Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 26/06/2018

Filled under:

Lời Chúa: Mt 7, 6.12-14
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em. Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó. Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy”.
Suy nim 1
Bài Tin Mừng hôm nay gồm những câu rời rạc.
Câu đầu tiên là một câu khó hiểu đối với chúng ta ngày nay (c.6),
tuy có thể rất dễ hiểu đối với những người trực tiếp nghe Đức Giêsu.
“Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai chớ liệng cho heo…”
Heo là con vật nhơ uế, chó thường được dùng để chỉ dân ngoại.
Vào khoảng đầu thế kỷ thứ hai,
sách Điđakhê coi của thánh ở đây là Mình Thánh Chúa,
từ đó xác định rằng chỉ tín hữu mới được rước lễ (9, 5).
Tuy nhiên, có thể hiểu của thánh hay ngọc trai là Tin Mừng Nước Trời.
Tin Mừng này có thể được đón nhận hay bị từ chối một cách thô bạo.
Không hẳn chỉ dân ngoại mới có người từ chối và chà đạp viên ngọc quý.
Cả người Do thái cũng có kẻ bách hại những ai rao giảng (Mt 10, 17).
Thái độ của người môn đệ là không dừng lại, nản lòng khi bị chối từ.
nhưng là tiếp tục mang sứ điệp ấy đến cho người khác.
Câu 12 thường được coi là khuôn vàng thước ngọc.
Nó xuất hiện trong nhiều tôn giáo và văn hóa từ xưa.
“Làm cho người khác mọi điều mình muốn họ làm cho mình.”
Đây là một thái độ tích cực đòi chúng ta một chút tưởng tượng.
Tôi thử nghĩ xem mình muốn gì nơi người khác.
Cảm thông, bao dung, yêu mến, kính nể, trung thành, nâng đỡ…
Rồi tôi tìm cách trao cho họ những điều tốt lành mà tôi ước mong,
vì giữa con người với nhau, vẫn có chung những khát vọng.
Trong một thế giới mà người ta chỉ tìm làm điều tốt cho nhau,
thì thế giới đó là địa đàng, nơi sự dữ không còn đất đứng.
Như thế người Kitô hữu không chỉ yêu anh chị em trong cộng đoàn,
yêu người thân cận như chính mình (Mt 22, 39),
mà còn yêu mọi người đau khổ cơ nhỡ (Mt 25, 31-46),
thậm chí yêu cả kẻ thù (Mt 5, 44).
Cộng đoàn Kitô hữu là cộng đoàn yêu bằng hành động tích cực :
“chính anh em hãy làm cho người ta” (c. 12).
Người ta ở đây là mọi người, vượt quá mọi thứ biên giới.
Con đường mà Đức Giêsu đã đi là con đường hẹp, khó đi.
Nó hẹp vì nó là con đường tình yêu, mà yêu thì không dễ.
Ít ai tìm thấy con đường này, mà cũng ít người muốn đi (c. 14).
Chúng ta được mời chọn đi con đường Giêsu,
con đường tình yêu đòi hy sinh mạng sống,
con đường đòi ra khỏi mình để sống cho và sống với tha nhân.
Và chúng ta tin mình sẽ gặp được hạnh phúc.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con,
nếu Hội Thánh được ví như một thân thể
gồm nhiều chi thể khác nhau,
thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu
một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất.
Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.
Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.
Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu,
thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng,
các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình...
Lạy Chúa Giêsu,
cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con,
ơn gọi của con chính là tình yêu.
Con đã tìm thấy
chỗ đứng của con trong Hội Thánh :
nơi Trái tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu,
và như thế con sẽ là tất cả,
vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.
Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con,
mọi ước mơ của con được thực hiện.
(dựa theo lời của thánh Têrêxa)
 Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
SUY NIỆM 2

Của Thánh là những phẩm vật được dâng cúng vào đền thờ theo luật Cựu Ước dạy. Qua hình ảnh này, Chúa muốn dạy chúng ta tôn trọng những gì thuộc về sự linh thánh, cao siêu. Không nên nói, không được trao cho những người không có khả năng tiếp thu, kẻo vì không hiểu biết mà người ta xúc phạm, khinh thường.

“Của Thánh” không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp, nhưng chúng ta còn phải hiểu theo nghĩa rộng lớn hơn. Những ơn huệ Chúa ban, chúng ta phải dùng cho đúng với sự thiện hảo của ơn huệ đó. Thời giờ, khả năng, sức khỏe Chúa ban, ta không nên phí phạm, hoặc dùng vào những chuyện vô bổ, làm mất phẩm giá con người. Nếu chúng ta dùng sai, chính những ân huệ đó sẽ thành lời kết án chúng ta.

“Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”. Khi dạy chúng ta lời này, Chúa Giêsu đã tóm tắt tất cả đạo lý Ngài dạy chúng ta về bổn phận đối vơi tha nhân. Đây chính là luật vàng để cho mỗi người chúng ta qui chiếu về mà xét lại tâm tình, cách cư xử của chúng ta, xem đúng hay sai. Không chỉ tiêu cực như: “Đừng làm cho người ta điều mình không thích người ta làm cho mình”, Chúa Giêsu dạy chúng ta sống tích cực hơn: “Hãy làm cho người ta ..”.

Cách sống tích cực này phát xuất từ tình yêu Chúa đã xử với chúng ta. Những gì tốt cho chúng ta, Chúa đã làm tất cả, dù phải chịu những đau khổ. Để sống được cách tích cực này, mỗi người chúng ta được mời gọi: “Hãy qua cửa hẹp mà vào..”. Một lối sống mà căn cứ vào việc mình được thỏa mãn làm tiêu chuẩn, thì không còn khả năng sống cho người khác.

Cửa hẹp mỗi ngày chúng ta đi qua, là những kỷ luật mà bất cứ ai cũng cần phải giữ, để chế ngự bản năng thấp kém của “tính con” trong mỗi người. Với người Kitô hữu, cửa hẹp là những lề luật Chúa ban, là Tin Mừng Chúa dạy, để giúp chúng ta làm chủ được bản thân mà phụng sự chân lý, phục vụ sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết quí trọng ơn Chúa, để làm cho chúng con được giàu có ơn phúc trước mặt Chúa. Xin giúp chúng con biết can đảm đi qua cửa hẹp mà vào Nước Trời. Amen.
  


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường