Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh được sạch!” (Mc 1,41)
Suy niệm: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (Ep 2,4) và lòng thương xót ấy được biểu lộ nơi Đức Giê-su. Hành động chạnh lòng thương của Đức Giê-su đã biến đổi hoàn toàn con người bất hạnh vì chứng bệnh phong: từ một bệnh nhân với thân xác bị lở loét, đau đớn thành một người lành sạch; từ một con người bị cách ly khỏi cộng đồng xã hội vì chứng bệnh lây nhiễm, nay anh được hội nhập và sinh hoạt như bao người trong cộng đồng xã hội; từ một con người bị coi là ô uế bị loại trừ khỏi các sinh hoạt tôn giáo, nay anh được hòa nhập với mọi người và được quyền tham dự phụng vụ tôn thờ Thiên Chúa cùng với cộng đoàn. Chính lòng thương xót của Chúa đã đụng chạm tới người phong hủi và hồi phục cho anh phẩm giá làm người và làm con Thiên Chúa.
Mời Bạn: Về thể lý phần đông chúng ta không mắc bệnh phong, nhưng về phần hồn không ai dám nói mình là người lành sạch. Tội lỗi là một thứ bệnh phong của linh hồn. Như người bị bệnh phong cần được Chúa thương xót, chúng ta cũng cần được Chúa chạnh lòng thương. Chúa là Cha giàu lòng thương xót và sẵn sàng chữa lành cho chúng ta, chỉ cần chúng ta đến với bí tích hòa giải với lòng thống hối.
Sống Lời Chúa: Lập lại nhiều lần trong ngày lời xin ơn tha thứ trong đầu mỗi thánh lễ: “Xin Chúa thương xót chúng con.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và không mệt mỏi khi tha thứ. Xin dủ lòng thương xót thân phận yếu hèn của chúng con và phục hồi cho chúng con phẩm giá làm người và làm con Chúa.
THÁNH VÊRÔNICA BINASCÔ
(1444 -1497)
(1444 -1497)
Pavia một làng quê nhỏ, nằm gọn trong cánh đồng phì nhiêu theo dọc con đường từ Milanô đến Binascô. Nơi đây được diễm phúc chứng kiến gần nửa đời thánh Vêrônica. Thánh nữ cất tiếng chào đời năm 1444 trong một gia đình nông dân nghèo khó nhưng rất mực đạo đức. Dù suốt đời đi cầy thuê cuốc mướn kiếm của nuôi con, nhưng song thân thánh nữ luôn tỏ ra là những công dân lương thiện, những tín hữu đầy đức tin và bác ái với mọi người. Vì thế không lạ gì, hai ông bà đã tạo nên một gia đình hạnh phúc, luôn sống thuận hoà, lấy gương sáng giáo dục con cái. Nhưng vì cảnh gia đình túng bấn, hai ông bà đành phải để Vêrônica ra đồng làm việc với lũ đông thanh niên và phụ nữ trong thôn.
Vêrônica, một thiếu nữ vui vẻ, nết na và cần mẫn. Cô luôn luôn cười nói vui vẻ với mọi người, nhưng khi họ đua nhau bàn tán câu truyện đời hay nghêu ngao vài câu hát trữ tình, thì Vêrônica trầm lặng, hướng tâm về Chúa mà cầu nguyện.
Lớn lên, Vêrônica cảm thấy mình không có ơn kêu gọi sống bậc gia đình. Cô muốn dâng mình cho Chúa trong tu viện.
Sau nhiều ngày suy nghĩ và cầu nguyện, cô hớn hở đến gõ cửa nữ tu viện thánh Âutinh tại Milanô, ngỏ ý xin Bà bề trên cho nhập dòng. Nhìn nét mặt sáng sủa, giấu ẩn một kho tàng nhân đức, bà bề trên niềm nở tiếp truyện Vêrônicạ Bà nói: "Ý định của con tốt lắm, mẹ và cả nhà sẵn sàng tiếp nhận con nhưng mẹ muốn biết con đã đọc sách được chưa ?" – Câu hỏi của Bà bề trên gieo vào lòng Vêrônica một nỗi lo sợ, cô rưng lệ cúi đầu sẽ đáp: "Thưa bà,con chưa biết đọc ". - Như hiểu rõ hoàn cảnh Vêrônica, bà dịu dàng an ủi: "Con đừng lo, mẹ sẵn sàng nhận con vào dòng, nhưng bây giờ con hãy tạm trở về xin ba má cho đi học để biết đọc biết viết đã".- Vêrônica bái từ trở về lòng trào lộn vui buồn. Tuy vậy cô vẫn giữ nét mặt bình an thư thái.
