Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

Hạnh Thánh Nicôla Bùi Đức Thể, tử đạo ngày 13/06/1839

Filled under:


Thánh
Nicôla BÙI ĐỨC THỂ
Binh lính (1792 - 1839)
Ngày tử đạo: 13 tháng 6

Nay chúng thần xin tiếp tục giữ đạo để tròn đạo hiếu với cha ông chúng thần.
Thánh Nicôla Bùi Đức Thể sinh năm 1792 tại làng Kiên Trung, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Quần Cống, Giáo phận Bùi Chu). Năm 47 tuổi, ông Nicôla Thể gia nhập binh đội, nhưng chỉ được một tháng thì ông bị bắt vì xưng mình là người Công giáo.
Mùa thu năm 1837, thừa lệnh vua Minh Mạng, quan tổng đốc đã truyền lệnh triệu tập binh lính và nhắc lại lệnh cấm đạo. Ông chỉ thị mở hai cánh cửa: Cánh cửa bên phải có đặt Thánh Giá trên mặt đất, binh lính nào chấp nhận đạp ảnh tượng thì được ra về với gia đình vợ con; Cánh cửa bên trái thì đặt gông cùm, xích xiềng dành cho những binh lính không đạp ảnh tượng. Hầu hết các binh lính đều chối đạo. Chỉ có 15 người bước vào cửa bên trái, trong số này có anh lính Nicôla Bùi Đức Thể, người can đảm giữ vững đức tin. Anh tiến ra cánh cửa có sẵn xích xiềng và bị tống giam vào ngục tối.
Sau tám tháng tù tội, dù bị roi đòn và bị đánh vào các đầu ngón tay, nhưng Nicôla Bùi Đức Thể vẫn không chối đạo. Tuy nhiên, chỉ trong một phút yếu lòng trước lời dụ ngọt của quan tổng đốc, ông Bùi Đức Thể cùng với hai ông Đinh Văn Đạt và Phan Viết Huy đã nhận 10 quan tiền thưởng để bỏ đạo.
Thế nhưng, sau đó các ông cảm thấy lương tâm cắn rứt và nhờ cầu nguyện liên lỉ, các ông thành tâm thống hối. Nhờ bàn hỏi với cha Tuyên và cha Năng, hai người lính Bùi Đức Thể và Phan Viết Huy đã lên đường về kinh đệ đơn tái tuyên xưng đức tin. Sau hai mươi ngày đi bộ, hai người lính can đảm đón đường vua Minh Mạng đang du hành để dâng sớ. Sau khi nhận sớ, vua nổi giận và hạ lệnh tống giam hai ông vào ngục.
Hai chiến sĩ đức tin đã anh dũng đón nhận bản án lăng trì. Vào ngày 13/06/1839, lý hình lấy chiếc rìu lớn chặt ngang lưng rồi bỏ xác hai ngài xuống biển tại cửa bể Thuận An, Huế.
Chứng nhân đức tin Nicôla Bùi Ðức Thể được nâng lên hàng chân phước ngày 27/05/1900 và đượctuyên phong hiển thánh ngày 19/06/1988.




Hạnh Thánh Augustinô Phan Viết Huy, tử đạo ngày 13/06/1839

Thánh
 Augustinô PHAN VIẾT HUY
Binh lính (1795 - 1839)
Ngày tử đạo: 13 tháng 6
Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của con (2Cor 12, 9).
Thánh Augustinô Phan Viết Huy là người làng Hạ Linh (nay thuộc giáo xứ Liên Thủy, Giáo phận Bùi Chu). Cậu sinh ra trong thời gian Đạo Kitô được rao giảng mạnh mẽ tại Việt Nam nhờ bao gương chứng nhân của các mục tử tài đức và giáo hữu trung kiên. Cậu bé Huy có ước mơ làm thầy giảng nhưng ước mơ không thành, cậu chấp nhận sống đời giáo dân và lập gia đình.
Dù sống đời binh nghiệp, Augustinô Huy vẫn lo chu toàn bổn phận người chồng, người cha gương mẫu nuôi dưỡng giáo dục con cái trong đức tin và lòng kính sợ Chúa. Gia đình người lính Huy là một gia đình tín hữu đạo hạnh, tham gia tích cực các sinh hoạt của giáo xứ.
Mùa xuân 1839, giáo hữu cả vùng Lục Thủy, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định bị truy bắt gắt gao. Tổng đốc Nam Định là Trịnh Quang Khanh truyền cho binh lính đạp lên Thánh Giá. Nhiều người línhCông giáo có cả Phan Viết Huy, Bùi Đức Thể và Đinh Văn Đạt đã nhắm mắt chấp nhận đạp lên ảnh Chúa.
Nhưng lòng người lính cảm thấy áy náy, lương tâm cắn rứt  ti b đạo. Cả ba người lính nhất tâm thống hối, và cả ba (ông Huy, ông Thể và ông Đạt) cùng trở lại công đường Nam Định để xin tuyên xưng đức tin Công giáo: “Bẩm quan lớn, mấy ngày trước, chúng tôi đã trót dại chối bỏ đạo Chúa. Nay chúng tôi hồi tâm, xin trả tiền lại cho quan, để tôn thờ Chúa thật lòng”.
Mùa hè năm 1839, vua Minh Mạng ngự giá tới thành phố, hai ông Huy và Thể mặc đồ lính, bạo gan quỳ giữa đường dâng sớ. Các đại quan trình bày sự việc lên vua để lãnh ý. Nhà vua phẫn nộ truyền lệnh mang hai ông Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể ra biển, lấy rìu lớn chặt ngang lưng rồi bỏ xác xuống biển. Bản án được thi hành tại Cửa biển Thuận An ngày 13/06/1839.
Người lính Augustinô Phan Viết Huy được tuyên phong chân phước ngày 27/05/1990 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.

 VPTK. HĐGMVN