Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 17/5/2019
Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi". Ông Tôma thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy" (Ga 14, 1-6).
Ngày xưa các cụ nói: "Đường là những lối mòn do có nhiều người đi". Vì nhu cầu mua bán, thăm viếng, làm ăn, con người phải đi lại, thế là đường xá phát triển.
Để đến từ A tới B, người ta thường chọn cho mình con đường ngắn nhất, bằng phẳng, an toàn, sạch sẽ, mát mẻ nhất.
Đức Giêsu chính là con đường lý tưởng có nhiều người lựa chon, vì Ngài là con đường duy nhất, mà ai muốn đến cùng Chúa Cha, muốn có sự sống đích thực thì phải qua con đường đó. Đi vào con đường của Ðức Giêsu là đón nhận Ðức Giêsu, là yêu mến là chu toàn giới luật, là yêu thương mà Chúa đã sống và truyền lại. Nếu biết sống yêu thương là đang đi trong con đường tình yêu của Ðức Giêsu.
Lạy Chúa, Xin cho chúng con biết tin vào Ðức Giêsu, biết sống yêu thương như Ðức Giêsu. Ðể mọi người chung quanh chúng con cũng nhận ra, tin vào Chúa và được sự sống đời đời. Amen.
Thánh Paschal Baylon
(1540 – 1592)
Thánh Paschal sinh ngày 16 tháng 5 năm 1540 ở Torre Hormosa xứ Aragon, Tây Ban Nha. Cha mẹ ngài là ông bà Martin Baylon và Elizabeth Jubera một gia đình nghèo nhưng đạo đức. Trong khoảng thời gian từ bảy đến 24 tuổi, ngài làm nghề chăn cừu và bắt đầu một cuộc sống rất hãm mình. Ngài luôn luôn cầu nguyện, ngay cả khi làm việc và nhất là khi tiếng chuông nhà thờ báo hiệu lúc dâng Mình Thánh trong Thánh Lễ.
Năm 1564, Paschal được nhận vào tu viện Alcantarine của Dòng Anh Em Hèn Mọn của Thánh Phanxicô ở Monteforte. Ngài tận tụy hiến thân cho cuộc đời ăn năn đền tội. Mặc dù ngài được khuyến khích học làm linh mục, nhưng ngài chọn làm thầy trợ sĩ. Trong những quãng thời gian khác nhau, thầy đảm trách các công việc giữ cửa, nấu ăn, làm vườn và chính yếu là đi khất thực.
Thầy Paschal rất thận trọng tuân giữ lời khấn khó nghèo. Thầy không bao giờ phí phạm thức ăn hay bất cứ gì được sử dụng trong nhà dòng. Khi là người giữ cửa và tiếp đón các người nghèo đến xin giúp đỡ, thầy nổi tiếng là độ lượng. Ðôi khi, các tu sĩ trong dòng phải ngăn cản sự phóng khoáng của thầy!
Một đặc tính của Thầy Paschal là sùng kính Thánh Thể. Ngoài những thời giờ bận rộn vì nhiệm vụ, bất cứ khi nào có cơ hội, thầy thường dành để cầu nguyện trước Thánh Thể. Cuộc đời thầy đầy dẫy những phép lạ chữa lành mà dân chúng được lãnh nhận qua sự cầu nguyện của thầy. Tuy là thầy trợ sĩ nhưng lúc bấy giờ rất nhiều người tìm đến thầy để xin cố vấn.
“Hãy suy nghĩ kỹ về điều này: Hãy tìm kiếm Thiên Chúa trên hết mọi sự. Thật đúng khi bạn tìm kiếm Thiên Chúa trước hết và trên hết mọi sự, bởi vì Thiên Chúa cao cả sẽ ban cho bạn những gì bạn cầu xin. Ðiều này cũng giúp bạn sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa và kính mến Ngài cách tuyệt hảo hơn” (Thánh Paschal).
Ngay cả cái chết của thầy cũng được ghi dấu bằng một biến cố đặc biệt. Người ta kể rằng thầy trút hơi thở cuối cùng ngày 17 tháng 5 năm 1592 tại Villa Reale, Spain khi linh mục nâng Mình Thánh lên cao trong Lễ Hiện Xuống.
Lòng yêu mến nồng nàn đối với bí tích Thánh Thể của thánh nhân lúc sinh tiền đã được phản ảnh qua các hiện tượng, phép lạ và các thanh âm lạ lùng phát ra từ các thánh tích hay các bức hình của thánh nhân trong các thế kỷ qua. Tất cả đã góp phần lớn lao trong việc phục hồi đức tin và gia tăng lòng sốt mến bí tích Thánh Thể trong nhiều linh hồn.
Thầy Paschal được Đức Giáo Hoàng Paul V tôn phong Chân Phước ngày 29 tháng 10 năm 1618. Bảy mươi hai năm sau, Đức Giáo Hoàng Alexander VIII nâng ngài lên bậc hiển thánh ngày 16 tháng 10 năm 1690. Năm 1897, Đức Giáo Hoàng Leo XIII đặt ngài làm quan thầy của các tổ chức cũng như nghị hội về Thánh Thể.