Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 10/5/2019
Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. (Ga 6, 53-60).
Hiện tại, còn một bộ tộc bên Châu Phi vẫn giữ hủ tục là ăn thịt cha mẹ khi cha mẹ chết để tỏ lòng hiếu thảo và để cha mẹ sống mãi trong lòng các con.
Ðức Giêsu nói rõ nhiều lần hai từ "thịt" và "máu". Thịt - máu, nghĩa là trọn vẹn con người của Ngài.
Đức Giêsu là nguồn mạch sự sống, nơi Ngài có sự sống đời đời. Thế nên những ai chấp nhận “ăn Thịt và uống Máu Chúa” dù là dưới dạng Bánh và Rượu, thì phải được ơn ban đức tin. Vì thế, cần có lòng tin mạnh mẽ, mới có thể nhận ra sự hiện diện thật sự của Ngài trong bí tích Thánh Thể.
Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương chúng con, đến nỗi hiến ban chính mình để nuôi sống chúng con. Xin giúp chúng con luôn giữ tâm hồn trong sạch để đón rước Chúa và giúp chúng con ý thức mình phải sống thế nào để chứng tỏ sự sống của Chúa đang sống trong chúng con. Amen.
10-05 Thánh Antôniô thành Florence
Thánh Antôniô sống vào thế kỷ thứ mười lăm. Ngay lúc còn trẻ, Antôniô đã tỏ ra là một người có năng lực tuyệt vời. Người ta kể truyện rằng khi lên mười lăm tuổi, Antôniô xin gia nhập dòng thánh Đa Minh. Trông Antôniô lúc ấy rất bé nhỏ và non trẻ. Cha bề trên chăm chú nhìn Antôniô hồi lâu rồi nói: “Được, ta sẽ nhận con với điều kiện con phải học thuộc lòng ‘Sắc lệnh về Ân sủng!’” “Sắc lệnh về Ân sủng” là một tập sách dầy hàng trăm trang. “Bằng không,” cha bề trên nói tiếp, “ta sẽ không nhận!”
Nhưng Antôniô đã chấp nhận lời yêu cầu khó khăn ấy. Một năm sau, Antôniô trở lại. Thật là khó diễn tả sự ngỡ ngàng của cha bề trên khi ngài nhận thấy Antôniô đã nhớ thuộc lòng toàn bộ sắc lệnh! Không cần nói thêm lời nào, Antôniô lập tức được nhận vào dòng. (Tuy nhiên, không phải do khả năng ghi nhớ của thánh Antôniô đã làm thay đổi ý định của cha bề trên mà là vì thánh nhân đã chứng tỏ mình thật nghiêm túc và chân thành đối với ơn kêu gọi tu trì.)
Dù chỉ mới mười sáu, Antôniô đã không ngớt làm cho mọi người phải ngạc nhiên bởi lối sống của ngài trong tu viện. Khi lớn hơn, Antôniô được trao cho hết nhiệm vụ quan trọng này tới nhiệm vụ quan trọng khác. Gương sáng đạo đức của Antôniô ảnh hưởng trên các anh em tu sĩ Đa Minh cùng tu với ngài. Họ yêu mến và kính trọng Antôniô. Điều này được minh chứng cách hùng hồn trong đời sống của chân phước Antôn Nâyrô, lễ kính ngày mùng 10 tháng Tư.
Vào tháng Ba năm 1446, thánh Antôniô được chọn làm tổng giám mục giáo phận Florentia, nước Ý. “Cha của những người nghèo khó” là danh xưng người ta đặt cho vị thánh này. Thánh Antôniô không bao giờ từ chối giúp đỡ ai. Khi hết tiền, thánh Antôniô đã bố thí cho họ áo quần, giầy ủng, đồ đạc hay cả con la duy nhất mà ngài đang cưỡi. Nhiều lần, con la này đã được bán đi để lấy tiền giúp đỡ người nghèo. Rồi những người dân giàu có lại giúp tiền chuộc lại cho ngài. Dĩ nhiên, thánh Antôniô lại bán nó để lấy tiền giúp đỡ những người nghèo khổ khác!
Thánh Antôniô thường nói: “Người kế vị các tông đồ không nên tích trữ cho mình bất cứ của gì ngoại trừ sự giàu có về các nhân đức.” Thánh Antôniô về trời năm 1459. Ngài được tôn phong hiển thánh năm 1523.
Thánh Antôniô sẽ giúp chúng ta giữ vững những điều quan yếu. Trong cuộc sống, thánh nhân biết rõ mình đang đi đâu. Thánh nhân đã muốn sống trung thành với lý tưởng của mình cho đến lúc mãn đời. Chúng ta hãy nài xin thánh Antôniô giúp chúng ta được trung thành với Đức Chúa Giêsu như ngài.