Thứ Hai, 13 tháng 5, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 13/05/2019

Filled under:

«“Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”(Ga 10, 1-10)

1 “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp.2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử.3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra.4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.”
6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. 7 Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào.8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ.9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.
10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
***
Trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan của Thánh Lễ thứ hai, sau Chúa Nhật IV Phục Sinh, Đức Giê-su kể cho người Do Thái nghe một dụ ngôn, mà chúng ta quen gọi là dụ ngôn « Người Chăn Chiên Lành ». Nhưng họ không hiểu điều Ngài muốn nói.
Còn chúng ta, chúng ta hiểu rất rõ và cũng vừa xác tín và vừa cảm nếm nữa, Người Mục Tử Nhân Lành là chính Đức Giê-su. Tuy nhiên, chúng ta vẫn được mời gọi mở lòng ra để lắng nghe từng chi tiết của dụ ngôn nhỏ này, vì dụ ngôn sẽ dẫn chúng ta đi xa hơn trong việc hiểu biết và yêu mến Đức Giê-su, Mục Tử Nhân Lành.

  1. Người Mục Tử và kẻ trộm
Trong dụ ngôn, từ đầu đến cuối, Đức Giê-su so sánh người chăn chiên tốt lành, hay đúng hơn người mục tử đích thật, với kẻ trộm, kẻ cướp và với người lạ. Kẻ trộm không vào chuồng chiên bằng cửa chính, nhưng trèo qua lối khác mà vào ; và sau khi vào, chiên không nhận ra tiếng của kẻ trộm, vì thế, sẽ không đi theo, nhưng bỏ chạy. Trong khi đó, người mục tử đi vào bằng cửa chính :
Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.
(c. 3-4)
Chúng ta hãy hình dung ra những gì Đức Giê-su mô tả ở đây, vì đó là một hình ảnh thật đẹp và thật đánh động diễn tả tương quan của chúng ta với Đức Ki-tô. Ngoài ra, còn có hình ảnh người giữ cửa nữa. Người này là ai, trong tương quan của chúng ta với Đức Ki-tô ?
Hình ảnh Người Mục Tử đích thật và đàn chiên không chỉ đẹp và đánh động, nhưng còn mặc khải cho chúng ta những tiêu chuẩn để nhận định ai là Người Mục Tử đích thật của chúng ta ; bởi vì trong đời sống của chúng ta, bên ngoài cũng như bên trong, có nhiều thần tượng, nhiều ngẫu tượng, nhiều thần loại muốn trở thành « người chăn dắt » chúng ta, hay chính chúng ta để cho chúng đi vào tâm hồn, đi vào cuộc đời như là chủ nhân của chúng ta.
Tuy nhiên, dụ ngôn còn mặc khải thêm một điều nữa đụng chạm sâu xa và trực tiếp đến chính bản thân chúng ta. Vừa rồi, dụ ngôn nói về người mục tử đích thật. Thế còn chiên thì sao, ai là con chiên đích thật ? Người mục tử đích thật gọi tên từng con chiên và đi trước dẫn đường ; còn chiên, thì nghe và nhận biết tiếng của mục tử, và đi theo mục tử, chứ không bao giờ đi theo người lạ. Như thế, con chiên đích thật, là con chiên nghe và nhận biết tiếng mục tử của mình. Vậy chúng ta có phải là con chiên đích thật không ? Là con chiên biết nghe và nhận ra tiếng của Đức Ki-tô, vị mục tử đích thật của chúng ta không ?

  1. Kẻ Trộm đến để phá hủy, vị Mục Tử nhân lành đến để làm cho sống
Để phân biệt chính mình là người mục tử đích thật với những kẻ trộm cướp, Đức Giê-su còn nói : « Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào » (Ga 10, 10). Chắc chắn, ai trong chúng ta cũng đều có hai kinh nghiệm này, một kinh nghiệm liên quan đến sự sống và một kinh nghiệm liên quan đến sự chết.
Kinh nghiệm về sự sống đích thật và dồi dào, khi chúng ta lắng nghe Đức Ki-tô, đi theo Ngài và ở lại với Ngài. Và kinh nghiệm về sự chết, chưa phải là sự chết ở cuối cuộc đời, nhưng là bầu khí chết chóc ngay trong cuộc đời này, cuộc sống này, mỗi khi chúng ta đi theo và sống cho những ngẫu tượng khác với Đức Ki-tô, nghĩa là những gì khác với tình yêu, bác ái, tình bạn, bao dung, tha thứ, đón nhận nhau.
Nhưng Đức Giê-su đã làm gì để cho chúng ta có được sự sống và sự sống dồi dào ? Đó chính là tất cả những gì Ngài đã làm trong mầu nhiệm Vượt Qua, mà chúng ta đã và đang cử hành trong Tuần Thánh và Mùa Phục Sinh, và chúng ta cũng cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ.
Trong thư thứ nhất (bài đọc 2 : 1Pr 2, 20-25), thánh Phê-rô sẽ giúp chúng ta đi vào chiều sâu của cách thức, Đức Giê-su làm cho chúng ta sống và sống dồi dào :
  • « Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người ».
  • « Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính ».
  • « Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành ».
Thánh Phê-rô mô tả cho chúng ta một hình ảnh vừa đúng vừa đẹp về Người Mục Tử nhân lành của chúng ta. Không có người chăn chiên nào trên đời này giống như thế, vì Ngài cho đi chính sự sống của mình vì đàn chiên của Ngài.

