Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 20/6/2018

Filled under:

Lời Chúa: Mt 6, 1-6. 16-18
1 “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm,4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
5 “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
16 “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm,18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Suy niệm 1
“Đã mang tiếng ở trong trời đất,
phải có danh gì với núi sông.”
Danh tiếng để lại cho đời là điều khiến nhiều người bận tâm.
Có người hiến mình để làm những công trình lớn lao để lại cho hậu thế.
Nhưng cũng có người rơi vào thói háo danh,
làm mọi sự chỉ để tìm cho mình chút tiếng khen mau qua.
Trong Bài Giảng trên núi mà ta nghe hôm nay,
Đức Giêsu tố giác thói háo danh của những người đạo đức giả,
khi họ làm ba việc đạo đức căn bản là bố thí, cầu nguyện, ăn chay.
Ngài cũng cho thấy cách sống đạo của người môn đệ.
Làm các việc đạo đức để tìm tiếng khen, là một cám dỗ có thật.
Có người thổi kèn trong hội đường hay ngoài phố khi bố thí.
Có người thích đứng cầu nguyện tại giữa ngã ba đường.
Có người có mang bộ mặt thiểu não khi ăn chay.
Tất cả chỉ nhằm thu hút sự chú ý của nhiều người khác,
chỉ nhằm “cho người ta thấy”, “để người ta khen” (cc. 1. 2. 5. 16).
Họ làm những việc tốt lành, nhưng lại tìm mình, co quắp trên chính mình,
trong khi lẽ ra những việc này phải mở họ ra trước Thiên Chúa.
Đối với Đức Giêsu, được người ta khen là nhận được phần thưởng rồi,
nên cũng chẳng được Cha trên trời ban thưởng nữa (c. 1).
Họ được phần thưởng mau qua của người đời,
nhưng mất phần thưởng trọng hậu trong ngày sau hết.
Đức Giêsu mời các môn đệ đi vào cái kín đáo, thầm lặng,
nơi đó không có con mắt của người đời, không có tiếng khen chê.
Nơi đó kín đến mức tay trái không biết việc tay phải làm.
Nơi đó là căn phòng đóng cửa, để chỉ có Cha và anh gặp gỡ.
Cha là Đấng hiện diện ở nơi kín đáo (cc. 6. 18).
Cha cũng là Đấng thấy những gì được làm ở nơi kín đáo (cc. 4. 6. 18).
Cha thấy anh đã bố thí, cầu nguyện, ăn chay cách thầm lặng.
Chính Cha sẽ ban thưởng cho anh.
“Hữu xạ tự nhiên hương” có thể là một hình ảnh đẹp về người kitô hữu.
Đời kitô hữu là cuộc đời kín đáo thầm lặng, như bị che khuất.
Nhưng cũng là cuộc đời không che giấu được trước mắt mọi người.
Chính khi cái tốt được làm một cách vô cầu, thì nó lại tỏa ngát hương.
Không hẳn là chúng ta luôn luôn phải cầu nguyện trong phòng đóng cửa.
Cũng như không hẳn chúng ta phải tô son đánh phấn khi ăn chay.
Nhưng điều quan trọng là chúng ta làm mọi sự cho vinh danh Chúa.
Lời nguyện
Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa,
Tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,
Hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài,
Tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Dưới bầu trời bao la,
Trong cô đơn và thầm lặng,
Với tấm lòng thanh tịnh,
Tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,
Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn,
Huyên náo vì đấu tranh,
Giữa đám đông hối hả lăng xăng,
Tôi sẽ đứng trước người chiêm ngưỡng dung nhan.
Và khi đã hoàn tất việc đời,
Lạy Thiên Chúa muôn loài,
Một mình, lặng lẽ,
Tôi sẽ đứng trước người chiêm ngưỡng dung nhan.
R. Tagor
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
SUY NIỆM 2

Nếu “con người là tổng hợp các mối tương quan” như chủ thuyết Maxism quan niệm, thì ăn chay, cầu nguyện và bố thí là 3 hoạt động diễn tả các mối tương quan cơ bản để cấu thành con người. Thật vậy, bố thí diễn tả tương quan chiều ngang của ta với anh em đồng loại, cầu nguyện biểu thị tương quan chiều dọc của ta với Đấng tạo dựng nên mình, còn ăn chay cho thấy các mối tương quan giữa các “phần” nơi chính bản thân mình (xác-hồn và thần trí). Thiếu một trong ba mối tương quan cơ bản này thì chưa phải là con người toàn vẹn.

Nếu cầu nguyện là dấu chỉ của một con người ý thức mình nhỏ bé và cần có Chúa trong cuộc đời để đỡ nâng, che chở và làm cho mình sống động cũng như lớn lên cả về tâm linh lẫn thể lý, thì ăn chay là một trong những phương thức chế ngự bản thân và huy động nội lực, chuẩn bị chúng ta sẵn sàng đón nhận ơn Chúa; đồng thời, giúp ta chia sẻ sự thật hơn, sự thật về cái đói, cái khát, cái khốn khổ đang bao vây hành hạ anh chị em nghèo túng xung quanh chúng ta, hầu có thể rộng tay giúp đỡ họ qua việc bố thí, vốn là hành động của tình yêu thương và lòng trắc ẩn.

Tuy nhiên, 3 công việc này thay vì thực hiện để hoàn thiện chính mình, cho mình được trở nên người hơn thì có thể bị chúng ta sử dụng để phô trương nhằm được thiên hạ tán dương chứ không phải để được Thiên Chúa tán thưởng; và như thế, chúng chẳng có giá trị gì, vì đó chỉ còn là những hành động đạo đức giả chứ không còn là việc lành nữa.

Lạy Chúa, trước khi con thực hiện việc cầu nguyện, ăn chay hoặc bố thí, xin cho con biết tự vấn lòng mình để xem động lực nào thúc đẩy con hành động, vì Chúa hay vì con, hầu có thể chấn chỉnh kịp thời. Amen.



GKGĐ Giáo Phận Phú Cường