Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

Suy niệm Tin Mừng CN 10 TN B - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:


Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? (Mc 3,20-35)
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy có nhiều người Do Thái đã vấp ngã vì Đức Giêsu, trong đó có cả những người bà con thân thuộc và các Kinh Sư. Những người bà con họ hàng là những người sống gần gũi với Chúa Giêsu, các Kinh Sư là những người am tường Thánh Kinh và lịch sử, đáng lẽ ra họ phải là những người am hiểu về Đức Giêsu hơn những người khác, trái lại, họ hàng thân thích thì cho rằng Đức Giêsu mất trí, còn các Kinh Sư thì cho rằng Đức Giêsu dùng quyền lực của quỷ vương Beldêbun mà trừ quỉ. Chúng ta tìm hiểu đôi chút về hai thái độ này:
1.Thái độ của các Kinh Sư
Các Kinh Sư từ Giêrusalem xuống để điều tra về Ðức Giêsu. Họ không thể phủ nhận khả năng trừ quỷ của Ngài, nhưng họ lại giải thích với cái nhìn đầy ác ý: Ðức Giêsu là người của quỷ, cậy dựa vào sức mạnh của Satan. Ðấng mà thần ô uế phải sấp mình dưới chân và tuyên xưng: "Ông là Con Thiên Chúa" (Mc 3,11). Ðấng khiến quỷ phải kêu la khi xuất ra: "Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai rồi. Ông là Ðấng Thánh của Thiên Chúa" (Mc 1,24). Ðấng trừ quỷ ấy lại bị coi là một người bị quỷ ám !
Quả thực không dễ gì hiểu được con người Ðức Giêsu. Chỉ một chút ghen tương đủ làm ta hiểu sai. Chỉ một chút tự ái đủ làm ta không thấy điều ai cũng rõ như ban ngày. Càng trí tuệ và học thức như các Kinh Sư, ta càng dễ bẻ cong chân lý, càng dễ biện minh cho thái độ cố chấp của mình.
2.Thái độ của bà con họ hàng
"Thân nhân của Người hay tin ấy liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí"(Mc 3,21). Chính người nhà Chúa Giêsu đã kết luận Ngài bị mất trí, và đã đến lúc họ phải bắt Ngài đưa về nhà. Chúng ta hãy thử xem điều gì khiến họ làm như vậy.
2.1.Chúa Giêsu đã bỏ nhà ra đi, bỏ luôn nghề thợ mộc mà Ngài đã từng làm ở Nadarét. Nếu nghề ấy không phát đạt thì ít nhất cũng giúp đủ nuôi sống mình. Thình lình, Ngài bỏ hết và  đi lang thang truyền giáo. Chắc họ nghĩ rằng chẳng ai mà lại bỏ công ăn việc làm  để thành một kẻ lang thang không chỗ gối đầu như vậy.
2.2.Chúa Giêsu đi vào chỗ phải đụng đầu với các lãnh tụ chính thống giáo thời đó. Ở đời, có nhiều kẻ có thể gây thiệt hại lớn lao cho người khác, có kẻ mà tay chân thuộc hạ của họ cũng đáng cho người ta phải coi chừng, có kẻ mà dám chống lại họ thật là một điều vô cùng nguy hiểm. Người nhà của Chúa Giêsu đã nghĩ, một người mà dám chống lại những kẻ quyền thế như Kinh Sư, Pharisiêu và các lãnh tụ tôn giáo thì khó mà có thể thoát khỏi tay họ.
2.3.Chúa Giêsu triệu tập một nhóm người bé nhỏ, một nhóm người khá kỳ lạ: một người thu thuế bỏ việc, một nhà ái quốc cuồng tín và một số là ngư dân. Họ là những hạng người mà không ai muốn quen biết. Họ là những hạng người chẳng ích lợi gì cho những ai muốn làm nên sự nghiệp. Họ nghĩ rằng chẳng ai tỉnh trí mà đi kết bạn với những con người như thế.
2.4.Bằng các việc làm của Chúa Giêsu, Ngài đã nêu lên những nguyên tắc chẳng giống chút nào với những con người bình thường:
2.4.1. Từ bỏ một nếp sống đảm bảo, điều mà phần đông người thế gian luôn mong ước: một địa vị an toàn, một việc làm ổn định, ít gây xáo trộn về vật chất và tài chánh.
2.4.2. Từ bỏ sự an thân, điều mà phần đông người có khuynh hướng muốn được an thân hơn lo cho phẩm cách đạo đức, cho việc làm phải hay quấy. Làm một việc có nguy cơ gây nguy hiểm cho bản thân là điều do bản năng con người luôn muốn tránh né.
