I. LỜI CHÚA: Ga 6, 22-29
22 Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giê-su lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi.23 Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Ti-bê-ri-a đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn.
24 Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người.25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy? “26 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.”
28 Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn? “29 Đức Giê-su trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
II. SUY NIỆM 1
1. “Bánh ăn hằng ngày”: sự vật hay dấu lạ?
Sau kinh nghiệm được ăn bánh thỏa thuê, đám đông vất vả ngược xuôi đi tìm Đức Giê-su. Họ đi tìm Người, đó có vẻ là một chuyển động của hành trình đức tin. Khi gặp được Đức Giêsu, họ hỏi Người như là để bắt chuyện: “Thưa thầy, thầy đến đây bao giờ vậy?” (c. 25) Nhưng thay vì khen ngợi và tiếp tục đáp ứng nhu cầu “ăn uống” của họ, Đức Giêsu đã nói cho họ rõ chuyển động sâu kín của con tim; chuyển động mà chính họ có thể không ý thức:
Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi
không phải vì các ông đã thấy dấu lạ,
nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”! (c. 26)
không phải vì các ông đã thấy dấu lạ,
nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”! (c. 26)
Chúng ta cũng hãy để cho câu nói này của Đức Giê-su chất vấn con tim chúng ta, chất vấn chốn thẳm sâu nhất trong nội tâm chúng ta: chúng ta tin Chúa, tìm Chúa và theo Chúa vì điều gì? Phải chăng là để được “ăn bánh no nê”? Và “ăn bánh no nê” đối với chúng ta đã là gì và hiện nay đang là gì? Ngài biết rõ hướng đi sâu kín của cõi lòng chúng ta. Nhưng điều làm cho chúng ta yên tâm, đó là, dù biết rõ như thế, Ngài vẫn tiếp tục đối thoại, mời gọi, thậm chí mặc khải những điều sâu kín nhất nơi ngôi vị của Ngài. Chúng ta nên nhớ rằng, trong số những người nghe, có các môn đệ; và trong số họ, có những môn đệ sẽ bỏ Ngài ra đi và có kẻ sẽ nộp Ngài; và Đức Giê-su biết như thế ngay từ đầu (c. 64). Biết là việc của trí năng, nhưng con tim của Ngài vẫn cứ muốn đặt trọn lòng tin nơi con người, dù người đó là ai. Bởi vì Ngài đến để cho con người được sống, và sống dồi dào, và bởi vì Thiên Chúa yêu mến Ngài như thế nào, Ngài cũng yêu mến con người như thế.
Vì thế, ngay trong lời trách đám đông, Đức Giê-su cũng đã chỉ ra con đường mà chúng ta phải đi: đón nhận lương thực hằng ngày, sự sống hàng ngày không như một “sự vật” để thỏa mãn nhu cầu và nhất là lòng ham muốn, nhưng như “dấu lạ”, dấu lạ Thiên Chúa ban để hướng chúng ta đến những gì cao quí, đến với “lương thực trường tồn”, đến với chính Chúa. Thực vậy, Ngài mời gọi:
Các ông hãy ra công làm việc
không phải vì lương thực mau hư nát,
nhưng để có lương thực trường tồn
đem lại phúc trường sinh,
là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông. (c. 27)
không phải vì lương thực mau hư nát,
nhưng để có lương thực trường tồn
đem lại phúc trường sinh,
là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông. (c. 27)
Loài người chúng ta phải “ra công làm việc” để có được của ăn của uống, hay nói rộng hơn, để có được tất cả những gì chúng ta nghĩ là cần cho cuộc sống: ăn, ở, đồ đạc, phương tiện đủ loại, học hành, việc làm…; nói theo ngôn ngữ Linh Thao, là “tất cả những sự khác”.
Ở đây, Đức Giê-su mời gọi chúng ta giữ nguyên nỗ lực của mình, nghĩa là vẫn “ra công làm việc”, nhưng chuyển hướng sang “lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh”. Lời của Đức Giêsu thật thách đố, và cuộc đời dâng hiến liều lĩnh đảm nhận thách đố này.
2. Trở nên môn đệ của Đức Giê-su
Và để thực hiện kinh nghiệm thiêng liêng đón nhận lương thực hằng ngày, sự sống hằng ngày của chúng ta không như một sự vật, nhưng như một dấu lạ, chúng ta được mời gọi ra khỏi đám đông để đi vào tương quan thiết với Đức Giê-su, nghĩa là trở thành môn đệ của Đức Giê-su. Đó chính là kinh nghiệm, mà các môn đệ đã trải qua trong đêm hôm đó (x. 6, 16-21).
Thực vậy, sau phép lạ bánh hóa nhiều, Đức Giê-su và các môn đệ đã rời bỏ đám đông dân chúng, đi sang bờ bên kia, phía Ca-pha-na-um. Và chuyện gì xảy ra đêm hôm đó, ở giữa biển khơi, thì chỉ có Đức Giê-su và các môn đệ biết mà thôi; và nhất là tầm mức ý nghĩa của biến cố này đối với phép lạ bánh hóa nhiều và với “lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh” mà Ngài sẽ ban.
Thực vậy, đêm hôm đó, Đức Giê-su đã để cho con thuyền của các môn đệ đi rất xa trong đêm tối và sóng gió; và ở giây phút tận cùng, tưởng chừng như mất tất cả, thì Ngài mới đến, và nói: “Thầy đây mà, đừng sợ ». Chính trong tương quan thiết thân với Đức Ki-tô, mà mỗi người chúng ta được mời gọi cùng chết đi với Ngài, để tái sinh trong sự sống mới của Ngài. Như thế, sự sống của các môn đệ không còn thuộc về mình nữa, nhưng là thuộc về Chúa, là của Chúa. Đó là kinh nghiệm Phép Rửa, nghĩa là kinh nghiệm Vượt Qua. Và kinh nghiệm này phải được sống mỗi ngày.
