Coi thường nữ giới là một trọng tội xúc phạm đến Thiên Chúa
Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 15.06.2018
Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 15.06.2018
Coi thường nữ giới là một “trọng tội xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa” – Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Sáu vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Tiếc rằng, người ta vẫn còn thấy được hiện tượng coi thường phụ nữ ấy ở khắp nơi trong “nền văn hóa vứt bỏ” ngày nay, ngay trước cửa nhà chúng ta – Đức Thánh Cha than phiền.
Bài giảng của Đức Thánh Cha được khởi đi từ bài Tin Mừng trong ngày nói về việc Chúa Giê-su chống lại tội ngoại tình (Mt 5,27-29). Ngài nói rằng, khế ước hôn nhân đã bị hủy bỏ ngay từ trong “tâm hồn” rồi, khi một người nào đó nhìn thấy một người phụ nữ và thèm muốn có được người phụ nữ ấy. Dựa vào đó, Đức Thánh Cha đã đề cập tới một hiện tượng mà nó vẫn đang còn quá nhiều trong “nền văn hóa vứt bỏ” ngày nay: “coi phụ nữ như là một đồ vật để sử dụng”. Khắp nơi – trên truyền hình, trên báo chí, trong quảng cáo – phụ nữ bị trình bày như là đối tượng của sự thèm muốn, như là những đồ vật không hề có phẩm giá mà người ta có thể sở hữu, có toàn quyền sử dụng theo sở thích và tính khí – Đức Thánh Cha than phiền.
“Coi thường phụ nữ, đó là một trọng tội xúc phạm đến Thiên Chúa Tạo Hóa. Không có nữ giới, những người nam chúng ta không thể trở thành họa ảnh của Thiên Chúa được!” – Đức Thánh Cha nhấn mạnh, và Ngài thêm rằng: “Vẫn đang tồn tại một dạng coi thường nào đó đối với phụ nữ, một sự coi thường xấu xa và ngấm ngầm… Rất nhiều những phụ nữ trẻ đang bị cưỡng ép phải bán thân để kiếm được một nghề. Điều đó diễn ra rất thường xuyên như thế nào?” Và khi người ta phải đối diện với điều đó, người ta sẽ dễ dàng đẩy vấn đề ra xa mình: “Vâng, đúng là như vậy, thưa Cha, tại một số quốc gia, điều đó đang diễn ra” – một người có thể nói như thế. Nhưng không! Điều đó cũng đang diễn ra ngay tại Rô-ma này. Người ta không cần phải đi xa mới thấy!”
Giáo huấn của Chúa Giê-su về nữ giới đã thay đổi hướng đi của lịch sử
Trái lại, Chúa Giê-su đã luôn mang đến cho người phụ nữ niềm kính trọng và sự trân quý – Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúa Giê-su có một người Mẹ; nhiều người phụ nữ đã liên kết với Ngài trong tình bằng hữu, họ đã đồng hành với Ngài trên con đường thi hành sứ mạng của Ngài, và đã giúp đỡ Ngài. Đối với nhiều phụ nữ bị coi thường và bị loại trừ , Ngài đã trao lại cho họ phẩm giá, với sự tinh tế và sự trìu mến!”
“Giáo huấn của Chúa Giê-su về nữ giới đã thay đổi hướng đi của lịch sử” – Đức Thánh Cha quả quyết. “Có những người phụ nữ ở đàng trước Chúa Giê-su, và cũng có những người phụ nữ ở đàng sau Ngài. Chúa Giê-su kính trọng nữ giới, Ngài đặt nữ giới trên cùng một cấp độ với nam giới, chiếu theo Lời đầu tiên của Đấng Tạo Hóa rằng, cả hai sẽ là “họa ảnh của Thiên Chúa”. Không phải trước tiên là người nam rồi sau đó mới tới người nữ. Không, cả hai! Người nam mà không có phụ nữ – tức thân mẫu, chị em, hôn thê, nữ đồng nghiệp và bạn gái của mình – một người nam như thế, một người cô độc như thế, thì không phải là họa ảnh của Thiên Chúa!”
