Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU - THÁNH MARlA, ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI (A)

Filled under:


Chủ tế: Anh chị em thân mến, Ngôi Hai nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria ngay khi thiên sứ truyền tin, và kể từ lúc ấy, Đức Trinh Nữ đã trở nên Mẹ Thiên Chúa. Trong niềm tri ân cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho Mẹ một đặc ân cao quý, chúng ta cùng tha thiết cầu xin:
1.   Hội Thánh luôn nhắc các Kitô hữu nhớ rằng đối với Đức Mẹ / lòng tôn sùng chân chính hệ tại việc nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa / lấy tình con thảo yêu mến / và noi gương các nhân đức của Mẹ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu biết tuân giữ cẩn thận lời giáo huấn của Hội Thánh.
2.   Hiện tại lòng tôn kính mến yêu Đức Mẹ bị khủng hoảng trầm trọng ở nhiều nơi / Người ta coi thường việc đạo đức kính Đức Mẹ như lần chuỗi chẳng hạn / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi Kitô hữu biết hết lòng mến yêu Đức Mẹ như Hội Thánh mong muốn.
3.   Trong lúc đó cũng có một tình trạng hoàn toàn trái ngược / là có nhiều Kitô hữu quá dễ tin vào những chuyện phù phiếm và đặt lòng tôn sùng trên một tình cảm chóng qua và vô bổ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu luôn ghi nhớ rằng lòng yêu mến Đức Mẹ thật sự phát sinh từ một đức tin chân chính.
4.   Ai thật lòng yêu mến Đức Mẹ sẽ cố gắng thực hiện những gì Mẹ đã dạy / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết bày tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ bằng những việc đạo đức mà Mẹ đã dạy / như siêng năng lần chuỗi Mân Côi / sám hối tội lỗi và nhất là canh tân đời sống của mình.

Chủ tế: Lạy Chúa, ước mơ tha thiết của mọi người trên thế giới hôm nay là được sống trong an bình và hạnh phúc. Vậy xin Chúa ban cho nhân loại được hưởng một nền hoà bình thật sự trong năm mới này, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria là Nữ Vương ban sự bình an. Chúng con cầu xin… 


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:04

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 31/12/2016

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gioan (Ga 1: 1-18)

1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.

Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,

và Ngôi Lời là Thiên Chúa.

2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.

3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,

và không có Người,

thì chẳng có gì được tạo thành.

Điều đã được tạo thành

4 ở nơi Người là sự sống,

và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.

5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,

và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.

6 Có một người được Thiên Chúa sai đến,

tên là Gio-an.

7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,

để mọi người nhờ ông mà tin.

8 Ông không phải là ánh sáng,

nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.

9 Ngôi Lời là ánh sáng thật,

ánh sáng đến thế gian

và chiếu soi mọi người.

10 Người ở giữa thế gian,

và thế gian đã nhờ Người mà có,

nhưng lại không nhận biết Người.

11 Người đã đến nhà mình,

nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.

12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,

thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.

13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,

cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,

hoặc do ước muốn của người đàn ông,

nhưng do bởi Thiên Chúa.

14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm

và cư ngụ giữa chúng ta.

Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,

vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,

là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
 
15 Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố:

"Đây là Đấng mà tôi đã nói:

Người đến sau tôi,

nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi."

16 Từ nguồn sung mãn của Người,

tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.

17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,

còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.

18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;

nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa

và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,

chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

SUY NIỆM 1

Vì thương nhân loại, Chúa Giêsu xuống thế làm người, nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa có từ đời đời. Nhờ Ngài mà “vạn vật được tạo thành”, và “từ nguồn sung mãn của Người mà chúng ta được nhận lãnh từ ơn này tới ơn khác”. Xin Chúa cho chúng con qua Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa, hiểu được phần nào tình Chúa yêu chúng con, mà sống cho xứng đáng là con Chúa, để nhờ ơn Chúa dồi dào trong chúng con, mà  mọi người cũng được ơn phúc Chúa.

Vì con người hữu hình, giới hạn, nên Chúa Giêsu đã mặc lấy thân xác hữu hình để loan báo cho chúng ta biết về thế giới cao siêu vô hình. Và Ngài cũng dùng những trung gian, để tỏ cho chúng ta biết về Ngài. Thánh Gioan và cả chúng ta hôm nay, cũng được mời gọi tham dự vào công trình cao cả này, là loan báo cho người khác biết Thiên  Chúa yêu thương họ, để họ tin mà được Cứu Độ.

Như dân Israel xưa, chúng ta cũng có nguy cơ không gặp và không đón nhận Chúa. “Người đến với nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”. Vì sao? Vì Chúa đến không mang hình hài, tư  thế như họ nghĩ. Hôm nay Chúa cũng đang bị chúng ta từ chối, vì Ngài đến với mỗi người chúng ta không như lòng ta mong đợi. Ngài đến qua hình dạng những người nghèo, thấp cổ bé miệng trong khi chúng ta lại mong Ngài đến trong giàu sang uy quyền. Ngài đến đòi chúng ta từ bỏ, trong khi chúng ta lại khát khao chiếm hữu. Ngài đến trong cảnh nghèo khó và chết trên thập tự, trong khi chúng ta lại ham mê giàu sang, vinh dự. Lạy Chúa, vì cách Chúa đến rất khác với cách chúng con mong đợi, nên chúng con đã nhiều lần khước từ khi Chúa đến với chúng con. Xin cho chúng con nhớ rằng không chấp nhận Chúa là chúng con tự loại mình ra khỏi vương quốc của Chúa. Vương quốc tình yêu và sự sống đời đời.

Như Chúa đã sai thánh Gioan, chúng ta cũng được Chúa sai đến, để làm chứng cho Ngài, để mọi người nhờ chúng ta mà tin vào Chúa để được cứu độ. Chúng ta có ý thức sứ mạng này không? Thánh Gioan đã dùng chính cuộc sống khổ hạnh, khiêm nhường, chết cho sự thật để làm  chứng về Chúa. Chúng ta dùng cách sống nào đây?

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp gia đình chúng con ý thức trách nhiệm làm chứng về Chúa cho những người chung quanh. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Suy niệm 2
Ông Soren Kierkegaard, một triết gia người Đan Mạch, kể chuyện sau.
Một vị vua bỗng dưng đem lòng thương cô thôn nữ nghèo.
Ông tin rằng mình có thể dùng quyền vua để cưới cô ấy làm vợ.
Nhưng ông lại sợ cô lấy ông chỉ vì nể phục chứ không yêu.
Như thế tương quan giữa hai người không được trọn vẹn.
Sau khi suy nghĩ, ông thấy chỉ có cách là thực sự từ bỏ ngai vàng,
trở thành một anh nông dân nghèo, và bày tỏ tình yêu mình cho cô.
Vị vua biết làm thế là liều lĩnh, vì ông có thể mất cả cô lẫn ngôi báu.
Cô có thể chê chàng nông dân, hay chê quyết định dại dột của vị vua.
Nhưng nhà vua vẫn dám liều, vì ông quá yêu cô thôn nữ,
và ông muốn đây là một mối tình thực sự.
Câu chuyện cảm động trên đây đưa ta vào chuyện tình
đã xảy ra giữa Ngôi Lời Thiên Chúa và nhân loại.
Ngôi Lời còn cao trọng hơn vị vua kia bội phần.
Ngài là Thiên Chúa Con Một, dựng nên vạn vật (cc. 3. 18).
Ngài là Đấng duy nhất thấy Thiên Chúa và ở trong lòng Thiên Chúa,
nên chỉ Ngài mới có thể bày tỏ Thiên Chúa cho nhân loại (c.18).
Ngài tràn đầy ân sủng và sự thật, sự sống và ánh sáng (cc. 3. 14).
Tất cả những điều ấy là quà tặng của Ngôi Lời cho con người.
Nhưng quà tặng lớn lao và bất ngờ nhất làm ta ngỡ ngàng, reo vui,
đó là biến cố Ngôi Lời trở nên người phàm và ở giữa chúng ta (c. 14).
Con Thiên Chúa trở nên con của loài người và mang tên Giêsu (c. 17).
Ngài mang khuôn mặt của ta, đứng chung một dòng tiến hóa với ta.
Ngài dựng lều trên trái đất, một hành tinh bé xíu nhưng tuyệt vời,
vì đã được ghi dấu chân Con Thiên Chúa.
Ông Luther viết: “Ngài đã ăn, uống, ngủ, thức;
Ngài đã cảm thấy chán nản, biết buồn, biết vui.
Ngài khóc, cười, đói, khát; Ngài đổ mồ hôi; Ngài vất vả, cầu nguyện,
đến nỗi giữa Ngài với ta không có dị biệt nào, tuyệt nhiên không,
ngoại trừ Ngài là Thiên Chúa và Ngài vô tội.”
Khác với vị vua không muốn làm vua nữa để thành nông dân,
Ngôi Lời khi thành người vẫn là Con Thiên Chúa dưới dạng tự hủy.
Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật.
Nếu Ngài chỉ là một con người hay một bậc vĩ nhân,
thì Ngài chỉ đáng ta kính trọng chứ không phụng thờ.
Nếu Ngài chỉ là một Thiên Chúa đội lốt người, chứ không là người thật,
thì Ngài không thể cứu độ và thần hóa con người.
Lễ Giáng sinh là lễ hội của mọi người trên mặt đất
vì Con Thiên Chúa đã muốn chia sẻ phận người của chúng ta.
Ngài đã đến với thế giới này như nhà của Ngài (cc. 9. 11).
Chỉ cần nhận biết, tin vào Ngài, đưa Ngài vào nhà (cc. 10-12)
là chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa.
Hơn hai ngàn năm đã trôi qua, Đức Giêsu vẫn đứng ngoài để chờ.
Có ai mở cửa cho Ngài không? (Kh 3, 20).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con của loài người,
con của trái đất, con của một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào thập giá.
Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,
một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu
sau những năm dài chiến tranh,
một quê hương đang mở ra trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.
Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó thật cụ thể
cho những đồng bào quanh chúng con.
Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và đôi tay.
Và ước gì chúng con biết khiêm tốn
cộng tác với muôn người thiện chí.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:49

45.000 người theo đạo Hindu tỏ lòng tôn kính Chúa Hài Nhi Giêsu ở Orissa

Filled under:

Vào lễ Giáng sinh, khoảng 45.000 người theo đạo Hindu đã vinh danh Chúa Giêsu Hài đồng tại Bhubaneshwar, thủ phủ Orissa, Ấn Độ.
India-Navity-scene.jpg

Đây là sự kiện lịch sử, nhất là khi Orissa là nơi xảy ra vụ bách hại khủng khiếp đối với các Kitô hữu hồi năm 2008.

Theo cha Prasanna Pradhan, linh mục ở nhà thờ chính tòa St. Vincent, thì người dân Orissa “có một ý thức tôn trọng và tôn kính sâu sắc đối với Chúa Giêsu, người xua tan bóng tối của sự bất hòa chia rẽ và thắt chặt mối dây liên kết người với người.”

Cha Pradhan tin rằng tin rằng chính do vụ bạo lực do những người theo đạo Hindu ở Orissa thực hiện trong mùa hè năm 2008, giết chết khoảng 100 người và phá hủy 300 nhà thờ Kitô giáo, mà “Kitô giáo là được biết đến nhiều hơn nơi những người khác tín ngưỡng.”

Đức Cha John Barwa, Tổng Giám Mục của Cuttack-Bhubaneshwar, đã cảm ơn chính quyền bang vì đã “bảo vệ cho các Kitô hữu, nhất là những người bị đàn áp tại Kandhamal“.

Đức giám mục nói thêm, “Giáng sinh nói về Chúa Kitô. Nói về cách Ngài hạ mình để cứu những người tội lỗi. Giáng sinh là Con Thiên Chúa làm người và sống trên trái đất này. Giáng sinh nói về những gì Chúa Giêsu đã thành toàn trên thập giá và chinh phục sự chết. Giáng sinh cho chúng ta biết làm thế nào một tội nhân có thể làm đẹp lòng Thiên Chúa. ”

Tại đây, ngày 25-12 cũng là một ngày dành riêng cho việc chăm sóc người nghèo và thiếu thốn. Dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ Têrêsa thành Calcutta lập, đã tổ chức một bữa ăn nóng cho hàng trăm người nghèo cơ cực.

(J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio Eng,
phanxico.vn 30.12.2016)

Năm 2016, 90 000 tín hữu kitô bị giết vì đức tin của mình

Trung Tâm nghiên cứu kitô giáo toàn thế giới ước lượng có 90 000 tín hữu kitô bị giết vì đức tin của mình trong năm 2016, cứ 6 phút có một tín hữu bị giết. Đài Vatican cho biết, bản tổng kết của năm 2016 không nặng bằng năm 2014.
christian.jpg
JOSEPH EID/AFP/Getty Images

Theo Trung tâm nghiên cứu Phúc Âm Gordon–Conwell có trụ sở ở bang Massachusetts (Nước Mỹ) thì bản tổng kết này lại ít nặng hơn bản tổng kết năm 2014, năm này có 105 000 tín hữu kitô bị giết.

Theo Trung tâm nghiên cứu Mỹ, trên tổng số 90 000 người chết thì 2/3 số này bị giết trong các cuộc xung đột bộ tộc ở Phi châu. Đa số trường hợp là các tín hữu kitô từ chối không cầm súng. Còn 1/3 còn lại là nạn nhân các vụ tấn công khủng bố, hủy hoại các làng mạc của tín hữu kitô hoặc do nhà nước bách hại, nhất là ở Bắc Hàn.

Ngoài các tín hữu kitô bị giết vì đức tin của mình, ước chừng có từ 500 đến 600 triệu tín hữu kitô trên 102 nước không được tự do giữ đạo.

