Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Suy niệm CN II Mùa Vọng A - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:

: Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến (Mt 3,1-12)

Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến (Mt 3,1-12). Thánh Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người ăn năn sám hối để đón nhận nhận Phép Rửa của Chúa Giêsu: Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa, còn Đấng đến sau tôi, Người sẽ rửa trong Thánh Thần. Ngài cầm nia trong tay mà sẩy sân lúa của Ngài, rồi thu vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt.
Sám Hối được dịch từ chữ metanoia, có nghĩa là quay trở lại. Thế nên người ta nhấn mạnh đến động tác quay trở lại. Từ Hy Lạp metanoia ghi rõ sự lật ngược đó, sử dụng hai gốc từ, meta nhấn mạnh đến sự đảo lộn, lộn ngược, gốc từ thứ hai cho biết cái gì đã bị đảo lộn (nous), nghĩa là phần thiêng liêng sâu nhất, đáy lòng con người. Đây là một cuộc cách mạng bên trong chúng ta. Đây là một sự xáo trộn tận gốc rễ làm cho một người quay gót trở lại để dấn bước trong một hướng mới.
Tiến trình của Sám Hối được chia làm ba giai đoạn:
- Giai đoạn thứ nhất: sa ngã phạm tội
- Kế đó là bước quyết liệt của sự trở lại với Chúa
- Sau cùng là tiến lên đi tìm sự trọn lành
Thực tế thì không đơn giản cũng không phức tạp như vậy vì ân sủng là chính sự đơn sơ. Khó khăn ở chỗ là đời sống trong Chúa Thánh Thần đâu dễ gì nhìn thấy, những con đường xung yếu lại đan chéo vào nhau không phải lúc nào cũng dễ phân biệt được những con đường đó.
Quả vậy, tội lỗi, sám hối, và ân sủng đâu phải chỉ là ba giai đoạn nối đuôi nhau.
Trong cuộc sống thường nhật, chúng rối rắm, đôi khi khó gỡ. Chúng lớn lên chung với nhau. Tôi không bao giờ hoàn toàn ở bên này hay bên kia. Tôi không ngừng ở trong cả ba. Tội lỗi, sám hối và ân sủng là cơm gạo và thân phận hằng ngày của tôi. Thậm chí cả trong Nước Trời đang hiện diện trên trần thế cũng vậy, chính Đức Giêsu đã nói, nơi đó những người tội lỗi cũng không thiếu vắng. Trái lại, những người thu thuế và gái điếm lại vào trước và dẫn đầu những người khác (Mt 21,28-32).
Ba giai đoạn này không phải là ba bậc thang giá trị, chúng ta không bước từ bậc này lên bậc kia như thể bước lên bậc tam cấp. Cũng không phải là ba quân hàm mà chúng ta gắn liền với nhau trên vai áo. Không, trước giờ chết, chúng ta sẽ không bao giờ vĩnh biệt hẳn trạng thái này hay trạng thái kia trong ba trang thái. Chúng ta luôn luôn là những người tội lỗi không ngừng đang sám hối, và trong sự sám hối đó chúng ta đang không ngừng được Thần Khí của Thiên Chúa thánh hoá.
Thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng chỉ cần sám hối một lần là đủ.
Không, muôn đời chúng ta luôn là những con người tội lỗi, nhưng là những người tội lỗi được thứ tha, đang sám hối. Không thể có thứ thánh thiện nào khác tại thế, vì ân sủng không thể hoạt động cách khác.
Sám hối là luôn bắt đầu trở lại sự đảo ngược nội tâm, qua đó, sự nghèo nàn của con người chúng ta - cái mà thánh Phaolô gọi là xác thịt - quay về với Thiên Chúa. Công việc đó không bao giờ hoàn tất vì nó luôn ở giai đoạn bắt đầu.
Antôn vĩ nhân, thượng phụ và là cha của mọi đan sĩ, đã nói cách vắn gọn: "mỗi buổi sáng tôi tự nhủ: hôm nay tôi bắt đầu". Và tu sĩ Poimon, người tu rừng thứ hai trong danh sách, nổi tiếng  sau thánh Antôn, người ta kể rằng, trên giường chết khi sắp xuôi tay lìa đời, người ta ca ngợi ông đã sống qua một cuộc đời hạnh phúc, đức độ và có thể tiến ra trước mặt Chúa thì ông trả lời: "tôi còn phải bắt đầu, tôi mới bắt đầu sám hối thôi". Và ông khóc than cho số phận mình.
Thật vậy, sám hối luôn là vấn đề thời gian, con người cần thời gian và Thiên Chúa cũng cần thời gian với chúng ta. Chúng ta sẽ xuất phát từ một hình ảnh hoàn toàn sai lệch về con người nếu chúng ta nghĩ rằng, những chuyện đại sự trong cuộc sống con người có thể thực hiện ngay và vĩnh viễn một lần. Con người là như thế đó, phải có thời gian để lớn lên, để chín mùi và để triển khai tất cả những khả năng của mình. Thiên Chúa biết điều đó hơn ta, cho nên Ngài chờ đợi, chờ đợi và Ngài không bỏ cuộc.[1]
Ngày hôm nay, thời gian được ban cho chúng ta để mỗi ngày biết Thiên Chúa nhiều hơn, đó luôn là thời gian sám hối và ân sủng, quà tặng của lòng từ bi nhân hậu của Ngài. Ở đây cũng cần nói rõ điều này: không nơi nào, không một tôn giáo nào, lại có thể nói đến sự thống hối như truyền thống Kitô Giáo vẫn hiểu, chỉ có trong Tin Mừng. Lòng thống hối Kitô Giáo không thể so sánh với bất cứ kinh nghiệm tự nhiên nào, mọi cố gắng để "bắt chước", sẽ trở thành lố bịch. Lòng thống hối là hoa quả của Thánh Thần và là dấu vết chắc chắn nhất Ngài đang hoạt động trong tâm hồn chúng ta.Amen.