3. Công trình của Thiên Chúa
Sau khi nghe Đức Giê-su nói, họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” Và Đức Giê-su trả lời:
Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm,
là tin vào Đấng Người đã sai đến. (c. 29)
là tin vào Đấng Người đã sai đến. (c. 29)
Theo bản văn tiếng Hi-lạp, phải dịch là công trình của Thiên Chúa, là các ông tin nơi Đấng Người sai đến” [1]. Bản dịch Tiếng Việt (của Nhóm CGKPV) vừa dịch vừa giải thích và có lẽ đã đi lệch hướng.
Câu hỏi của họ, “chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”, xem ra khá đột ngột, và có vẻ không liên quan gì đến lời Đức Giê-su vừa nói về “công việc của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, vẫn có một tương quan, đó là “công việc” (work, tiếng Pháp oeuvre, công trình, nghĩa là công việc lớn lao). Thực vậy, Đức Giê-su mời gọi họ: “các ông hãy ra công làm việc…”; và họ hỏi: “Chúng tôi phải làm gì để hoàn tất những việc của Thiên Chúa?” “Công việc của Thiên Chúa”, hay nói cách khác, Thiên Chúa “cũng ra công làm việc”; và Thiên Chúa làm việc chính là để chúng ta tin nơi Đức Giê-su (công việc của Satan là ngược lại: làm cho chúng ta nghi ngờ, không tin, vô ơn, ham muốn, ghen tị, sống theo thú tính, loại trừ, bạo lực…). Chúng ta được mời gọi “ra công làm việc” vì lương thực hằng sống, cũng chính là nỗ lực tin nơi Đức Giêsu. Tin đến độ nhận Đức Giê-su là lương thực, đến độ “ăn uống” Đức Giê-su. Chúng ta đâu dám nghĩ và muốn đẩy hành vi đức tin đến mức ăn uống người mình tin tưởng và yêu mến, nhưng Đức Giê-su muốn như thế.
Chúng ta hãy cố vừa thấu hiểu và vừa thấu cảm tầm mức lớn lao của việc “tin vào Đức Giêsu”, Đấng Thiên Chúa sai đến loài người chúng ta, Đấng chúng ta đi theo, Đấng chúng ta mang tên, bởi vì chúng ta là Ki-tô hữu. Như chính Đức Giê-su đặc biệt nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời (Ga 3, 15); “những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (20, 31)[2]. Vì thế, tin vào Đức Giêsu:
- Tin không phải là công việc, nhưng còn hơn cả công việc; đó là công trình; nhưng không phải là công trình của chúng ta, mà là công trình của Thiên Chúa!
- Tin là, về phía chúng ta, “ra công làm việc” vì lương thực hằng sống.
- Tin là, về phía Đức Giêsu, tự nguyện trở thành lương thực cho chúng ta nơi Bánh Thánh Thể, và được hoàn tất nơi mầu nhiệm Thập Giá.
Công trình của Thiên Chúa là chúng ta tin nơi Đức Giêsu; chúng ta tin nơi Đức Giêsu là công trình của Thiên Chúa. Nếu muốn chúng ta có thể nghiệm lại công trình của Thiên Chúa nơi cuộc đời và nhất là nơi ơn gọi của mỗi người chúng ta; chúng ta hãy ước ao cho công trình của Thiên Chúa nơi chúng ta mau được hoàn tất. Chúng ta đừng quên rằng tin nơi Đức Giêsu, là hết khát hết đói, là sự sống hôm nay và sự sống đời sau.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Trong khi, theo sát bản văn Hi-lạp, to ergon tou Theou (công trình của Thiên Chúa), sách Kinh Thánh New American Bible dịch như sau: So they said to him, “What can we do to accomplish the works of God?” Jesus answered and said to them, “This is the work of God, that you believe in the one he sent.” Chúng ta có thể tạm dịch như sau: Vậy, họ nói với Người: “Chúng tôi có thể làm gì để hoàn tất những việc của Thiên Chúa?” Đức Giê-su trả lời và nói với họ: “Đây là việc của Thiên Chúa, là các ông tin nơi Đấng Người sai đến”. Bản dịch tiếng Pháp Bible de Jérusalem cũng dịch như thế, bản dịch trong sách Các Bài Đọc, đang được dùng trong phụng vụ hiện nay, cũng dịch theo hướng này.
[2] Không tin Thiên Chúa ban sự sống, thì tất yếu người ta sẽ làm việc cho sự chết, thuộc về sự chết. Thực vậy, việc từ chối tin sẽ khởi động cách nhanh chóng một tiến trình tăng tốc của sự chết: người không tin vào sự sống sẽ đòi hỏi những bằng chứng về sự sống và, từ đó rất nhanh đi đến chỗ tự mình đưa ra những bằng chứng về điều trái ngược với sự sống. Ai không tin vào sự sống sẽ chẳng mấy chốc làm việc cho sự chết (x. Kn 1, 16 – 2, 24). Vì chết là mạnh nhất, là kết thúc tất cả, là làm cho mọi sự đều như nhau, nên người ta đối xử với nhau như khác loài, người muốn hơn, muốn thống trị bằng khả năng, sức mạnh, bạo lực. Và theo cách nói của Kinh Thánh, lựa chọn tự do này của con người, được gọi là « cơn thịnh nộ của Thiên Chúa » (x. Rm 1-2).