(phanxico.n 29.12.2016/
cath.ch, Bernard Hallet, 2016-11-28)

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:42

SUY NIỆM LỄ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA - LM. GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

Filled under:


LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
1.Nội dung tín điều “Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa”
Thánh công đồng Êphêsô năm 431 công bố rằng: “Đức Maria thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa qua việc con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ. Đức Maria là mẹ Thiên Chúa không phải vì Ngôi Lời đã nhận thiên tính của Người từ người Mẹ, nhưng vì chính từ Mẹ mà Người đã nhận được thân xác thánh thiêng có linh hồn. Ngôi Lời đã liên kết với thân xác ấy ngay trong ngôi vị của mình. Vì thế chúng ta nói Ngôi Lời đã sinh ra làm người”.
Dân thành Êphêsô công khai bày tỏ niềm hân hoan trước kết quả này. Họ tổ chức rước đuốc mừng các nghị phụ công đồng. Từ đó, phần sau của kinh Kính Mừng đã hình thành: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”.
Đức Giáo Hoàng Piô X năm 1931 nhân ngày kỷ niệm 100 năm công đồng Êphêsô, chính thức lập lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, mừng kính trong toàn thể Giáo Hội ngày 19/10 hàng năm.
Đức  Phaolô VI cho mừng lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vào đầu năm dương lịch, ngày thế giới cầu cho hòa bình: “Khi canh tân Mùa Giáng Sinh, mọi người phải chú ý đến việc tái lập lễ Mẹ Thiên Chúa, vào ngày 01/01. Theo Phụng vụ Rôma, nhằm tôn kính Đức Maria góp phần vào mầu nhiệm cứu độ và tôn vinh địa vị đặc biệt, khiến cho “Mẹ rất thánh, đáng tiếp nhận nguồn sống cho chúng tôi”.
2.Suy niệm tín điều “Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa”
2.1.Suy niệm tín điều “Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa”
Nơi con người, bất cứ cái gì xảy ra trong phạm vi bản tính con người đều quy hướng về ngôi vị người (personne, personalité). Thí dụ : những tương quan kinh tế trong xã hội, những tương quan của tình bạn, những tương quan của đôi vợ chồng. Tương quan tình mẫu tử cũng vậy, mặc dầu bắt đầu trên phạm vi bản tính nhưng hoàn toàn quy hướng về ngôi vị và sự tự do của ngôi vị, lại còn ràng buộc các ngôi vị trong một tình yêu thiêng liêng bất diệt vì người mẹ :
- Nếu là mater corporis (mẹ của thân xác) thì chỉ do việc sinh sản thôi. Con vật cũng sinh con và làm mẹ con của nó. Bình thường thôi.
- Nếu là mater animae (mẹ tâm hồn), là mẹ do việc giáo dục. Thầy cô là cha mẹ tinh thần của học trò, nhưng không thể so với bà mẹ hiền được.
- Còn nếu là mater mei, mới là mẹ hiền của tôi vì đã sinh ra tôi, đã nuôi dưỡng dạy bảo tôi, đã thương mến tôi hơn cả mẹ tôi thương con người mẹ tôi. Đây mới thật là mẹ của toàn thể con người xét như là một chủ thể, một ngôi vị, một tình yêu. Đây là bậc mẹ hoàn hảo, cao nhất, nơi con vật không có.
Nơi Đức Maria, mater mei mà còn mater Dei vì Ngôi Vị mà Đức Mẹ cưu mang và sinh ra là Ngôi Hai Thiên Chúa. Như vậy, ta dễ thấy Đức Maria không những là mẹ nhân tính Đức Kitô Giêsu mà còn là Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa “secundum quod verbum incarnatum est” (xét về mặt Ngôi Hai Nhập Thể).
Đức Nữ Trinh Maria đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và thân xác, và đem sự sống đến cho thế gian. Ngài được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Đấng Cứu thế. Được cứu chuộc cách kỳ diệu hơn nhờ công nghiệp con Ngài và hiệp nhất mật thiết bền chặt với con. Đức Maria đã lãnh nhận sứ mệnh và vinh dự cao cả là được làm Mẹ Con Thiên Chúa, do đó làm ái nữ của Chúa Cha và cung thánh của Chúa Thánh Thần. Nhờ lãnh nhận ân sủng cao quý này, ngài trổi vượt mọi thụ tạo trên trời dưới đất. Nhưng đồng thời vì thuộc dòng dõi Ađam, ngài cũng liên kết với tất cả mọi người cần được cứu rỗi; hơn nữa “ngài là Mẹ thật các chi thể (của Đức Kitô)… vì đã cộng tác trong Đức Ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội là những chi thể của Đầu”. Vì thế, ngài cũng được chào kính như chi thể tối cao và độc nhất vô nhị cũng như mẫu mực và gương sống phi thường của Giáo Hội trên phương diện Đức Tin và Đức Ái. Và Giáo Hội Công Giáo được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên ngài tình con thảo như đối với một người mẹ rất yêu dấu (Lumen gentium, số 53, Bản dịch của Giáo Hoàng học viện).
2.2.Tình yêu của một người mẹ
2.2.Tình yêu của một người mẹ trần thế
Câu chuyện kể rằng: Người mẹ trẻ với khuôn mặt rạng ngời, chị đón lấy đứa trẻ từ tay vị bác sĩ. Thế nhưng, nụ cười bỗng tắt lịm khi nhìn thấy vành tai của đứa bé không như những đứa trẻ khác. Nhưng may mắn thay, đứa trẻ vẫn nghe được bình thường. Điều này có nghĩa cấu tạo tai trong của đứa trẻ vẫn phát triển tốt. Tuy nhiên, người mẹ vẫn không khỏi lo buồn về khiếm khuyết của con mình. Điều đó càng khiến người mẹ thêm xót xa và thấy mình có lỗi với con.
Ngược lại, đứa trẻ vẫn vô tư vui sống, không hay biết gì về khuyết tật của mình.Cho đến một ngày kia, cậu bé đi học về và ôm chầm lấy mẹ, rồi òa khóc: "Mẹ ơi ! Các bạn trêu chọc con, chúng nói con là thằng bị "cụt" tai!".
Những lời nói của con như một vết dao cứa vào con tim người mẹ. Ôm con vào lòng, người mẹ như ôm trọn cả nỗi đau đớn của mình. Rồi chỉ trong giây lát, cậu bé bỗng ngừng khóc.
Quay lại nhìn mẹ, cậu bé dõng dạc nói: "Con sẽ chứng minh với mọi người rằng con tuy khuyết tật về thân thể, nhưng con sẽ không khuyết tật về tâm hồn. Mẹ đừng khóc nữa, mẹ nhé!".
Rồi một ngày kia, cuộc đời cậu bé dường như được mở ra với một tia hy vọng mới. Các bác sĩ chuyên khoa khẳng định cậu có thể được ghép tai, chỉ cần có ai đó đồng ý hiến tai cho cậu. Thế là cha mẹ cậu bé lao vào cuộc tìm kiếm người có thể hiến tai cho đứa con. Họ đã làm mọi phương cách có thể: thông báo trên truyền hình, truyền thanh, báo chí, qua những người quen, bè bạn xa gần. Nhưng tuyệt nhiên không nhận được bất cứ sự hồi âm nào. Mọi chuyện tưởng như rơi vào vô vọng, bỗng một ngày nọ, người cha trở về nhà với gương mặt đầy phấn khởi và thông báo rằng: "Ba đã tìm được người tự nguyện hiến tai cho con".
Cuộc phẫu thuật thành công tốt đẹp, cậu bé được ghép một đôi tai mềm mại, hoàn hảo. Thế nhưng, cậu bé không sao tìm ra được người đã hiến tặng tai cho mình. Người ta bảo rằng người đó muốn được thầm lặng giúp đỡ nên quyết không tiết lộ danh tánh.
Thế rồi cậu bé lớn lên và trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng. Thế nhưng, chàng vẫn luôn trăn trở về việc vẫn chưa thể đền đáp người đã hiến tặng đôi tai cho mình. Rồi một ngày nọ, chàng trai được tin mẹ của mình ốm nặng. Đáp chuyến bay sớm nhất về nhà, anh lao đến bệnh viện với mẹ. Nhìn mẹ thoi thóp những hơi thở cuối cùng trên giường bệnh, chàng trai cúi xuống ôm mẹ nức nở khóc.
Anh hôn lên đôi bàn tay gầy guộc bao năm tảo tần nuôi mình khôn lớn.
Anh hôn lên vầng trán hằn lên những nếp nhăn của mẹ, rồi nhẹ nhàng vuốt lên mái tóc bạc trắng của mẹ. Bỗng anh bàng hoàng nhận ra: mẹ anh đã không còn đôi tai nữa.
Giờ thì anh đã hiểu vì sao bao năm nay, mẹ lại luôn tìm cách xa lánh anh. Anh cũng nhận ra sự thật là đã rất nhiều năm rồi, mẹ không hề cắt tóc, rất ít khi ra khỏi nhà và không mấy khi giao tiếp với những người xung quanh.
Rưng rức khóc, chàng trai quỳ xuống bên mẹ, ôm lấy thân hình nhỏ bé của mẹ. Anh hôn lên má, lên trán người mẹ những cái hôn đầy yêu thương và nói: "Mẹ ơi! Mẹ chẳng những đã cho con sự sống mà còn cho con cả cuộc đời của mẹ. Con cảm ơn Mẹ!
2.2.2. Tình yêu của Đức Maria, người Mẹ của Thiên Chúa
Tình yêu của Đức Maria, người Mẹ của Thiên Chúa qua sự kiện Đức Thánh Giáo Hòang Gioan Phaolô II bị ám sát:
Vào chính ngày 13.5.1981, ngày của Đức Mẹ Fatima, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị Tông đồ vĩ đại của lòng tôn sùng Mẹ Maria, bị tên khủng bố Hồi Giáo Mehmet Ali Agca, người Thổ Nhĩ Kỳ, ám sát trên chính quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma trong một buổi tiếp kiến chung. Tên khủng bố chỉ đứng cách Đức Gioan Phaolô II khoảng 4 thước nên tất cả bốn viên đạn thoát ra khỏi lòng khẩu súng lục của y đều trúng đích. Nhưng nhờ có «bàn tay hiền mẫu của Mẹ Maria» chở che, đã lái hướng bay của các viên đạn định mệnh kia, nên không có một viên nạn nào trúng vào chỗ hiểm trên người Đức Thánh Cha. Do đó, ngài chỉ bị trọng thương, chứ không bị tử thương. Qua sự kiện lạ lùng đó, Đức Gioan Phaolô II hoàn toàn thâm tín rằng việc ngài thoát khỏi một cái chết hầu như không thể tránh khỏi như thế là một phép lạ của Đức Mẹ Fatima, nên một năm sau cuộc ám sát, năm 1982, ngài đã đích thân đi hành hương Fatima để tạ ơn Đức Mẹ và để dâng hiến cả thế giới cho Đức Mẹ.
Và ngày 25.03.1984, ngày Lễ Truyền Tin, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lại một lần nữa dâng hiến cả thế giới cho Mẹ Maria một cách trọng thể tại Roma. Và ngài cũng yêu cầu tất cả các Giám Mục trên khắp thế giới hãy thực hiện như thế.
3. Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới
Hôm nay là ngày đầu năm dương lịch. Ngày Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã chọn làm ngày hòa bình thế giới. Hòa bình hay nói cách khác sự an bình Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại qua lời tung hô của các thiên thần trong đêm Chúa Giáng Sinh:" Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương ". Sự an bình này quả thực rất cần thiết bởi vì không có hòa bình trong tâm hồn, con người không thể nào có thể có hòa bình đối với người khác. Chúa Giêsu đến trần gian để ban bình an cho nhân loại: " Ta để lại bình an cho các con. Ta ban bình an của Ta cho các con ". Chúa đến ở giữa nhân loại, ở giữa chúng ta: " Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta ". Mẹ Maria đã sinh Đấng Cứu Thế để Ngài ban hòa bình cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta. Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình vì thế Hòa Bình của con người và Hòa Bình trên thế giới nằm trong tay của Người. Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại, trao tặng cho mỗi người chúng ta món quà vô giá là Con yêu dấu của Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô. Ơn cứu độ chan chứa nơi con yêu quí của Mẹ là Đức Kitô. Do đó, con người, loài người chỉ có thể có sự an bình được nếu mỗi người chúng ta biết làm mới con người, làm mới cuộc đời của mình để đón nhận sự an bình Thiên Chúa trao tặng qua Con Một Yêu Dấu của Người là Đức Giêsu Kitô. 
Chúng ta hãy ngước nhìn lên Mẹ, Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình, chiêm ngắm Mẹ, noi gương bắt chước Mẹ vì Mẹ sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta để chúng ta được sự an bình của Con Mẹ, sự bình an mà các thiên thần đã hát vang trên không trung năm xưa. 
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin Mẹ cầu cùng Chúa cho chúng con để chúng con luôn có sự an bình trong tâm hồn chúng con và luôn biết chiếu tỏa sự an bình cho mọi người đặc biệt năm mới 2017 này. Amen.

