Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 09.02.2019

Filled under:

Lời Chúa: Mc 6, 30-34

Khi ấy, các Tông Ðồ tụ họp chung quanh Ðức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, các ngài xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Ðức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

Suy niệm 1

Các môn đệ trở về gặp lại Thầy Giêsu
sau cuộc hành trình tông đồ đầu tiên nhiều thú vị.
Họ cùng nhau tụ họp chung quanh Thầy
và thi nhau kể cho Thầy nghe tất cả những gì họ đã làm và đã dạy.
Thầy Giêsu thấy họ vui vì đã có thể đuổi được quỷ, chữa được bệnh.
Những ông đánh cá ít học, nói năng bỗ bã,
trở thành người rao giảng mạnh bạo Tin Mừng về Nước Trời.

Nhưng Thầy Giêsu cũng thấy nét mêt mỏi nơi khuôn mặt họ.
Các tông đồ không có giờ ăn uống vì bị đám đông bao vây.
“Anh em hãy lánh riêng ra,
đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (c.31).
Lời mời trên cho thấy mối quan tâm của Thầy đối với các môn đệ,
những người thợ cần được nghỉ ngơi cả thân xác lẫn tinh thần.
Họ cần tách mình ra khỏi đám đông, khỏi công việc,
để đến nơi hoang mạc mà tĩnh tâm.
Tĩnh tâm là nghỉ ngơi bên Thầy trong sự ấm áp của tình thầy trò,
không bị vướng bận bởi công việc phục vụ.
Tĩnh tâm là dành một thời gian để lòng mình lắng xuống,
đọc lại những biến cố đã xảy ra trong đời mình,
nhìn lại những kinh nghiệm mình đã trải qua bằng cái nhìn của Chúa,
cả những khó khăn và thất bại, những bất trung và vấp ngã…
Nhưng tĩnh tâm không phải chỉ để nhìn lui, mà còn để nhìn tới.
Các tông đồ cần vượt qua những hứng khởi nhất thời do thành công.
Họ cần trầm lắng để chuẩn bị cho những khó khăn sắp đến.

Lời mời của Thầy Giêsu vẫn đụng đến chúng ta hôm nay,
những con người tất bật, vội vã, lo âu và căng thẳng,
những con người kiệt sức vì đòi hỏi của công việc hay vì nghiện việc.
Lánh riêng, nghỉ ngơi ở nơi hoang vắng, tĩnh tâm,
đó không phải là những điều dành riêng cho giới tu sĩ.
Đó là nhịp bình thường của những người bỗng thấy mình đang bị cuốn đi,
trôi đi, mất hướng, mất chính mình, trở nên con rối ngờ nghệch.

Tuy nhiên, không dễ tìm được nơi hoang vắng, để cách ly mình khỏi công việc.
Khi Thầy và các môn đệ đến được nơi hoang vắng ưng ý,
thì chỗ đó chẳng còn vắng nữa, vì dân chúng đã đến trước rồi.
Chúng ta vẫn cứ phải tìm chỗ vắng riêng cho mình với Chúa suốt đời.

Cầu nguyện:

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Suy niệm 2
 
Hẳn nhiều người trong chúng ta biết đến câu thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xa”. Câu thơ này làm ta liên tưởng đến điều mà Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: “Chính anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Chúa nói điều này với các môn đệ sau khi các ông đã làm việc mệt nhọc, đã ra đi rao giảng và trở về với những thành quả khả quan. Chúa cũng nhìn thấy những mệt mỏi vì sứ vụ nơi các ông và Người khuyên các ông cần nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng. 

Triết lý tìm nơi thanh tịnh để nghỉ ngơi, để dưỡng tâm dưỡng tánh, để tìm cảm hứng và kịp suy nghĩ, đó là nét hay trong văn hoá thiền tịnh. Các bậc đạo sĩ, chân tu tìm vào trong sa mạc, nơi vắng vẻ để tu tập, hay lên núi cao để thoát tục. Quan niệm về một thế gian ồn ào làm cho bậc hành giả không được an yên. Nên họ cần phải lánh xa những ồn ào đó. Các bậc trí giả ngày xưa, mỗi khi cần suy nghĩ cho những vấn đề hệ trọng, quốc gia đại sự, họ cũng tìm đến những nơi cùng cốc, thanh vắng để suy nghĩ cho thấu đáo sáng suốt mà cống hiến và phục vụ bá tánh. Các nhà thơ, nhà văn hay nhạc sĩ muốn sáng tác một tuyệt phẩm, nhiều lúc họ cũng tìm cách giam mình trong tĩnh mặc, tránh những xung động ồn ào để viết nên những tác phẩm bất hủ. 

Với Chúa Giêsu, Ngài bảo các môn đệ tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút. Nghỉ ngơi này không chỉ là thoát khỏi những ồn ào của thế gian để cho thân xác được phục hồi, tâm hồn được thanh thản, nhưng còn là nơi để con người gặp chính mình, và trên hết là gặp gỡ Chúa. Các bậc hành giả thì thiền định để gặp được chính niệm, các thi nhân thì tìm cảm hứng cho nét đẹp thi ca nhạc hoạ, còn bậc tu trì thì tìm lại chính mình và gặp gỡ Đấng vô hình. 

Con người bận rộn ngày hôm nay quả thật cần nơi thanh vắng để nghỉ ngơi; Cần thoát ra khỏi những ồn ào bận rộn thường ngày để gặp chính mình; và trên hết cần nơi yên tĩnh để dành thời gian cho Chúa, cần cho việc gặp gỡ và cầu nguyện. 

Đã bao lâu rồi bạn không được có những phút giây yên tĩnh cho việc cầu nguyện, cho việc gặp gỡ Chúa. Và cũng bao lâu rồi bạn không có nơi yên tĩnh để gặp gỡ với cõi lòng mình và đối thoại với chính mình? 

Lạy Chúa, giữa biết bao ồn ào và mệt mỏi vì công việc của ngày hôm nay, chúng con cần nơi thanh vắng để yên tĩnh, nghỉ ngơi và cầu nguyện. Xin cho chúng con ý thức được việc làm cần thiết này. Amen.   

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường