Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

Phút Suy niệm ngày 2/6/2018.

Filled under:


Suy niệm ngày 2/6/2018.
Các thượng tế, kinh sư và các kỳ mục đến cùng Đức Giê-su và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy?” (Mc 11,27b-28).
Khi đuổi những người buôn bán trong đền thờ Chúa Giê-su đã gặp phải sự chống đối của giới chức Do Thái.
Chúa Giêsu chỉ cho họ biết, Ngài dùng quyền nào mà làm như vậy khi họ trả lời được câu hỏi của Ngài. và họ đã không trả lời được.
Chúng con đã biết: Chúa chính là Đấng Thánh của Thiên Chúa, là Đấng cứu chuộc chúng con. nhưng nhiều lần chúng con tự hỏi: "Lạy Ngài, Ngài là ai?".
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đón nhận Chúa, có Chúa trong cuộc sống chúng con, nhờ đó chúng con được sống trong niềm vui và sự bình an của Chúa. Amen.





THÁNH JUSTINÔ TỬ ĐẠO
(103-166)
Quang cảnh pháp đình Rôma hôm ấy thật là nhộn nhịp. Án đường đã chật ních mà người các ngả vẫn tuôn đến để dự phiên xử nhóm người theo đạo Kitô dưới quyền chủ tọa của quan chánh án Rusticô. Chính quyền đã phải huy động nhiều nhân viên giữ trật tự, nhưng khán giả vẫn cố lấn vào gần để được xem rõ mặt ông già Justinô, một người có tên tuổi trong cố các người công giáo.
Thánh Justinô là một triết gia uyên bác, một nhà hùng biện thời danh sanh vào đầu thế kỷ II tại Naplusa xưa là thành phố Sichem thuộc xứ Samaria. Chính ngài đã cho ta hay quý danh thân phụ ngài là Priscô. Gốc tích của gia đình ngài thuộc giòng Latinh hơn là Hylạp. Dấu vết Latinh đó, người ta còn thấy ở ngay tên gọi của thánh nhân cũng như quý danh của thân phụ ngài vậy. Hơn nữa, những tâm tình ngay thẳng, ý chí cương quyết và tính thích tự chủ ở nơi ngài cũng như nói lên một phần nào cái bản tính của một người Rôma.
Tuy sinh trưởng trong một gia đình lương dân nhưng, tự tâm hồn Justinô lúc nào cũng trổi lên một ước vọng nồng nhiệt là được tìm biết Thiên Chúa chân thật. Ước vọng đó trước hết phải kể là công trình hoạt động của ơn Chúa muốn lôi cuốn tâm hồn Người đã kén chọn. Ngoài ra, óc suy luận và thích triết lý của Justinô cũng phụ lực để dẫn đưa ngài đến với Kitô giáo.
Trong tác phẩm "Đối thoại với Tryphônê", chính ngài đã tự thuật lại những bước đi dò dẫm theo chân các triết gia để khám phá ra ý nghĩa của một cuộc đời và những kinh nghiệm bản thân trong vấn đề đi tìm Chân, Thiện, Mỹ; hay nói cách khác là cuộc trở lại đạo công giáo của ngài. Không một bộ môn triết học đương thời nào như triết lý khắc kỷ của phái khắc kỷ, triết lý toán số của Pythagora, học thuyết của Platông... mà ngài không khảo sát tìm hiểu, hoặc đích thân đến thụ giáo làm môn đệ. Nhưng lần lượt theo thời gian, Justinô đều phải thất vọng ra về mang theo một nỗi niềm băn khoăn xao xuyến vì những môn triết học đó đều không làm thoả mãn được ước vọng tìm Chúa của Justinô. Thế rồi một ngày kia, khi đang đi lại suy nghĩ ở một nơi thanh vắng gần bờ biển, ngài gặp gỡ một ông lão với dáng người đạo mạo và hiền từ. Trong cuộc gặp gỡ và đàm đạo với ông già lạ mặt đó, chính ông lão đã chỉ vẽ cho Justinô một con đường để đi đến với Chúa. Ông nói: "Để tìm biết Chúa, người ta không chỉ dựa nguyên vào những suy luận bấp bênh, nhưng tốt hơn hết hãy học hỏi các tiên tri; đó mới là những người được Chúa soi sáng để nói và viết về Chúa, đó mới là những chứng nhân đích thực của chân lý...".
Để hết thúc câu chuyện, cụ già vô danh đó còn khuyên Justinô phải cầu nguyện để được ơn Chúa soi sáng vì không một ai có thể trông thấy hoặc hiểu Thiên Chúa và Đức Kitô Con Người, nếu Chúa không soi trí mở lòng cho kẻ ấy.
Nghiền ngẫm tất cả những lời cụ già nói, Justinô nhận thấy chỉ có như thế mới là triết lý vững chắc làm thoả mãn ước vọng của ông. Justinô bắt đầu học hỏi Thánh Kinh và được ơn Chúa soi sáng trong lòng. Thêm vào đó những giá trị luân lý của đời sống Kitô giáo lại càng làm cho ngài say mê và cảm phục.
Từ cảm phục, Justinô tìm đến sống với giáo dân Kitô để được hiểu họ hơn. Ông càng cảm phục đời sống của các tín hữu và hiểu rõ rằng nhờ có đức tin mà những người công giáo đã có đủ nghị lực để sống thánh thiện giữa một thế giới đồi bại và hư hỏng; và cũng chính đức tin đã giúp họ vui vẻ chịu đựng những khổ hình khi bị bách hại vì đạo. Ông ước ao được ôm ấp đức tin đó với tất cả lòng yêu mến.
Cuối cùng lòng ước muốn đó đã dẫn đưa ngài đến giếng rửa tội. Lúc đó Justinô đã đầy 30 tuổi, cái tuổi trưởng thành về ý chí và nhuệ khí ấy đã khiến ngài sống rất khắc khổ và thánh thiện. Đi đôi với lòng nhiệt thành làm việc tông đồ, ngài còn tận hiến đời sống để dạy dỗ và viết sách bênh vực đức tin công giáo.
Tuy không phải là linh mục cũng không có chức phó tế, nhưng thánh Justinô nhận thấy mình có bổn phận rao giảng Phúc âm. Ngài viết: "Tất cả những ai có thể rao giảng chân lý mà không làm việc đó, đều bị Thiên Chúa đoán phạt... Vậy bổn phận chúng ta là làm cho mọi người nhận biết tín lý của chúng ta, để không ai có thể chữa mình vì không được nghe biết, và đồng thời cũng để chúng ta khỏi mang "lý đoán" sau này. Vì vậy tôi đã được Thiên Chúa ban ơn hiểu biết Thánh kinh, tôi cố gắng thông ơn ấy cho mọi người, để tôi khỏi phải Thiên Chúa sẽ luận xử tôi".
Vận y phục của một triết gia, thánh Justinô đi khắp nơi đàm đạo với mọi người theo kiểu các nhà hiền triết thuộc phái Khắc kỷ hay Platông. Ngài lợi dụng mọi trường hợp để rao giảng chân lý, bài bác những luận thuyết sai lạc về tôn giáo hoặc triết lý. Đồng thời ngài năng đi lại thăm viếng giáo dân để tìm hiểu thêm về tín ngưỡng và những cách thức thờ tự của họ. Nhờ đó những kiến thức của ngài được bảo đảm vững chắc và ngài càng tỏ ra là người hiểu rộng biết sâu lạ thường.
Năm 135, người ta thấy Justinô ở Êphêsô. Và cũng chính ở nơi đây đã diễn ra một cuộc đối thoại danh tiếng giữa ngài và Tryphônê là một học giả Do thái. Trong cuộc đối thoại ấy, Justinô đã làm cho Tryphônê vừa cảm phục vừa bỡ ngỡ vì Justinô tỏ ra rất thông thạo Kinh thánh. Ngài đã trưng ra tất cả những bằng chứng Kinh thánh để chứng minh cho Tryphônê hay rằng những lời tiên tri nói về Đấng Cứu Thế và sự Người đến đã được hoàn tất ở nơi con người của Chúa Giêsu Kitô rồi.
