Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 25/06/2018

Filled under:

Lời Chúa: Mt 7, 1-5
Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy.  Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: “Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn”, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.”
Suy nim:
Mỗi ngày chúng ta đưa ra biết bao nhận xét về người khác.
Thầy cô phải nhận xét về học trò, cấp trên phải nhận xét về thuộc hạ.
Việc lượng giá về từng cá nhân thường rất cần thiết và hữu ích.
Trong đời sống tu trì, vẫn có chuyện anh em sửa lỗi cho nhau.
Nói chung, sống thì phải đưa ra những phán đoán về người khác.
Nhưng làm sao để phán đoán ấy không trở nên một xét đoán lệch lạc?
Đức Giêsu dạy ta biết cách xét đoán qua bài Tin Mừng hôm nay.
“Anh em đừng xét đoán”: thật ra Đức Giêsu không cấm mọi thứ xét đoán.
Ngài còn dạy các môn đệ biết cách phân biệt ngôn sứ giả và thật (Mt 7,15),
phân biệt người xứng đáng và người không xứng đáng (Mt 10, 11),
biết cách đề phòng thói xấu của nhóm Xađốc và Pharisêu (Mt 16, 6).
Đức Giêsu chỉ đòi các tín hữu sống trong cộng đoàn huynh đệ
phải tránh lối xét đoán thiếu bao dung, khắc nghiệt,
mà quên chính mình cũng có những lỗi lầm lớn hơn nhiều.
“Anh em xét đoán thế nào, thì cũng bị Thiên Chúa xét đoán như vậy” (c. 2).
Ngài muốn ta nhẹ tay và nhân từ khi cần phải xét đoán người anh em.
Vì cái đấu ta dùng để đong cho họ, Thiên Chúa sẽ dùng để đong cho ta.
Đấu đong đi càng lớn, đấu đong lại càng đầy.
Chỉ cần thay đổi cái đấu ta vẫn quen dùng, là cuộc đời của ta thay đổi.
Đức Giêsu dùng một hình ảnh liên quan đến nghề mộc của Ngài,
để nói về chuyện người đạo đức giả.
Đó là hình ảnh bụi mùn cưa trong mắt người khác và cái xà trong mắt mình.
Một cái thì thật bé, một cái thì to đến độ khó lòng ở trong mắt được.
Hình ảnh phóng đại này hẳn làm ai cũng phải buồn cười.
Tôi thấy lỗi bé nơi anh em, nhưng lại không để ý tới lỗi lớn nơi tôi.
Tôi hăng hái xin được lấy hạt bụi ra khỏi mắt anh em,
nhưng lại rất khoan dung với cái xà trong mắt mình.
Đức Giêsu hóm hỉnh khuyên chúng ta nên lấy xà ra khỏi mắt trước đã,
rồi mới thấy tỏ tường để lấy hạt bụi mùn cưa khỏi mắt anh em.
Điều khó vẫn là thấy được cái xà trong mắt mình.
Lẽ ra tôi phải thấy ngay vì nó quá lộ liễu, ai cũng thấy.
Nhưng nó khó thấy, vì tôi không muốn thấy cái xấu của mình.
Càng có quyền, có chức, có uy tín, có tuổi tác và kinh nghiệm,
càng khó chấp nhận nếp nhăn nơi khuôn mặt mình.
Giá mà tôi thấy được cái xà nơi mắt tôi,
chắc tôi đã không dám đòi lấy hạt bụi nơi mắt người khác,
hay nếu có được ai nhờ lấy đi nữa,
thì cũng chỉ lấy một cách khiêm hạ, nhẹ nhàng.
Trong bài hát “Chúa Hòa Bình” của Phạm Duy có câu:
“Nếu có ai lầm lỡ, rồi sinh ra khắt khe…”
Chỉ mong chúng ta, nhờ thấy mình lầm lỡ và đã được Chúa thứ tha,
nên sinh ra dễ cảm thông với lỗi lầm người khác.
Cầu nguyn:
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.
Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.
Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu dãi vào bóng tối của con.
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
SUY NIỆM 2

       Khoa tâm lý chiều sâu cho rằng: ai hay xét người khác về tội  gì, thì chính người ấy phạm tội đó, hoặc ít nữa là người đó có khuynh hướng về tội ấy.

       Chưa kể đến Lời Chúa dạy, thì người hay xét đoán anh em về tội gì, thì chính mình đã tự tố cáo mình với người khác là tôi phạm tội đó, hay tôi cũng hướng về tội đó. Thật dại dột. Cứ hét cho to, kể cho nhiều, loan truyền cho rộng tội của người khác, tưởng rằng mình tốt hơn, nhưng lại trở thành lời tố cáo mình.
 
     Kinh nghiệm một cha xứ kể lại: Vừa về nhận nhiệm sở mới, một bà đạo đức đến gặp thưa rằng: “Thưa cha, cha mới về xứ này, còn lạ nước lạ cái, con thương cha, nên trình cha những điều cha cần đề phòng. Cha đừng tin bà này, cha cẩn thận với bà kia. Cha đề phòng với ông nọ. Mỗi người, bà đều đưa ra những nhận định cho cha xứ biết vì sao bà ta cảnh giác cha. Ngài cảm ơn tấm lòng “tốt” của bà. Nhưng Ngài tự nghĩ: chính bà là người tôi phải cẩn thận, đề phòng. Quả đúng như thế, ba năm sau, nhờ đề phòng trong khi gặp gỡ bà mà Ngài đã thoát được những rắc rối do bà gây nên trong cộng đoàn. Người nào hay xét đoán anh em, ta phải đề phòng, trước sau cũng gặp những rắc rối. Sống bên cạnh người mà tâm không an bình là tai họa gần kề. Biểu lộ cái tâm không an bình là tật hay xét đoán anh em.

Chúa cũng đã cảnh báo chúng ta: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa kết án”. Chúng ta xét đoán anh em thì chưa chắc đúng. Nhưng Chúa xét đoán và tố cáo tội ta thì không thể sai lầm. Liều mình xét đoán anh em thật là tai hại. Mình xét đoán người khác, thì cũng bị người khác xét đoán, đó là cộng lệ tự nhiên. Nhưng cái hại siêu nhiên mới đáng sợ. Chúa sẽ xét đoán chúng ta tùy theo cách chúng ta xét đoán anh em. Chúng ta lấy đấu nào mà đong cho anh em, Thiên Chúa cũng lấy đấu đó mà đong trả lại cho chúng ta. Hãy lấy đấu nhân từ bao dung mà đong cho anh em, để chúng ta được Chúa đong lại bằng đấu tha thứ nhân từ.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tránh xa tật hay xét đoán anh em, để cuộc sống được an vui, tâm hồn được thanh thản. Và nhất là để Chúa không xét đoán, kết án chúng con. Amen.



GKGĐ Giáo Phận Phú Cường