2.4.3. Bỏ ngoài tai lời khen chê của xã hội: Ngài hoàn toàn thờ ơ đối với lời phê phán, khen chê của xã hội. Ngài đã chứng tỏ là chẳng bận tâm gì đến những gì người ta nói về mình. Thật vậy, H.G. Wells đã nói, “Với nhiều người, tiếng nói của người láng giềng nghe to hơn cả tiếng của Thiên Chúa. Người ta sẽ nói gì? Là một trong những câu hỏi đầu tiên mà chúng ta vẫn thường có thói quen đặt ra cho mình.
Điều khiến cho người nhà và bạn bè của Chúa Giêsu lo sợ là những nguy cơ Ngài đã liều lĩnh chuốc lấy cho mình, mà theo ý họ, chẳng có người tỉnh trí nào làm như vậy cả.[1]
3.Kế hoạch của những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Mẹ và người thân của Đức Giêsu đến tìm Ngài và khuyên Ngài từ bỏ con đường sứ vụ để trở về nhà, vì có tin đồn rằng Đức Giêsu bị điên khùng !
Ôi một sự thật đau lòng! Vì yêu thương, Đức Giêsu làm tất cả mọi việc miễn làm sao để cho Thiên Chúa được vinh quang và con người được hạnh phúc, thế nhưng người Pharisêu lại phao tin Ngài bị điên! Họ muốn đánh vào uy tín của Đức Giêsu, vì nếu Đức Giêsu bị điên thì mẹ của Ngài sẽ như thế nào khi sinh ra một đứa con điên? Anh em của Ngài sẽ còn uy tín gì nữa khi trong dòng tộc của mình lại xuất hiện một kẻ khùng! Và, nhất là những lời giảng của Đức Giêsu từ nay không còn đáng tin nữa, bởi vì không ai dại gì mà đi nghe theo lời của một người điên! Đây là một đòn thâm hiểm mà những người Pharisêu đánh vào Đức Giêsu và thân nhân của Ngài.
4.“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi"
Đức Giêsu đã mượn cơ hội rất đời thường này để nói cho mọi người và cho chúng ta hôm nay về một kế hoạch thật lớn lao, đó là xây dựng một « Gia Đình Mới », gia đình này không đặt nền trên tương quan huyết thống, nhưng trên việc « lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa » (Lc 8, 21). Thực vậy, khi đó Người rảo mắt nhìn những người đang vây quanh lắng nghe Lời Thiên Chúa, nói ra từ miệng của Người, và nói: Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.
Một câu nói nhằm mạc khải cho mọi người biết một thực tại khác vượt lên trên suy nghĩ thuần túy của con người. Sự gắn bó với Thiên Chúa và thi hành Lời của Người là điều quan trọng, và chính trong mối liên hệ này mà chúng ta được trở nên nghĩa thiết, thân tình với nhau. Mặt khác, Đức Giêsu cũng ngầm giới thiệu cho mọi người xung quanh biết rằng: chính Đức Maria là người đã thi hành thánh ý Thiên Chúa, nên Mẹ xứng đáng trở thành mẫu gương cho chúng ta về việc thực thi Lời Chúa.
Như thế, Đức Giêsu đâu có từ chối Mẹ, ngược lại còn tôn vinh Mẹ, bởi vì trong Gia Đình Mới mà Đức Giêsu đang gầy dựng, Đức Maria có một vị trí duy nhất: Đức Maria vừa là mẹ sinh ra Đức Giêsu, vừa là mẹ Đức Giêsu, vì đã lắng nghe và sống Lời Chúa, không chỉ một lần nhưng suốt đời. Người là kẻ luôn luôn lắng nghe và làm theo Lời Chúa: “Bấy giờ Maria nói “Vâng, tôi là nữ tì của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Lời Êlisabét nói với Maria: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em” (Lc 1,45).  Sau khi các mục tử đến thăm Chúa Giêsu, “Maria hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19).  Sau chuyện tìm gặp Chúa Giêsu trong Đền thờ “Mẹ Ngài hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”(Lc 2,51).
Quả thật, Đức Maria xứng đáng là mẹ thật của Chúa Giêsu bởi vì Người không chỉ làm Mẹ của Ngài về thể xác mà còn vì Người luôn lắng nghe, ghi nhớ và thi hành Lời Chúa. Ước gì, sự sống mỗi ngày của chúng ta được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, khởi đi từ con tim biết lắng nghe Lời Chúa. Và như thế, cũng như Đức Maria, chúng ta sẽ trở thành « người thân » đích thực của Chúa Giêsu. Amen.




[1] William Barclay, Tin Mừng theo thánh Marcô, trg.66-67