Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 3/5/2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 3/5/2019
Lễ Thánh Philípphê và Giacôbê, Tông Ðồ.
Philipphê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: 'Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha?' Con không tin Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy ư? (Ga 14, 6-14).
Phi-líp-phê nài xin cùng Đức Giêsu: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, thì cũng giống như Tôma đòi “xem tận mắt, bắt tận tay”, điều đó chứng tỏ các ông chưa hiểu Đức Giêsu. 
Đức Giêsu cảm thấy hơi buồn, vì thế Ngài đã nói với các ông: "Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy" và: "Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn".
Để kết hợp với Chúa Cha, mỗi người hãy luôn kết hợp với Đức Giesu bằng việc tin vào Thầy và tuân giữ lơi Thầy. Để tin vào Thầy và tuân giữ lời Thầy, mỗi người hãy kết hợp với nhau tạo thành một cộng đoàn yêu thương, để một tay nắm lấy Chúa, một tay nắm lấy anh em.
Lạy Chúa. xin cho chúng con nhận biết; Đức Giêsu chính là Thiên Chúa được sai đến trong thế gian để dẫn đưa chúng con về bên Chúa. Xin cho chúng con cảm nhận được Thiên Chúa yêu thương, đang ngự trị trong tâm hồn và trong thân xác chúng con. Amen.


Thánh Philípphe tông đồ
(thế kỷ thứ 1)

Thánh Philípphe môn đồ của Gioan Tiền Hô. Ngài cùng quê với Thánh Phêrô và Anrê, ở Bétsaiđa vùng Galilê. Ngài là một trong các môn đệ đầu tiên được Chúa gọi. Ðích thân Ðức Giêsu gọi ngài, và sau đó ngài tìm gặp ông Nathanaen (Batholomew) và nói với ông về “Người mà Môisen đã đề cập đến” (Gioan 1:45).
Cũng như các tông đồ khác, phải mất một thời gian thì Thánh Philípphê mới nhận ra Ðức Giêsu là ai. Trong một dịp, khi Ðức Giêsu trông thấy đám đông theo Người và muốn cho họ ăn, Người hỏi ông Philípphê có thể mua thực phẩm ở đâu cho dân chúng dùng. Thánh Gioan nhận xét, “Ðức Giêsu nói như thế là để thử ông, vì Người biết những gì phải làm” (Gioan 6:6). Ông Philípphê thưa, “Dù có hai trăm ngày tiền lương mà mua thức ăn cho họ thì cũng không đủ mỗi người một chút” (Gioan 6:7). Nhận định của Thánh Gioan không phải là sự khinh thường Thánh Philípphê, mà cốt để chúng ta thấy sự khác biệt giữa khả năng của loài người và quyền năng của Thiên Chúa.
Trong một dịp khác, chúng ta có thể cảm được sự bực tức trong lời nói của Ðức Giêsu. Sau khi ông Tôma than phiền là họ không biết Ðức Giêsu đi đâu, Người nói, “Thầy là đường… Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng sẽ biết Cha Thầy. Từ bây giờ trở đi anh em được biết Người và được thấy Người” (Gioan 14:6a, 7). Nhưng ông Philípphê lại hỏi tiếp: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, và như thế là đã đủ cho chúng con” (Gioan 14:8). Thật quá đủ! Ðức Giêsu đáp lại, “Thầy từng ở với anh em bao nhiêu lâu mà anh vẫn chưa biết Thầy sao, hở Philípphê? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Gioan 14:9a).
Có lẽ vì Thánh Philípphê có tên Hy Lạp hoặc vì ngài được coi là thân cận với Ðức Giêsu, nên một số người Ngoại Giáo muốn theo đạo đã đến với ngài và xin ngài giới thiệu với Ðức Giêsu. Ông Philípphê đến nói với ông Anrê, và ông Anrê nói với Ðức Giêsu. Câu trả lời của Ðức Giêsu trong Phúc Âm Thánh Gioan là câu trả lời gián tiếp; Ðức Giêsu nói “giờ” của Người đã đến, có nghĩa trong một thời gian ngắn Người sẽ hy sinh mạng sống cho người Do Thái cũng như Dân Ngoại (xem Gioan 12:21 – 24).
Sau ngày Hiện Xuống, chúng ta không biết gì thêm về Philipphê. Tương truyền người đi giảng đạo cho người Scythe trên biển Hắc Hải, Hy Lạp và Tiểu Á. Thánh Philipphê đã chịu tử đạo khoãng năm 80 tại Hierapolis, Phrygia. Thánh tích hai đấng được đưa về Thánh đường 12 Tông Đồ tai La Mã. Philipphê và James, con Alphê được mừng chung cùng một ngày.

