Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Công Giáo Thế Giới Ngày 26.1.2016

Filled under:




Công bố sứ điệp mùa chay 2016 chủ đề ”Ta muốn Lòng Thương xót chứ không muốn hy tế”



VATICAN. Trong sứ điệp mùa chay, công bố hôm 26-1-2015, ĐTC mời gọi các tín hữu chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa và thực hành các công việc từ bi bác ái, về thể lý cũng như về tinh thần.
 Mùa chay sẽ bắt đầu từ ngày thứ tư lễ tro, 10-2-2016 (mùng 3 Tết). Sứ điệp của ĐTC cho mùa này có chủ đề là ”Ta muốn Lòng Thương xót chứ không muốn hy tế” (Mt 9,13). Những công việc từ bi bác ái trong hành trình Năm Thánh”. Sứ điệp được công bố trong cuộc họp báo tại Vatican do ĐHY Francesco Montenegro, TGM Agrigento, nam Italia, thành viên Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm). Hiện diện trong dịp này cũng có hai vị Tổng thư ký và Phó tổng thư ký của Hội đồng Cor Unum.
 Sau khi đề cao mẫu gương của Mẹ Maria như hình ảnh một Giáo Hội loan báo Tin Mừng và để cho mình được Tin Mừng biến đổi, ĐTC đề cao tầm quan trọng của Lòng Thương Xót trong lịch sử cứu độ: toàn thể giao ước của Thiên Chúa với loài người là một lịch sử lòng thương xót. Thiên Chúa tín trung luôn tha thứ những bất trung và phản bội của dân Chúa. Lòng thương xót của Thiên Chúa chiếm chỗ đứng trung tâm trong lời huấn giáo của các tông đồ. Lòng thương xót diễn tả ”thái độ của Thiên Chúa đối với tội nhân, cống hiến cho họ cơ may hồi tỉnh, hoán cải và tin tưởng” (Misericordiae vultus 21), và qua đó tái lập quan hệ với Chúa.
 Đề cập tới các công việc từ bi thương xót, ĐTC khẳng định rằng: ”Lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi con tim của con người và làm cho họ cảm nghiệm một tình thương trung tín, và qua đó làm cho họ cũng có khả năng thi hành lòng từ bi thương xót. Thật là một phép lạ luôn mới mẻ, sự kiện lòng thương xót của Chúa có thể chiếu tỏa trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, thúc đẩy chúng ta yêu thương tha nhân và hướng dẫn những công việc mà truyền thống của Giáo Hội gọi là ”Thương linh hồn bẩy mối, thương xác bẩy mối!”.
 ĐTC giải thích: ”Những công việc từ bi bác ái ấy nhắc nhở chúng ta rằng đức tin của chúng ta được diễn tả qua những hành vi cụ thể thường nhật, nhắm giúp đỡ tha nhân về mặt thể lý và tinh thần, và chúng ta sẽ bị phán xét về những hành vi ấy, đó là: cho kẻ đói ăn, viếng thăm, an ủi, dạy dỗ họ. Vì thế tôi cầu mong rằng ”trong Năm Thánh, dân Chúa suy tư về những công việc từ bi bác ái thể lý và tinh thần. Đây sẽ là một cách thức tỉnh lương tâm chúng ta thường bị ngái ngủ trước thảm trạng nghèo đói và để ngày càng đi sâu hơn vào trọng tâm của Tin Mừng, trong đó dân nghèo là những người ưu tiên được lòng thương xót của Chúa chiếu cố” (ibid. 15).
 Trong sứ điệp, ĐTC cũng phê bình những người không muốn nhìn nhận mình là kẻ lầm than cần lòng thương xót của Chúa. Ngài viết: ”Đứng trước tình yêu mạnh mẽ như cái chết của Chúa (Xc Dc 8,6), người nghèo hèn lầm than nhất chính là người không chấp nhận thực trạng của mình. Họ tưởng mình là người giàu có, nhưng trong thực tế họ là người nghèo nhất trong những người nghèo. Thực trạng họ như vậy vì họ làm nô lệ cho tội lỗi, tội thúc đẩy họ sử dụng giàu sang và quyền lực, không phải để phụng sự Thiên Chúa và tha nhân, nhưng để bóp nghẹt nơi họ ý thức sâu đậm theo đó họ không là gì khác hơn là một người hành khất nghèo. Hễ họ càng có quyền bính và giàu sáng, thì họ càng trở nên mù quáng gian dối. Họ đi đến độ không muốn nhìn thấy người nghèo Lazzaro ngồi ăn xin nơi cổng nhà của họ” (Xc Lc 16,20-21)
 Và ĐTC kết luận rằng: ”Đối với tất cả mọi người, Mùa Chay trong Năm Thánh này là thời điểm thuận thiện để có thể ra khỏi tình trạng cuộc sống tha hóa của mình, nhờ lắng nghe Lời Chúa và thực hành các công việc từ bi bác ái ... Những công việc từ bi thể lý và tinh thần không bao giờ tách biệt nhau. Thực vậy, chính khi động chạm đến thân mình của Giêsu chịu đóng đanh nơi người lầm than mà tội nhân có thể nhận được hồng ân ý thức chính mình là một người hành khất nghèo hèn” (SD 26-1-2016)


