SUY NIỆM TIN MỪNG CN 4 CHÚA CHIÊN LÀNH (Ga 10,27-30)
LM. GIUSE ĐỖ VĂN THỤY
Ngày nay, tại Palestine, cũng có thể còn thấy cảnh
chăn chiên mà Chúa Giêsu đã từng chứng kiến cách đây hơn 2000 năm. Cảnh
những người mục tử Bedouin mang những đàn chiên trở về nhà từ nhiều cánh đồng
sau một ngày đi ăn cỏ. Thường vào lúc hoàng hôn, các đàn chiên cùng kéo về
qui tụ ở một chỗ để uống nước. Chúng trà trộn lẫn lộn với nhau từ tám hay chín
đàn nhỏ trở thành một bầy chiên lớn. Mặc dù lẫn lộn chung với nhau nhưng những
chủ chăn không hề lo sợ chiên lạc bầy.
Đến giờ ra về, mỗi chủ chiên thổi lên một tiếng gọi
riêng biệt – một tiếng còi, tiếng tiêu, tiếng sáo, hay tù và – thì những con
chiên trong đàn sẽ tự động rời khỏi đám đông theo đàn của mình mà về
chuồng. Chúng tự biết chúng thuộc về đàn nào, chúng nghe tiếng gọi của
người chủ chăn và đi theo: “chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và
chúng theo tôi”(Ga 10,27)
1.Mục tử tốt và xấu trong
trong Thánh Kinh
1.1.Mục tử nhân lành
Mục tử nhân lành thì «hy sinh mạng sống mình
cho đàn chiên», «tôi biết chiên của tôi. Trong Thánh Kinh có rất nhiều câu mô
tả những đức tính tốt của những mục tử nhân lành, mà chính Thiên Chúa là mô
hình gương mẫu nhất:
- Yêu thương, trìu mến
chiên với tất cả tâm hồn: «Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay: lũ chiên
con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt» (Is 40,11).
- Làm chiên sống no
ấm, hạnh phúc: «Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì» (Tv 23,1); «Dầu qua
lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con
vững dạ an tâm» (23,4).
- Tinh thần trách
nhiệm rất cao: «con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con
nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo
mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng» (Ed 34,16).
Tóm lại, người mục tử tốt
thật sự yêu thương đàn chiên, sẵn sàng hy sinh cho sự an toàn và hạnh phúc của
đàn chiên. Thậm chí như Đức Giêsu, người mục tử tuyệt vời nhất, sẵn sàng hy
sinh cả mạng sống mình: coi sự sống còn của đàn chiên quý hơn cả sự sống của
mình.
1.2.Mục tử xấu
Kẻ chăn chiên thuê hay mục
tử xấu thì
«không thiết gì đến chiên», «khi thấy sói đến liền bỏ chiên mà chạy: sói vồ lấy
chiên và làm cho chiên tán loạn». Thánh Kinh cũng có nhiều câu mô tả hạng mục
tử này với những đặc tính:
- Vô trách nhiệm: «con
chiên nào mất, nó chẳng quan tâm; con thất lạc, nó chẳng đi tìm; con bị thương,
nó không chạy chữa; con mạnh khoẻ, nó chẳng dưỡng nuôi» (Dc 11,16a); «chiên đau
yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho
lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không
đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm» (Ed 34,4)
- Chỉ nghĩ tới hưởng
thụ, sẵn sàng bóc lột: «sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt
thì các ngươi giết, mà đàn chiên lại không lo chăn dắt» (Ed 34,3). Thậm chí bóc
lột đến tận xương tủy: «con nào béo thì chúng ăn thịt, rồi lóc luôn cả móng»
(Dc 11,16b)
- Tác hại vô cùng đến
đàn chiên: «các ngươi đã làm cho đàn chiên của Ta phải tan tác» (Gr 23,2).
Tóm lại, mục tử xấu coi đàn
chiên chỉ là phương tiện, bắt chúng phải hy sinh phục vụ cho lợi ích riêng tư
của mình, không một chút tình thương đối với chúng.