[1] André Louf, Au gré de sa grâce (buông theo ân sủng), trg.13-16

Posted By Đỗ Lộc Sơn19:15

Kỷ Niệm 1 Năm Cung Hiến Nhà Thờ Mới

Filled under:

Giáo Xứ Sơn Lộc 10 năm nhìn lại 2005-2015

 Giáo xứ Sơn Lộc nằm trong địa bàn xã Tân Phú Trung, có nhiều khu công nghiệp nên đã có nhiều người đến nhập cư, họ là những nhân viên, công nhân của nhiều công ty, trong số đó có khá đông người Công giáo.

Từ tạm trú đến định cư là một bước gần, chính vì thế trong vòng 10 năm qua, đã có nhiều người xin gia nhập xứ..
Theo biên bản các buổi họp thường niên diễn ra vào dịp lễ bổn mạng giáo xứ (Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội), thì mỗi năm số giáo dân mỗi tăng, tính đến nay ước khoảng 3200 người cho cả định cư và tạm cư.
Số giáo dân tăng, nhu cầu tâm linh cũng tăng. Năm 2005, cha xứ đã cho xây 10 phòng học giáo lý, trong đó có 5 phòng lầu. Những phòng học này được xây rộng rãi thoáng mát để ngoài việc học giaó lý, những phòng này còn là nơi để các hội đoàn sinh hoạt hàng tuần, hàng tháng.
Điều băn khoăn lo lắng cho giáo xứ là: Ngôi nhà thờ được coi là rộng rãi năm xưa, nay đã trở nên nhỏ bé, nóng thấp bởi các cửa sổ vừa cao vừa nhỏ, không thông thoáng, nhất là khi có nhiều người dự lễ vào các ngày chúa nhật và lễ trọng, vì lẽ đó có vài người ngồi ngoài nhà thờ. Hơn nữa, ngôi nhà thờ đã được sửa chữa từ 30 năm  qua nay đã xuống cấp. Cụ thể, Tường và máng nước bị thấm khi có mưa, Chân tường bị rêu xanh bám do các vết nứt.vv…

Trong phiên họp thường niên toàn xứ, diễn ra ngày 8/12/2012. Cộng đoàn, trước hết là cha xứ Simon Nguyễn văn Thu, ban đại diện giáo xứ, đại diện hơn 200 gia đình trong xứ đã đồng ý: Xây lại nhà thờ mới với sự đóng góp của toàn giáo xứ và  của các ân nhân xa gần.
Được sự chấp thuận của Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước – Giám mục Giáo phận Phú Cường và được giấy phép của nhà nước: Cho phép xây dựng.
Ngày 18/3/2013, Đức cha Giuse đã về giáo xứ dâng lễ Tạ ơn và làm phép viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ mới.

Với tất cả niềm vui háo hức, hàng ngày đã có từ 100 – 120 người lên (nhà thờ) để cùng với các chuyên viên xây dựng làm các công việc mà máy móc không làm được, còn các việc chuyên môn do các đội cơ khí chuyên nghiệp xây dựng đảm trách.
Ngày ngày đi lễ, nhiều người nhất là các cụ già, tấm tắc khen: “Công trình làm vừa nhanh vừa gon”. Trong vòng 4 tháng, tấm sàn đầu tiên đã được đổ bê tông. Niềm vui đã được triển nở trên môi nhiều người.
Hai năm trôi qua nhanh, những nét cơ bản như: Mái lợp, tháp chuông đã hoàn tất. Đặc biệt Thánh tượng Đức Mẹ  đã được đưa lên thánh đài cuối nhà thờ và đã được làm phép đúng vào ngày bổn mạng 8/12.
Cùng với việc xây dựng, anh em trong trại mộc cũng đã hoàn thành 100 chiếc ghế dài có bàn quỳ, những chiếc ghế này đạt tiêu chuẩn đẹp và vững chắc.
Mừng Kim khánh Giáo phận, cha xứ cùng cộng đoàn chọn ngày 5/12/2015 là ngày khánh thành và Cung hiến vì ngày đó là ngày cận kề mừng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tôi quan thầy của giáo xứ.
Một vài thông số về ngôi nhà thờ mới:
-         Tổng chiều dài: 56 mét.
-         Chiều rộng: 24 mét, chỗ rộng nhất 30 mét.
-         Tháp chuông cao: 45 mét, mái ngói cao: 27 mét.
-         Nhà thờ có sức chứa 1500 người.
Nhà thờ được thiết kế nhiều cửa (cửa sổ và cửa đi) rộng và cao, đem lại nhiều ánh sáng tự nhiên cho thánh lễ ban ngày.


Chúng con cảm tạ Chúa vì suốt thời gian thi công công trình, Chúa hằng quan tâm và chúc lành cho chúng con.
Chúng con cảm ơn Mẹ Maria, Thánh cả Giuse cùng toàn thể các thánh đã luôn cầu bầu cho chúng con. Amen.
                                                           Toma Đỗ Lộc Sơn




Posted By Đỗ Lộc Sơn18:01

Cha Nguyen Khac Hy Tinh Tam Mua Vong 2016 Hay Ta On Chua Trong Moi Hoan Canh GXVNDM La Vang

Filled under:


Ki-tô giáo không phải là một triết thuyết, nhưng là sự gặp gỡ
Bài Giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ngày 28.11.2016
124
Đức Tin Ki-tô giáo không phải là một triết thuyết hay là một học thuyết, nhưng là sự gặp gỡ với Chúa Giê-su. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Hai vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Sợi chỉ xuyên suốt bài giảng của Ngài chính là sự bắt đầu Mùa Vọng, Mùa đi đến với Chúa Ki-tô – như Ngài nhấn mạnh. Ở đây có ba điểm quan trọng: cầu nguyện, phục vụ và vui mừng – Đức Thánh Cha giải thích.
Sự gặp gỡ với Thiên Chúa chính là cốt lõi của Ki-tô giáo – Đức Thánh Cha quả quyết. Ngay trong Mùa Vọng, người ta cũng sẽ thấy được rằng, cuộc gặp gỡ này sẽ dẫn tới chỗ không đứng ì ra đó cách bất động, nhưng đi đến với Thiên Chúa trong sự cầu nguyện, phục vụ và vui mừng – Đức Thánh Cha nói:
Trong lời nguyện Nhập Lễ, Phụng Vụ chỉ cho chúng ta thấy ba yếu tố mà chúng được gọi là: Tỉnh thức trong cầu nguyện, hoạt động trong Đức Ái, và không ngừng tạ ơn. Điều đó có nghĩa là: tôi phải cầu nguyện với sự chú tâm; tôi phải hoạt động trong Đức Ái – không chỉ là làm phúc bố thí, không, nhưng cũng còn là chịu đựng những con người gây bực mình cho tôi, chịu đựng con cái và trẻ con khi chúng quá gây ồn ào, chịu đựng vợ hay chồng khi có quá nhiều nỗi bực mình, và cũng chịu đựng cả những bà mẹ chồng nữa… Chịu đựng họ vì những điều gì thì Cha không biết… nhưng là chịu đựng…
Khi người ta gặp gỡ Thiên Chúa thì rồi một sự ngỡ ngàng sẽ chờ đợi họ – Đức Thánh Cha nói tiếp. Vì chính Thiên Chúa cũng không đứng im tại chỗ, nhưng Ngài lên đường kiếm tìm tôi, trước khi tôi lên đường kiếm tìm Ngài – Đức Thánh Cha bổ sung.
Thiên Chúa luôn luôn đi bước trước. Chúng ta thực hiện có một bước, còn Ngài thì thực hiện tới mười bước. Luôn luôn. Ngài hoàn toàn tốt lành, là Tình Yêu và là sự trìu mến, Ngài không bao giờ trở nên mệt mỏi trong việc tìm kiếm chúng ta. Điều đó cũng được áp dụng ngay cả trong những điều nhỏ nhoi. Chúng ta nên nhớ rằng, việc gặp gỡ Thiên Chúa là một điều vinh quang, giống như vị quan người Syria – tức quan Naaman – người mắc bệnh phong hủi, đã nghĩ như vậy: Điều đó không hề đơn giản… Và ông cũng đã trải qua một sự ngỡ ngàng lớn trước việc Thiên Chúa hành động như thế nào. Vì Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa gây sửng sốt; Ngài là Thiên Chúa, Đấng kiếm tìm và chờ đợi chúng ta. Điều duy nhất mà Ngài đòi hỏi từ nơi chúng ta, chính là một bước đi nho nhỏ của sự thành tâm thiện chí.
Vì thế, người ta cần phải “khát khao được gặp gỡ” – Đức Thánh Cha nói. Và tất cả những điều khác rồi sẽ đến. Việc đọc thuộc lòng Kinh Tin Kính sẽ chẳng có ích lợi bao nhiêu nếu như không có ý muốn ấy.
Những người Luật Sĩ biết tất cả. Họ nắm rất rõ về những tín điều thuộc bất cứ thời đại nào, họ biết rất rõ những Giáo Huấn luân lý của từng thời một. Nhưng họ thiếu Đức Tin, vì con tim của họ xa cách Thiên Chúa. Vấn đề nằm ở chỗ là: xa cách hay ước ao gặp gỡ. Đó là ơn mà hôm nay chúng ta nên cầu xin: ´Ôi lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, xin khơi lên trong chúng con niềm khát khao muốn gặp gỡ Chúa Ki-tô.`
Theo de.rv 28.11.2016 mg
Lm. Đa-minh Thiệu

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:00

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 30-11-2016

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mát-thêu (Mt 4, 18-22)

18 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá.19 Người bảo các ông: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá."20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. 21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông.22Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

SUY NIỆM 1
 
Andrê và Phêrô là hai anh em. Andrê gặp Chúa Kitô trước và giới thiệu Đức Kitô cho anh mình. Sinh trưởng tại làng Bethsaida. Bethsaida là vùng đất mầu mỡ, khí hậu ôn hòa lại gần biển và là nơi sản xuất những cây trái ngoại hạng quanh năm. Andrê là môn đệ của Gioan Tẩy Giả. Phụ Gioan rửa tội cho nhieu người. Sau này chính Andrê làm công việc Gioan làm đó là giới thiệu Đức Kitô cho người khác, như cho chính anh mình là Phêrô và Philliphê. Khi nghe Gioan giới thiệu Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian. Andrê từ giã Gioan theo chân Đức Kitô.

Khi cùng với Giáo Hội mừng lễ thánh Andrê, chúng ta tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho chúng ta tiếp tục chương trình cứu thế của Chúa. Nhìn lại ơn gọi của các tông đồ ngày xưa, chúng ta nhớ lại ơn gọi Kitô hữu của chính mình ngày hôm nay. Tạ ơn Chúa đã gọi và chọn chúng ta gia nhập vào đoàn dân của Chúa, dù rằng Chúa biết chúng ta bé nhỏ và tầm thường.

Được trở nên Kitô hữu đó là niềm hạnh phúc cho mỗi người chúng ta. Và chúng ta biết rằng một khi đáp lại tiếng Chúa là chấp nhận bỏ lại sau lưng những gì ngăn trở chúng ta đến với Chúa và theo Chúa. Thế nhưng có nhiều lúc chúng ta đã bất trung, không xứng với ơn gọi Chúa trao. Thời gian đã làm nhạt nhoà tình yêu Chúa trong tâm hồn của chúng ta. Và những thú vui, đam mê, cùng bao nỗi lo lắng, đã làm cho chúng ta quên mất sứ mạng Chúa trao. Xin Chúa tha thứ và làm nóng lại tình yêu và lòng nhiệt thành trong chúng ta để luôn trung thành với tiếng Chúa gọi.