Đức Thánh Cha bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô




ROMA. Lúc 5 giờ rưỡi chiều 25-1-2015, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Tuần này đã tiến hành từ 18 đến 25-1 vừa qua với chủ đề là câu trích từ thư thứ I của Thánh Phêrô Tông Đồ: ”Được kêu gọi để loan báo cho mọi người những kỳ công của Thiên Chúa” (1 Pr 2,9).
 Hiện diện tại buổi cầu nguyện, có gần 20 HY, các GM, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Roma, nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác, đặc biệt là TGM Genadios Zervos, Đại diện tòa Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo, đặc trách các tín hữu Chính Thống tại Italia, Malta và miền nam Âu Châu, ĐGM David Moxon, đại diện Đức Giáo Chủ Anh giáo, v.v. Ngoài ra có 17 sinh viên của Học viện Đại kết Bossey, gần Genève bên Thụy Sĩ, và thuộc nhiều hệ phái Kitô.

 Trong bài giảng, ĐTC sau khi giải thích một số khía cạnh trong biến cố trở lại của thánh Phaolô do tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, ngài nhắc đến chủ đề tuần hiệp nhất nói về nghĩa vụ của các Kitô giáo loan báo những kỳ công của Thiên Chúa và khẳng định rằng ”Vượt lên trên những khác biệt vẫn còn chia cách chúng ta, chúng ta vui mừng nhìn nhận rằng nơi nguồn cội đời sống Kitô luôn có một lời kêu gọi mà tác giả là chính Thiên Chúa. Chúng ta có thể tiến triển trên con đường hiệp thông trọn vẹn hữu hình giữa các Kitô hữu, không những khi chúng ta xích lại gần nhau, nhưng nhất là theo mức độ chúng ta trở về cùng Chúa, Đấng do ơn thánh của Ngài, đã chọn chúng ta và kêu gọi chúng ta trở thành môn đệ của Ngài. Trở về cùng Chúa có nghĩa là để cho Chúa sống và hoạt động trong chúng ta. Vì thế, khi các tín hữu Kitô thuộc các Giáo hội kác nhau lắng nghe lời Chúa và tìm cách mang ra thực thì, thì họ hoàn tất thực sự những bước tiến quan trọng đến gần sự hiệp nhất ... Cả sứ mạng chung là loan báo cho tất cả mọi người những kỳ công của Thiên Chúa cũng làm cho chúng ta xích lại gần nhau”.

 Cũng trong bài giảng, ĐTC nhắc đến Năm Thánh đặc biệt về lòng thương xót và nhấn mạnh rằng không thể có sự tìm kiếm chân thực sự hiệp nhất các tín hữu Kitô nếu không có sự hoàn toàn tín thức nơi lòng thương xót của Chúa Cha. Nhất là chúng ta hãy xin ơn tha thứ vì tội chia rẽ của chúng ta, những chia rẽ ấy là vết thương mở rộng nơi Thân Mình của Chúa Kitô. Trong tư cách là GM Roma và là Chủ Chăn của Giáo hội Công Giáo, tôi muốn khẩn cầu lòng thương xót của Chúa và ơn tha thứ vì những cư xử không hợp tinh thần Phúc Âm từ phía các tín hữu Công Giáo đối với các tín hữu Kitô thuộc các Giáo Hội khác. Đồng thời tôi mời gọi tất cả các anh chị em Công giáo hãy tha thứ vì những xúc phạm đã chịu ngày nay và trong quá khứ do các tín hữu Kitô khác.. Chúng ta không thể xóa bỏ những gì đã xảy ra, nhưng chúng ta không muốn để gánh nặng của những lỗi lầm quá khứ tiếp tục làm ô nhiễm các quan hệ của chúng ta. Lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ canh tân các quan hệ của chúng ta”.

 Cuối kinh chiều, ĐHY Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã đại diện mọi người hiện diện cám ơn ĐTC đã đến chủ sự Kinh Chiều này. (SD 25-1-2016)

G. Trần Đức Anh OP