Về nhà, vì gia đình nghèo túng, Vêrônica không dám ngỏ ý xin sợ làm phiền lòng cha mẹ. Cô đành dấu bầu tâm sự để mình Chúa và Đức Mẹ biết thôi. Và từ hôm ấy, ban ngày làm lụng vất vả ngoài đồng, tối về thu xếp việc vặt trong nhà xong, cô đốt đèn tự học lấy. Nhưng khốn nỗi vì không có người chỉ dẫn, nên dù học đã ba tháng, Vêrônica vẫn không sao biết đọc. Lòng buồn tủi nhưng luôn tin tưởng, Vêrônica vội chạy đến bàn thờ Đức Mẹ giãi bầy tâm sự và xin Mẹ giúp đỡ. Cô đang lịm đi trong lời cầu nguyện, thì Đức Mẹ hiện đến trong hào quang rực rỡ. Vêrônica phần nghi nan, phần sợ hãi không dám ngước mắt nhìn. Hai tay ôm mắt, cô quỳ sấp xuống, nhưng Đức Mẹ dịu hiền bảo: "Hỡi ái nữ của Mẹ, con đừng sợ, Mẹ là Mẹ Chúa Kitô, Mẹ đến để giúp con học và đọc ba chữ này "- Tiếng Đức Mẹ rót êm vào tai làm cô trấn tĩnh. Vêrônica vội quì lên tay ôm ngực thỏ thẻ với Đức mẹ: "Lạy Mẹ, hạnh phúc cho con chừng nào, con không bao giờ dám nghĩ: một đứa bé ngu dốt như con lại được Mẹ đoái tình hiện đến. Vì thế đầu tiên con nghi sợ quỉ thần hiện đến lừa dối con. Con xin lỗi Mẹ và xin Mẹ hãy phán dậy con điều Mẹ muốn". Đức Mẹ cảm nhận lòng đơn thật của Vêrônica. Người dịu dàng bảo cô: "Hỡi con, đây ba chữ Mẹ muốn dậy con: Chữ thứ nhất là "Tâm hồn trinh khiết" hướng lòng mến về một mình Thiên Chúa. Chữ thứ hai là "Tinh thần chịu đựng" nết xấu tha nhân, thực hiện bác ái đối với họ. Chữ thứ ba là "Hằng ngày suy niệm sự thương khó Chúa Kitô ". Sau hết Mẹ chúc lành cho con và hứa bảo trợ con luôn".
Từ đấy cho tới ba năm sau, Vêrônica không cần dùng đến sách vở, chỉ hằng ngày tâm niệm ba chữ Đức Mẹ dậy. Thế mà khi trở lại nhà dòng mọi người phải bỡ ngỡ và thán phục khả năng học vấn và cao độ nhân đức của ngài.
Sống trong tu viện, Vêrônica hoan lạc như con nai tìm thấy suối nước. Ngài thánh hoá đời sống hằng ngày bằng nhiều cách. Nhưng phương pháp sở trường nhất là suy niệm sự thương khó của Chúa. Mà vì suốt ngày tâm trí hằng triền miên trong việc suy niệm sốt sắng, nên lòng ngài hằng thao thức đến nỗi đôi mắt lúc nào cũng đẫm lệ. Có nhiều lần, vì vâng lời bà mẹ, Vêrônica cố hãm mình bớt khóc thì liền ngã bệnh nặng. Đó phải chăng là ơn riêng Chúa ban cho thánh nữ! Mà thực, có một ngày Chúa đã hiện ra với ngài trong giờ nguyện ngắm và nói: "Ái nữ của Cha, Cha rất hài lòng thấy nước mắt của con trào ra vì từng suy niệm sự đau thương của Cha. Nhưng Cha thích hơn, nếu con biết hoà lệ hương mến của con vào tình yêu bao la của Mẹ Cha!". Từ đó thánh nữ hằng chuyên tâm suy niệm với Đức Mẹ và càng khóc nhiều hơn. Theo lời chị Thađê (Thadée) một bạn tâm sự của thánh nữ thì có nhiều lần Vêrônica khóc nhiều quá, đến nỗi quần áo ướt đầm đìa.
Nhưng ơn Chúa ban sẽ càng có hiệu lực, nếu kèm theo thiện chí của con người. Chân lý này nổi bật trong đời sống thánh nữ. Ngài nên gương cho chị em về đức vâng lời tuyệt đối, đặc biệt nhất là sự giữ luật phép dòng. Có lần ngài muốn xin bà Mẹ cho phép dậy sớm hơn các chị em để cầu nguyện, nhưng vì thấy ngài kém sức khoẻ nên bà Mẹ từ chối.