Lạy Chúa, qua lời bầu cử của thánh Andrê Tông Đồ. Chúng con cầu xin cho những bạn trẻ ngày hôm nay, khi sống giữa bao quyến rủ của thế trần, họ biết lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa cách mau mắn, biết hiến dâng cuộc đời tươi đẹp của mình để phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em. Amen

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2
1. Sự đột ngột của tiếng gọi
Theo lời kể của thánh Mát-thêu, cách Đức Giê-su kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên, trong đó có thánh An-rê mà chúng ta mừng kính hôm nay, và cách đáp lại lời mời gọi đi theo Ngài của họ thật là quá đột ngột, đến độ chúng ta có thể so sánh với « tiếng sét ». Và thực sự đó là « tiếng sét », bởi vì thánh sử Mát-thêu, và thánh sử Mác-cô cũng vậy, đã không kể lại bất cứ một biến cố nào hay một tiếp xúc nào có trước, nhằm chuẩn bị cho ơn gọi của bốn môn đệ đầu tiên.
Người ta thường cho rằng, Tin Mừng chỉ kể tóm tắt thôi, nhưng trong thực tế cần có sự quen biết và nhất là tìm hiểu trong một thời gian nào đó, để Đức Giêsu đi đến quyết định gọi bốn môn đệ đầu tiên, và để cho hai cặp anh em này, trong đó có thánh An-rê mà chúng ta mừng kính hôm nay, đi đến quyết định bỏ tất cả đi theo Đức Giêsu. Chẳng hạn, các bộ phim về cuộc đời Đức Giêsu thường tưởng tượng thêm giai đoạn tìm hiều giữa Đức Giê-su và những người được gọi đầu tiên. Nhưng tại sao Tin Mừng theo thánh Mat-thêu không kể rõ ra ? Chắc chắn là có sứ điệp gì đặc biệt muốn nói với chúng ta.
2. Sự nhưng không của tiếng gọi
Trước hết, chúng ta được mời gọi nhận ra tính nhưng không của ơn gọi. Thật vậy, Đức Giêsu gọi hai anh em Phêrô và Anrê, hai anh em Giacôbê và Gioan, như các ông đang là, đang lay hoay với công việc, với những bận tâm của riêng mình, đang bân rộn với lưới với thuyền cùng với những người thân, khi họ đang bận tâm với những vấn đề của cuộc sống. Ngài dường như không cần chuẩn bị lâu dài các ông rồi mới gọi; tiếng gọi của Đức Giêsu thật nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người nghe.
Tiếng gọi của Đức Giê-su dành cho mỗi người chúng ta cũng nhưng không như thế, dù trong thực tế đã diễn ra như thế nào và đã trải qua những thăng trầm nào. Bởi vì, tiếng gọi của Chúa tự bản chất là nhưng không. Chúng ta đừng bao giờ để phai nhạt đi sự ngỡ ngàng đối với tiếng gọi nhưng không của Đức Giê-su: tại sao Chúa lại gọi con? Tại sao Chúa lại chọn con? Tại sao lại dẫn con đi trên con đường này? Tại sao Chúa lại sai con? Tại sao Chúa lại trao cho con sứ mạng này? Tại sao Chúa lại trao cho cho “chén” này?… Chúng ta hãy làm mới lại sự ngỡ ngàng đối với tiếng gọi của Đức Giê-su, vì đó là động lực giúp chúng ta làm mới lại lời đáp của chúng ta.
3. Sức mạnh của tiếng gọi
Tiếp đến chúng ta được mời gọi chiêm ngắm sức mạnh của tiếng gọi. Thật vậy, tiếng gọi của Đức Giê-su mạnh đến độ làm bật tung « lập tức » (c. 20 và 22) các môn đệ đầu tiên ngay tại nơi các ông đang làm việc cùng với những người thân yêu, nơi ông gắn bó, nơi nuôi sống các ông và gia đình, nơi là sự nghiệp của ông, là cuộc đời của ông.
Chúng ta còn chậm chạp và dây dưa trong cách đáp lại, chính là vì chúng ta chưa thực sự nghe được tiếng Chúa. Vì thế, chúng ta hãy ước ao và xin đích thân nghe được tiếng Chúa gọi với tất cả sức mạnh của Lời Chúa, không chỉ một lần, nhưng hằng ngày và suốt đời. Lời Chúa sẽ đụng chạm đến chốn sâu thẳm nhất nơi con người của chúng ta, sẽ lôi kéo và biến đổi chúng ta, vì Lời Chúa là Lời tạo dựng nên chúng ta.
Ơn gọi thiết yếu là một tương quan: Chúa gọi và chúng ta đáp lại, nhưng thánh An-rê và các anh em khác « lập tức bỏ chài, bò thuyền, bỏ cha mà theo Người”. Vì đây là ơn gọi đầu tiên của mọi ơn gọi trong Giáo Hội mà Đức Giê-su sẽ thiết lập, nên cách Ngài gọi các môn đệ đầu tiên chính là nền tảng của mọi ơn gọi; và nền tảng thì luôn luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, trong mỗi ngày sống và nhất là mỗi khi chúng ta lựa chọn. Ơn gọi hiểu như thế, thì không thể chỉ là một biến cố đã qua, nhưng phải được sống và hiện tại hóa hằng ngày, thậm chí phải diễn ra hằng ngày.
Ngài đi ngang qua đời ta mỗi ngày, và lúc nào ngài cũng thấy chúng ta đang loay hoay làm cái gì đó, bận tâm chuyện gì đó. Ngài gọi chúng ta thật nhưng không, bao dung và quảng đại; và chúng ta được mời gọi đáp lại cách nhưng không, bao dung và quảng đại như lời đáp đầu tiên của chúng ta trong bước đường tìm hiểu và sống ơn gọi dâng hiến, theo gương của thánh An-rê Tông đồ.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:52

Tin Công Giáo Thế Giới ngày 29.11.2016

Filled under:





Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà khoa học bảo vệ thiên nhiên


VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 28-11-2016, dành cho 60 tham dự viên khóa họp toàn thể của Hàn lâm viện Tòa Thánh về khoa học, ĐTC kêu gọi các nhà khoa góp phần phần giải quyết các cuộc khủng hoảng về môi sinh.
PopeFrancis-28Nove2016-22.jpg

Ngài nhận xét rằng ”chưa bao giờ như thời đại chúng ta ngày nay, người ta thấy rõ sứ mạng của khoa học phục vụ một sự quân bình mới về môi sinh trên thế giới... Tôi muốn nói rằng trước tiên các nhà khoa học, - không chịu sự chi phối của các lợi lộc chính trị, kinh tế hoặc ý thức hệ,- có nghĩa vụ kiến tạo một kiểu mẫu văn hóa để đương đầu với cuộc khủng hoảng về những thay đổi khí hậu và những hậu quả của chúng về mặt xã hội, để tiềm năng sản xuất rất lớn lao không chỉ dành cho một thiểu số mà thôi. Đồng thời cộng đồng khoa học, qua sự đối thoại đa ngành với nhau, cũng được kêu gọi kiến tạo một hàng ngũ lãnh đạo đề ra những giải pháp tổng quát, đặc biệt liên quan đến những đề tài được bàn đến trong đại hội của quí vị hiện nay, đó là nước, các năng lượng có thể đổi mới, và an ninh lương thực.”

 ĐTC cũng phê bình hiện tượng trong chính trị quốc tế, ít có ý chí cụ thể tìm kiếm công ích và những thiện ích chung, và người ta cũng ít chú ý đến những lời khuyên dựa trên khoa học về tình trạng trái đất. Sự tùng phục của chính trị đối với kỹ thuật và tài chánh tìm kiếm lợi lộc trước tiên khiến cho nhiều chính phủ không chú ý hoặc chậm trễ áp dụng các hiệp định quốc tế về môi trường, và người ta cũng thấy rõ điều đó qua các cuộc chiến tranh liên tục để tìm cách thống trị, những cuộc chiến được ngụy trang bằng những đòi hỏi cao thượng, gây thiệt hại ngày càng trầm trọng cho môi trường và cho sự phong phú luân lý và văn hóa của các dân tộc” (SD 28-11-2016)

PopeFrancis-28Nove2016-20.jpg

PopeFrancis-28Nove2016-21.jpg

(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 28.11.2016)

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:44

5 Phút Cho Lời Chúa 30/11/2016

Filled under:

LÀ NHỊP CẦU CỦA CHÚA KI-TÔ
“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mt 4,19)
Suy niệm: Có vẻ như cả cuộc đời thánh An-rê gắn bó với người Hy lạp. Khi sinh ra, cha mẹ đặt tên cho ngài là An-rê,  tiếng Hy lạp có nghĩa là mạnh mẽ, nam tính, đang khi tên Si-mon, anh của ngài, lại là tiếng A-ram Do Thái. Trong sứ vụ công khai của Đức Giê-su, An-rê đã dẫn những người Hy lạp ở Giê-ru-sa-lem đến gặp Thầy mình. Sau khi Đức Giê-su về trời, An-rê dành trọn phần đời còn lại của mình để loan báo Tin Mừng cho người Hy lạp ở vùng Akhai. Ngay cả khi đã qua đời, ngài vẫn là nhịp cầu kết nối sự hiệp thông với người Hy lạp. Năm 1964 và 2006, các vị giáo hoàng đã tặng thánh tích của ngài cho Giáo hội Chính Thống Hy lạp và giám mục Chính Thống giáo phận Patras, nơi ngài chịu đóng đinh vào thập tự giá hình chữ X để minh chứng cho lời rao giảng Tin Mừng.
Mời Bạn: Bạn cũng được Chúa Giê-su mời gọi làm tông đồ cách đặc biệt cho một số người riêng biệt nào đó. Chẳng hạn như bạn đồng nghiệp, bà con họ hàng, thành viên một hội đoàn… Bạn là “nhịp cầu sống” nối Chúa Giê-su với họ. Noi gương thánh An-rê, bạn sẽ làm gì để chu toàn sứ vụ cao quý này?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ là “nhịp cầu sống” của Chúa Ki-tô với một người lơ là hoặc bỏ đạo trong khu xóm, với một thiếu nhi hay thiếu niên bỏ học giáo lý.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, khi được Chúa kêu gọi, thánh An-rê đã lập tức bỏ thuyền bỏ lưới đi theo Chúa, thành tông đồ của Ngài. Xin cho con hôm nay cũng sẵn lòng bỏ một thói quen xấu, một thú vui bất chính, để dấn bước trở thành “nhịp cầu sống” nối kết Chúa với những anh chị em lân cận, qua đời sống tông đồ giáo dân giữa đời. Amen.

THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ
Andreas mà tiếng Việt Nam phiên âm là Anrê là một danh từ ít dùng trong tiếng Hy lạp. Tuy nhiên nó mang một ý nghĩa rất thi vị: Anrê nghĩa là trượng phu, thanh nhã.
Đọc Tân ước, chúng ta chỉ thấy một ít đoạn sau đây nói về thánh Anrê, hoặc nói đến tên ngài.
Lần trước hết: hôm ấy thánh Gioan Tẩy giả đứng với hai môn đệ tại Bêthania, bên kia sông Giođanô. Nhìn thấy Chúa Giêsu đi qua, ngài nói với hai môn đệ: "Kìa Con Chiên Thiên Chúa". Nghe nói như thế, hai môn đệ vội rảo theo Chúa Giêsu, Chúa Giêsu bảo họ:
- Các người tìm ai ?
- Thưa Thầy, Thầy đi đâu bây giờ ?
- Cứ đến mà xem.
Lúc đó là bốn giờ chiều và hai môn đệ đi theo Chúa suốt buổi hôm ấy. Hai môn đệ đó là Anrê; em ông Simon Phêrô, và một người khác có lẽ là Gioan. Lúc về nhà gặp Phêrô, Anrê kể lại cho em nghe: "Ồ, chúng tôi đã tìm thấy Đấng Mesia, rồi Anrê dẫn em đến gặp Chúa Giêsu. Hôm sau, Chúa Giêsu trẩy đi Galilêa còn Anrê và Phêrô ở lại Bétsaiđa mạn bắc hồ Tibêria.
Nhưng lần khác, đi trên bờ hồ Chúa Giêsu thấy Anrê và Phêrô đang thả lưới vì các ông là những dân chài, Chúa liền bảo họ:
- Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi nên kẻ đánh lưới người!
Lập tức họ bỏ lưới và theo Chúa. Lại một lần sau khi giảng ở nhà hội Caphanaum ra, Chúa vào nhà ông Phêrô và Anrê chữa khỏi bệnh cho bà mẹ vợ ông Phêrô.
Còn lần trên núi, bên kia biển Galilêa, dân chúng vây quanh Chúa Giêsu. Thấy họ đói, Chúa Giêsu lại hỏi:
- Làm sao kiếm của ăn cho họ được ?
Thánh Anrê thưa:
- Đằng kia có đứa trẻ mang năm chiếc bánh mạch nha và hai con cá nhỏ, nhưng bấy nhiêu thấm vào đâu với số người đông đảo này!
Chúa Giêsu nói:
- Cứ bảo họ ngồi xuống. Rồi Người làm phép lạ nhân bánh ra nhiều và phân phát cho mỗi người được ăn no nê. Cũng chính Anrê lúc ở Giêrusalem vì thánh Philipphê xúi giục đã trình bày cho Chúa biết có một số dân ngoại nói tiếng Hy lạp muốn xin gặp Chúa. Lần nữa, khi Chúa Giêsu ở đền thờ đi ra và nói cho các môn đệ biết ngày "tàn" của đền thánh, thì thánh Anrê cùng với thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan, đã lợi dụng lúc Chúa ngồi trên núi cây dầu nhìn về thánh đường đến hỏi riêng Chúa:
- Xin Thầy hãy nói cho chúng con biêt khi nào việc ấy xảy đến, và có dấu hiệu gì báo trước!
Sau cùng thánh Anrê là một trong lớp mười hai tông đồ được Chúa sai đi giảng đạo. Trong số mười hai tông đồ, thánh Matthêu và thánh Luca kể thánh Anrê sau thánh Phêrô, thánh Máccô lại kể ngài sau ba thánh Phêrô; Giacôbê và Gioan.
Tuy nhiên các sách Hy lạp vẫn chủ trương thánh Anrê được Chúa gọi đầu tiên.
Tài liệu Phúc âm chỉ cho chúng ta biết như vậy về thánh Anrê. Còn riêng về quãng đời truyền giáo của thánh nhân, chúng ta không có một văn liệu nào xác đáng. Trừ một đoạn văn rất đẹp ghi lại rất vắn tắt cuộc tử đạo của ngài như sau:
Quan lãnh sự xứ Akhaia truyền trói thánh Anrê vào cây thập giá để ngài chết dần mòn. Dân chúng nhất định không chịu, họ bảo: người này là đấng công chính, là bạn của Thiên Chúa, và là bậc thầy nhân hậu mà phải điệu đi giết à! Nhưng đứng trước thánh giá, thánh nhân kêu lên:
"Ôi! Thánh giá! Ôi sự rỗi từ lâu bạn đã mệt mỏi chờ tôi! Tôi tin tưởng rằng bạn sẵn sàng đón nhận người đầy tớ của Đấng đã chịu treo trên bạn, và tôi sung sướng bước đi theo bạn. Tại sao bạn được dựng lên ở đây, tôi đã nhận biết tất cả bí nhiệm của bạn rồi. Xin bạn hãy nhận lấy kẻ bạn mong chờ, để chính tôi, kẻ ngày đêm thầm ước vẻ đẹp của bạn cũng tìm thấy bạn. Nơi bạn tôi tìm được phần thưởng Thiên Chúa hứa cho tôi. Ôi Thánh giá dịu hiền! Hãy đưa kẻ hèn này về với Thiên Chúa Đấng Cứu chuộc tôi".
Dân chúng lặp lại những lời ấy cho quan phó lãnh sự nghe và kêu nài:
"Xin ông hãy trả lại cho chúng tôi người công chính, người thánh của Thiên Chúa. Xin đừng đang tâm giết người đẹp lòng Thiên Chúa. Đừng động đến con người hiền lành và đạo đức dường ấy. Đã hai ngày chịu treo nhưng ông ấy vẫn còn sống và luôn thốt ra những lời thánh thiện. Xin quan hãy trả lại chúng tôi con người thánh này để chúng tôi được sống với ông. Xin quan cởi trói người trinh khiết này để mọi gia đình được an hòa, hãy buông tha người hiền nhân này để khắp xứ Akhaia được hưởng nguồn cứu độ. Còn thánh Anrê ngài kêu cả tiếng:
"Lạy Chúa Kitô, xin đừng để đầy tớ Chúa đã được treo lên cây gỗ này vì danh Chúa bị tháo gỡ xuống. Xin chớ để kẻ được diễm phúc thấu hiểu huyền nhiệm thánh giá bị rơi vào mưu gian loài người... Nhưng lạy Chúa Giêsu, Đấng con yêu mến, tin nhận và ao ước được hưởng kiến, xin hãy đón nhận con, vì linh hồn con sắp được giải thoát. Amen". Theo sử gia Êusêbiô, thánh Anrê giảng đạo tại Scythia, nhưng theo nhiều tác giả khác, thánh tông đồ lại giảng đạo tại Êthiôpia, mấy xứ về phía nam Hắc hải và Patras thuộc Akhaia.
Nhưng điều phức tạp hơn cả có lẽ là nơi để thi hài thánh nhân. Thánh Gioan Kim khẩu nói rõ rằng không biết. Trái lại, sách tử đạo thư dòng thánh Giêrônimô lại chép ngài làm Giám mục tại Patras và chết ngày 30 tháng 11 mà không rõ thánh nhân chết năm nào. Nhưng năm 357, giáo chủ thành Alexanđria đem hài cốt ngài về Constantinôpôli. Ngoài ra còn rất nhiều nơi tự xưng là giữ được hài cốt thánh Anrê, như miền Fênicia, miền Basilicate, miền Concordia và đảo Chyprô. Vì thế, ngay từ mấy thế kỷ đầu tiên, rất nhiều nhà thờ mang tên thánh Anrê. Ngay ở Rôma năm 475, Đức Giáo Hoàng Simpliciô đã xây và thánh hiến một thánh đường kính thánh Anrê gần đại giáo đường Đức Bà Cả. Và cho đến thời Trung cổ, tại Rôma có hơn 30 nhà thờ dâng kính thánh Anrê. Phá kỷ lục hơn hết là tại nước Anh có hơn 700 thánh đường hay nguyện đường nhận thánh Anrê làm bổn mạng. Riêng tại nước Pháp, cũng như tại Việt Nam, sau thánh Phêrô, thánh Anrê rất được giáo dân tôn sùng và nhận làm bổn mạng.
Giáo hội kính lễ thánh Anrê vào ngày 30 tháng 11 hằng năm.


Bảo Chứng Của Trường  Sinh Bất  Tử

Công chúa Touwan bên Trung Quốc từ trần vào khoảng năm 104 Trước Công Nguyên, nhưng được những người sinh sống đồng thời tin tưởng là bà sẽ trường sinh bất tử vì bà được an táng trong một quan tài bằng ngọc thạch. Chồng bà nhắm mắt lìa đời 9 năm trước đó cũng được an táng trong một quan tài tương tự.
Ðôi vợ chồng được an nghỉ trong hai ngôi mộ xây cất trong vùng đồi núi hoang vụ Mãi đến năm 1969 người ta mới khám phá ra và cả thế giới ngạc nhiên trước sự giàu sang của thời đại ấy được biểu lộ qua 2,800 của lễ được dâng tặng lúc cử hành lễ an táng, nhưng đặc biệt nhất là hai cái quan tài, mỗi cái gồm tất cả hai ngàn mảnh ngọc nhỏ được kết chung lại bằng những sợi chỉ bằng vàng.
Những người sinh sống vào thời đại ấy quan niệm rằng: vàng và ngọc thạch không bị thời gian làm hư  hại vì thế chúng ta bảo chứng cho sự trường sinh bất tử.
Trên ba vòng bán nguyệt của khung cửa chính ở nhà thờ chánh tòa Milanô bên Italia có khắc ba dòng chữ:
- Phía dưới hình một hoa hồng được chạm trổ tinh vi của một vòng bán nguyệt, người ta đọc được hàng chữ: "Mỗi hạnh phúc chỉ kéo dài trong khoảnh khắc".
- Bên vòng bán nguyệt của khung cửa kia, dưới hình một cây thập giá có ghi hàng chữ: "Mỗi đau khổ chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc".
- Ở vòng nguyệt của khung cửa giữa dẫn vào lòng chính của vương cung thánh đường có khắc dòng chữ: "Chỉ có sự đời đời mới là quan trọng".
Ở giữa một bên là quan niệm đi tìm thuốc tiên hay sử dụng quan tài bằng ngọc thạch để được trường sinh bất tử và bên kia là quan niệm cuộc đời con người chấm cùng bằng cái chết, những người Kitô hữu xây dựng cuộc sống vĩnh cửu bằng những giây phút hiện tại và tin tưởng rằng cái chết là ngưỡng cửa dẫn vào cuộc sống đời đời và chính cuộc sống này mới thực sự quan trọng.
Vì thế họ chọn thái độ "sống gửi thác về". Họ thu nhặt những giá trị qúi như vàng ngọc bằng cách sống tốt, sống thật những giây phút hiện tại, bằng cách áp dụng "hai đạo luật vàng: mến chúa yêu người", vì họ biết rằng chỉ có những gì được làm vì tình yêu mới có giá trị vĩnh cửu.
Vì thế họ quan niệm đời sống là một cuộc hành trình, phải luôn cất bước ra đi: nước mắt, nụ cười chỉ có giá trị tương đối, để mỗi ngày họ bắt đầu lại, mỗi ngày họ cất một bước chân mới đi về nhà chạ Năm phụng vụ đã gần kết thúc. Giáo hội mời gọi chúng ta tiếp tục sống, nhưng với chú tâm sống tốt, sống thật từng phút giây hiện tại vì chúng là những hạt cát, những viên gạch xây dựng cho cuộc sống mai sau.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:37

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

KINH NGUYỆN GIA ĐÌNH (HĐGMVN)

Filled under:


Kinh nguyện Gia đình
Tâm Thư của các Đức giám mục Việt Nam đang được gửi đến các Gia đình Công giáo, với chủ đề “Gia đình: Ơn gọi Tình yêu và sứ vụ thương xót”, bắt đầu bằng việc xác nhận lại “vẻ đẹp và tầm quan trọng của Hôn nhân Gia đình”. Cách riêng, các ngài khẳng định lại “hôn nhân Kitô giáo phản ánh sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh của Người, được thể hiện trọn vẹn trong sự kết hợp giữa người nam và người nữ, họ hiến thân cho nhau trong một tình yêu độc hữu và sự trung thành trong tự do, để thuộc trọn về nhau cho đến chết và mở ra cho việc truyền sinh. Họ được thánh hiến nhờ bí tích trao ban ân sủng để xây dựng một Hội Thánh tại gia và là men của đời sống mới cho xã hội” (Niềm vui của tình yêu, 292). Dẫu “chúng ta phải tạ ơn Chúa vì cho đến nay, rất nhiều gia đình Công giáo tại Việt Nam đã sống và thể hiện vẻ đẹp này, thực sự là Hội Thánh tại gia khi dựng xây gia đình mình thành cộng đoàn thờ phượng, ngôi nhà hiệp thông, mái ấm nuôi dưỡng và phát triển tình yêu”, nhưng hoàn cảnh văn hoá xã hội ngày nay đang tác động tiêu cực, làm xói mòn không ít các giá trị hôn nhân – gia đình. Các vị mục tử của chúng ta tiếp tục hoạ lại lời kêu gọi của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “HỠI GIA ĐÌNH, HÃY TRỞ THÀNH HỘI THÁNH TẠI GIA”.
“Đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha và vì hạnh phúc của các gia đình, chúng tôi tha thiết xin anh chị em hãy kiến tạo gia đình mình thành Hội Thánh tại gia, nghĩa là ngôi nhà thờ phượng, mái ấm tình yêu, ngôi trường giáo dục”.
“Gia đình là ngôi nhà thờ phượng khi gia đình tràn ngập sự hiện diện của Chúa. Ngài sẽ bước vào ngôi nhà của anh chị em khi mọi người trong nhà cầu nguyện chung, lắng nghe Lời Chúa và mời Chúa đến thăm”. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khuyên dạy: “Cầu nguyện trong gia đình là một phương thế ưu việt để diễn tả và củng cố đức tin phục sinh. Gia đình có thể dành ít phút mỗi ngày để quy tụ với nhau trước nhan Thiên Chúa hằng sống, nói với Ngài về những lo lắng bận tâm, cầu xin với Ngài cho những nhu cầu của gia đình, cầu nguyện cho ai đang gặp khó khăn, xin Chúa giúp ta biết sống yêu thương, tạ ơn Ngài về sự sống và về bao ơn lành khác, cầu xin Đức Trinh Nữ che chở chúng ta dưới tà áo Mẹ. Với ít lời lẽ đơn sơ thôi, nhưng những phút giây cầu nguyện đó có thể mang lại điều tốt lành lớn lao cho gia đình” (Niềm vui của tình yêu, 318).
Trong tâm tình đó, nay chúng tôi xin giới thiệu Lời kinh Gia đình trích từ “Thư Gửi các Gia đình Công giáo” của Hội đồng Giám mục như một gợi ý cho các gia đình công giáo có thể sử dụng trong Kinh nguyện Gia đình hằng ngày trong Năm về Gia đình này:

Lạy Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ bi nhân hậu,
là cội nguồn của mọi gia đình dưới đất.
Tạ ơn Cha đã thương ban cho gia đình nhân loại
mẫu gương tuyệt vời của Thánh Gia Thất.
Xin Cha ban ơn Phúc-Âm-hoá mọi gia đình,
giúp đưa ánh sáng Tin Mừng Cứu độ,
là ánh sáng chân lý, yêu thương và bình an,
vào mọi lãnh vực đời sống gia đình chúng con.
Cho gia đình trở nên cái nôi của sự sống,
mái ấm của tình thương bao dung và hợp nhất,
ngôi trường giáo dục nên người tốt và hữu ích,
thành trì che chở phẩm giá của mọi người.
Cho mọi tư tưởng và việc làm của vợ chồng,
mang lại an hoà hạnh phúc cho gia đình.
Cho các bạn trẻ tìm gặp nơi ông bà, cha mẹ,
nguồn hỗ trợ cho sự phát triển phẩm giá làm người.
Xin Thánh Gia Thất phù hộ gia đình chúng con,
vững vàng tin yêu trong mọi gian lao thử thách,
và loan báo Chúa Giêsu Kitô là nguồn sống mới,
cho mọi gia đình, bây giờ và mãi mãi.
Amen.
 Văn phòng HĐGMVN

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:15

Tin Mung Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm A

Filled under:


Bài Ðọc I: Is 11, 1-10
"Chúa lấy sự công minh mà xét xử người nghèo khó".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ngày ấy, từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một chồi và cũng từ gốc ấy sẽ đơm lên một bông hoa. Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức, và thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Thiên Chúa.
Ngài không xét đoán theo như mắt thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe, nhưng Ngài sẽ lấy đức công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở. Ngài sẽ dùng lời như gậy đánh người áp chế, và sẽ dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác. Ngài lấy đức công bình làm dây thắt lưng, và lấy sự trung tín làm đai lưng.
Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò (cái) và gấu (cái) sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô. Trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta. Bởi vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa, như nước tràn đầy đại dương.
Ngày ấy gốc Giêsê đứng lên như cờ hiệu cho muôn dân. Các dân sẽ khẩn cầu Ngài, và mộ Ngài sẽ được vinh quang.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 71, 2. 7-8. 12-13. 17
Ðáp: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người (c. 7).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. - Ðáp.
2) Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người cho tới khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất. - Ðáp.
3) Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống người cùng khổ. - Ðáp.
4) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca khen người. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 15, 4-9
"Chúa Kitô cứu rỗi hết mọi người".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, những gì đã viết ra là có ý để giáo huấn chúng ta, hầu nhờ Thánh Kinh thêm sức và an ủi, chúng ta được cậy trông. Xin Thiên Chúa, nguồn kiên tâm và an ủi, ban cho anh em biết thông cảm với nhau theo gương Chúa Giêsu Kitô, để anh em đồng thanh tôn vinh Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Vì thế, anh em hãy tiếp rước nhau như chính Chúa Giêsu đã tiếp nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa. Vì chúng tôi quả quyết với anh em: để chứng tỏ sự chân thật của Thiên Chúa, Ðức Giêsu Kitô đã phục vụ những người chịu phép cắt bì, hầu xác nhận lời hứa cùng các tổ phụ. Còn dân ngoại, họ tôn thờ Thiên Chúa vì lòng nhân từ Người, như lời chép rằng: "Vì vậy, lạy Chúa, con sẽ cao rao Chúa và sẽ ca tụng danh Chúa giữa các dân ngoại".
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 3, 4. 6
Alleluia, alleluia! - Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 3, 1-12
"Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: "Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến". Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: "Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng".
Bởi vì chính Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Bấy giờ dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan.
Thấy có một số đông người biệt phái và văn nhân cũng đến xin chịu phép rửa, thì Gioan bảo rằng: "Hỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối. Chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng ta là Abraham. Vì ta bảo cho các ngươi hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Ðây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, để các ngươi được lòng sám hối; còn Ðấng sẽ đến sau tôi có quyền năng hơn tôi và tôi không đáng xách giày Người. Chính Ðấng ấy sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Ngài cầm nia trong tay mà sảy lúa của Ngài, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Gioan kêu gọi mọi người ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần. Ăn năn sám hối là gì? Là thay đổi cuộc sống, thay đổi tư tưởng và những hành động không hợp với ý Chúa, để bắt đầu một cuộc sống mới tốt đẹp. Dep bỏ những chướng ngại lớn nhất trên con đường trở lại.

Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin giúp chúng con nhìn ra con người yếu hèn của mình. Xin cho chúng con khám phá ra những ngăn trở làm chúng con không đến được với Cha, không đến được với anh chị em chúng con. Chúng con đánh mất chính mình.
Xin cho chúng con biết tìm về tận căn của những lỗi phạm ấy và làm một cuộc hoán cải đúng nghĩa. Nhờ hoa trái của lòng sám hối, chúng con đáng được Cha thương trong ngày đó. Amen.

*************************************************

Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng ái tuất, xin đừng để chúng con mải mê thế sự, chẳng còn hăm hở đi đón mừng Con Chúa, nhưng xin dạy chúng con biết ham thích những sự trên trời, hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Ðọc kinh Tin Kính
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ và những lời chúng con khiêm tốn nài van. Thật chúng con chẳng có công trạng gì, chỉ trông chờ lượng từ bi ban ơn trợ giúp. Chúng con cầu xin ...
Lời tiền tụng mùa vọng I
Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được tham dự mầu nhiệm thánh và Chúa đã lấy bánh bởi trời mà nuôi dưỡng chúng con. Giờ đây xin Chúa thương dạy dỗ, để chúng con hằng khôn ngoan sáng suốt cân nhắc những thực tại trần gian, và luôn thiết tha với những thực tại bền vững trên trời. Chúng con cầu xin ...

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:07