2.Hãy trở nên những mục tử
nhân lành
Trong Tin Mừng, Đức Giêsu
tự xưng mình là «mục tử nhân lành», luôn yêu thương đàn chiên và sẵn sàng hy
sinh mạng sống mình vì đàn chiên. Chúng ta thường giới hạn ý nghĩa của từ «mục
tử», đến nỗi chỉ áp dụng cho những người lãnh đạo tôn giáo. Thật ra, tất cả
những ai đảm trách việc lãnh đạo, từ một gia đình đến một quốc gia, từ một xứ
đạo, đến một giáo phận, hay Giáo Hội toàn cầu, một cách nào đó, đều có thể gọi
là mục tử. Ước chi mọi mục tử đều biết thật sự yêu thương đàn chiên của
mình. Ước chi mọi cha mẹ đều yêu thương con cái, mọi cha xứ đều sẵn sàng
hy sinh phục vụ giáo dân, mọi giám mục đều hết lòng chăm sóc các linh mục và
giáo dân dưới quyền mình! Ước chi mọi vị lãnh đạo xã hội và đất nước biết quên
những quyền lợi riêng tư để nghĩ đến lợi ích chung của nhân dân.Amen.
NGÀY CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI
LINH MỤC VÀ TU SĨ
Hôm nay là ngày Giáo Hội cầu nguyện cho ơn gọi linh
mục và tu sĩ. Không cần nói thêm chi nhiều, chúng ta chắc cũng ý thức nhu cầu
linh mục cấp bách đến thế nào cho Giáo Hội: chúng ta đang thiếu linh mục. Rất
nhiều họ đạo không có linh mục.
Ngày xưa Chúa Giêsu đã chỉ cho các môn đệ thấy những
đồng lúa chín vàng và bảo “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Chúng con hãy
xin chủ ruộng cho thêm thợ gặt đến đồng lúa của Ngài”. Chúa biết nhu cầu của
chúng ta, nhưng Chúa muốn chúng ta phải cầu xin thì Chúa mới ban ơn. Xin gì?
Xin cho có nhiều thiếu niên, thanh niên quảng đại dâng
mình cho Chúa để phục vụ các linh hồn. Và xin cho những người đang theo tiếng
gọi của Chúa hôm nay, tức là các chủng sinh, các tu sĩ nam nữ, các em dự tu,
được bền tâm vững chí vì cuộc sống tu trì không phải lúc nào cũng thuận buồm
xuôi gió, nhiều khi phải lâm vào những hoàn cảnh tăm tối. Cụ thể ở đây xin chia
sẻ bước đường ơn gọi của cha Gioan Maria Vianey
1.Thời
thơ ấu của Gioan Maria Vianey
Gioan Maria Vianey sinh 08/05/1786 tại Dardilly, cách
Lyon khoảng mười cây số. Vianey là con thứ tư trong số bảy anh chị em. Vianey
được sống trong bầu khí gia đình đạo đức. Theo cha Alfred Monnin, một người
thân quen với gia đình, viết về cha mẹ của Vianey như sau: “Matteo Vianey và
Marie Beluse, cha mẹ của thánh nhân, là những người giàu tình cảm và có đời sống
Kitô giáo xác tín. Marie, rất dịu hiền, giàu tình cảm, nhẹ nhàng trong lời nói
và rất đáng yêu. Người cha thì tính cách mạnh mẽ, cương quyết và trung thực”.[1]
Khi lên mười ba tuổi, Vianey được cha mẹ gởi đến
hai người dì ở Ecully (cách đó khoảng sáu cây số), để chuẩn bị giáo lý cho việc
xưng tội và rước lễ lần đầu. Tại đây, các dì cũng dạy cậu viết và đọc tiếng
Pháp, vì Vianey chỉ biết tiếng địa phương.
