Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 19/01/2016

Filled under:


TRÁNH THÓI NỆ LUẬT
“Ngày sa-bát được tạo ra cho con người chứ không phải con người cho ngày sa-bát.” (Mc 2,27)
Suy niệm: Luật ngày sa-bát là một ngòi nổ thường trực tiếp làm bùng lên những cuộc đụng độ giữa Đức Giê-su và những người Pha-ri-sêu. Và bao giờ cũng vậy, đối với thói nệ luật đến mức phi nhân và nô lệ hoá con người như thế, Đức Giê-su luôn chống lại. Luật phục vụ cho con người, chứ không ngược lại. Đây cũng là chuẩn mực tối hậu của luật Giáo Hội. Là một cơ chế lớn, Giáo Hội cần một bộ giáo luật khá ‘kềnh càng’; tuy nhiên, bộ giáo luật ấy được đúc kết ở điều cuối cùng (đ. 1752) như sau: “lex suprema, salus animarum” (luật tối thượng là phần rỗi các linh hồn). Đáng tiếc là trong thực tế, thói nệ luật xem ra vẫn còn vướng vất đâu đó, ít hay nhiều, nơi các ‘chủ chăn’ lẫn ‘con chiên’.
Mời Bạn: Nhìn ngắm thái độ của Đức Giê-su đối với luật. Ngài không ‘nổi loạn’ dẹp bỏ hết luật lệ; song Ngài cũng không đặt luật trên con người. Ngài trả luật về đúng vai trò và ý nghĩa của nó.
Chia sẻ: Nhân câu chuyện về ngày sa-bát, thử xét việc giữ luật ngày Chúa Nhật của chúng ta ngày nay: 1) Có phải việc bỏ Thánh Lễ Chúa Nhật trong mọi trường hợp đều là tội trọng không? 2) Một người thường xuyên ‘đi lễ’ Chúa Nhật, nhưng cũng thường ngồi ngoài sân tán gẫu, hút thuốc, nói chuyện trên điện thoại di động, v.v... thì có hoàn thành bổn phận giữ ngày Chúa Nhật không?
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn làm mọi việc bổn phận với tất cả tấm lòng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết làm các việc bổn phận một cách có chất lượng, bằng cách đặt cả tấm lòng mình vào đó. Và xin giải phóng con khỏi thói nệ luật, để có thể sống trong sự tự do của con cái Chúa.
THÁNH CANUTÔ
HOÀNG ĐẾ TỬ ĐẠO
(+1086)
Thánh Canutô là hoàng tử thứ tám của Hoàng đế Suênông II nước Đan Mạch, sinh quãng đầu thế kỷ XI.
Tuy xuất thân trong hoàng gia, nhưng thánh nhân ưa sống một cuộc đời khiêm tốn nghèo nàn. Ngài thương yêu kẻ nghèo khổ, giúp đỡ những người bệnh tật.
Thánh nhân thường cầu nguyện cho nhiều người trở lại theo đạo Chúa. Buổi niên thiếu, ngài rất chuyên cần học hành; đêm ngày mài kinh nấu sử để một ngày kia có thể kế nghiệp vua cha, điều khiển vận mệnh đế quốc.
Năm 1047 vua cha băng hà. Haran (Harald) là bào huynh ngài lên nối ngôi. Chẳng bao lâu sau Haran lại theo gót cha nên thánh nhân phải lên cầm quyền cai trị.
Lễ phong vương diễn ra trong một bầu không khí trang nghiêm và cảm động trước hàng mấy chục ngàn thần dân tham dự. Sau lễ phong vương, thánh nhân rời khỏi ngai vàng đến quỳ trước ảnh chuộc tội. Ngài ngả vương miện đầy vàng và ngọc thạch trên đầu xuống, rồi kính cẩn đặt dưới ảnh chuộc tội. Cặp mắt đẫm lệ ngài cung kính nói:
"Lạy Chúa, vì tội lỗi, con thấy con không xứng đáng đội triều thiên này. Vì thế, lạy Chúa, con xin đặt lại dưới chân Chúa là Hoàng đế đã bị đóng đanh".