Bỗng hôm sau như để tán thưởng nhân đức vâng lời của thánh nữ, Chúa đã hiện ra nói: "Con Cha yêu dấu, Cha không thích vì con muốn dậy sớm nguyện ngắm, nhưng vì thấy con biết khiêm tốn vâng lời và bỏ ý riêng". Với đức vâng lời và lòng khiêm nhường, thánh nữ chỉ xin làm những việc nhỏ mọn trong nhà như chăn gà, nuôi lợn… và đó là kết quả đời sống hy sinh nhiệm nhặt của Ngài. Thánh nữ sung sướng khi được bà Mẹ cho ăn chay hay đánh tội thêm. Thường mùa chay thánh nữ chỉ dùng một mụn bánh khô với ly nước lạnh, có khi không ăn gì, nhất là ngày nào được phúc lĩnh nhận Thịt và Máu Chúa.
Để thưởng lòng khiêm tốn của thánh nữ ngay ở trần gian, một hôm Chúa hiện ra và truyền dậy ngài: "Con phải đi Rôma triều yết Đức Giáo Hoàng và nói với Ngài về Danh Thánh Cha ". Bấy giờ là đời Giáo Hoàng Alêxanđria VI. Người rất thánh thiện, nhưng vừa lên ngôi đã phải chịu nhiều thất bại và nhiều biến cố đau thương xẩy đến. Chúa đã sai thánh Vêrônica đến yên ủi Ngài. Nhờ cuộc đàm thoại này Đức Thánh Cha đã ban cho ngài và nhà dòng nhiều ơn riêng.
Thực ra chúng ta khó kể hết những thị kiến hay những lần thiên thần hiện ra với thánh nữ, nhất là trong những năm về cuối đời. Năm 1489, trong tuần lễ kính Mình Thánh Chúa, không lần nào thánh nữ vào nhà nguyện mà không thấy Chúa Kitô mặc áo dài trắng ngự giữa ca đoàn thiên quốc. Lại có đêm thánh nữ đang đọc kinh nhật khóa trong nhà nguyện thì bỗng nhiên tự trên bàn thờ một hào quang toả sáng, ngài trông thấy Chúa Giêsu mặt tái xanh như không còn chút máu. Suốt ba năm trước khi về trời, nhằm vào những ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu trong tuần, thánh nữ đều được diễm phúc nhận lấy Bánh Hằng Sống Chúa gửi đến qua tay sứ thần và trong những ngày ấy ngài không dùng thêm một của ăn nào nữa. Rồi theo lời thuật của chị Thađê thì rất nhiều lần chính Thiên Chúa hay sứ thần của Người hiện đến để cùng đọc hay cắt nghĩa kinh nhật khoá và thánh vịnh cho thánh nữ.
Dầu vậy, chúng ta đừng vội tưởng thánh nữ chỉ sống trên hoa, và không phải chống trả vối ba thù. Trái lại, thường tình những người càng được Chúa tỏ dấu yêu riêng thì càng phải chiến đấu mãnh liệt hơn cả. Thực vậy trong đời sống thánh nữ rất nhiều lần Chúa như thiu ngủ, để mặc cho ma quỉ hành hạ tôi tá của Người. Không mấy khi đi qua cầu thang đến nhà nguyện mà thánh nữ thoát trận đòn nhừ tử của ma quỉ. Lần khác bà Mẹ sai ngài hành khất ngoài phố, thì ngài bị chúng bịt mắt tống xuống một hố sâu. Các chị em và nhiều giáo dân phải tìm mãi mới gặp, ấy là chưa nói đến những cám dỗ về đức trinh khiết, và lòng kiêu ngạo mà thánh nữ hằng phải chống trả.
Nhưng cách bí nhiệm, Chúa vẫn giúp đỡ tôi tớ Người. Vì thế dù với trăm ngàn mưu chước, ma quỉ vẫn không lay chuyển nổi tâm hồn thánh nữ. Và với những chiến công rực rỡ, thánh nữ đã đáng Chúa gọi về hưởng phúc trên trời. Sau một thời gian bị bệnh nặng, thánh nữ xin chịu các phép sau cùng, và tắt nghỉ giữa lời kinh sốt sắng của chị em trong nhà dòng vào cuối năm 1497. Ngài thọ 53 tuổi và sống trong dòng đúng 30 năm. Năm 1549 thánh Vêrônica được Đức Giáo Hoàng Biển đức XIV tôn phong lên bậc hiển thánh.