Theo Giáo Luật hiện hành, người ly dị và tái hôn không được xưng tội và rước lễ. Vì tình trạng hôn nhân của họ đang bị “rối”; đang bị “trục trặc kỹ thuật”, chưa phù hợp để lãnh hai bí tích này. Đây chỉ là luật “chế tài” mà Giáo Hội áp dụng cho những người tín hữu Ki-tô đã lãnh bí tích HÔN PHỐI mà thôi. (Không áp dụng cho những hôn phối KHÁC ĐẠO, có phép chuẩn. Vì hôn nhân của họ không phải là BÍ TÍCH). Họ đã ly dị ở tòa đời và đã tái hôn với người khác. Bởi vậy họ không đường đường chính chính lãnh nhận hai bí tích này. Giáo Hội cũng đang tìm cách mục vụ cho những người này.
Dù sao họ vẫn là người tín hữu Ki-tô, như bất cứ người tín hữu Ki-tô nào. Họ không phải bị “tuyệt thông”, nên họ vẫn có quyền và bổn phận sống đức tin của mình; nghĩa là họ vẫn có thể đọc kinh, cầu nguyện; tham dự Thánh Lễ; đọc Thánh Kinh; Sống Lời Chúa; ăn chay, bố thí; làm việc lành, giúp đỡ người khác, vv….. Họ chỉ không được xưng tội và lãnh nhận Thánh Thể mà thôi. Nếu họ không được xưng tội thì khi họ phạm tội hay là điều xấu thì sao? Đức tin và đời sống thiêng liêng của họ thế nào khi không được rước Thánh Thể ? Nếu họ chết thì sẽ như thế nào ? Chắc chắn đây là vần đề mà các mục tử hay những người ly dị và tái hôn lo lắng.
Tôi xin chia sẻ một vài ý như sau: Vì không được đi đường thẳng thì họ có thể đi đường vòng. Tôi xin nói về việc “rước lễ” trước. Đối với người tín hữu bình thường, thì việc xưng tội sẽ đi trước, sau đó là rước lễ; còn người ly dị và tái hôn, không được xưng tội, nên “xưng” trước hay xưng sau cũng vậy.
- Việc “rước lễ”.
Trên thế giới này, để sống thì người có thể ăn bánh mì hoặc ăn cơm. Người Châu Á thường ăn cơm; người châu Âu thường ăn bánh mì. Như vậy không ăn BÁNH thì ăn CƠM, cũng sống được mà.
Trong Giáo Hội có “Bánh hằng sống” tức là THÁNH THỂ, thì cũng có “Lời hằng sống” tức là LỜI CHÚA. Và Giáo Hội vẫn tin và tôn kính THÁNH THỂ và LỜI CHÚA như nhau. Thánh Thể là THỊT của Ngôi Hai Thiên Chúa; mà LỜI CHÚA cũng là NGÔI LỜI của Thiên Chúa. Hơn nữa, chính Đức Giê-su đã trích Cựu Ước và nói: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (x. Mt 4,4; Dnl 8,3).
Trong Thánh Lễ, có hai phần: Phần Tiệc Lời Chúa và phần Tiệc Thánh Thể. Vậy người ly dị và tái hôn, không được rước “Thánh Thể”, thì rước “Lời Chúa”. Bởi đó mà người ly dị và tái hôn hãy đi tham dự Thánh Lễ để được rước “Lời Chúa”, làm lương thực nuôi linh hồn, nuôi dưỡng đức tin và đời sống thiêng liêng của mình.
Tôi xác tín và nói rằng, nhiều khi nghe và sống Lời Chúa còn có ích cho linh hồn, cho đời sống đức tin của ta hơn là việc rước Thánh Thể. Tôi nói có “ích” hơn chứ không phải hạ thấp việc rước lễ. Vì nếu không có Lời Chúa mà vị Linh Mục đọc khi truyền phép, ta không tin vào Lời đó thì việc rước lễ có ích gì cho ta; hoặc ta chỉ rước lễ cách chiếu lệ, không có sự xác tín gì.
Ta còn nghe Đức Giê-su nói sau khi đã nói về Thánh Thể, mà những người Do Thái và cả các môn đệ không tin như sau: “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói là Thần Khí và là sự sống” (x. Ga 6,62).
Vậy, hỡi những người ly dị và tái hôn, hãy đọc, suy gẫm và sống Lời Chúa mỗi ngày; cũng như siêng năng tham dự Thánh Lễ, dự BÀN TIỆC LỜI CHÚA, để nuôi dưỡng đời sống đức tin và linh hồn của mình.
- Việc Xưng Tội
Nếu trong cuộc sống, mình có làm điều xấu hay phạm tội gì, mà mình không được xưng tội với một vị Linh Mục thì hãy xưng tội trực tiếp với CHÚA. Chứ thấy mình không được xưng tội, mà cứ để tội chồng tội chất lên như vậy cho đến khi chết thì nguy cho sự cứu rỗi của mình quá.
Theo luật khi nguy tử, gần chết mà có vị Linh Mục ở đó thì ta mới được xưng tội và được tha; nhỡ ta chết bất đắc kỳ tử hoặc không được gặp Linh mục thì sao ? Thôi thì, lỡ sau khi phạm tội ta hãy ăn năn, sám hối và xin Chúa thứ tha ngay hoặc ít ra sau một ngày làm việc, trước khi nhắm mắt ngủ, ta hãy xin Chúa tha thứ những lỗi lầm trong ngày, thế là chắc ăn, nhỡ sáng mai ta có không dậy được nữa thì ta vẫn hy vọng.
Giáo Hội luôn tin rằng: “Chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội” thôi (x. Mc 2,7; GLCG số 1441). Vậy thì việc tha tội là việc của Chúa; Linh mục có đọc lời xá giải cũng là nhân danh Chúa mà thôi. Linh Mục chỉ là dụng cụ Chúa dùng để tha tội, chứ bản thân các vị không có quyền tha tội cho ai cả.
Vậy những người ly dị và tái hôn hãy vững tin mà xưng tội trực tiếp với Chúa; hãy ăn năn, sám hối thật lòng mà xưng thú; vừa dễ, vừa tiện lại vừa kín đáo.
Còn về việc đền tội thì sao ? Ta hãy tự giác tìm cách mà đền tội: như chấp nhận những đau khổ trong đời; nhất là chấp nhận hoàn cảnh hôn nhân đang bị rối của mình; không kêu ca hay phàn nàn gì; hoặc ăn chay, bố thí, làm việc lành phúc đức,vv…..
Lời rao giảng đầu tiên của Đức Giê-su vẫn còn vang vọng: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (x. Mc1,15). Sám hối là ăn năn, xưng thú tội lỗi với Chúa và tin vào Tin Mừng là rước “LỜI CHÚA”; là nghe và sống Lời Chúa.
Quả thật: “Việc đọc Thánh Kinh, đọc Thần Vụ và kinh Lạy Cha, mỗi hành vi phượng tự và đạo đức chân thành đều làm sống lại trong chúng ta tinh thần hoán cải và thống hối, đồng thời góp phần tha thứ tội lỗi chúng ta” đó (x. GLCG, số 1437).
Thật vậy, đây thật là TIN MỪNG cho những người LY DỊ và TÁI HÔN, những người không được lãnh nhận hai bí tích Giải Tội và Thánh Thể. Thế nhưng họ vẫn xưng tội trực tiếp với Chúa và rước “LỜI CHÚA”, để nuôi dưỡng linh hồn; nuôi dưỡng đời sống đức tin của mình. Những ai đang “sống thử” cũng hãy làm như vậy.
Lm. Bosco Dương Trung Tín