Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

Ðức Thánh Cha Phanxicô thăm Hội đường Do Thái tại Roma

Filled under:

Lòng tôi luôn canh cánh mối tương giao giữa chúng ta"
Roma (WHÐ 19-01-2016) - Chúa nhật 17 tháng 01 năm 2016, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đến Hội đường Do Thái Roma thăm cộng đồng Do Thái giáo. Ngài là vị giáo hoàng thứ ba, và là lần đầu tiên trong triều đại của mình đến Hội đường nổi tiếng này.
Tại đây Ðức Thánh Cha đã có bài phát biểu với các chức sắc lãnh đạo và cộng đồng tín hữu Do Thái giáo.
Sau đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bài phát biểu của Ðức Thánh Cha:
* * *
"Hôm nay tôi vui mừng được đến thăm quý vị tại Hội đường này. Xin cảm ơn tiến sĩ Di Segni, bà Durighello và ông Gattegna đã nói những lời ân cần. Và xin cảm ơn tất cả quý vị đã nồng nhiệt chào đón tôi. Xin cảm ơn quý vị! Tada Toda Rabba!
Trong lần đầu tiên đến Hội đường này với tư cách giám mục Roma, tôi muốn bày tỏ với quý vị và xin gửi đến tất cả các cộng đồng Do Thái giáo lời chúc bình an huynh đệ của toàn thể Giáo hội Công giáo.
Lòng tôi luôn canh cánh mối tương giao giữa chúng ta. Lúc còn ở Buenos Aires, tôi vẫn thường đến các hội đường và gặp gỡ các cộng đoàn Do Thái quy tụ ở đó. Tôi thường theo sát những ngày đại lễ, các lễ kỷ niệm của Do Thái giáo và tạ ơn Chúa đã ban sự sống và đồng hành cùng chúng ta trên con đường lịch sử. Theo thời gian, mối dây liên kết tinh thần được hình thành, làm nảy sinh tình bạn đích thực và mang lại sức sống cho việc cùng nhau cam kết. Ðiều cốt yếu trong đối thoại liên tôn là gặp nhau như anh chị em trước Ðấng dựng nên chúng ta và dâng lên Ngài lời chúc tụng vì chúng ta biết tôn trọng và ra sức cộng tác với nhau. Trong cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo, có một dây liên kết độc đáo và đặc biệt nhờ cội rễ Do Thái của Kitô giáo: vì vậy các tín hữu Do Thái và Kitô giáo phải cảm thấy mình là anh em, được liên kết bởi cùng một Thiên Chúa và chung một di sản thiêng liêng phong phú (x. Tuyên ngôn Nostra Aetate, 4), trên đó tương lai được xây nên.
Cuộc viếng thăm này là sự tiếp bước các vị tiền nhiệm của tôi. Ðức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đến đây 30 năm trước, vào ngày 13 tháng Tư 1986; và Ðức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã được quý vị đón tiếp 6 năm trước đây. Ðức giáo hoàng Gioan Phaolô II khi đến thăm đã tạo ra một cách diễn tả tuyệt đẹp khi gọi quý vị là "các anh trưởng", và quả thật, quý vị là những người anh chị của chúng tôi trong đức tin. Tất cả chúng ta đều thuộc một gia đình, đó là gia đình của Thiên Chúa, Ðấng đồng hành và che chở chúng ta là dân của Ngài. Chúng ta, những người Do Thái và Công giáo, đều được mời gọi cùng nhau gánh vác trách nhiệm đối với thành đô này, trước hết là trách nhiệm đóng góp về tinh thần và hướng đến việc giải quyết những vấn đề khác nhau hiện nay. Tôi hy vọng việc xích lại gần nhau, sự hiểu biết và tôn trọng nhau giữa hai cộng đồng chúng ta sẽ tiếp tục phát triển. Ðó chính là ý nghĩa của việc tôi đến thăm quý vị hôm nay, 17 tháng Giêng, là ngày Hội đồng Giám mục Italia cử hành "Ngày đối thoại Công giáo-Do Thái giáo".