B.NĂM THÁNH KỶ NIỆM 100 NĂM ĐỨC MẸ FATIMA
1.LÃNH ƠN TÒAN XÁ TRONG NĂM THÁNH KỶ NIỆM 100 NĂM ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI FATIMA
Quý Bạn đọc thân mến, quý vị nào đã lỡ bỏ mất cơ hội lãnh Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót đã qua, xin đừng buồn, vì vẫn còn có cơ hội lãnh ơn đại toàn xá mỗi ngày 1 lần trong Năm Thánh Kỷ Niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại làng Fatima, Bồ Đào Nha. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban Ơn Toàn Xá trong dịp này, được tính bắt đầu kể từ ngày Chúa Nhật Thứ I Mùa vọng 27/11/2016 đến hết ngày 26/11/2017.
Tin Fatima, Portugal, ngày 1 Tháng 12, 2016. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định ban Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh Kỷ Niệm 100 Năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Bồ Đào Nha  (Portugal 1917-2017).  Ơn Toàn Xá bắt đầu được tính từ ngày  (Chúa Nhật Thứ I Mùa Vọng) 27 Tháng 11, 2016, và sẽ kết thúc vào ngày 26 Tháng 11, 2017.
Giám đốc đền Thánh Fatima, André Pereira đã giải thích với hãng tin CNA là, các giáo hữu có thể lãnh Ơn Toàn Xá (mỗi ngày) trong suốt Năm Thánh Kỷ Niệm 100 năm Đức Mẹ Fatima. Theo bản văn chi tiết được đăng trên trang điện tin của đền thánh cho biết:

