Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 5/1/2016

Filled under:

BẺ RA VÀ TRAO BAN
Đức Giê-su đáp: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi.” (Mc 6,37)
Suy niệm: Khi nói về thực phẩm, ta thường nghĩ đến các chất dinh dưỡng và số lượng calori thực phẩm ấy cung cấp. Thật ra, thực phẩm còn mang ý nghĩa linh thánh: đó là hồng ân Chúa ban để ta có dịp chia sẻ, bày tỏ tình liên đới với đồng loại. Tin Mừng hôm nay cho thấy các môn đệ đã có thái độ bi quan, tránh né trước cơn đói của dân chúng. Trước tiên là giải pháp đùn đẩy trách nhiệm: giải tán dân chúng để họ tự tìm kiếm gì để ăn; thứ đến là lý luận: 200 quan tiền bánh (hơn sáu tháng tiền công) cũng chẳng thấm thía gì với đám đông như vậy. Thế nhưng, chỉ cần phần đóng góp từ năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ, phép lạ vĩ đại đã xảy ra. Trong tay Đức Giê-su, ít cũng hóa ra nhiều. Bẻ ra và trao ban là hai động tác giúp làm dịu cơn đói của người thiếu thốn.
Mời Bạn: Có một quy luật tự nhiên huyền nhiệm tuyệt vời: ba điều ta khao khát nhất trên đời là hạnh phúc, tự do, và an bình tâm hồn, ta chỉ đạt được khi biết chia sẻ chúng cho người khác. Bạn đừng sợ mình có quá ít khả năng, của cải... để chia sẻ. Hãy tập chia sẻ, bạn sẽ cảm nhận hạnh phúc, tự do, và an bình hơn bao giờ hết từ xưa đến nay.
Sống Lời Chúa: Tôi tập bẻ ra và trao ban thời giờ, khả năng, vật chất, sự quan tâm... cho người khác, như một cách sống lòng thương xót của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa  thương xót đám đông bơ vơ, và bày tỏ lòng thương xót ấy không chỉ bằng việc giảng dạy Tin Mừng Nước Trời, mà còn cho họ ăn no nê. Noi theo lòng thương xót của Chúa, xin cho con biết sẵn sàng bẻ ra và trao ban những gì mình có cho những người anh em chung quanh, đặc biệt trong Năm Thánh này. Amen. 

THÁNH SIMÊON ẨN TU
(388-457)
Thánh Simêon sinh năm 388 tại một làng nhỏ thuộc miền Sian. Miền này nằm giữa hai miền Ciliêxi và Syria. Vì gia cảnh nghèo túng nên, ngay từ bé, Simêon đã phải làm những việc vặt trong nhà và đi chăn chiên giúp cha mẹ. Dù việc làm vất vả, cậu vẫn cứ vui vẻ vâng lời, nêu gương cho các em trong gia đình. Simêon sớm có một tâm hồn đạo đức, cậu thích nghe truyện các thánh, ái mộ việc đọc và suy niệm Phúc âm. Với đời sống đơn sơ và thánh thiện, Simêon là một đóa hoa đẹp mắt muôn người và hài lòng Thiên Chúa. Chúa nhân từ không muốn để bông hoa của Người phất phơ giữa thế gian, Người muốn đem trồng vào một nơi mầu mỡ, hầu vươn cao trên đường thánh thiện.
Một hôm, cùng gia đình đi xem lễ, Simêon bồi hồi thổn thức khi nghe đọc bài Phúc âm nói về tám mối phúc thật Chúa giảng trên núi. Biết rằng Chúa muốn gọi mình, Simêon từ giờ ấy quyết bỏ thế gian dâng mình cho Chúa để hoặc làm linh mục, hoặc làm tu sĩ. Nhưng để biết rõ ý Chúa hơn, ngài cấm phòng, cầu nguyện, và suy ngẫm lời của Chúa. Ngày kia đang sốt sắng cầu nguyện trong nhà thờ kính các thánh tử đạo, ngài được Chúa hiện ra và dậy phải đi tu dòng.
Lòng đầy vui sướng, Simêon trở về lĩnh ý mẹ và thu xếp xin nhập dòng, gần tỉnh lỵ Sian.
Sống trong dòng, mỗi ngày ngài một thêm nhân đức, nhất là nhân đức khó nghèo và vâng lời. Ngài nêu gương mẫu cho mọi người trong nhà dòng; ai ai cũng quý mến ngài như một bông hoa lạ nực hương Thiên Chúa gởi đến. Dầu vậy, sau ba năm, vì cảm thấy ơn Chúa gọi sống ở môi trường khác, thánh nhân bèn đến xin bề trên cho phép xuất dòng để nhập cộng đồng các thầy ẩn tu tại sa mạc Têlêđa.
Đứng đầu cộng đoàn này là thầy Hêliêđôrê. Các thầy sống rất sốt sắng và nhân đức, đã gây được nhiều ảnh hưởng truyền giáo cho xứ Syria. Nhưng trổi vượt hơn cả là Simêon, nhất là về phương diện ăn chay và hãm mình. Đời sống của ngài đã vượt mức luật cộng đồng: trong khi các thầy hai ngày ăn một bữa thì thánh nhân đã có lần nhịn suốt tuần không ăn uống gì. Ngài còn dùng giây bằng vỏ cây cọ rất nhỏ thắt mình cho lẳn vào thịt. Thấy việc ăn chay và hãm mình của ngài quá lạ lùng không hợp với luật chung đã định, lại sợ rằng các thầy khác sẽ hiểu lầm và bắt chước cách trái ý Chúa, nên bề trên cầu nguyện và tỏ ý cho Simêon rút lui khỏi cộng đồng, bề trên cho phép thánh nhân tự ý chọn một nơi thanh vắng trong sa mạc, ở đó ngài sẽ được tự do thực hiện lòng sốt mến và tránh khỏi dị nghị của mọi người. Vâng lời bề trên, Simêon một lần nữa lên đường theo tiếng Chúa.
Sau một thời gian lưu lạc trong sa mạc, quanh thành Antiôkia, Simêon dừng lại ở một ngọn núi thuộc miền Tennétxinh. Ngài sống ở đó ba năm trong một túp lều cột tre mái cỏ. Được ơn Chúa Thánh Linh thôi thúc, thánh nhân khai mạc nếp sống mới bằng một mùa chay hoàn toàn nhịn đói. Ngài hãm mình như thế để bắt chước tinh thần hy sinh khắc khổ của Chúa Giêsu. Lễ phục sinh năm ấy, tình cờ một linh mục đi qua, thấy ngài lạc trí nằm dài trên đất khô.
Sẵn Mình Thánh mang theo và biết ngài là một tín hữu đầy ơn Chúa, linh mục bèn cho chịu lễ. Ôi lạ lùng thay, vừa lãnh nhận Bánh Thánh, ngài hồi tỉnh, nét mặt biến sắc và mạnh khoẻ lại như người thường. Theo sử gia Thêôđôrê, ngài lả đi là vì đã nhịn đói suốt bốn mươi ngày, tuần đầu tiên ngài còn gượng đứng để cầu nguyện, tuần thứ hai ngài ngồi, và tuần thứ ba trở đi, ngài nằm trên đất. Tới lễ phục sinh khi vừa đuối sức lả đi thì Mình Thánh Chúa đến ban thần lực lại cho ngài. Cũng theo sử gia, thánh nhân giữ chay như thế suốt 28 năm, nghĩa là cho tới lúc tuổi đã vềø già mới thôi.
Không lấy thế làm đủ, Simêon còn muốn tìm một nơi thanh vắng hơn để tự do cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, ngài liền trèo lên ngọn núi cao, ẩn mình trong hốc đá để cầu nguyện đêm ngày. Tại đó ngài thuê người ta làm một xích sắt dài độ mười thước: một đầu xích buộc vào chân phải, còn đầu kia gắn chặt vào tảng đả. Làm như thế ngài muốn tự giam mình không cho bước ra khỏi giới hạn đã định. Ít năm sau, tiếng nhân đức ngài đồn vang khắp miền Tennétxinh và người ta lũ lượt kéo đến thăm con người có những cách hãm mình kỳ dị đó. Đức Giám mục thành Antiôkia là Mêlét, có tiếng khôn ngoan tài trí cũng đến thăm ngài nhiều lần. Nhờ lời cầu nguyện và phép lạ ngài làm, nhiều lữ khách được khỏi bệnh. Vì thế ai nấy cố gắng để được chạm đến thân xác hay đồ dùng của ngài, và họ kính ngài như vị thánh sống 
Thấy người ta tôn kính mình thái quá, ngài hằng xin Chúa dạy cách sống thế nào hầu thêm khiêm nhường hơn. Được Chúa soi sáng, ngài liền nghĩ đến cách sống trên một cột trụ. Cột này cao độ chín thước, trên đóng một chiếc bục vừa một người ở, không lợp mái, không làm vách, chỉ chắn vây bốn hàng rào thưa. Suốt 37 năm ngài sống lộ thiên như thế. Nhiều người phải bỡ ngỡ trước lối sống kỳ lạ ấy. Ngài không ngồi cũng không nằm, mà suốt ngày chỉ đứng, quỳ hay cúi cầu nguyện và suy ngắm, ngài có thói quen cúi mình sát đất mà thờ lạy Chúa rất nhiều lần mỗi ngày.
Nhờ lời cầu nguyện và suy ngắm, thánh Simêon hiểu sâu xa lời Kinh Thánh. Vì thế mỗi khi người ta tuốn đến thăm viếng ngài dưới chân cột, ngài không quên cắt nghĩa hoặc nhắc bảo cho họ giới răn của Thiên Chúa và sứ mệnh của người tín hữu. Thánh nhân còn chỉ cho họ thấy sự giả dối và giòn mỏng của thế gian, hầu nâng trí họ ngưỡng mộ đời sống vĩnh cửu là hưởng kiến Thiên Chúa trên trời. Nếu khách đến thăm là dân ngoại, ngài giảng cho họ biết bỏ tà thần mê tín, trở về làm con Thiên Chúa. Ngoài ra thánh nhân còn lấy lời dịu ngọt yên ủi những người bị hà hiếp, gặp tai nạn, lấy lẽ phải bầu cử cho các phạm nhân. Ngài cũng làm nhiều phép lạ chữa nhiều người bênh tật. Quả thế, vì lời khuyên răn và nhân đức của ngài mà ông thiï trưởng thành Antiôkia đã bỏ mức thuế bất công mà ông đã ấn định cho các nhà tiểu công nghệ. Lần khác, ngài nhân danh Chúa Ba Ngôi chữa bệnh bất toại cho một tên nô lẹâ và giàn xếp với gia chủ cho y được phóng thích.
Chứng kiến đời sống khắc khổ và đầy lòng bác ái của ngài, lớp trí thức trong thành đem lòng kính phục, không còn dị nghị chê bai đời sống của ngài. Các thầy dòng Ai Cập, trước kia bất phục cách sống của ngài, nay lại đem lòng ái mộ và noi gương bắt chước. Dân chúng, vì cảm kích tinh thần hy sinh, chí tông đồ và đời sống cao đẹp của ngài, tuốn đến thăm viếng và kể cho nhau nghe cách sống của ngài. Tại Rôma, ngay khi ngài còn sống, dân chúng đã vẽ ảnh trưng bầy trong gia đình. Vì thế, dù sống trên cột trụ và mang tên là vị tu hành ở cột, thánh Simêon vẫn xứng đáng là vị tông đồ của Phúc âm vì lời rao giảng và nhất là vì gương sáng của đời sống.
Tuy nhiên, Thiên Chúa còn muốn triều thiên vĩnh phúc của thánh nhân rung rinh nhiều hạt ngọc hy sinh: Vì thế, Chúa để cho ngài phải chịu một thứ bệnh ung thư rất đau đớn về cuối đời. Và đến tháng 10 năm 457 Thiên Chúa đem linh hồn đầy tớ trung tín của Người về thiên đàng. Ngài hưởng thọ 78 tuổi. Được tin thánh nhân qua đời, dân thành sửng sốt chạy đến xúm quanh vừa khóc vừa cầu nguyện. Đáng chú ý nhất là Đức Giám mục Mactirio và tổng trấn Ađaburiô cùng đến với 500 lính. Các ngài đem quân đến mục đích giữ xác thánh nhân, không cho dân đụng đến, đồng thời giữ trật tự trong buổi rước xác thánh về nhà thờ chính toà thành Antiôkia. Cuộc rước vô cùng long trọng; người đông như nước chảy, cờ xí rợp trời và ca nhạc tưng bừng như ngày hội.
Xác thánh Simêon được mai táng trong nhà thờ chính toà. Dần dần vì lòng sùng mộ ngài, người ta đã xây cất nhiều nhà thờ, nhà dòng để dâng kính ngài. Với đời sống khắc khổ, chí tông đồ và tinh thần hy sinh bác ái, thánh Simêon quả xứng đáng nhận phần thưởng vinh phúc trên trời và được Giáo Hội tôn phong bậc hiển thánh. Ở Việt Nam, từ xưa vẫn gọi ngài là thánh Simong Cột.