Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 14/06/2018

Filled under:


Lời ChúaMt 5, 20-26
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người. Ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước thượng hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”
Suy nim 1
“Chớ giết người”, đó là một trong những giới luật quan trọng.
Dân Do thái đã nhận giới luật này từ Thiên Chúa
qua trung gian ông Môsê trên núi Xinai (Xh 20, 13; Đnl 5, 17).
Đức Giêsu không đến để bãi bỏ Luật Môsê.
Ngài nâng Luật này lên một tầng cao mới.
Không phải chỉ hành vi giết người mới là tội.
Ngay cả ai giận ghét anh em trong lòng
và biểu lộ ra bằng những lời nhục mạ, mắng chửi,
cũng phải chịu những hình phạt tương tự (c. 22).
Đức Giêsu đẩy giới răn này đến chỗ triệt để, tận căn.
Ngài tìm về cội nguồn của hành vi sát nhân nơi tâm con người.
Nếu lòng con người không còn giận ghét anh em,
và lời nói giữ được sự kính trọng, ôn hòa,
thì tội giết người hoàn toàn có thể tránh được.
Sống với nhau tránh sao khỏi những tranh chấp, cọ sát.
Đi làm hòa với người anh em trong cộng đoàn là điều khẩn trương.
Thậm chí phải để lại lễ vật sắp dâng trước bàn thánh
mà đi làm hòa với một người anh em đang bất bình với mình,
rồi sau đó mới trở lại dâng lễ vật cho Chúa (cc. 23-24).
Phải chăng người ta chỉ đến được với Chúa và được đoái nhận lễ vật
khi người ta đến được với anh em trong sự an hòa thứ tha?
Để đến được với người đang xích mích với mình,
cần khiêm hạ, ra khỏi mình và lên đường đến với người ấy.
Đi bước trước để đến với người khác, dù lỗi không thuộc về mình,
đó là cách làm hòa và làm lành những vết thương.
Hòa giải với tha nhân phải được coi là việc cần làm ngay
trước khi ta có thể hiệp thông với Thiên Chúa qua việc dâng của lễ.
“Chớ giết người”, giới răn này xem ra bị coi nhẹ trong thế giới hôm nay,
một thế giới tự hào là văn minh, nhưng mạng sống con người bị rẻ rúng.
Những vụ phá thai, những tai nạn xe cộ mỗi ngày,
những cuộc chiến không ngừng giữa các quốc gia thù nghịch.
Bao cuộc khủng bố đã làm hàng ngàn người chết.
Những tội ác diệt chủng đã xóa sổ cả triệu con người.
“Chớ giết mình”, con người cũng không biết quý mạng sống mình.
Những vụ tự tử, những cái chết do sử dụng ma túy hay ăn chơi,
những bệnh tật do con người tự phá hoại thân xác mình.
Cain đã giết em là Abel vì ghen tương và giận dữ.
Tội ác đó vẫn xuất hiện mãi trên mặt đất cho đến nay.
Làm thế nào để ta biết trân trọng sự sống của người khác và của mình?
Làm thế nào để Thiên Chúa được nhìn nhận như Chủ Tể của sự sống?
Kitô hữu được mời gọi tôn trọng nhân vị của từng người,
trong trái tim, trong lời nói cũng như hành động,
vì mỗi người mang hình ảnh của chính Thiên Chúa.
Cầu nguyn:

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi 
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
 Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
SUY NIỆM 2

Trang Tin mừng này mang đến một lời nhắc nhở rất kín kẽ và quyết liệt trong đời sống đạo. Trong hành trình đức tin, bài học về đức ái, sự bao dung và lòng vị tha luôn là một thách đố không nhỏ cho mọi tín hữu, kể cả hàng giáo sĩ và tu sĩ. Dẫu sao, chúng ta cũng không nên vì thế mà nản lòng hoặc buông suôi trước những khó khăn và cản trở, vì chính những điều này giúp chúng ta thẩm định chắc chắn hơn bao giờ hết về niềm tin, niềm hy vọng và tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.

Nhìn trong lăng kính của niềm tin, chúng ta được mời gọi để trung thành tuân giữ trọn hảo luật đức ái. Chỉ có cái nhìn nhân ái, sự vị tha và sự bao dung mới phản ánh chân dung đích thực của một Thiên Chúa tình yêu, cũng như phản ánh sáng tỏ hơn niềm tin hành động của chúng ta với anh chị em. Đó cũng là tâm niệm và sự thấm nhuần trong ý thức và trong trái tim, tạo nên sự thống nhất giữa lời nói và hành động, để cách thức này mang đến hoa trái dồi dào là xoá đi ngăn cách, hoài nghi, gia tăng niềm tin và tình yêu nơi thế giới này. 

Chúng ta nhận ra mối liên hệ chặt chẽ với niềm hy vọng phục sinh mai sau. Nếu chúng ta không tin vào sự sống lại thì hẳn việc thực hành đức ái vô vị lợi cũng như chân lý Chúa Giêsu đặt để chẳng có ích lợi chi khi dặn dò các môn đệ: “Không phải tha thứ 7 lần mà là bảy mươi lần bảy”.Chúng ta có thể sẽ phải chịu thiệt thòi, phải hạ mình xuống và vượt qua những lý tính, tình cảm của con người thuần tuý để vươn lên trong sự tự do mà Thiên Chúa đặt để lúc ban đầu trong tâm hồn con người. Chính trong sự tự do thiện hảo này, chúng ta tìm được cách thức nên đồng thừa tự với Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. 



GKGĐ Giáo Phận Phú Cường