Chúng tôi vừa kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn "Nostra Aetate" của Công đồng Vatican II. Ðây là văn kiện mang lại cuộc đối thoại mang tính chất hệ thống giữa Giáo hội Công giáo và Do Thái giáo. Ngày 28 tháng Mười vừa qua, tại quảng trường Thánh Phêrô, tôi đã ngỏ lời chào đông đảo đại diện của Do Thái rằng: "Chúng ta đặc biệt cảm tạ Thiên Chúa vì sự biến đổi thực sự nơi quan hệ giữa Kitô giáo và Do Thái trong 50 năm qua. Sự thờ ơ và đối lập đã biến thành hợp tác và thiện cảm. Từ thù địch và xa lạ, chúng ta đã trở thành bạn hữu và anh em. Với tuyên ngôn Nostra Aetate, Công đồng đã vạch ra con đường nói "vâng" với việc tái khám phá cội rễ Do Thái của Kitô giáo; nói "không" với mọi hình thức bài Do Thái và lên án mọi đối xử bất công, kỳ thị và bách hại từ đó mà ra". Tuyên ngôn Nostra Aetate lần đầu tiên làm rõ ý nghĩa những mối liên hệ giữa Giáo hội Công giáo với Do Thái giáo về mặt thần học. Tất nhiên tuyên ngôn không giải quyết tất cả những vấn đề thần học đang đặt ra cho chúng ta, nhưng khuyến khích chúng ta cần phải suy tư hơn nữa. Vì thế, ngày 10 tháng Mười Hai 2015, Uỷ ban liên lạc với người Do Thái công bố một văn kiện mới nêu ra những vấn đề thần học nổi bật trong những thập niên vừa qua kể từ khi công bố tuyên ngôn Nostra Aetate. Quả thật, khía cạnh thần học của cuộc đối thoại Do Thái giáo-Công giáo cần phải được đào sâu hơn nữa, và tôi mong muốn khuyến khích tất cả những ai tham gia cuộc đối thoại này hãy tiếp tục theo chiều hướng đó với tinh thần sáng suốt và lòng kiên trì. Từ nhãn quan thần học, rõ ràng có mối dây liên kết bền chặt giữa các tín hữu Kitô và Do Thái. Ðối với các Kitô hữu, để hiểu được mình, không thể không nói đến cội rễ Do Thái giáo, còn với Giáo hội, khi tuyên xưng ơn cứu độ qua niềm tin vào Ðức Kitô, thì nhận ra tính chất không thể thay thế của Giao ước và tình yêu vững bền và trung tín của Thiên Chúa đối với Israel.
Cùng với các vấn đề thần học, chúng ta không được lãng quên những thách thức lớn mà thế giới ngày nay đang đối mặt. Trong đó có vấn đề sinh thái đang được đặt lên hàng ưu tiên hiện nay, và các Kitô hữu và Do Thái giáo chúng ta có thể và phải mang đến cho nhân loại sứ điệp của Kinh Thánh về việc chăm sóc công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Những xung đột, chiến tranh, bạo lực và bất công đang khoét sâu các vết thương nơi nhân loại và đòi chúng ta hãy đẩy mạnh việc dấn thân cho hòa bình và công lý. Bạo lực do con người kình chống nhau thì đối nghịch với bất kỳ tôn giáo chân chính nào, nhất là với ba tôn giáo độc thần. Sự sống vốn thánh thiêng và là hồng ân của Thiên Chúa. Ðiều răn thứ năm trong Mười điều răn dạy rằng: "Chớ giết người" (Xh 20,13). Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống, và Ngài luôn mong sự sống được tiến triển và bảo vệ; còn chúng ta, vốn được dựng nên theo hình ảnh của Ngài và giống Ngài, nên được kêu gọi cũng hãy làm giống như vậy. Mọi người, vì được Thiên Chúa tạo dựng, nên chính là anh em của chúng ta, bất kể người ấy thuộc tôn giáo nào. Mọi người đều phải được nhìn bằng sự quý mến, như Chúa đã làm, vì Chúa hằng chìa bàn tay thương xót cho mọi người, bất kể niềm tin và khuynh hướng của họ, đồng thời quan tâm đến những ai rất cần Chúa: người nghèo, người đau yếu, người bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Nơi đâu sự sống đang gặp hiểm nguy, nơi đó càng cần được chúng ta bảo vệ. Dù bạo lực hoặc cái chết đều không nói lời cuối cùng trước Thiên Chúa của tình yêu và sự sống. Chúng ta phải cầu nguyện tha thiết xin Chúa giúp chúng ta thực hiện lôgich của hòa bình, hòa giải, tha thứ, sự sống tại châu Âu, Thánh Ðịa, Trung Ðông, châu Phi và các nơi khác trên thế giới.
Trong lịch sử của mình, dân Do Thái đã hứng chịu bạo lực và bách hại, đến mức chịu cảnh diệt chủng tại châu Âu thời Lò thiêu sống. Sáu triệu người bị sát hại chỉ vì là dân Do Thái, trở thành nạn nhân của sự tàn bạo phi nhân nhất nhân danh ý thức hệ muốn đặt con người lên thay Thiên Chúa. Ngày 16 tháng Mười 1943, hơn một ngàn người đàn ông, đàn bà và trẻ em thuộc cộng đồng Do Thái ở Roma bị đưa đến trại tập trung Auschwitz. Hôm nay tôi muốn đặc biệt tưởng niệm những nạn nhân này: không bao giờ được quên những đau khổ, sợ hãi, nước mắt của họ. Quá khứ phải được dùng làm bài học cho hiện tại và tương lai. Lò thiêu sống dạy chúng ta cần phải cảnh giác cao độ để có thể hành động kịp thời nhằm bảo vệ phẩm giá con người và nền hòa bình. Tôi muốn nói lên rằng tôi luôn ở bên từng vị chứng nhân Lò thiêu sống nay vẫn còn sống; và xin được gửi lời chào đặc biệt đến những vị đang hiện diện ở đây hôm nay.
Thưa anh em, chúng ta thật sự phải cảm ơn về tất cả những gì đã làm được trong 50 năm qua, vì giữa chúng ta đã có sự hiểu nhau, tin nhau và tình bạn đã tiến triển, khơi sâu. Chúng ta hãy cùng nhau cầu xin Chúa dẫn đường đi tới một tương lai tốt đẹp hơn. Thiên Chúa có kế hoạch cứu độ dành cho chúng ta, như tiên tri Giêrêmia nói: "Ta biết rõ các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi, kế hoạch cho các ngươi được sống thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai hy vọng" (Gr 29, 11).
"Nguyện xin Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện xin Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và ban ơn cho anh em! Nguyện xin Chúa ghé mắt ân cần nhìn đến anh em và ban bình an cho anh em" (x. Ds 6, 24-26). Shalom Alechem!
(Nguồn: Vatican Radio)
 Thành Thi chuyển ngữ