Vào mùa hè năm 1799, Vianey được rước lễ lần đầu
cùng với mười lăm đứa trẻ khác. Thánh lễ được cha Groboz tổ chức kín đáo trong
một căn phòng riêng ở Ecully.[2] Trong thời gian này, ở nước
Pháp xảy ra phong trào chống đối Giáo Hội. Nhà thờ bị đóng cửa, các linh mục bị
bắt bớ, tất cả nghi thức Kitô giáo đều bị cấm đoán.[3]
2.Bước đường ơn gọi
Cha Balley, cha sở
giáo xứ Ecully, nhận thấy nơi Vianey một tâm hồn đơn sơ và thánh thiện. Ngài đồng
ý nhận Vianey làm học trò và hứa giúp cậu hướng tới đời sống linh mục. Vào mùa
thu năm 1806, Vianey đến ở với các dì của mình, để được học với cha Balley. Sau
khi tiếp xúc và nói chuyện với Vianey, ngài nói: “tôi sẽ nhận cậu này, nếu cần
phải hy sinh vì Vianey lúc này đã hai mươi tuổi.[4]
Vianey học tiếng Pháp và La Tinh với cha Balley. Học
lực của Vianey trung bình nhưng cậu rất chăm chỉ và chịu khó. Vì đã từng là
giáo tập của dòng thánh Agustinô trong nhiều năm, nên cha Balley có nhiều kinh
nghiệm hướng dẫn các ứng sinh. Ngài nhận thấy nơi Vianey có một đời sống thiêng
liêng rất sâu lắng, mặc dù cậu học trò của mình không xuất sắc về trí tuệ.[5]
3.Việc học của
Vianey bị gián đoạn vào năm 1809 vì cậu phải nhập ngũ
Vào thời này, đã xảy ra chiến tranh xảy ra giữa các
nước ở Châu Âu. Nhất là giữa Pháp và Tòa Thánh. Napoleon xâm chiếm vương quốc của
Đức Thánh Cha. Người trẻ được kêu gọi lên đường nhập ngũ để phục vụ cho chiến
tranh. Nhiều người Công Giáo đứng trước sự bối rối của lương tâm: trung thành với
Đức Thánh Cha hay hoàng đế Napoleon? Có rất nhiều lính đã đào ngũ.
Vừa mới nhập ngũ, Vianey ngã bệnh và trải qua mười
lăm ngày ở bệnh viện Hôtel-Dieu của Lyon. Sau khi hồi phục, Vianey lên đường đi
Roanne để nhập đoàn với những người lính khác. Nhưng tại đây, Vianey lại ngã bệnh
và phải ở tại bệnh viện nhiều ngày. Trong thời gian này Vianey gặp một người bạn,
tên là Guy quê ở Saint-Priest-la-Prugne. Người bạn này khuyên Vianey rời bỏ việc
phục vụ quân ngũ để đến cư ngụ tại Noes. Tại đây, cậu được gia đình bà Claudia
Fayot đón nhận và che giấu. Vianey giúp dạy học cho những người con trong gia
đình này.[6]
Vào tháng 05 năm 1810, bà Claudia Fayot đi Dardilly
để tìm hiểu tin tức về gia đình của Vianey. Bố của Vianey rất giận về việc đào
ngũ của cậu, bởi ông phải đóng tiền phạt cho chính phủ. Bà Claudia Fayot cũng gặp
cha Balley, ngài nói với bà: “Gioan Vianey không thể nào trở nên người lính mà phải
là một linh mục”.[7]
4.Tiếp tục bước đường
ơn gọi
Sau mười bốn
tháng sống tại gia đình bà Claudia Fayot, vào tháng 03 năm 1811, Vianey trở vể
thăm gia đình và rồi cậu đến sống với cha Balley. Ba tháng sau đó, cha Balley
giới thiệu Vianey cho đức giám mục Lyon như ứng sinh linh mục. Ngày 01/11/1811,
Vianey chính thức vào chủng viện.[8]
5.Bị loại khỏi chủng viện
Ở chủng viện, đời
sống đạo đức, cũng như đức tính tốt lành của Vianey được các chủng sinh biết đến.
Ở đây, các môn học được dạy bằng tiếng La Tinh. Điều này vượt quá khả năng của
Vianey. Khi Vianey trình diện để làm bài thi vào tháng hai năm 1814 bị điểm zêrô! Không những chỉ bị loại mà còn bị các
ngài phê là không thể làm ứng viên linh mục. Việc đó như một sự suy sụp, thật tội
nghiệp.
