Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 21- 2-2019

Filled under:

Lời ChúaMc 8, 27-33
27 Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai? “28 Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.”29 Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.”30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.
31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
Suy nim 1
Không rõ tại sao Thầy Giêsu lại chọn lúc đi đường với các môn đệ 
lên vùng cao phía bắc xứ Paléttin, gần chân núi Khécmôn, 
để thăm dò xem dân chúng nghĩ Thầy là ai.
Quan trọng hơn, Thầy muốn biết các môn đệ nghĩ gì về Thầy :
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”
Thầy Giêsu đã sống bên các môn đệ từ mấy năm qua.
Họ đã được gọi, được chọn, được theo, 
đã được thấy, được nghe, được chạm đến.
Bao nhiêu là kinh nghiệm gần gũi !
Nhưng Thầy Giêsu chẳng nói rõ cho họ biết mình là ai.
bây giờ Thầy lại đặt câu hỏi cho họ.
Ông Phêrô đại diện cho anh em trả lời : “Thầy là Đấng Kitô.”
Đấng Kitô là Đấng Mêsia, Đấng được Thiên Chúa xức dầu thánh hiến.
Vì thế người ta thường coi Ngài là Đấng giải phóng hùng mạnh.
Nhiều người Do-thái mong Đấng Kitô đến 
để đánh đuổi quân Rôma và đem lại thái bình cho đất nước.
Câu trả lời của Phêrô cơ bản là đúng.
Thầy đúng là Mêsia, nhưng lại không phải là Mêsia như Phêrô nghĩ.
Bởi lẽ Thầy là một Mêsia phải chịu nhục nhã và thất bại,
chịu mang thân phận đau khổ của Người Tôi Trung (Is 52-53).
Để vào ánh sáng, Thầy phải vượt qua bóng tối của hố thẳm.
Dù sao câu trả lời của Phêrô đã mở ra một giai đoạn mới.
Từ nay Thầy sẽ chia sẻ nhiều hơn cho các ông về định mệnh tương lai.
Thầy sẽ nói rõ chứ không nói bóng gió bằng dụ ngôn nữa (c. 32).
Thầy Giêsu biết rõ đau khổ và cái chết đang đe dọa mình 
đến từ phía các nhà lãnh đạo Do thái giáo.
Nhưng Thầy cũng tin rằng Cha ở với Thầy và sẽ không bao giờ bỏ Thầy.
Lần đầu tiên Thầy chia sẻ cho môn đệ chuyện riêng tư, 
niềm đau và hy vọng, cái chết sắp đến và niềm tin vào sự sống lại,
dù chắc Thầy đã không nói nguyên văn như ta thấy ở câu 31.
Phêrô không thể chấp nhận được định mệnh mà Thầy mới gợi lên (c. 32).
Ông không hiểu được chuyện Đấng Kitô mà phải chịu khổ đau, nhục nhã. 
Ông không biết rằng chữ phải ấy đến từ Thiên Chúa, 
và thất bại cũng như cái chết có chỗ trong chương trình của Ngài. 
Phêrô thương Thầy, và tình thương lại trở thành một cám dỗ lớn.
Ông muốn Thầy đổi ý, ông muốn đi trước dẫn đường cho Thầy.
Thầy Giêsu đòi ông trở lại đằng sau, đi sau Thầy như môn đệ (c.33).
Chúng ta cũng sợ như Phêrô, sợ cùng với Thầy Giêsu đi con đường hẹp.
Chúng ta cũng dễ nghĩ theo kiểu người phàm, 
chứ không nghĩ theo kiểu Thiên Chúa (c. 33).
Xin được uốn lối nghĩ khôn ngoan của mình 
theo sự điên dại của Thiên Chúa (1 Cr 1, 25).
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
Sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
Để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
Để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
Để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
Cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
Ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
Để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
Dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
Trước khi con tập sống cho Chúa
Và thuộc về Chúa
Thì Chúa đã sống cho con
Và thuộc về con từ lâu. Amen
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SUY NIỆM 2
Trong những năm gần đây, các cuộc thi tài năng âm nhạc được ban tổ chức lồng vào trong một phần đánh giá về các thí sinh, đó là việc bình chọn của các khán giả khắp nơi. Mục đích là xem xét sự yêu thích của khán giả dành cho thí sinh hay nói rõ hơn là các khán giả nghĩ gì và đánh giá như thế nào về thí sinh!
 
Câu chuyện Tin Mừng của Marcô hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy chính Chúa Giêsu đã dò hỏi các môn đệ xem dư luận nghĩ gì về Ngài? Nhiều câu trả lời khác nhau, phần lớn khẳng định Chúa Giêsu là ngôn sứ hay tiên tri nào đó? Câu trả lời của dư luận đã không đi vào trong trung tâm điểm về ơn gọi và sứ mạng của Chúa Giêsu. Phêrô - vị Tông đồ trưởng đã đưa ra câu trả lời bất hủ xác quyết con người của Đức Giêsu "Thầy là Đấng Kitô". Tuy nhiên, Phêrô vẫn không hiểu sứ mệnh cụ thể của Thầy mình. Bởi thế, khi nghe Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài, thì chính ông lại dơ tay ngăn cản. Phêrô đã tuyên xưng một Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, nhưng lại không chấp nhận con đường thập giá. Đó chính là sự sa ngã và yếu đuối của Phêrô.
 
Người Kitô hữu chúng ta, qua kinh nghiệm của những người Do Thái, các Tông đồ và Phêrô, cũng tự vấn lương tâm, suy nghĩ và trả lời cho câu hỏi, Đức Giêsu là ai? Ngài có ý nghĩa gì cho cuộc đời của chúng ta? Và chúng ta có can đảm để đón nhận lấy thập giá bước theo Ngài không? Cuộc sống ngày nay, biết bao người từ chối thánh giá Chúa, khi đối diện những khủng hoảng và bất trắc trong cuộc sống làm cho chúng ta đánh mất niềm hy vọng nơi Chúa. Cũng có lúc vì lợi ích vật chất, chúng ta đã đánh đổi lương tâm gạt bỏ thánh giá, gạt bỏ con đường Tin Mừng của Đức Giêsu ra khỏi đời sống của chúng ta.
 
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết luôn tin tưởng và hy vọng nơi con đường thập giá Chúa, xin cho chúng con biết kiên nhẫn để bước đi với Chúa tiến về đồi Canvê, nơi phát sinh nguồn mạch sự sống mới mà Chúa đã chết và sống lại để cứu độ chúng con. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường