Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 9-6-2018

Filled under:

Lời Chúa: Lc 2, 41-51
Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm. Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.
Suy nim 1
Nếu ai hỏi Mẹ Maria điều gì quý nhất trong đời Mẹ,
hẳn Mẹ sẽ trả lời đó là Giêsu, con của Mẹ.
Người con này Mẹ đã cưu mang, dưỡng dục, và bảo vệ giữ gìn.
Người con này đã đem lại cho Mẹ biết bao niềm vui và hãnh diện.
Nhưng Mẹ cũng chịu nhiều đau khổ vì người con ấy.
Bài Tin Mừng hôm nay vén mở một chút nỗi đau của Mẹ,
cho thấy một chút trái tim của Mẹ khi sống bên Giêsu.
Cậu Giêsu, mười hai tuổi, cùng với cha mẹ lên Đền thờ mừng lễ Vượt qua.
Kể cũng lạ khi cậu ở lại Giêrusalem mà không báo cho cha mẹ biết.
Hai ông bà đi một ngày đường mới nhận ra mình mất con,
vội vã đi tìm trong đám bà con thân thuộc,
nhưng không thấy, nên trở lại Giêrusalem mà tìm.
Phải qua ba ngày đầy lo âu và nước mắt mới tìm thấy con trong Đền thờ.
Kinh nghiệm mất- tìm kiếm-tìm thấy này thật đau đớn đối với người mẹ.
Mẹ Maria sợ mất con, mất điều rất quý đã được Thiên Chúa trao cho mình.
Nhưng khi thấy con mình ngồi giữa các vị thầy, rất bình an trò chuyện với họ,
thì Mẹ lại sửng sốt, ngỡ ngàng, thay vì vui sướng.
Như vậy là con không bị lạc, nhưng đã cố ý ở lại Đền thờ mà không báo.
Mẹ không nén được một lời trách móc: “Tại sao con làm thế với cha mẹ?
Cha con và mẹ đã khắc khoải tìm con” (c. 48).
Chuyện không ngờ là cậu Giêsu đã đáp lại câu hỏi của Mẹ bằng hai câu hỏi,
đầy vẻ sửng sốt và cũng là một lời trách: “Tại sao cha mẹ lại tìm con?
Cha mẹ không biết là con phải ở nhà của Cha con sao ?” (c.49).
Cũng có thể hiểu là: cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con sao?
Đức Giêsu, khi lên mười hai tuổi, đã bắt đầu có ý thức mình thuộc về Cha.
Người Cha trên trời này khác với người cha mà Ngài đang chung sống.
Ngài phải ở với và lo việc cho người Cha này, lẽ ra cha mẹ phải biết chuyện đó.
Dĩ nhiên hai ông bà chưng hửng, không hiểu được câu nói của cậu Giêsu (c.50).
Riêng Mẹ Maria có thói quen nghiền ngẫm về các biến cố khó hiểu.
Mẹ giữ kỹ trong trái tim mình những chuyện xảy ra (Lc 2, 19. 51b).
Chúng ta tưởng Mẹ Maria luôn luôn hiểu Con mình, hiểu ngay, hiểu trọn vẹn.
Chúng ta tưởng ai sống thánh thiện thì lúc nào cũng vui, chẳng bao giờ lo sợ.
Nhìn Mẹ Maria, chúng ta hiểu theo Chúa là bước vào một cuộc hành trình.
Có những lúc như đang chơi ú tim với Chúa, mất rồi lại tìm, tìm thấy rồi lại mất.
Chúng ta chẳng bao giờ nắm được Chúa, giữ chặt Chúa trong tay.
Chúa vẫn là Đấng không thể thấu hiểu được, và vẫn làm chúng ta sững sờ.
Mẹ Maria đã chứng kiến Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt (Lc 2, 40),
từ khi sinh ra đến khi mười hai tuổi,
và từ mười hai tuổi đến lúc trưởng thành (Lc 2, 52).
Ngài càng lúc càng ý thức mình thuộc về Cha và ý thức về sứ mạng.
Con của Mẹ là một mầu nhiệm khôn dò mà Mẹ phải tìm hiểu mỗi ngày.
Mẹ để cho Con tự do sống theo Ý Cha, dù điều đó đem lại nhiều đau khổ.
Chuyện mất Con hôm nay chuẩn bị cho việc Con sẽ chia tay Mẹ đi sứ vụ,
và chuẩn bị cho cuộc chia tay kinh hoàng trên thập giá.
Chúng ta cầu cho các bà mẹ đang đau khổ vì con.
Mong sự vâng phục của con cái làm tươi trái tim người mẹ.
Cầu nguyn:
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
SUY NIỆM 2
Hôm qua chúng ta tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, hôm nay chúng ta mừng kính Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ. 

Hình ảnh Đức Mẹ bên chân thánh giá, chứng kiến đến cùng cái chết thương đau của Chúa Giêsu, cho biết trọn vẹn sự hiệp công cứu độ của Mẹ Thiên Chúa cùng đồng hành với Con của mình trên con đường thánh giá.

Đó cũng chính là ý nghĩa cuộc tử đạo, không đổ máu, nhưng kiên cường của Đức Mẹ. Cuộc tử đạo ấy là cuộc tử đạo của cả một đời đi theo Chúa, vác thập giá với Chúa. Cuộc tử đạo ấy đã làm cho Đức Mẹ hiệp công cùng Con trong từng ngày tháng của đời mình cứu độ trần gian. 

Tin Mừng cho chúng ta biết điều đó:

- Khi nghe cụ già Simêon tiên báo: “Lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà”.

- Khi bị Hêrôđê tìm giết Con, đã phải bồng Con lặn lội trong đêm trốn sang Aicập.

- Khi lạc mất Con, phải đôn đáo tìm Con đến ba ngày mới gặp.

- Khi dõi theo bước chân truyền giáo của Con và nhận ra đó không phải là những bước chân êm đềm, nhưng phải luôn luôn đối đầu với sự khinh miệt, bị thù ghét, nhiều lần bị rắp tâm giết hại.

- Khi theo Con trên đường lên đồi Sọ, chứng kiến cảnh tượng Con mình: vai vác thập giá nặng, thân thể đầy thương tích do roi đòn, do lòng thù hận của loài người gây nên. 

- Chứng kiến Con đội mão gai mà xót đau như chính những gai nhọn kia đâm thẳng vào đầu mình.

- Cùng chịu đóng đinh đau đớn với Con khi chứng kiến Con oằn quại trước những mũi đinh đâm thâu tay chân.

- Cùng Con chết lặng, khi chứng kiến đến cùng giây phút cuối đời bi thương của Con.

- Buốt giá tâm hồn khi nhận lấy thân xác cứng đờ của Con từ trên thánh giá.

Đúng là một cuộc tử đạo trọn vẹn như lời thánh Bênađô đã nói: “Sự đau đớn đã đâm thâu tâm hồn Mẹ, khiến chúng con có thể nói một cách thích đáng rằng: Mẹ còn hơn người tử đạo, vì nơi Mẹ, niềm thông cảm đau khổ của Con, khiến Mẹ đau đớn hơn cả sự đau đớn trên thân xác”.

Như vậy Đức Mẹ Maria đã bắt đầu cuộc lữ hành đức tin bằng những lời xin vâng: “Tôi là nữ tỳ Chúa. Tôi xin vâng như lời thiên thần truyền” (Lc 1, 38) và những lời vui tươi hăng hái của người mẹ trẻ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa... Vì Đức Chúa đã nhìn đến phận hèn tôi tớ Đức Chúa...” (Lc 1, 46-55). Lời xin vâng ấy vẫn trọn vẹn, vẫn một niềm son sắt khi thông hiệp và cùng liên đới trong sự đau thương cùng cực của Chúa Giêsu. Sự làm một với Con trong nỗi đau thánh giá ấy, được Tin Mừng Gioan khắc họa thành hình tượng vô cùng đẹp trong vẻ đẹp bi hùng: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người” (Ga 19, 25).

Mừng lễ Trái tim vô nhiễm Đức Mẹ, chúng ta được mời gọi noi gương Đức Mẹ, kết hợp cuộc đời khổ đau của chúng ta với cuộc đời tử nạn của Chúa Giêsu như đức Mẹ. Nhờ thế, chúng ta tin tưởng sẽ cùng được hưởng phúc trường sinh vinh hiển với Chúa như Đức Mẹ. 

Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con hằng ngày biết sẵn lòng chịu mọi gian lao đau khổ, hiệp cùng sự thương khó của Mẹ, để cùng Mẹ cộng tác vào chương trình cứu rỗi của Chúa Kitô, nhằm mang lại sự sống đời đời cho chính chúng con và cho thế giới. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường