát, và người trẻ nhất là 27 tuổi.
Ðồng tế với Ðức Thánh Cha có khoảng 150 linh mục, trước sự hiện diện của 8 ngàn tín hữu.
Nghi thức tuyển chọn
Sau phần phụng vụ Lời Chúa là nghi thức truyền chức linh mục, bắt đầu với phần giới thiệu và tuyển chọn. 19 tiến chức khi được gọi tên, đều thưa "Này con đây" và tiến lên. Ðức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám quản Roma, xin Ðức Thánh Cha truyền chức cho các ứng sinh và ngài tuyên bố chọn 19 thầy vào hàng linh mục.
Ðược Chúa Giêsu chọn để tiếp nối sứ mạng của Ngài
Trong bài giảng thuộc nghi thức tiếp đó, Ðức Thánh Cha nói:
"Anh chị em thân mến, những người con này của chúng ta được gọi lãnh nhận chức linh mục. Chúng ta hãy suy tư về thừa tác vụ mà họ sắp được nâng lên trong Giáo Hội. Như anh chị em đã biết, Chúa Giêsu của chúng ta là Thượng Tế duy nhất của Tân Ước, nhưng trong Ngài toàn thể dân Thánh của Thiên Chúa cũng được trở thành dân tư tế. Tuy nhiên, trong số các môn đệ của Ngài, Chúa Giêsu muốn chọn một số người đặc biệt, để nhân danh Ngài, họ công khai thi hành trong Giáo Hội chức vụ tư tế cho tất cả mọi người, họ tiếp tục sứ mạng của Chúa như Thầy dậy, tư tế và mục tử.
Thực vậy, như đã được Chúa Cha sai đi thi hành sứ vụ ấy, Chúa Giêsu cũng sai đi trong trần thế, trước tiên là các Tông Ðồ, rồi đến các GM và những người kế nhiệm các vị, sau cùng Chúa cũng ban các linh mục như những cộng tác viên, hiệp với các Giám Mục trong sứ vụ tư tế, họ được kêu gọi để phục vụ Dân Chúa.
Cộng tác xây dựng nước Chúa
Sau khi suy nghĩ chín chắn và cầu nguyện, giờ đây chúng tôi sắp nâng những người anh em này lên hàng linh mục để, khi phụng sự Chúa Kitô là Thầy, là Tư Tế và Mục Tử, họ cộng tác xây dựng Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội trong Dân Chúa và là Ðền Thờ thánh thiêng của Chúa Thánh Linh.
Linh mục trở nên đồng hình dạng với Chúa
Thực vậy họ sẽ trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô Thượng Tế đời đời, họ sẽ được thánh hiến như những linh mục đích thực của Tân Ước, và với danh nghĩa ấy liên kết họ với các Linh Mục khách trong chức linh mục, họ sẽ là những người rao giảng Tin Mừng, Mục Tử của Dân Chúa và sẽ chủ sự các buổi phụng tự, nhất là cử hành hy tế của Chúa.
Nhắn nhủ các tiến chức linh mục
Về phần anh em là những người con và người em rất yêu quí, các con sắp được nâng lên chức linh mục, các con hãy xét: khi thi hành sứ vụ giảng dạy Ðạo Lý Thánh, các con sẽ tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô là Thầy Duy Nhất. Các con hãy phân phát cho mọi người Lời Chúa mà chính các con đã vui mừng lãnh nhận từ nhỏ. Hãy siêng năng đọc và suy gẫm Lời Chúa để tin những điều các con đã đọc, dạy điều các con đã học trong đức tin, và sống điều các con dạy. Không bao giờ ta có thể làm một bài giảng, mà không cầu nguyện thật nhiều, với Kinh Thánh trên tay. Các con đừng quên điều ấy.
Ðạo lý thánh và hương thơm đời sống thánh thiện
Vì thế, đạo lý của các con, đơn sơ như Chúa đã nói, đi thẳng vào tâm hồn và trở thành lương thực cho dân Chúa. Lời gảng này sẽ thực là lương thực. Hương thơm cuộc sống của các con hãy trở thành niềm vui và sự nâng đỡ cho các tín hữu: những con người cầu nguyện, hy sinh, vì với Lời Chúa và gương sáng, các con xây dựng nhà Chúa là Giáo Hội. Các con hãy tiếp tục công trình thánh hóa của Chúa Kitô. Nhờ sứ vụ của các con, hy tế thiêng liêng của các tín hữu được trở nên hoàn hảo, vì hiệp với hy tế của Chúa Kitô, Ðấng, qua tay các con nhân danh toàn thể Giáo Hội, được dâng hiến một cách không đổ máu trên bàn thờ trong khi cử hành các Mầu Nhiệm Thánh.
Linh mục sống điều mình giảng dạy
Vì thế, các con hãy nhìn nhận điều các con làm. Hãy bắt chước điều các các con cử hành để khi tham dự vào mầu nhiệm sự chết và sống lại của Chúa, các con mang cái chết của Chúa Kitô trong các chi thể các con và tiến bước với Chúa trong cuộc sống mới.
Thánh hóa qua các bí tích
Qua bí tích rửa tội, các con tháp nhập các tín hữu mới vào Dân Chúa. Với bí tích thống hối các con tha thứ tội lỗi nhân danh Chúa Kitô và Giáo Hội. Với dầu thánh, các con thoa dịu các bệnh nhân. Khi cử hành các nghi thức thánh và dâng lên kinh nguyện chúc tụng va cầu khẩn trong những giờ khác nhau trong ngày, các con trở thành tiếng nói của Dân Chúa và của toàn thể nhân loại.
Liên kết các tín hữu như trong một gia đình
Với ý thức mình được chọn giữa loài người và được thiết lập để mưu ích cho họ để chờ đợi những sự thuộc về Thiên Chúa, các con hãy thi hành trong vui tươi và bác ái chân thành hoạt động tư tế của Chúa Kitô. Sau cùng, khi tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô là Ðầu và là Mục Tử, trong niềm hiệp thông con thảo với Giám Mục của các con, các con hãy dấn thân liên kết các tín hữu trong một gia đình duy nhất để dẫn đưa họ về với Chúa Cha nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Các con hãy luôn nhìn lên tấm gương của Vị Mục Tử Nhân Lành, Ðấng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vu; không phải để sống thoải mái, nhưng để đi ra ngoài, tìm kiếm và cứu vớt những gì đã bị hư mất".
Nghi thức truyền chức
Sau bài huấn dụ của Ðức Thánh Cha, nghi thức truyền chức được tiếp tục với kinh cầu các thánh, rồi ngài và một số Linh Mục đặc nhiệm đặt tay trên đầu 19 phó tế quì trước bàn thờ, trước khi Ðức Thánh Cha đọc lời nguyện truyền chức. Tiếp đến là các nghi thức bổ túc: mặc phẩm phục linh mục, xức dầu trên lòng bàn tay tiến chức, trao đĩa và chén thánh, sau cùng là trao ban bình an cho các tân chức.
Thánh lễ kết thúc với bài ca Lạy Nữ Vương thiên đàng do ca đoàn Sistina và cộng đoàn hợp xướng.