Có ba cách lãnh Ơn Toàn Xá như sau:

1. Hành Hương tới Đền Thánh
Cách lãnh ơn Toàn Xá thứ nhất là, “các tín hữu giáo dân phải hành hương tới Đền Thánh Fatima ở Bồ Đào Nha (Portugal) và tham dự một thánh lễ hoặc một buổi cầu kinh dâng kính Đức Trinh Nữ”.  Ngoài ra, các giáo hữu phải đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính, và cầu xin với Thánh Mẫu Chúa.
2. Cầu nguyện trước bất cứ Thánh tượng Đức Bà Fatima nào
Cách lãnh ơn Toàn Xá thứ hai áp dụng cho "những tín hữu giáo dân sùng đạo đến tôn kính thánh tượng Đức Mẹ Fatima được đặt nơi công khai cho giáo dân tôn kính trọng thể trong bất cứ nhà thờ nào, tại đền thánh hay tại nơi xứng hợp vào những ngày lễ kỷ niệm hiện ra, ngày 13 mỗi Tháng từ tháng Năm cho tới Tháng Mười (2017), và sốt sắng tham dự ít ra một số thánh lễ hay vài buổi cầu nguyện để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria ."
Vị giám đốc Đền Thánh Fatima cho biết, về cách thứ hai viếng Thánh Tượng Đức Trinh Nữ, "không nhất thiết phải kính viếng tại Fatima duy chỉ có ở Portugal", nhưng có thể viếng tượng Mẹ Fatima bất cứ nơi nào trên thế giới.
Những ai muốn lãnh Ơn Toàn Xá cũng phải nguyện một Kinh Lạy Cha, một Kinh Tin Kính và cầu xin cùng Đức Mẹ Fatima.
(điều kiện này thực đơn giản, và tiện lợi, quý vị cứ thấy nhà thờ, công viên, thánh đài, nguyện đường hay buổi rước kiệu nào ... có tượng Mẹ Fatima thì vô viếng liền.  Còn ai có người thân đau bệnh già yếu, cứ thỉnh tượng Mẹ Fatima về để ngay đầu giường, hay treo lên tường ngay trước mắt cho họ, để họ dễ bề hiệp thông cùng Giáo Hội cầu nguyện lãnh ơn xá. )
3. Người già cả và đau yếu
Cách lãnh ơn Toàn Xá thứ ba áp dụng cho những người già cả, vì tuổi tác, đau bệnh hoặc vì những lý do nghiêm trọng khác, không thể tham dự cùng.
Những cá biệt này có thể cầu nguyện trước Tượng Đức Mẹ Fatima và họ phải có ý hiệp thông cùng với các ngày lễ kỷ niệm hiện ra trong năm thánh, vào ngày 13 mỗi tháng, từ tháng Năm cho tới Tháng Mười 2017.
Họ cũng phải "dâng lên Chúa từ bi với sự quyết tâm, cậy nhờ Đức Maria, dâng lên những kinh nguyện và đau khổ của họ hoặc những hy sinh họ chịu đựng trong cuộc sống.
Để lãnh ơn toàn xá, các tín hữu giáo dân cũng phải hoàn tất các điều kiện thông thường đòi buộc như: đi Xưng Tội (trong vòng 1 tuần), Rước Lễ, chừa bỏ và tránh lánh khỏi dính bén tội lỗi, và cầu nguyện theo Ý Đức Giáo Hoàng (nguyện 1 Kinh Lạy Cha, 1 Kinh Tin Kính).
Xin lưu ý thêm: Ai không đủ điều kiện thì cũng được ơn tiểu xá. Những ai muốn lãnh ơn xá phải sống trong tình trạng thánh sủng, không mắc tội trọng.  Ơn Toàn Xá tha hết tội trọng và tội nhẹ (tha tội tha vạ), ơn tiểu xá chỉ tha một phần phạt tạm, ơn xá có thể nhượng lại hoặc có ý xin chỉ cho các đẳng linh hồn luyện ngục.
Ngoài những Năm Thánh được Đức Giáo Hoàng ban riêng, quý vị còn có thể được lãnh ơn toàn xá mỗi ngày 1 lần, và quanh năm có 365 ngày để xin nhượng lại ơn đại xá cho các đẳng luyện ngục.

2.Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến Fatima dịp 100 năm hiện ra

Năm 2017 tới đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ có mặt tại Fatima vào dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại nơi đây cho ba trẻ mục đồng vào ngày 13 tháng Năm 1917 trong bối cảnh toàn thế giới bị đảo lộn bởi cuộc đệ nhất thế chiến, hãng tin Zenit trích ngồn tin của Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha cho hay: Đức Giáo Hoàng sẽ đến Fatima dịp 100 năm hiện ra.

Theo Đức Hồng Y Manuel Clemente, Thượng Phụ Lisbonne, Đức Thánh Cha chỉ giới hạn chuyến tông du lần này tại Fatima mà không viếng thăm bất cứ một thành phố nào khác của Bồ Đào Nha.
 Vào dịp tháng Tư năm ngoái, Đức Thánh Cha đã bày tỏ nguyện vọng hành hương Fatima vào dịp trọng đại này khi chia sẻ với vị giám mục sở tại rằng : « Nếu Thiên Chúa còn cho tôi sống và khỏe mạnh, tôi ước ao được đến địa danh Đức Mẹ hiện ra ».
 Ngay sau hai tháng được bầu làm Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã dâng triều đại của mình cho Đức Mẹ Fatima.
 Tưởng cũng nhắc lại, đây là vị Giáo hoàng thứ tư đặt chân tới địa điểm hành hương Fatima : đầu tiên là Đức Phaolô VI vào ngày 13/05/1967 dịp kỷ niệm 50 năm hiện ra ; Đức Gioan Phaolô II với 3 lần vào năm 1982 để tạ ơn Đức Mẹ che chở khỏi cuộc ám sát, 1991 và năm 2000 dịp Năm thánh bước sang Thiên Niên kỷ mới ; và Đức Bênêđictô XVI vào tháng Năm 2010.

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:34

5 Phút cho Lời Chúa ngày 31/12/2016

Filled under:

CHÚNG TÔI ĐÃ THẤY NGÀI
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng tôi.” (Ga 1,14)
Suy niệm: Tin Mừng của thánh Gio-an được gọi là Tin Mừng của mắt phượng hoàng. Người ta tin rằng phượng hoàng là sinh vật duy nhất có thể nhìn thẳng vào mặt trời mà không bị chói mắt. Gio-an cũng nhìn thẳng vào những mầu nhiệm và sự thật muôn đời của Thiên Chúa, được bày tỏ qua Đức Giê-su Ki-tô, Đấng là Ngôi Lời Thiên Chúa, đã mặc lấy xác phàm, cư ngụ giữa con người. Gio-an mạnh dạn làm chứng rằng mình đã ở với Ngài, đụng chạm đến Ngài, tận mắt nhìn thấy những dấu lạ Ngài làm cho thấy chân tướng Thiên Chúa của Ngài. Ông mở đầu Tin Mừng bằng cách giới thiệu Ngài là sự sống, ánh sáng, ân sủng và sự thật; rồi sẽ khéo léo triển khai những đặc tính ấy trong suốt sách Tin Mừng của mình.  
Mời Bạn: “Lời, dĩ nhiên, là thứ thuốc mạnh nhất được con người sử dụng” (nhà văn R. Kipling). Thánh Gio-an đã dùng lời trong Tin Mừng để làm chứng Đức Giê-su là Thiên Chúa làm người. Noi gương thánh nhân, bạn cũng có thể dùng lời của mình để giới thiệu Ngài cho người đương thời. Giới thiệu bằng lời nói xác tín về Ngài, đi kèm với lời được diễn đạt bằng đời sống tốt đẹp, yêu thương và chia sẻ của bạn.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ không ngại ngùng trình bày Đức Giê-su, Tin Mừng của Ngài, cho một người bạn, hay cho một người thân chưa biết Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu không ngại thương tích, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào ngoài việc chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.

THÁNH SILVÊTÊ I GIÁO HOÀNG
Thánh Silvêtê được liệt vào số các vị thánh Giáo Hoàng và quý danh ngài được ghi vào kinh cầu các thánh. Sở dĩ ngài được vinh dự như thế là nhờ có đời sống cá nhân thánh thiện và lại có công cải tổ phụng vụ Kitô giáo. Hơn nữa trong triều đại Giáo Hoàng của ngài có nhiều biến cố lớn đánh dấu một bước tiến vượt mức của Giáo hội Công giáo. Trong số đó có hai biến cố quan trọng nhất là việc tổ chức công đồng chung đầu tiên của Giáo hội Công giáo tại Nicêa và biến cố thứ hai không kém quan trọng là vua Constantinô trở lại và do đó Giáo hội được hòa bình.
Thánh Silvêtê sinh vào quãng năm 270 tại Rôma. Từ buổi thơ ấu ngài đã được một vị linh mục thánh thiện hướng dẫn, nên trong thời niên thiếu cũng như sau này trên ngai Giáo Hoàng, ngài chiếu giãi nhiều nhân đức cao đẹp. Năm 30 tuổi ngài thụ phong linh mục do chính tay vị Giáo Hoàng Mácxellinộ Được hồng ân đó cha Silvêtê cũng cố gắng sống thánh thiện xứng đáng tước vị cao cả. Ngài sống một đời sống linh mục gương mẫu, nhiệt thành và bác ái. Với tính tình hòa nhã, dễ thông cảm, cha Silvêtê gặt được nhiều kết quả trong công cuộc tông đồ, được mọi người quý mến.
Khi thánh Giáo Hoàng Menkiát băng hà, toàn thể giáo dân cũng như giáo sĩ đồng thanh chọn ngài kế vị. Với lòng khiêm nhường, ngài từ chối. Nhưng sau hiểu biết thánh ý Chúa ngài lĩnh nhận trách vụ nặng nề. Ngài lên ngôi giữa lúc Giáo hội bị nghiêng ngả vì những cuộc bách hại liên tiếp. Vì cơn khủng bố quá gắt gao, buộc lòng ngài phải trốn khỏi đền Giáo Hoàng đến ẩn tại núi Soractê cách Rôma độ bảy dậm để lánh nạn.
May thay cuộc bắt bớ tuy dữ dằn nhưng không kéo dài, và sau khi vua Constantinô trở lại, đạo Công giáo được tự do, Giáo hội sau bao năm sống trong thầm lặng lại trở ra hoạt động hăng hái hơn bao giờ dưới vị lãnh tụ anh minh là Đức Silvêtê. Các thánh đường mọc lên như nấm rải rác khắp thành Rôma. Trong số đó ta phải kể đại giáo đường Latêranô, đại giáo đường thánh Phêrô, đại giáo đường thánh Phaolô ngoại thành.
Thời gian này là thời gian thuận tiện để Đức Giáo Hoàng Silvêtê đem hết tài đức ra phụng sự Giáo hội. Ngài nỗ lực hoạt động mạnh mẽ để tổ chức Giáo hội cho có qui củ. Ngài tu sửa lại các luật lệ, cải tân phụng vụ và trang hoàng bàn thờ bằng những đồ thờ phượng quí báu. Ngài có công rất lớn trong việc đặt nền móng cho lâu đài phụng vụ Kitô giáo sau này bằng cách ban nhiều sắc lệnh và cách thức cử hành phụng vụ. Ngài cải tổ và hợp thức hóa các nghi thức cử hành phụng vụ trong các hầm mộ thời bắt đạo.
Một việc vĩ đại hơn hết mà Đức Giáo Hoàng Silvêtê đã làm là triệu tập công đồng chung đầu tiên cho toàn thể Giáo hội theo lời yêu cầu của vua Constantinô. Công đồng họp tại Nicêa năm 325, với sự hiện diện của 318 vị Giám mục. Vì tuổi cao, sức yếu ngài không chủ tọa công đồng được, ngài cử một phái đoàn thay mặt tới chủ tọa công đồng gồm Đức cha Ôsiô, Giám mục thành Cođuba và hai linh mục Vitê và Vinhsơn. Công đồng đề cập tới ba vấn đề trọng đại nhưng mức độ trọng đại không bằng nhau. Vấn đề thứ nhất là kết án bè rối Ariô, một lạc giáo chủ trương Chúa Giêsu không có Thần tính, không đồng bản tính với Chúa Cha. Trong công đồng này có thánh Athanasiô và Ariô, thánh Athanasiô đã chủ trương ngược lại với Ariô và đem ra đủ lý lẽ để bài bác lập luận sai lầm của Ariô. Thánh nhân đã lôi kéo được tất cả công đồng theo chủ trương của ngài. Công đồng đồng thanh chấp nhận tín điều Chúa Giêsu có cùng một bản tính với Thiên Chúa Cha. Công đồng Nicêa đã định nhiều tín điều khác lập thành một bản tuyên xưng đức tin duy nhất cho toàn thể Giáo hội. Bản tuyên xưng đó là bản kinh Tin kính (Credo) mà các linh mục đọc trong lễ trọng và trong lễ Chúa nhật trừ một đoạn về Chúa Thánh Thần mới thêm vào năm 381.
Vấn đề thứ hai được bàn định là vấn đề kết án lạc thuyết Mêlêxiô chủ trương.
Vấn đề thứ ba là vấn đề thống nhất ngày lễ Phục sinh cho toàn thể Giáo hội.
Chúng ta có thể nói Công đồng chung Nicêa là công đồng quan trọng nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo. Đó là một việc làm đặc sắc nhất và vinh dự nhất trong triều đại Giáo Hoàng Silvêtê và nhờ đó ngài đã làm cho Giáo hội vẻ vang tiến mạnh.
Sau 21 năm giữ ngôi Giáo hoàng, điều khiển Hội thánh ngày 21 tháng 12 năm 335, Đức Silvêtê ngã bệnh và băng hà, để lại cho toàn thể Giáo hội lúc đó một niềm mến thương vô biên. Xác ngài được an táng tại nhà thờ ở Rôma dâng kính ngài và thánh Máctinô.
Với ý nguyện của ngày lễ kính thánh Giáo Hoàng Silvêtê hôm nay, chúng ta hãy nguyện xin Chúa là mục tử đời đời, thương xem đoàn chiên Chúa, và nhờ sự cầu bầu của thánh Silvêtê, đấng Chúa đã đặt lên hướng dẫn Giáo hội, xin Chúa giữ gìn Giáo hội khỏi mọi lầm lẫn nghịch với đức tin.

Lẽ Sống

Ngày xưa có một ông vua, tuổi đã quá ngũ tuần mà vẫn chưa xem được một quyển sách nàọ Bộ sách mà ông thèm khát được đọc nhất là bộ "Lịch sử loài người". Nhưng khốn nỗi, cuộc đời của ông, từ mái đầu xanh cho đến tóc điểm bạc, không lúc nào được rảnh rang. Ðời ông luôn luôn sống trên lưng ngựa, nằm sương, gối tuyết trên bãi chiến trường. Nay chinh phục nước này, mai ngăn chặn nước kia xâm lăng. Mắt ông chỉ thấy có gươm giáo và máu lửạ Ông rất ân hận vì chưa đọc được một trang sách của thánh hiền... Nay nước nhà đã hòa bình, ông muốn dành thời giờ còn lại để đọc cho kỳ được bộ lịch sử loài người, để xem con người xưa nay sống để làm gì? Nhưng tuổi ông đã cao, mà bộ sách lại quá dày. Biết sức mình không thể đọc hết bộ sách, cho nên nhà vua mới ra lệnh cho viên sử thần làm hộ cho mình công việc ấy. Với sự giúp đỡ của một ban gồm 50 người, viên sử thần mới bắt tay ngày đêm miệt mài đọc sách.
Sau 10 năm cắm cúi đọc sách, viên sử thần đã có thể tóm tắt bộ lịch sử loài người thành 10 quyển sách, và cho mang vào trình lên nhà vuạ Nhưng vừa nhìn thấy 10 quyển sách và đo lường tuổi tác của mình, nhà vua lại cảm thấy không đủ sức để đọc hết bộ sách đã được rút ngắn. Nhà vua mới đề nghị cho ủy ban làm việc thêm một thời gian nữạ Sau 5 năm làm việc thêm, ủy ban đã có thể tóm lược lịch sử loài người thành 5 quyển. Nhưng khi ủy ban mang 5 quyển sách vào ra mắt nhà vua, thì cũng chính là lúc nhà vua đang hấp hối trên giường bệnh. Biết mình không thể đọc được dù một trang, nhà vua mới thều thào nói với viên trưởng ban tu sử hãy tóm tắt bộ lịch sử loài người thành một câu mà thôị Vị trưởng ban tu sử mới tâu với nhà vua như sau: "Hạ thần xin vâng mạng. Lịch sử loài người từ khai thiên lập địa đến giờ là: loài người sinh ra để khổ rồi chết". Nhà vua gật đầụ Ðôi môi khô héo của nhà vua bỗng nở nụ cười mãn nguyện... rồi tắt thở. Và giữa lúc ấy, vị trưởng ban tu sử cũng nấc lên mấy tiếng rồi trút hơi thở cuối cùng.
Hôm nay là ngày cuối năm. Nhìn lại một năm qua với không biết bao đói khổ, chiến tranh, chết chóc cho nhân loại cũng như cho chính bản thân, có lẽ cũng có nhiều người đi đến kết luận bi quan như viên trưởng ban tu sử trong câu chuyện trên đây: "Loài người sinh ra để khổ rồi chết".
Ði qua một đoạn đường trong cuộc lữ hành trần gian, Giáo Hội muốn chúng ta mặc lấy thái độ hân hoan và lạc quan. Bài ca trên môi miệng của chúng ta trong ngày hôm nay không phải là bài ca bi ai, tả oán, mà phải là bài ca "Te Deum", ngợi khen Chúa, cảm tạ Chúạ Ngợi khen Chúa, cảm tạ Chúa bởi vì vinh quang của Ngài là con người được sống. Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải của người chết.
Không chối bỏ thực tại của khổ đau, chết chóc, nhưng chúng ta luôn được mời gọi để không nhìn vào đó như tiếng nói cuối cùng, như ngõ cụt. Bởi vì vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống, cho nên hướng đi của lịch sử loài người không phải là ngõ cụt của sự chết, mà là Sự Sống. Bên kia khổ đau, chết chóc, cuộc sống vẫn còn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.
Còn tâm tình nào xứng hợp trong ngày cuối năm cho bằng cảm tạ và phó thác. Cảm tạ và phó thác cho Chúa bởi vì Ngài vẫn luôn là Thiên Chúa của Tình Yêu, Thiên Chúa của Sự Sống. Cảm tạ và phó thác cho Chúa bởi vì Ngài là Ðường, là Sự Thật và là Lẽ Sống của chúng tạ Cảm tạ và phó thác cho Chúa vì cuộc sống này vẫn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:26

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

TÓM TẮT TIỂU SỬ HÌNH THÀNH GIÁO XỨ SƠN LỘC

Filled under:


Kính thưa quý Đức cha, quý cha cùng toàn thể quý khách.

Giáo xứ Sơn Lộc chúng con được hình thành qua việc: có nhiều bà con của nhiều giáo xứ gốc Hưng Hóa di cư và lập nghiệp ở vùng đất xưa kia là rừng cây cao su.
Cuối năm 1954 được Cha Phêrô Nguyễn Chính Thiết hướng dẫn, bà con giáo dân các Giáo xứ Vĩnh Lộc, Bách Lộc và nhiều giáo xứ khác, thuộc Giáo phận Hưng Hóa đã quy tụ lập nghiệp về nơi đây. Khi mới thành lập được gọi là trại định cư Tân Thông, trực thuộc Giáo phận Sài Gòn, dưới sự coi sóc của Đức Giám mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền. Tổng số giáo dân lúc đầu khoảng trên 3.000 người. Cha Phêrô Nguyễn Chính Thiết là người có công trong việc định cư, nhà thờ đầu tiên với mái tôn, vách đất, cột gỗ được xây dựng với sự chung sức của mọi người.

