Lời Chúa: Lc 6, 17. 20-26
Ðức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em."
"Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng."
"Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười."
"Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị nguời ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên hư đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.”
“Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.”
Suy niệm 1
Một học sinh nghèo trả lại chiếc bóp lượm được.
Một giáo viên kiên trì theo đuổi nghề giáo.
Một cán bộ về hưu trong cảnh thanh bạch.
Một bạn nữ bỏ chỗ làm có thu nhập cao...
Một nhân viên từ chối những đồng tiền hối lộ.
Giữa cuộc sống khó khăn, vẫn có bao người không bị mê hoặc bởi bạc tiền.
Họ chọn sống trong cảnh nghèo, lam lũ hơn, nhưng vui hơn và thanh thản hơn.
Vẫn có bao người nếm được mối phúc của Tin Mừng:
“Phúc cho anh em là những người nghèo khó, Vì Nước Trời là của anh em”.
Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn từ giàu sang, no đủ, từ danh thơm tiếng tốt.
Đức Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác, với lối đánh giá khác, làm chúng ta ngỡ ngàng.
Ngài cho các môn đệ của Ngài biết rằng:
họ là những người có phúc, khi phải chịu nghèo đói, đau khổ, bách hại vì Ngài.
Nước Trời đã thuộc về họ từ đây, và hạnh phúc sẽ trọn vẹn trong ngày sau hết.
Đức Giêsu đã sống những mối phúc trước chúng ta.
Ngài là một người thợ thủ công nghèo,
Ngài biết đến sự dày vò của cơn đói,
Ngài đã từng nhỏ lệ trước thành Giêrusalem, và đã chịu mọi khổ hình cho đến chết.
Nhưng Đức Giêsu là con người hạnh phúc,
vì biết mình luôn sống cho Cha và con người.
Chúng ta cần có kinh nghiệm của Đức Giêsu:
Nghèo của cải mà thật giàu Nước Thiên Chúa.
Đức Giêsu chúc phúc cho những môn đệ nghèo của Ngài,
nhưng Ngài không ca ngợi sự bần cùng, lạc hậu.
Cả cuộc đời Ngài là một hành vi cúi xuống
để nâng dậy những ai nghèo sức khoẻ, nghèo niềm vui.
Hôm nay Ngài muốn chúng ta đến với khu lao động,
với lớp học tình thương, xóa đi cái nghèo trí thức,
nghèo những ước mơ cao cả.
Sự no đủ và niềm vui phải bắt đầu từ đời này.
Ước gì chúng ta sống như Đức Kitô,
tự nguyện trở nên nghèo hơn để làm giàu cho người khác (2 Cr 8,9).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy những người nghèo ở quanh con,
ở trong gia đình con đang cần đến con.
Bất cứ ai cần đến con đều là người nghèo, xin cho con thấy Chúa trong họ.
Dần dần con hiểu rằng cả người giàu cũng nghèo, nghèo vì cần thấy đời họ có ý nghĩa.
Dần dần con chấp nhận rằng cả bản thân mình cũng nghèo và cần đến người khác.
Lắm khi con cần một nụ cười, một ánh mắt, một lời thăm hỏi đỡ nâng.
Cám ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con ai cũng nghèo về một mặt nào đó,
ai cũng cần đến người khác.
Như thế là chúng con được mời gọi sống cho nhau,
làm cho nhau thêm giàu có.
Cám ơn Chúa vì Chúa cũng nghèo,
vì Chúa rất cần đến chúng con để hoàn thành công trình cứu độ.
Xin cho con khiêm tốn nhận mình nghèo để nhận lãnh,
can đảm nhận mình giàu để hiến trao. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J,
Bài Tin Mừng hôm nay nêu lên cho chúng ta những tình cảnh hết sức cụ thể và gần gũi như: giầu - nghèo, no - đói, khóc lóc - vui cười, oán ghét khai trừ - ngợi ca tung hô, v.v. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là giá trị của những tình cảnh này đã bị đảo ngược. Thật vậy, những tình cảnh mà Chúa Giêsu kể là có phúc thì thế gian cho là vô phúc; và những người Chúa Giêsu cho là vô phúc, thì thế gian lại cho là có phúc. Như vậy phải chăng những giá trị của trần gian như: giầu có, no đủ, vui cười, ngợi ca, tung hô đều xấu xa, vô nghĩa, không có giá trị gì đối với người môn đệ theo Chúa? Khi đưa ra những tiêu chuẩn trên, Chúa Giêsu không nhằm kết án những nhu cầu về đời sống vật chất, nhưng là nhắm đến mục đích tối hậu mà con người cần phải tìm kiếm. Nếu chúng ta đặt cả tâm hồn và nghị lực chỉ để tìm kiếm những điều thế gian ưa chuộng thì chúng ta sẽ được điều đó, nhưng đó là tất cả những gì mà chúng ta sẽ được. Nhưng trên một phương diện khác, nếu chúng ta đặt cả tâm hồn và nghị lực để sống trung thành với Chúa, rất có thể mình sẽ gặp đủ mọi khó khăn, rắc rối. Và đối với tiêu chuẩn thế gian thì những khó khăn, rắc rối này là vô phúc. Nhưng đối với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được niềm vui trọn vẹn là sự sống đời đời. Thế gian không phải là trở lực cho sự nên thánh và ơn cứu độ. Tất cả tùy thuộc vào cách chúng ta phản ứng với những gì thuộc về thế gian, tùy thuộc vào cách chúng ta sử dụng chúng thế nào, chúng sẽ thành tốt hay xấu. Thực tế cho thấy, nhiều Kitô hữu sống giữa trần gian, tham gia rất nhiều vào những việc đời, nhưng đã trở nên những vị đại thánh. Thật vậy, thế gian chỉ trở thành kẻ thù của người Kitô hữu khi chúng ta bị sự thuộc về thế gian trói buộc đến nỗi không thể tiến bước trong tình yêu và phụng vụ Thiên Chúa. Xin Chúa cho chúng con luôn nhận ra được giá trị thật của những nhu cầu đời sống thế gian, để rồi chúng con biết dùng thế gian như là phương tiện để đạt được sự sống đời đời. Amen.