Từ giã Êphêsô, Justinô đáp tầu đi Rôma và mở trường dạy đạo ở ngay giữa những nơi mà người ta còn rất sùng mộ các thần tượng. Giáo dân tuôn đến nghe ngài giảng để thêm vững đức tin; có cả một số đông lương dân cũng tới nghe với chủ ý bác bẻ ngài. Nhưng những lời đối đáp khôn ngoan và thông thạo của ngài đã khiến họ cảm phục và trở lại theo Kitô giáo rất nhiều. Đó là điều ngài hằng mong ước tha thiết; vì ngài không mong muốn gì khác ngoài sự cứu rỗi của mọi người. Ngài giảng dạy với thái độ vui vẻ và hiền từ cốt để đánh tan mọi ngờ vực của những người tuy có thiện chí muốn bước vào đời sống Kitô giáo nhưng còn sợ sệt hay ngập ngừng do dự...
Lòng hăng hái ấy ngài không muốn chỉ thu hẹp mãi trong khung cảnh một mái trường, nhưng ngài còn ước ao rao truyền chân lý cho khắp năm châu bốn biển. Với ước vọng đó thánh nhân đã viết nhiều tác phẩm để phổ biến tư tưởng công giáo. Nhưng không may đa số đã thất lạc. Tuy nhiên, những tác phẩm còn lại cũng đủ cho chúng ta chân nhận rằng: Justinô là một nhà minh giáo bậc nhất thế kỷ II, và là văn sĩ đầu tiên đã phác họa nền thần học Kitô giáo.
Cũng vì tin tưởng rằng chân lý sẽ thắng và Kitô giáo bị bách hại là tại người ta chưa được thấu đáo hay hiểu lầm, nên thánh Justinô đã hết tâm hăng hái trình bày cho mọi người hay những tín điều, những tập tục và thể cách hành sự của Giáo hội, mà từ trước vẫn chỉ được diễn ra trong những nơi kín đáo ở dưới các hang toại đạo. Vì vậy, những tác phẩm của ngài có thể được coi là những tài liệu giáo sử quý giá giúp chúng ta hiểu rõ đức tin, phụng vụ và sinh hoạt Kitô giáo thời đó như thế nào.
Ba tác phẩm chính của ngài là: cuốn "Minh giáo tập I" viết vào năm 152; cuốn "Đối thoại với Tryphônê" viết năm 155; và cuốn "Minh giáo tập II".
Năm 138, bắt đầu triều đại Antôniô biệt hiệu nhân đức, đồng thời cũng mở màn cho cuộc bách hại đạo dữ dội. Giáo hội phải đau lòng hết sức vì máu con cái mình đã chảy ra lai láng.
Thánh Justinô đã mạnh dạn đứng ra bênh vực các giáo hữu. Ngài dùng ba tấc lưỡi của nhà hiền triết mà tâu lên Hoàng đế Rôma để xin thương xét. Ngài hết sức mạnh bạo không sợ rằng chính mình đã tự nộp mình khi ký tên trong bản điều trần đầu tiên đệ lên Hoàng đế.
Nhân danh công lý, thánh Justinô kêu xin cho các tín hữu được tự do hành đạo của mình, đó là đặc ân mà Rôma đã ban cho toàn thể đế quốc. Sau khi trình bày những nỗi bất công mà người kitô hữu đã phải chịu, thánh nhân chứng minh rằng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật; rồi ngài yêu cầu nhà cầm quyền phải xét xử những nỗi bất công và lăng nhục người công giáo đang phải chịu. Sau cùng ngài mạnh dạn nói thẳng với các ông hoàng là những người sẽ nắm giữ một trách nhiệm lớn lao trong việc phán xử.
Ngài nói: "Thưa các ngài, nếu tôn giáo chúng tôi là hợp với lẽ phải và chân lý, tôi xin các ngài hãy tôn trọng nó; trái lại, nếu tôn giáo đó chỉ làm mê hoặc và lường gạt dân gian thì tôi xin các ngài cứ việc khinh chê, riêng phần chúng tôi, chúng tôi nhận thấy đã nói cho các ngài biết hết rồi. Các ngài không thể tránh khỏi lý đoán công thẳng của Thiên Chúa được đâu. Dầu các ngài có tuyên án chúng tôi thế nào đi nữa, chúng tôi sẽ chỉ luôn nói một điều là: "Chúc tụng Thiên Chúa".