Những năm 1960-1965, tên gọi Giáo xứ Tân Thông không còn thích hợp do đơn vị hành chánh thay đổi, nên trong cuộc họp của Ban Hội đồng giáo xứ đã quyết định đổi lại tên: Giáo xứ Sơn Lộc. Giáo xứ Sơn Lộc là tên ghép của hai từ Sơn Tây và Bách Lộc. Cũng trong thời gian này, tình hình chiến sự có nhiều khó khăn cho cuộc sống, nên có nhiều người đi tìm vùng đất mới để lập nghiệp. Đến năm 1970, theo sổ nhân danh chỉ còn khoảng 500 người.
Sau năm 1975 “Gia đình đoàn tụ”, đó là mong muốn của nhiều gia đình. Trong  hai năm đầu, đã có hàng trăm người trở về. Càng về sau số người định cư tù mọi vùng đất nước càng tăng và hiện nay Giáo xứ Sơn Lộc chúng con đã có khoảng 3000 nhân danh.

 Hơn 60 năm qua, Giáo xứ đã được chăm sóc qua nhiều vị chủ chăn, trong đó có 4 cha gốc Giáo phận Hưng Hóa:

·         Năm 1954: Cha Phero Nguyễn Chính Thiết.
·         Năm 1956: Cha Giuse Đỗ Đức Hạnh.
·         Năm 1957: Cha Phêrô Dư Tác Thiện.
·         Năm 1960: Cha Phêrô Đinh Công Trình.

Năm 1965 Giáo phận Phú Cường được thành lập và chúng con được các cha Phú Cường chăm sóc:

·         Năm 1969: Cha Augustinô Hà Minh Nghĩa.
·         Năm 1972: Cha Gioan Hoàng Minh Toản.
·         Năm 1973: Cha Giuse Nguyễn Hữu Huân, 20 năm dài ngài đã góp nhiều công trong việc xây dựng Giáo xứ.
·         Năm 1993: Cha Giuse Hoàng Trung Đoàn.
·         Năm 1998: Cha Simon Nguyễn Văn Thu về phụ trách Giáo xứ cho đến nay.

Kính thưa quý Đức cha, quý cha cùng quý khách.
Ngay tên gọi Giáo xứ Sơn Lộc cũng đã rất Hưng Hóa rồi, bởi chúng con có Nhà thờ Chánh Tòa Sơn Lộc, cùng nhận Đức Maria Vô Nhiễm làm bổn mạng, chúng con vẫn thường nói với nhau như thế.

 Đây là lần đầu tiên chúng con được Giáo phận  chọn tổ chức họp mặt, để cùng với quý đồng hương của các giáo xứ khác có điều kiện gặp gỡ, chia sẻ những gì đã được Thiên Chúa ban thưởng. Chúng con thật vui mừng và hạnh phúc khi được quý Đưc cha, quý cha về tham dự buổi họp mặt này.

Với 3000 nhân danh, trong đó có khoảng 70 % là gốc Hưng Hóa cũ và mới. Trong giờ kinh giờ lễ chúng con vẫn giữ được âm điệu xưa. Những cử điệu dâng hoa kính Đức Mẹ tháng hoa hàng năm là nét đặc trưng  Hưng Hóa, đặc biệt tháng mùa chay, chúng con tổ chức ngắm đứng đúng như những gì mà thế hễ trước truyền lại. Giáo xứ chúng con cũng có được 2 linh mục, 2 tu sĩ là con cháu của thế hệ trước, các vị này hiện đang mục vụ tại Giáo phận Phú Cường.
Hiện nay giáo xứ chúng con được chia ra thành 4 giáo khu để cho dễ sinh hoạt các việc đạo đức. Các khu này đều lấy tước hiệu Đức Maria làm quan thầy phù hộ. Các giới Phụ lão, Gia trưởng, Hiền Mẫu, Thiếu nhi, các Hội đoàn Legio, Cursillo đều có lịch sinh hoạt đều đặn.
Chúng con hân hoan báo tin là: Nhà thờ chúng con vừa kỷ niệm Cung hiến tròn một năm hôm đầu tháng. Như quý cha đã biết tầng lầu chúng con dùng để tổ chức Thánh lễ hàng ngày, sáng chiều, ngày chúa nhật có 4 thánh lễ. Tầng trệt dung để sinh hoạt của các hội đoàn. Cha xứ  chúng con là người rất chu đáo khi cho lắp đặt một thang máy tốt nhất, lớn nhất để cho các vị cao niên, những người tàn tật dễ dàng đến với Chúa. Đặc biệt cha xứ vừa thiết lập một Nhà Chầu Thánh Thể ở tầng trệt, để cho từng người hay từng đoàn thể có điều kiện đến với Chúa, tâm sự với Chúa bất cứ giờ nào trong ngày.
Chúng con hằng cảm tạ Thiên Chúa đã thương ban cho chúng con có được ngôi nhà thờ này. Chúng con cũng hằng xin Chúa trả công bội hậu cho quý vị ân nhân, quý khách trong đó có quý đồng hương, đã chia sẻ tinh thần vật chất cho chúng con. Chúng con cũng hằng cầu xin Chúa ban cho Cha xứ Simon chúng con được tràn đầy Ơn Thánh cùng sức khỏe để cha dẫn đắt chúng con trên đường trọn lành.
Chúng con cũng không quên các vị tiền bối là các cha: Cha  Hạnh, cha Thiện, cha Trình, cha Hạng. Các thầy: Thầy Viêm, thầy Nhã, Thầy Đại, thầy Các và nhiều ông bà cha mẹ của chúng con đã ra đi trước chúng con. Vì thế hàng năm vào ngày lễ các đẳng linh hồn và ngày mùng hai tết, giáo xứ chúng con đã được cha xứ dâng lễ tại khu Đất Thánh. Những thánh lễ như thế đã quy tụ  hàng ngàn người, đây là dịp để chúng con tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn ấy mau được hưởng nhan Thánh Chúa.

Kính thưa quý Đức cha, quý cha cùng quý khách.
Chúng con thật vui mừng khi được biết, Giáo phận Hưng Hóa từ 20 năm nay đã có nhiều phát triển, có nhiều giáo xứ mới, có nhiều con em của các giáo xứ đã dâng mình cho Chúa, hầu có nhiều thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo của Giáo phận, nhất là những anh em vùng miền núi.

Chúng con là những thế hệ đi trước đã biết ít nhiều về nguồn gốc Giáo phận cũ của mình. Chúng con còn có những thế hệ nối tiếp  là con, là cháu chưa biết nhiều về Hưng Hóa, vì thế sau cuộc họp mặt này các thế hệ trẻ của chúng con sẽ có một sự hiểu biết nhiều  về giáo phận gốc của mình.
Chúng con mong có một ngày nào đó, chúng con có dịp chia sẻ, hiệp thông trong  công việc truyền giáo của Giáo phận mẹ của mình, chúng con coi đó là một nghĩa vụ phải làm.
Nhân mùa Giáng Sinh và năm mới sắp đến, Chúng con xin kính chúc quý Đức cha, quý cha cùng quý khách Tràn Đầy Thánh- Đức- An Bình- Vui Tươi.
    
Kính xin quý Đức cha, quý cha cùng quý khách cầu nguyện cho chúng con.

Chúng con xin cảm ơn.



Toma Đỗ Lộc Sơn

Posted By Đỗ Lộc Sơn13:59