Thánh Giacôbê Hậu-Tông đồ
(thế kỷ thứ 1)

Trong danh sách 12 Tông Đồ của Tân Ước, ngoài Giacôbê con ông Zebêdê, anh của Thánh Gioan Thánh Sử (hay Giacôbê Tiền) còn có một Giacôbê khác gọi là “con Alphée” mà trước nay người ta hay gọi là Giacôbê Hậu hay người nhỏ mà Phúc Âm Thánh Marcô nói đến (Mc 15, 40).
Chúng ta không biết nhiều về Thánh Giacôbê con Alphê  ngoại trừ  tên của ngài, và dĩ nhiên, Ðức Giêsu đã chọn ngài là một trong 12 cột trụ của Israel Mới, là Giáo Hội của Chúa.
Ngày nay, nhiều nhà chú giải cho rằng Giacôbê Hậu là Giacôbê thứ ba được Kinh Thánh nói đến mà người ta quen gọi là “anh em Chúa Giêsu” và là vị thủ lãnh đầu tiên của giáo đoàn Giêrusalem cũng là tác giả Thư Thánh Giacôbê (sách “Tiền Phúc Âm Thánh Giacôbê” xuất bản vào thế kỷ XVI chỉ là ngụy thư ). Vậy chúng ta đừng nhầm lẫn với Thánh Giacôbê con Alphê.
Thánh Giacôbê “anh em Chúa Giêsu” không thuộc nhóm 12 Tông Đồ. Người được nói đến như một trong “các anh em Chúa Giêsu” danh từ này theo Á Đông có một nghĩa rất rộng (Mt 13, 55 và Mc 6, 3). Sau Phục Sinh, thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Galate (1,9) gọi người là “anh em của Chúa”. Theo thư I gửi Corintô (15,7) người đã nhìn thấy Chúa sống lại. Theo nhiều nhà chú giải thì danh từ  Giacôbê Hậu hay người nhỏ được nói đến trong Phúc Âm thánh Marcô (15,40) phải hiểu là người, chứ không phải là vị Tông Đồ Giacôbê con Alphée.
Sách Công Vụ nói người là Giám Mục thủ lãnh đầu tiên của giáo đoàn Giêrusalem, tuy không thuộc nhóm 12. Trong cuộc tranh cãi có nên áp dụng cho dân ngoại trở lại việc bắt buộc giữ các đòi hỏi theo luật Do Thái, nhất là việc cắt bì; chúng ta nhận thấy sự có mặt của người trong Công Đồng Thứ Nhất của Giáo Hội ở Giêrusalem. Người ủng hộ lập trường của Phêrô và Phaolô, nhân nhượng với người tân tòng (CV 15). Quyết định cuối cùng đó thể hiện việc độc lập của Giáo Hội mới khai sinh độc lập với Do Thái giáo.
Theo tương truyền không có sự bảo đảm lịch sử thì sau ngày Hiện Xuống, Thánh Giacôbê Hậu bị người bị dân Do Thái ném từ chóp đền thờ xuống, bị ném đá và đánh bằng chày cho đến chết năm 62 tại Giêrusalem. Thánh tích của hai Thánh Giacôbê Hậu và Philipphê được đưa về thánh đường 12 Tông Đồ tại Rome.
Lời Bàn
Như trong trường hợp của các tông đồ khác, chúng ta thấy một con người rất bình thường đã trở nên nền tảng của Giáo Hội, và chúng ta cũng được nhắc nhở rằng sự thánh thiện và công cuộc tông đồ thì hoàn toàn do ơn của Chúa, không phải là sự thành đạt của con người. Mọi quyền năng là quyền năng của Thiên Chúa, ngay cả sự tự do của con người để đón nhận ơn sủng của Ngài. Ðức Giêsu nói với Thánh Philípphê “Con sẽ được mặc lấy sức mạnh từ trời”. Nhiệm vụ đầu tiên của các ngài là trục xuất các thần ô uế, chữa lành bệnh tật, loan báo nước trời. Dần dà, các ngài hiểu rằng những dấu chỉ bên ngoài này là các bí tích của một mầu nhiệm cao cả hơn ở bên trong con người – đó là sức mạnh thần thánh để yêu thương như Thiên Chúa.
Lời Trích
“Ngài sai họ… như những người được chia sẻ quyền năng của Ngài để họ có thể làm cho muôn dân trở thành môn đệ Ngài, thánh hóa và dẫn dắt dân chúng… Họ được giao cho sứ mệnh này trong ngày lễ Ngũ Tuần (coi TÐCV 2:1-26) phù hợp với lời Chúa hứa: ‘Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em, và anh em sẽ là chứng nhân của Thầy… cho đến tận cùng trái đất’ (TÐCV 1:8). Qua sự rao giảng phúc âm ở mọi nơi (coi Máccô 16:20), và được đón nhận bởi những người nghe nhờ tác động của Thánh Thần, các tông đồ cùng quy tụ lại thành Giáo Hội hoàn vũ, mà Chúa Giêsu đã thiết lập trên các tông đồ và được đặt trên Thánh Phêrô, người đứng đầu, chính Ðức Giêsu Kitô vẫn là đá góc tường tối cao…” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 19)