Những lời lẽ đó tuy không mang lại một kết quả lớn lao nào. Tuy nhiên, những cuộc truy nã thời kỳ này cũng không đến nỗi gay gắt lắm, và những điều luật trước đây quá khắt khe nay được nới rộng hơn.
Nhưng rồi thời gian tạm an bình đó cũng chẳng được bao lâu. Mấy tia nắng léo ra kia chỉ đem lại hy vọng mong manh của một ngày tươi sáng, vì chân trời vẫn còn những đám mây đen xám đang ngùn ngụt bốc lên báo hiệu một trận bão ghê gớm hơn nữa sắp tới. Antôniô băng hà, Marcô Aurêliô lên kế vị năm 161, lại ra những lệnh gắt gao để sát hại con cái Giáo hội.
Một lần nữa, thánh Justinô lại viết bản phúc trình đệ lên Hoàng đế Marcô Aurêliô. Với giọng văn đanh thép và ý chí cương quyết, thánh nhân hết sức bảo vệ chân lý. Nhưng một lần nữa lời ngài nói vẫn không kết quả.
Hoàng đế chỉ tin nghe một triết gia thuộc phái Khuyển nho là ông Crescentê. Triết gia này có một đời sống vô liêm sỉ và keo cú đến độ các thần minh của họ cũng phải kinh tởm gớm ghét; ông còn là người thứ nhất đứng lên tố cáo các người công giáo về nhiều tội như ngoại tình, sát nhân và nhiều hành động xấu xa khác. Nhiều lần ông còn ra mặt tranh biện tay đôi vối thánh Justinô. Nhưng lần nào ông cũng phải mất mặt vì thánh nhân luôn luôn dồn ông đến chỗ bí và còn phơi trần những gian dối, giả hình của ông. Trái lại ông không thể tìm được khuyết điểm nào để bắt bẻ thánh nhân.
Để báo thù lại những thất bại chua cay đó, lương dân đã bắt thánh Justinô cùng với một số bạn hữu của ngài và tống giam vào ngục thất. Sau đây là bản tường thuật cuộc đối chứng và tử đạo của thánh nhân theo như Văn kiện tử đạo để lại.
Lúc đó họ bắt Justinô và các bạn của ngài đưa ra toà viên thị trưởng Rôma là Rusticô. Khi họ ra trước toà rồi, Rusticô bảo Justinô:
R- Justinô, ngươi phải vâng phục các thần minh và tuân lệnh các Hoàng đế.
J- Không ai có quyền kết án hay quở trách một người vì đã giữ giới luật của Đức Kitô.
R- Ngươi đang theo học môn gì?
J- Tôi đã lần lượt học đủ mọi môn; sau cùng tôi đã chọn giáo lý chính thật của người công giáo, mặc dầu giáo lý đó có làm phật lòng những kẻ lầm lạc.
R- Tên khốn nạn, ngươi lại chọn môn đó ư?
J- Vâng, vì tôi yêu mến giáo lý chân chính. Tôi theo đạo công giáo.
R- Giáo lý đó dạy sao?
J- Chúng tôi thờ Thiên Chúa của người công giáo; chúng tôi tin Thiên Chúa duy nhất. Từ nguyên thuỷ Ngài là Đấng sáng tạo và là nguyên lý của vũ trụ, những sự vật hữu hình. Chúng tôi tin Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa là Thiên Chúa; các tiên tri đã tiên báo Ngài sẽ đến trợ giúp nhân loại; Ngài là sứ giả cứu độ và là Thầy Khôn Ngoan. Tôi tự nhận tôi chỉ là người bé nhỏ không xứng đáng ca tụng Thần tính vô biên của Ngài. Tôi công nhận phải có quyền năng của các tiên tri, nhưng những lời tiên báo về Đấng tôi nhận là Con Thiên Chúa đã thực hiện rồi. Các tiên tri đã được linh ứng khi các ông tuyên giảng Ngài sẽ đến giữa loài người.
