1.LỜI CHÚA: Thánh Phêrô khuyên các tín hữu:“Ai là người thiết tha được sống và ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc, thì phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa.” (1 Pr 3,10)
2.CÂU CHUYỆN: LƯỠI KHÔNG XƯƠNG NHIỀU ĐƯỜNG LẮT LÉO
Xưa có một anh đồ tể chuyên giết heo. Nghe biết anh có tay nghề cao, Nhà Vua liền cho gọi tới và hỏi:
- Trong con heo, cái gì ăn ngon nhất ?
Anh đồ tể trở về nhà xẻo ngay cái lưỡi trong xác con heo đem đến dâng cho Nhà Vua.
Một thời gian sau, Nhà Vua lại cho gọi anh đồ tể đến và lại hỏi:
- Trong con heo, cái gì ăn dở nhất ?
Anh đồ tể cũng lại trở về và lập tức xẻo ngay cái lưỡi của con heo đến dâng cho Nhà Vua. Thấy vậy, Nhà Vua ngạc nhiên thắc mắc:
- Tại sao cũng là cái lưỡi?
Bấy giờ anh đồ tể liền tâu vua rằng:
- Phàm trên đời này: tốt hay xấu, ngon hay dở đều do cái lưỡi mà ra.
Nghe xong, Nhà Vua gật đầu tâm đắc và phán:
- Khanh nói thật chí phải!
3.SUY NIỆM:
1)Tầm quan trọng của lời nói: Trong cuộc sống, hậu quả của tư tưởng và lời nói thật khôn lường: Tư tưởng ví như thai nghén, còn lời nói lại như sản sinh. Tư tưởng xấu còn dễ ngăn chặn, nhưng một lời nói khi đã xuất ra ngòai miệng thì không thể thu hồi lại được (x. Cn 25, 11). Tư tưởng chỉ ảnh hưởng đến bản thân, còn lời nói lại có sức lan tỏa trong không gian và tồn tại trong thời gian lâu dài, tác động đến nhiều người, nên Việt Nam có câu: “Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”, người xưa cũng dạy: “Nhất ngôn hữu xuất, tứ mã nan truy” nghĩa là: một lời thốt ra, bốn con ngựa khó đuổi bắt lại. Nếu người ta không biết kềm chế miệng lưỡi thì lời nói sẽ gây ra muôn điều ác hại. Các nhà khôn ngoan đều áp dụng lời khuyên: “Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Thánh Giacôbê cũng dạy:“Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão.” (Gc 1,26 ) và: “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kềm chế toàn thân.” (Gc 3,2).
2)Phải cẩn trọng về lời nói thế nào?
-Khi gặp những điều trái ý, thay vì tức giận la lối, cần phải bình tĩnh kềm chế tính nóng giận và không vội nói để tránh sai lỗi như người xưa dạy: “giận quá mất khôn” và lời Sách Thánh: “Lời nói bừa bãi khác nào mũi gươm đâm.” (Cn 12, 18).
-Cần nói ra những lời nói tích cực lạc quan: Nếu một người luôn mở miệng phàn nàn, và hay nói ra những điều bất mãn với người khác hoặc những rủi ro đang gặp phải, thì sẽ luôn phải sống trong sự buồn chán. Cần noi gương thánh Phaolô: thay vì than phiền về những hoàn cảnh rủi ro hay do ác ý của người đời, hoặc những gian nan liên tiếp xảy đến và cảm thấy như bị Chúa bỏ rơi... thì ngài luôn “cảm thấy vui sướng” vì Đức Kitô, và còn quả quyết như sau: “Chính khi yếu đuối lại là lúc tôi mạnh” (x 2Cor 12, 10).
-Cần hiệp thông tín thác vào Chúa: Mỗi ngày khi suy gẫm Lời Chúa, hãy chọn ra một câu Lời Chúa kèm theo một lời nguyện vắn tắt và năng thì thầm với Chúa mọi lúc, mọi nơi và mọi hoàn cảnh. Khi đó Lời Chúa sẽ hóa nên lời của ta, để ta luôn nói những lời tốt đẹp đem lại niền vui cho mọi người.
-Cần ăn nói khiêm hạ: Tránh tự cao và nói nhiều về ưu điểm của mình. Khi cần hãy đề cao những điều tốt do người khác đã thực hiện cho mình. Tùy theo địa vị trong gia đình và xã hội, mỗi người chúng ta sẽ có ảnh hưởng nhất định nào đó đối vời người khác. Có những lời nói của vha mẹ thày dạy được con cái hay đệ tử ghi nhớ thực hiện suốt đời.
-Cần tránh lời nói tục tĩu: , những chuyện tiếu lâm dâm ô, chuyện “nói bé cười to”, vì những lời nói như vậy cho thấy trình độ văn hóa yếu kém và thiếu nghiêm túc của mình.
-Hãy năng nói những lời khen thành thật: Đây là những lời khích lệ người khác, an ủi đđng viên những người trong cảnh ưu phiền tang tóc, những lời hòa giải tranh chấp, những lời gia tăng đức tin cho các tân tòng hoặc những người đã bỏ Chúa lâu ngày……
4 THẢO LUẬN: 1) Hãy đọc lại đoạn thư Giacôbê sau đây và cho biết những tác hại của miệng lưỡi như thế nào? (“Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng. Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè: dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái. Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao! Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục đốt cháy. Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người.” (Gc 3, 3-8). 2) Bạn quyết tâm sẽ ăn nói thế nào để thể hiện trình độ văn hóa về lời nói của mình ?
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Cha từ bi nhân ái. Xin cho con biết luôn tin nhận Chúa Giêsu là Con Một của Cha, là Lời quyền năng đã sáng tạo và nhập thể ban ơn cứu độ lòai người. Xin cho chúng con tin yêu và sẵn sàng làm chứng nhân của Cha trước mặt người đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Chúa chúng cin, - Amen.
LM ĐAN VINH