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
Thứ Tư ngày 20 tháng 1 năm 2016


Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ thân mật với bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Hai nhà lãnh đạo trước đây đã gặp gỡ tại Vatican vào tháng Mười Hai năm 2014 để bàn về những vấn đề nhức nhối liên quan đến kinh tế của Âu châu.

Quỹ tiền tệ quốc tế gồm 188 quốc gia và được thành lập vào năm 1944 để giúp các quốc gia quản lý tài chính của họ.

Bà Lagarde đã giới thiệu với Giáo hoàng Francis một số cộng tác viên của mình.

Sean Hagan, Vụ trưởng Vụ Pháp chế IMF:
“Thưa Đức Thánh Cha. Thật là một vinh dự. Cảm ơn ngài đã đặt lời cầu nguyện vào vị trí vô cùng quan trong .” 

Theo những công bố khác nhau, bà Lagarde đã phục vụ như một nỗ lực tăng lực lượng lao động nữ tham gia để giảm đói nghèo và bất bình đẳng.

Đức Thánh Cha Phanxicô:
“Hãy cầu nguyện cho tôi và tôi sẽ cầu nguyện cho bà .”

Bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF):
“Tôi sẽ cầu nguyện cho ngài. Cảm ơn ngài .”

 Bà Lagarde là giám đốc điều hành phụ nữ đầu tiên của IMF.

Jos. Tú Nạc, NMS

Ðức giáo hoàng Phanxicô
tiếp kiến phái đoàn đại kết Phần Lan

Ðức giáo hoàng Phanxicô tiếp kiến phái đoàn đại kết Phần Lan.
Roma (WHÐ 19-01-2016) - Sáng thứ Hai 18 tháng 01 năm 2016, Ðức giáo hoàng Phanxicô đã tiếp một phái đoàn đại kết từ Phần Lan đến Roma hành hương nhân dịp lễ thánh Henry mừng vào ngày 19 tháng Giêng năm 2016.
Thánh Henry là một giáo sĩ người Anh thời Trung cổ, làm Tổng giám mục Uppsala, hiện nay thuộc Thụy Ðiển. Ngài đã đến rao giảng Tin Mừng tại Phần Lan và tại đây, ngài được cả người Công giáo lẫn Tin Lành tôn kính.
Phái đoàn do Bà giám mục Irja Askola, thuộc Giáo hội Luther tại Helsinki, hướng dẫn. Giáo hội Luther tại Phần Lan là tổ chức tôn giáo chính của đất nước ở vùng Bắc Âu này, một trong những quốc gia thế tục hóa cao nhất thế giới.
Chuyến viếng thăm này của phái đoàn Phần Lan cũng nằm trong khuôn khổ của Tuần cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu như Ðức giáo hoàng đã nhắc đến trong bài diễn văn của ngài.
"Quý tín hữu Luther, Chính thống giáo và Công giáo thân mến, quý vị đã khám phá điều chúng ta có chung với nhau và muốn cùng nhau làm chứng về Ðức Giêsu Kitô vốn là nền tảng của sự hiệp nhất".
Ðức giáo hoàng đã bày tỏ một thái độ hoàn toàn tích cực: trước tiên, ngài hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong cuộc đối thoại giữa Giáo hội Luther và Công giáo, khi ngài nhắc lại bản "Tuyên bố chung về vấn đề công chính hóa", một văn kiện của năm 1999 đã đặt "cơ sở cho cuộc đối thoại hứa hẹn hướng tới việc giải thích được các bên chấp nhận trên bình diện bí tích, Giáo hội, Thánh Thể và thừa tác vụ". Văn kiện này khẳng định rằng "con người, về phần rỗi của mình, hoàn toàn phụ thuộc vào ân sủng cứu độ của Thiên Chúa ."
Nhờ ở sự trình bày chung này giữa Công giáo và Tin Lành Luther mà các quan hệ đại kết hiện nay đều mang dấu ấn "của một tinh thần thảo luận trong sáng và chia sẻ huynh đệ ."
Ðức giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở rằng vẫn còn những khác biệt, cả trên lĩnh vực giáo lý, nhưng những khác biệt này không làm chúng ta "nản lòng", mà lại "thúc đẩy chúng ta cùng nhau tiếp tục con đường tiến tới một sự hiệp nhất luôn luôn tốt đẹp hơn qua việc vượt lên trên các quan niệm và thái độ ngập ngừng đã lỗi thời. Trong một thế giới ngày càng mang dấu ấn của chủ nghĩa thế tục hóa và của sự thờ ơ, chúng ta được mời gọi đoàn kết với nhau để dấn thân trong việc tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô, bằng cách mỗi ngày mỗi trở nên những chứng nhân khả tín hơn của sự hiệp nhất và những tác nhân của hoà bình và hoà giải ."
Kế đó, các đại diện của ba Giáo hội đã đọc chung với nhau kinh "Lạy Cha".
(Vatican Radio)

Mai Tâm