Trong nền văn hóa vứt bỏ, người phụ nữ đang trở thành những nô lệ
Chỉ cần đi ngang qua các thành phố của chúng ta vào ban đêm thì cũng đủ giúp cho người ta gặp gỡ được rất nhiều phụ nữ – dù là những người tị nạn hay không – họ đang bị ép buộc phải bán thân xác mình. Đó là những người phụ nữ mà người ta không muốn suy nghĩ nhiều về họ, vì họ chỉ là “những cô gái điếm”. Nhưng ở đây người ta đã quên đi mất điều mà họ thực sự đang là: những nữ nô lệ trong nền văn hóa vứt bỏ của chúng ta.
“Và tất cả những điều đó vẫn đang diễn ra ngay tại Rô-ma này, ngay trước cửa nhà chúng ta, trong bất cứ thành phố nào. Nơi nơi đều có những phụ nữ đã quên mất nụ cười, và không còn biết tới việc cho con bú mớm, có được một người nào đó gọi mình là mẹ, là điều tuyệt vời như thế nào” – Đức Thánh Cha chia sẻ. “Việc khước từ nữ giới, xu hướng coi họ là “người hạng hai” đang tồn tại khắp nơi trong nền văn hóa chúng ta. Như thế là chúng ta đang quá coi thường hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng sáng tạo nên người nam và người nữ theo họa ảnh của Ngài. Ước gì bài Tin Mừng hôm nay sẽ giúp chúng ta suy nghĩ kỹ về nạn buôn người, mà những nạn nhân của tệ nạn này thường là nữ giới. Đó là một sự bóc lột mà nó thường diễn ra trong bóng tối. Người ta đang chà đạp phụ nữ dưới chân chỉ vì họ là nữ giới.”
Theo vaticannews.va – 15 Juni 2018, 13:21
Đa-minh Thiệu
Hãy nói không với sự đố kỵ!
Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 14.06.2018
Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 14.06.2018
Vì sự ghen tương đố kỵ của ma quỷ nên sự chết đã đột nhập thế gian. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhắc nhớ như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Năm vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Nhưng con đường của Chúa Giê-su lại dẫn đi từ “từ sự xúc phạm tới sự giao hòa, từ sự đố kỵ tới tình bằng hữu.”
Khởi đi từ bài Tin Mừng trong ngày (Mt 5,20-26) nói về việc Chúa Giê-su căn dặn mọi người đừng sa vào tội nóng giận, Đức Thánh Cha đã giải thích rằng, nóng giận, đố kỵ và sự thóa mạ sẽ có thể dẫn tới chuyện “hủy hoại thanh danh người khác”.
“Anh hãy mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục” – Bài Tin Mừng có đoạn viết như thế. Chúa Giê-su đã đặt vào trong con tim của các môn đệ phương châm: “Người thông minh hơn sẽ nhượng bộ”, mà ngay trong thời đại hôm nay chúng ta cũng vẫn còn được khuyên hãy thực hiện theo – Đức Thánh Cha chia sẻ. Khởi đi từ sự giận dữ vô cớ của một người, Chúa Giê-su đã giải thích về một tội còn nặng nề hơn nhiều, đó là tội thóa mạ.
“Trong lúc la mắng, trí tưởng tượng của chúng ta sẽ không biết tới những giới hạn”
Chúa Giê-su đã không chỉ nói: “Ngươi không được giết người”; nhưng Ngài còn nói: “Bất cứ người nào tức giận với anh em mình, thì cũng đều bị kết án trước tòa”. Chỉ cần gọi anh em là “đồ ngốc” hay “đồ ngu” thì cũng đã mang tới những hậu quả thật đáng tiếc, nó dẫn chúng ta tới con đường khinh thường người khác, lấy mất đi phẩm giá của họ. Và điều đó có nghĩa là sự loại trừ – và cuối cùng, dẫn tới cái chết về mặt xã hội – Đức Thánh Cha cảnh báo.
“Trong lúc la mắng, trí tưởng tượng của chúng ta sẽ không biết tới những giới hạn” – Đức Thánh Cha chia sẻ. Chúng ta chỉ cần nghĩ tới việc các tài xế ô tô thường hay bị la mắng vào những giờ cao điểm một cách thậm tệ như thế nào. Và từ những lời thóa mạ nho nhỏ sẽ nhanh chóng biến thành những sự xúc phạm nặng nề – Đức Thánh Cha giải thích.