6.Niềm vui trở lại
Cha Balley đến gặp
các cha giáo chủng viện, ngài nói: xin anh em hãy nhận một cậu bé bắt đầu đi học
muộn, anh em đừng yêu cầu nơi cậu ấy như yêu cầu nơi các bạn trẻ khác. Ngài dạy
thần học cho Vianey bằng tiếng Pháp và tìm phương pháp phù hợp với khả năng của
Vianey.[9] Ngài đã thuyết phục được các vị ấy, nhất là cha tổng đại diện, cho
làm thử một bài thi môn luân lý. Lần này cuộc thi diễn tiến khá tốt. Các ngài
cho thầy nhận các chức nhỏ, và năm sau làm linh mục.[10]
7.Con đường ơn gọi vẫn
còn gian nan
Sau khi được thụ
phong linh mục cũng chẳng mấy sáng sủa. Một số vị trong Giáo Hội nói với cha
Balley: cha đã làm cho Vianey được thụ phong linh mục, vậy cha hãy giữ lại trong
giáo xứ Ecully của cha. Ô, cha Balley trả lời, thế thì tốt thôi. Và ngài đã nhận
cha Vianey về xứ để làm cha phó của ngài trong ba năm. Là hai vị thánh, hai cha
thi nhau làm việc hãm mình đền tội. Dân chúng thán phục và nói: ở giữa đây
chúng tôi có những người quá giỏi!
8.Nhận sứ vụ tại giáo xứ
Ars
Rồi cha Balley, cha sở giáo xứ
Ecully qua đời. Một ủy ban đại
diện giáo dân trong xứ Ecully lập tức lên gặp cha tổng đại diện: xin để cha
Vianey ở lại với chúng con, xin để ngài lại cho chúng con, chúng con rất hài
lòng, là một linh mục tuyệt vời. Một hồng ân chẳng bao giờ dám nghĩ tới nhưng Bề
Trên lại đề nghị Vianey về giáo xứ Ars. Một giáo xứ với hai trăm năm mươi người,
năm trăm phật lăng lợi tức hằng năm, thêm hai mươi lăm cho việc thờ phượng,
không gì chắc chắn, khí hậu xấu bởi vì nhiều ao hồ, chống giáo sĩ, không nghệ
thuật hay chỉ một phần nào đó thôi, không tôn giáo. Nhà thờ thuôn dài, hẹp, tối
tăm. Tháp chuông đã bị quân cách mạng phá đổ: chỉ còn giàn giá với một quả
chuông đã bị rạn nứt. Thật là một thảm họa! Nhưng là một vị thánh nên ngài đã
vâng lời và lên đường thi hành sứ vụ.[11]
9.Đời sống tại giáo xứ
Ars
Ngày 13/02/1818, cha Vianey đến nhận
nhiệm sở mới. Cha sống rất đạm bạc. Lối sống đạo đức và giản dị của cha đã chiếm
được lòng yêu mến của giáo dân. Ngài chia sẻ với người nghèo những gì mình có.
Ngài dành nhiều giờ trong ngày để cầu nguyện, ngồi giải tội và thăm viếng giáo
dân.
Một người trong giáo xứ đã làm chứng: “ngài cho họ
tất cả những gì mình có”. Ngài bán nhiều đồ vật kỷ niệm để giúp người nghèo.