R- (Viên thị trưởng ngắt lời): Các anh hội họp ở đâu ?
J- Nơi mỗi người muốn và có thể tới được. Ông nghĩ rằng chúng tôi họp nhau ở cùng một nơi sao ?
Không, Thiên Chúa của người công giáo không bị tù hãm một nơi. Ngài vô hình; Ngài ngự khắp trời đất, khắp nơi giáo dân thờ phượng và ca tụng Ngài.
Câu trả lời đó hẳn không làm thoả mãn Rusticô chút nào. Vì ông chỉ muốn biết đích xác địa điểm các giáo hữu thường hội họp để chỉ cần "quây" một phen là có thể "chộp" được tất cả các linh mục và giáo hữu thành Rôma. Ông hỏi:
R- Hãy trả lời cho ta hay: các ngươi hội họp ở đâu ?
Nhưng Justinô không phải là người khờ dại đến nỗi tố cáo chỗ ở để phiền lụy cho anh em. Ngài chỉ cho Rusticô biết nguyên chỗ ở của ngài mà thôi. Ngài đáp:
J- Tôi ở chỗ gọi là Máctinô gần bể tắm Timôthêu. Tôi vẫn ở đấy từ ngày tôi đến Rôma lần thứ hai. Tôi không biết nơi hội họp nào khác. Tất cả những ai muốn tìm tôi, tôi đã truyền thông giáo lý chân chính cho họ.
R- Ngươi là công giáo?
J- Vâng, tôi là người công giáo.
Rồi Rusticô quay ra tra vấn các bạn của Justinô. Ai nấy đều hiên ngang xưng mình là kitô hữụ  Viên thị trưởng quay lại hỏi Justinô lần nữa:
R- Hãy nghe ta, người ta bảo anh là người hoạt bát và anh đã lầm tưởng rằng đạo anh theo là chân chính. Nếu anh bị đánh đập, bị chém, anh có tin chắc anh được lên trời không?
J- Tôi hy vọng tôi sẽ được về trời, nếu tôi chịu đựng những khổ hình ấy, và tôi biết phần thưởng linh thiêng sẽ dành cho những ai sống như thế.
R- Anh tưởng tượng anh sẽ được về trời lãnh thưởng ư?
J- Tôi không tưởng tượng, nhưng tin chắc chắn điều đó.
R- Thôi, không nói dài dòng nữa, bây giờ đến một sự cần mà ta buộc các anh là hãy lại gần đây và cùng nhau tế thần đi.
J- Có ai mất trí mới bỏ lòng tôn sùng Chúa để làm điều bất lương.
R- Nếu các anh không nghe ta, ta sẽ thẳng tay trừng trị.
J- Điều ấy là điều chúng tôi khao khát hơn cả. Đau khổ vì Chúa Giêsu Kitô để được cứu độ, đấy là sự cứu độ và bình an của tôi trước toà án khủng khiếp của Thầy Chí Thánh và là Đấng cứu độ chúng tôi;  cả thế giới này đều phải ra trước toà án đó.
Tất cả các vị tử đạo khác cũng đồng thanh hô to: " Ông muốn làm gì thì làm, chúng tôi là người công giáo, chúng tôi không thể tế thần được".
Lúc đó thị trưởng Rusticô tuyên án: "Những ai không muốn tế thần và vâng lệnh Hoàng đế đều bị đánh đòn và đem ra xử theo đúng pháp luật".

Các vị tử đạo đều ca tụng Thiên Chúa rồi bị đưa ra nơi vẫn hành hình. Ở đó các ngài bị chém và được phúc tử đạo khi tuyên xưng Chúa Cứu Thế.
Một vài giáo dân đã bí mật lấy xác các ngài và táng ở một nơi xứng đáng.
Giáo hội mừng lễ kính thánh Justinô vào ngày 01-6 hằng năm. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã cho phổ biến lễ kính thánh nhân trong khắp Giáo hội và đặt ngài làm quan thầy của những tâm hồn ngay chính, thật thà.