“Khi chúng ta cảm thấy bị xúc phạm, thì chúng ta thường phản kháng ngay lập tức”
Xúc phạm người khác, đó là điều rất nguy hiểm, vì nó thường diễn ra vì sự đố kỵ. Những người yếu đuối về thể chất hay tinh thần không phải là sự nguy hiểm đối với chúng ta, và vì thế chúng ta không cần phải thóa mạ họ.
“Nhưng khi chúng ta cảm thấy mình bị xúc phạm, thì chúng ta lại thường phản kháng ngay lập tức” – Đức Thánh Cha đưa ra cái nhìn thực tế. “Và rồi chúng ta sẽ dễ dàng gọi người khác là những kẻ chẳng biết làm gì: Khi một ai đó không hoàn thành một công việc nào đó trong xã hội, trong gia đình, bị hạn chế về mặt tinh thần, không có khả năng hội nhập… Và đó là điều đáng tiếc: nó hủy hoại tương lai của họ, nó cướp đi mất của họ những viễn tượng. Và điều ẩn giấu đàng sau đó chính là sự đố kỵ. Nếu tôi cảm thấy mình bị đe dọa, thì sự đố kỵ sẽ đẩy tôi đến chỗ kháng cự và làm nhục người khác. Đàng sau hầu hết các vụ làm nhục đều ẩn giấu sự đố kỵ!”
“Một tâm hồn bị nhiễm độc thì sẽ chỉ còn muốn một điều duy nhất: giáng một đòn chí tử lên người khác”
Sách Khôn Ngoan đã từng viết rằng, sự chết đã đột nhập thế gian vì sự đố kỵ của ma quỷ – Đức Thánh Cha giải thích. Và sự đố kỵ sẽ dẫn tới sự chết. Vì thế, chúng ta không nên quả quyết một cách hấp tấp rằng, chúng ta không hề biết đến sự đố kỵ. Thực ra, sự đố kỵ thường được giấu kín – nhưng khi nó xuất hiện nơi bề mặt thì nó sẽ giải phóng tất cả khả năng hủy hoại của nó. Sau đó chúng ta sẽ “trở nên non dại trước sự đố kỵ” – và một tâm hồn bị nhiễm độc, tức “vô cùng tức giận”, sẽ chỉ còn muốn một điều: giáng một đòn chí tử lên người khác. Nhưng Chúa Giê-su sẽ giúp chúng ta bẻ gẫy vòng vây ma quỷ đó – Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Trong cầu nguyện, trong việc cử hành Thánh Lễ, Ngài sẽ giúp chúng ta nhận ra rằng, chúng ta không được phép giận dữ người khác, nhưng chúng ta phải hòa giải với họ:
“Chúa Giê-su rất cương quyết. Nhưng sự hòa giải cũng sẽ không có bất cứ điều gì để làm với cách cư xử tốt đẹp: nó rất cương quyết. Nó không chỉ muốn bảo vệ phẩm giá người khác, nhưng cũng còn kính trọng phẩm giá của tôi nữa. Từ sự thóa mạ tới sự hòa giải, từ sự đố kỵ tới tình bằng hữu: đó là con đường mà hôm nay Chúa Giê-su đang giới thiệu với chúng ta.”
“Thật là tuyệt vời biết chừng nào nếu không bao giờ thóa mạ ai!”
Để kết thúc bài giảng của mình, Đức Thánh Cha đã trao cho thính giả một lời khuyên: Trên đường về, người ta nên không ngừng suy nghĩ tới chuyện người ta đang xúc phạm đến người khác như thế nào:
“Bao giờ thì tôi trục xuất người khác ra khỏi cõi lòng tôi với một sự thóa mạ? Và tôi làm điều đó như thế nào? Phải chăng tôi làm điều đó vì sự đố kỵ, vì muốn hủy hoại thanh danh người khác, hay vì sự sợ hãi trước việc họ có thể làm cho tôi trở nên lu mờ? Đó không phải là một câu hỏi đơn giản!… Nhưng thật là tuyệt vời biết chừng nào nếu không bao giờ xúc phạm hay thóa mạ ai! Thật là tuyệt vời, vì nhờ thế, người ta sẽ không còn ghen tỵ với người khác về một điều gì đó nữa, nhưng làm cho họ lớn lên. Ước gì Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn đó!”
Theo vaticannews.va – 14 Juni 2018, 14:11