  1. « Tôi là cửa »
Vẫn chưa hết. Đức Giê-su không chỉ nói mình là Mục Tử, nhưng còn nói mình là Cửa Vào nữa :
Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.
(c. 7-9)
Trong thực tế, chúng ta bỏ quên hình ảnh này, vì hình ảnh Người Mục Tử quá đẹp và quá hay, lấn lướt hình ảnh « Cửa Ra Vào ». Nếu chúng ta chú ý, chúng ta sẽ nhận ra rằng, hình ảnh Cửa Ra Vào nói về Đức Ki-tô một cách rất lạ lùng : chúng ta phải đi ra đi vào bằng cách đi ngang qua Đức Ki-tô như là cánh cửa ! Ở một chỗ khác, Ngài nói Ngài là đường đi, còn ở đây, Ngài nói Ngài là « cửa ra vô ». Hằng ngày chúng ta phải ngang qua biết bao nhiêu là cửa và cổng. Nhưng đâu là cửa ra vào mà chúng ta chọn lựa cho cuộc đời của chúng ta, cho ơn gọi của chúng ta ? Và cánh cửa mà chúng ta chọn, sẽ dẫn chúng ta đến đâu ?
Hình ảnh « Cửa Ra Vào » được Đức Giê-su áp dụng cho mình, không chỉ lạ lùng, nhưng thật mạnh mẽ và triệt để ; bởi vì, Ngài ước ao chúng ta đi ngang qua chính ngôi vị của Ngài, nghĩa là Ngài ước ao ban chính sự sống của Ngài cho chúng ta, để nuôi sống chúng ta hôm nay và mãi mãi. Nhưng chính Ngài đã « đi ngang qua » cách triệt để cuộc đời của chúng ta trước trong mầu nhiệm Vượt Qua.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


SUY NIỆM 2

   Trong mỗi lần hiện ra với ba trẻ nhỏ: Lucia, Giaxinta và Phanxicô, tại Fatima, Bồ Đào Nha, Mẹ Maria đều mang đến cho nhân loại những sứ điệp qua trung gian các em nhỏ này. Mặt khác, Mẹ cũng muốn chính các em phải là người thực thi sứ điệp ấy trước hết.

Với lần hiện ra đầu tiên, ngày 13/5/1917, Mẹ đã khuyên nhủ rằng: “Chúng con hãy siêng năng lần hạt Mân Côi hàng ngày, để cầu cho thế giới được chóng hòa bình và chiến tranh sớm chấm dứt”. Trong tất cả những lần hiện ra, các sứ điệp của Đức Mẹ được thâu tóm trong ba mệnh lệnh chính, đó là: hãy cải thiện đời sống; hãy lần hạt Mân Côi; hãy tôn sùng trái tim Mẹ.

Với mệnh lệnh: “Hãy cải thiện đời sống”. Những cụm từ được nhắc tới rất nhiều lần và nhiều cách khác nhau từ thời Cựu ước sang đến Tân ước. Hoán cải, sám hối là điều kiện cần thiết để được hưởng ơn cứu độ. Vì thế, trong những lần hiện ra tại Fatima, Đức Mẹ thường xuyên đề cập đến vấn đề sám hối.

“Hãy siêng năng lần hạt Mân Côi”. Chuỗi Mân Côi được xem là bản Tin Mừng rút gọn. Nơi đó, chúng ta lần lượt suy gẫm cuộc đời Chúa Cứu Thế từ lúc thụ thai trong lòng Đức Mẹ Maria đến khi Người lên trời. Chúng ta cùng với Giáo Hội chiêm ngắm công phúc của Mẹ khi được Thiên Chúa ân thưởng trên thiên đàng. Điều đặc biệt trong lần cuối cùng Mẹ hiện ra tại Fatima, ngày 13-10-1917, Mẹ đã mặc khải tước hiệu của mình là: “Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi”. Qua lời kinh Mân Côi này, Thiên Chúa và Mẹ sẽ cứu thế giới khỏi tai ương hoạn nạn.

“Hãy tôn sùng trái tim Mẹ”. Trái tim Mẹ Maria đau đớn khi Chúa Giêsu chịu treo thánh giá để chuộc tội trần gian. Và vì Mẹ được Chúa trao ban làm mẹ của Hội Thánh, nên khi con người ngày càng đi vào hố diệt vong của tội lỗi, khô khan nguội lạnh trong việc thờ phượng Chúa, lòng người mẹ nơi Đức Maria sẽ rất đau khổ. Chính vì điều này mà Mẹ Maria mời gọi con cái mình siêng năng chạy đến và tôn sùng trái tim Mẹ để được Mẹ cầu bầu cùng Chúa tha thứ cho những lỗi lầm xúc phạm đến trái tim Chúa và trái tim vẹn sạch Mẹ.

Vậy chúng ta hãy xin Mẹ cho chúng ta biết đáp lại lời mời gọi của Mẹ, đó là luôn biết cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt Mân Côi và tôn sùng trái tim Mẹ để được bàn tay Mẹ giữ gìn, che trở và yêu thương như Mẹ đã thể hiện tình yêu thương từ mẫu đặc biệt với ba trẻ tại Fatima khi xưa. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường