Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

Công Giáo Thế Giới Ngày 22.1.2016

Filled under:


Ðức Thánh Cha đề cao
tầm quan trọng của việc hành hương

Ðức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của việc hành hương.
Vatican (SD 21-01-2016) - Ðức Thánh Cha Phanxicô đề cao tầm quan trọng của việc hành hương và kêu gọi tăng cường sự tiếp đón các tín hữu đến hành hương tại các Ðền thánh.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 21 tháng 1 năm 2015, dành cho 3 ngàn vị giám đốc các trung tâm hành hương, các cha sở và những người tổ chức cũng như tiếp đón các khách hành hương.
Ðức Thánh Cha nói: "hành hương là một lòng đạo đức bình dân, là một hình thức chân thực loan báo Tin Mừng, luôn luôn cần được cổ võ và đề cao giá trị. Tại các đền thánh, tín hữu sống một linh đạo sâu xa, một lòng đạo đức từ bao thế kỷ đã nhào nặn đức tin với những lòng sùng mộ đơn sơ nhưng rất có ý nghĩa".
Ðức Thánh Cha bác bỏ quan niệm sai lầm cho rằng trong cuộc hành hương người ta chỉ sống một thứ linh đạo "tập thể" chứ không có tính chất bản thân. "Trong thực tế, người hành hương mang trong mình lịch sử riêng, đức tin với những điểm sáng điểm tối của cuộc đời. Mỗi người mang trong con tim ước muốn đặc thù và một kinh nguyện riêng ... Ðền thánh thực sự là một môi trường ưu tiên để gặp gỡ Thiên Chúa và đụng chạm đến lòng thương xót của Chúa ."
Trong bối cảnh trên đây, Ðức Thánh Cha đặc biệt đề cao tầm quan trọng của việc đón tiếp tín hữu hành hương: "một sự tiếp đón thân ái, vui tươi, nồng nhiệt và kiên nhẫn. Các sách Phúc Âm trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu luôn tiếp đón những người đến gần Ngài, nhất là các bệnh nhân, tội nhân và những người ở ngoài lề ... Việc tiếp đón có tính chất quyết định đối với sự loan báo Tin Mừng. Nhiều khi chỉ cần một lời nói, một nụ cười, để giúp một người cảm thấy họ được đón nhận và chào đón ."
Ðức Thánh Cha cũng nhận xét rằng "Người hành hương đến Ðền thánh, nhiều khi mệt mỏi, đói khát.. Và bao nhiêu lần tình trạng thể lý ấy phản ánh tình trạng trong tâm hồn của họ. Vì thế, họ cần được đón tiếp chân thành tốt đẹp về mặt vật chất cũng như tinh thần. Ðiều quan trọng là người hành hương khi bước qua ngưỡng cửa Ðền thánh, cảm thấy mình được đối xử như một người trong gia đình, hơn là một người khách. Họ phải cảm thấy như ở nhà mình, được chờ đợi, yêu mến, và được nhìn với đôi mắt từ bi. Bất cứ ai, dù trẻ hay già, giàu hay nghèo, bệnh tật và sầu muộn, hay chỉ là du khách tò mò, đều có thể tìm được sự đón tiếp đúng cách, vì trong mỗi người, đều có một con tim đang tìm kiếm Thiên Chúa mà nhiều khi họ không thực sự ý thức điều đó ."
Ðức Thánh Cha nói với các vị đặc trách hành hương rằng: "Chúng ta hãy làm sao để mỗi tín hữu hành hương được niềm vui cảm thấy mình được cảm thông và yêu mến. Như thế, khi trở về nhà, họ sẽ cảm thấy nhớ những gì họ đã cảm nghiệm và ước muốn trở lại, nhất là muốn tiếp tục hành trình đức tin trong đời sống thường nhật".
Ðức Thánh Cha không quên đề cao một hình thức tiếp đón đặc thù tại các Ðền thánh là "cống hiến các thừa tác viên ơn tha thứ của Chúa. Ðền thánh là nhà tha thứ, trong đó mỗi người gặp được sự dịu dàng của Chúa Cha, Ðấng thương xót tất cả mọi người, không trừ một ai. Ai đến tòa giải tội, họ làm như thế vì thống hối tội lỗi của mình. Họ cảm nghiệm rõ ràng Thiên Chúa không kết án họ, nhưng đón nhận, ôm lấy họ như người cha của đứa con hoang đàng, để trả lại phẩm giá làm con cho họ" (Xc Lc 15, 20-24). (SD 21-1-2016)

G. Trần Ðức Anh, OP

Ghen ghét và đố kỵ
lời nói có thể giết người

Ghen ghét và đố kỵ - lời nói có thể giết người.
Vatican (Vat. 21-01-2016) - Sáng thứ Năm, ngày 21 tháng 01 năm 2016, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nguyện đường thánh Marta. Phụng vụ Giáo hội dành ngày hôm nay để kính nhớ thánh Anê, trinh nữ tử đạo. Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha đã chia sẻ về sự ghen ghét và đố kỵ. Người ta có thể dùng lời nói mà giết hại lẫn nhau. Nhưng Thiên Chúa sẽ bảo vệ chúng ta khỏi những tội lỗi xấu xa này.
"Bài đọc một trích sách Sa-mu-en thuật lại sự đố kỵ của Sa-un, vua Ít-ra-en, với Ða-vít. Sau chiến thắng vẻ vang trước người Phi-li-tinh, các phụ nữ từ khắp mọi thành của Ít-ra-en kéo ra múa nhảy và ca hát rằng: 'Vua Sa-un hạ được hàng ngàn, ông Ða-vít hàng vạn.' Từ ngày đó trở về sau, vua Sa-un nhìn Ða-vít với con mắt ghen tỵ và hoài nghi. Vua nghi ngờ sau này Ða-vít sẽ phản bội, và vì thế, vua nảy sinh ý định giết Ða-vít. Nhưng sau đó, vua Sa-un đã nghe lời khuyên của người con trai mà suy nghĩ lại, không thực hiện ý đồ xấu xa của mình nữa. Ghen ghét là một căn bệnh sẽ dẫn đến sự đố kỵ
Lòng đố kỵ thật xấu xa! Ðó là một thái độ xấu. Sự ghen ghét và lòng đố kỵ phát triển trong lòng người ta như cỏ dại. Nó phát triển và không để cho bất kỳ thứ thảo mộc tốt lành nào có thể mọc lên được nữa. Thứ cỏ dại ấy sẽ khiến tâm hồn người ta ra tối tăm, bệnh hoạn. Nó không để cho con người được bình an nhưng khiến con tim luôn dằn vặt, đau đớn. Một con tim đố kỵ rất có thể dẫn đến mưu sát và chết chóc. Kinh Thánh đã nói rất rõ: Lòng ghen tị tội lỗi đã mang sự chết vào trần gian.
Lòng đố kỵ dẫn đến việc 'giết' những người có điều mà mình không có. Nhưng người ấy sẽ luôn đau khổ, vì một con tim ghen ghét và đố kỵ sẽ luôn khổ đau, một sự khổ đau muốn người khác phải chết. Chúng ta không phải đi đâu xa mới có thể thấy những điều này. Rất nhiều lần, trong cộng đoàn của chúng ta, vì ghen ghét, người ta đã giết hại nhau bằng miệng lưỡi và ngôn từ của mình. Khi không thích hay ghen ghét một điều gì đó, người ta bắt đầu xì xầm, bàn tán. Và chính những lời bàn tán đó sẽ giết chết người khác.
Tôi đã suy nghĩ và tự phản tỉnh nhiều về những điều này khi cầu nguyện với đoạn kinh thánh ngày hôm nay. Tôi nhận thấy mình được mời gọi và chắc chắn mọi người cũng được mời gọi phải nhận ra những gì là ghen ghét, đố kỵ trong tâm hồn hình, vì chúng luôn dẫn tới đau khổ và chết chóc, không làm cho người ta vui mừng, hạnh phúc được. Người có lòng ghen ghét, đố kỵ luôn nghĩ rằng những điều tốt lành mà người khác có chống lại họ. Và đó là khởi đầu của bao nhiêu tội lỗi, gian ác khác. Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa giúp chúng ta đừng bao giở mở con tim mình ra cho những ghen ghét, đố kỵ đi vào, vì chúng chỉ dẫn tới đau khổ và chết chóc mà thôi.
Tổng trấn Phi-la-tô thật thông minh và nhạy bén vì biết rằng chỉ vì ghen tỵ mà các thượng tế nộp Ðức Giêsu. Lòng ghen tỵ - theo cách giải thích của Phi-la-tô, một người thông minh nhưng lại không đủ can đảm - chính là điều dẫn đến cái chết của Ðức Giêsu. Các thượng tế trao nộp Ngài vì ghen tỵ. Bởi vậy, chúng ta hãy tha thiết xin Chúa giúp chúng ta đừng vì ghen ghét, đố kỵ mà ra tay 'trao nộp' những người anh chị em của chúng ta trong cùng một xứ đạo, một cộng đoàn, một xóm làng, khiến họ phải đau khổ và phải chết. Ai cũng có những tội lỗi và thiếu sót, nhưng ai cũng có những nhân đức riêng của mình. Tội lỗi và nhân đức đều có nơi mỗi người. Chúng ta hãy để ý đến nhân đức và đừng giết chết người khác bằng những lời xì xầm bàn tán chỉ vì ghen tương và đố kỵ ."

Vũ Ðức Anh Phương, SJ