Ngài nói: “người nghèo là những người bạn của Thiên Chúa”[12] “Nếu các con có nhiều,
thì hãy cho nhiều; nếu các con có ít, thì hãy cho ít; nhưng hãy cho đi với tấm
lòng và niềm vui”.[13]
Cha Vianey làm thay đổi đời sống của giáo xứ và
giáo dân bằng đời sống nhân đức và yêu thương. Ngài thốt lên: “thật là hạnh
phúc khi thấy một Kitô hữu yêu Chúa và yêu tha nhân!”[14] Caterina Lasagne nói về
cha Vianey: “đức bác ái của ngài không chỉ giới hạn ở những người đến xin ngài
giúp đỡ; ngài còn mang tiền, bánh mì, lúa mì đến tận nhà của những ai túng thiếu”
Từ năm 1830 trở đi, rất nhiều người tuốn đến Ars để được lắng
nghe cha Vianey giảng, bởi vì ngài giảng rất thực tế và đánh động tâm hồn người
nghe.[15] Nhất là, họ đến với ngài
để được lãnh nhận bí tích hòa giải. Một làng Ars nhỏ bé nay trở thành trung tâm
đón nhận rất nhiều người đến. Các cửa tiệm buôn bán ở Ars in hình và tượng của
cha Vianey để bán cho các khách hành hương.[16] Mọi người khi tiếp xúc với
cha Vianey, họ đều công nhận sự thánh thiện của vị linh mục. Nhiều người nhận
được ơn thay đổi trong đời sống thiêng liêng từ cha Vianey, nhưng ngài luôn
khiêm tốn đáp lại: “Thiên Chúa nhân lành đã chọn tôi để trở nên một công cụ của
ân sủng cho những hối nhân, bởi vì tôi là một linh mục đáng thương và dốt nát
nhất trong số các linh mục”.[17]
10.Chấp nhận thử thách,
không ca thán
Vianey không bao giờ nghĩ: A, các ngài đã đuổi tôi
ra khỏi chủng viện, cũng đã không trao cho tôi giáo xứ Ecully, bây giờ tôi nổi
tiếng, thì các ngài lại đến quanh tôi! Vianey luôn tỏ lòng kinh trọng đối với
ba giám mục của ngài: không bao giờ có ai nghe ngài than phiền về những chuyện
này. Những chuyện nhỏ, nhưng anh em thấy đó, ngay cả đối với cha phó kia...
ngài luôn tế nhị! Nhân đức, sự thánh thiện của cha sở họ đạo Ars không nằm
trong những việc ăn chay của cha, nhưng trong những việc nhỏ bé: tòa giám mục
không hiểu, tòa giám mục chống lại, đức giám mục nên tốt hơn chỉ vì bây giờ ai
cũng nói ngài là thánh; trước đó không ai đánh giá ngài như vậy. Từ những chuyện
này mà ngài đã làm thánh.[18]
11.Cha Gioan Maria
Vianey tạ thế và được phong thánh
Trong năm 1859, sức
khỏe của cha Vianey yếu dần. Ngài lãnh nhận bí tích xức dầu và Thánh Thể trong
nước mắt: “cha khóc khi nghĩ đến Thiên Chúa, Ngài quả là tốt lành khi đến viếng
thăm chúng ta vào những giây phút cuối cùng”.[19] Từ giường bệnh, ngài giơ
tay chúc lành cho rất đông giáo dân đang tụ tập cầu nguyện bên trong và bên
ngoài nhà thờ.
Ngày 04/08/1859, cha Vianey trở về nhà Cha trên trời.
Caterina Lasagne viết lại giây phút cuối cùng của cha Vianey trong nhật ký: “cuộc
đời hy sinh của người tôi tớ Chúa đã ra đi”.[20]
Đức Thánh Cha Piô XI đã nâng cha Gioan Maria Vianey
lên bậc hiển thánh vào ngày 31/05/1925. [21]
[1] Alfred Monnin, San Giovanni
Maria Vianneỵ. II curato Ars. La prima
Biogratia, Pesaro, 2009, trg. 9.
[2] Marc Joulin, II curato
d’Ars. Un prete amico, Roma, 2009, trg. 15.
[6] Sđd.trg. 21-23.
[8]Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Vinh,
Người Chạnh Lòng Thương, trg.195
[9]Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Vinh,
Người Chạnh Lòng Thương, trg.195-196
[10] Albino Luciani, Đức
Giáo Hoàng Gioan Phaolô I, Người Samaritanô Nhân Hậu, trg.486
[11] Albino Luciani, Đức
Giáo Hoàng Gioan Phaolô I, Người Samaritanô Nhân Hậu, trg.487
[16] Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Vinh,
Người Chạnh Lòng Thương, trg.197-198
[17] Marc Joulin, II curato
d’Ars. Unprete amico, Roma, 2009,trg. 107.
[18] Albino Luciani, Đức
Giáo Hoàng Gioan Phaolô I, Người Samaritanô Nhân Hậu, trg.489
[21]Lm. Giuse Nguyễn Ngọc
Vinh, Người Chạnh Lòng Thương, trg.197-199