Thánh Canutô là một ông vua thông minh, can đảm lại thiện chiến và giầu nhân đức. Khi mới lên điều khiển guồng máy hành chánh, thánh nhân ra lệnh chấn hưng đời sống luân lý, sửa đổi phong tục và những trò chơi làm hạ phẩm giá con người. Tính lãnh đạm và nhu nhược của Haran đã gây nên trong xã hội nhiều thói đồi phong bại tục: tửu sắc, ám sát, trộm cướp, ngoại tình, và dị đoan… Nhiều thánh đường bị bỏ hoang phế thành nơi hò hẹn của những cặp tình nhân và những phường trộm cướp. Thánh nhân bùi ngùi cảm động và đau đớn trước tình cảnh bi đát của xã hội.
Ngài ra sắc lệnh nghiêm phạt những tội lộng ngôn, phạm thánh, trộm cướp, tội bất kính đền thờ và các hàng giáo sĩ… v.v. Thánh nhân còn cải cách pháp luật; dùng mọi phương tiện để tăng số giáo sĩ, xây cất các thánh đường, toà Giám mục và thiết lập nhiều trường học. Ngài nhường quyền tài phán những người công giáo cho các giáo sĩ. Trong cuộc trùng tu nhà thờ chính toà Rôkinh (Roskild), ngài xứng đáng là một vị đại ân nhân. Tuy là vua, nhưng đối với Đức Giáo Hoàng là đấng thay mặt Chúa Giêsu, là người kế vị thánh Phêrô, là cha chung mọi giáo hữu, ngài rất mực tôn kính. Để tỏ lòng vâng phục uy quyền Giáo hội, khi lên ngai vàng, ngài đã sai sứ giả đến đặt dưới chân Đức Giáo Hoàng Grêgôriô VII một bức tâm thư bầy tỏ niềm tin yêu và vâng phục của một người con trung thành.
Ngài cũng dẫn quân đi chinh phục những quân nghịch tặc thường tàn phá làng mạc và cướp của dân chúng, khuất phục được họ rồi, thánh nhân cố gắng hướng dẫn họ sống theo đức tin công giáo. Nhờ ngài ánh sáng đức tin đã lan toả tới các miền như: Aolan (Outeland), Samôgitê và Livani.
Ngoài các công việc chấn hưng xã hội và giúp dân ngoại trở về phụng sự Chúa, vua Canutô thường sống đời chay tịnh và cầu nguyện lâu giờ như một tu sĩ. Ngài luôn nghĩ rằng lời cầu nguyện có giá trị hơn các việc hãm mình. Tuy thế đời sống ngài cũng đáng là một gương mẫu hãm mình đền tội. Trong bữa ăn, ngài nhường thức ăn cao lương mỹ vị cho người đồng bàn. Ngài chỉ ăn rau và uống nước lã. Thân xác ngài mỗi ngày thêm tiều tụy gầy còm. Các quan triều văn võ thường phàn nàn vì ngài là vua mà hãm mình có khi hơn cả các tu sĩ và các ẩn tu. Đời sống thánh thiện đó đã lôi cuốn được nhiều nhân vật trong hoàng cung theo gương ngài.
Vì thế vào quãng cuối đời thánh nhân, hoàng cung không khác gì một tu viện.
Năm 1066, Guliêmô và người Nômanđia hãnh diện tự cho họ có toàn quyền trên lãnh thổ nước Anh. Lúc đầu họ có công truyền bá Phúc âm làm cho những người thờ dị đoan trở lại. Nhưng chẳng bao lâu họ lộng quyền, cướp phá tài sản dân chúng. Nhiều người phải chạy đến lánh nạn và xin viện trợ nơi thánh nhân. Rộng lòng trắc ẩn, thánh nhân quyết định can thiệp giải phóng dân bản thổ thoát sự ức hiếp của đoàn người kiêu căng bất chính.
Năm 1085, Hoàng đế khởi quân ra nghênh chiến. Ngài phong cho bào đệ ngài là Ôláp (Olaf) làm đại tướng chỉ huy thuỷ quân tiến binh theo đường biển. Nhưng vì tham lam chức quyền, muốn làm vua nên Ôláp xui ba quân nổi dậy phản đối Hoàng đế vì nhiều luật pháp quá nghiêm ngặt. Đồng thời Ôláp ngấm ngầm tuyên truyền cho các sĩ quan và quân nhân đào ngũ, hoặc nổi dậy lật đổ ngai vàng. Hai ông đại diện miền Thôko (Thorskor) và Tôlanvipin (Tolanwipill) thấy dân túng thiếu mà lại sắp phải nộp thuế cho nhà vua nên cũng xúi dân nổi dậy phản đối Hoàng đế.
Dân chúng miền đó hưởng ứng lời kêu gọi ầm ầm kéo đến Lêvic (Slewig) nơi Hoàng đế ở để phản đối. Hoàng đế đành rút quân về miền Fiôníc (Fionic) rồi về Ôđanxi (Odensee). Sau một thời gian lưu trú ở Ôđanxi, Hoàng đế nhất định đem quân dẹp bọn phiến loạn. Nhưng nhiều võ tướng cũng như quân nhân của Hoàng đế sợ bọn phiến loạn nên đào ngũ. Đồng thời ngài được tin quân địch đang tấp nập tiến tới Ôđanxi để bắt sống Hoàng đế. Thánh nhân vẫn bình tĩnh và theo như thường lệ ngài đến nhà thờ thánh Anban (Alban) dự thánh lễ. Sau lễ, bá tước Êric khuyên ngài lẩn trốn. Thánh nhân trả lời: "Tôi không trốn, tôi thà bị bắt còn hơn bỏ những Đấng mà tôi mến yêu". Nhất thiết thánh nhân chỉ nghĩ đến vấn đề dọn mình chết. Ngài xưng tội rồi đến quỳ trước bàn thờ, rước Mình Thánh Chúa và xin Chúa tha tội cho quân thù đang ồn ào vây quanh nhà thờ.
Đoàn người khát máu cố gắng phá cửa đập tường để vào bắt sống thánh nhân. Nhưng vô hiệu quả, cửa nhà thờ vẫn bưng kín, những bức tường kiên cố vẫn đứng vững và thánh nhân vẫn giang tay quỳ cầu nguyện.
Một sĩ quan tên là Êvin Bipha (Egwind Bifra) lấy cớ xin gặp vua để cùng ngài ký kết hoà ước, ra lệnh mở cửa cho hắn vào. Êvin Bipha giả vờ cúi xuống chào thánh nhân nhưng đồng thời hắn rút giao găm đâm vào bụng thánh nhân. Bấy giờ quân thù thi nhau ném gạch vào thánh nhân. Ngài vẫn bình tĩnh cầu nguyện. Sau cùng, có một tên dữ tợn đã phóng một ngọn giáo trúng ngay giữa ngực, nên ngài trút linh hồn. Hôm đó là ngày 10 tháng 7 năm 1086.
Hoàng hậu định mai táng xác thánh nhân ở một địa điểm gần đấy. Nhưng bỗng nhiên có hào quang toả sáng bao phủ tử thi. Hoàng hậu hiểu thánh ý Chúa muốn gửi xác ngài trong nhà thờ này, nên làm quan tài rất quý và an táng thánh nhân trong thánh đường. Nhiều người đến viếng mộ thánh nhân đã được khỏi bệnh.
Êríc I lên kế vị ngài là một quân vương nhân đức đã đệ lên Toà thánh Rôma các văn kiện để xin phong thánh cho cố Hoàng đế.
Năm 1100 Đức Giáo Hoàng Pascal I ra sắc lệnh kính Hoàng đế Canutô như một vị thánh, vì đã lấy cái chết để bênh vực công lý và nghĩa vụ.