Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

Suy niệm Tin Mừng CN 6 TN C - LM. Giuse Đỗ văn Thụy

Filled under:

Suy niệm Tin Mừng CN 6 TN C - LM. Giuse Đỗ văn Thụy



Hạnh Phúc Đích Thực (Lc 6,17.20-26)


Tin Mừng hôm nay nói về hạnh phúc. Trong khi Thánh Matthêu ghi lại 8 lời chúc phúc của Chúa Giêsu, thì thánh Luca chỉ ghi lại có 4 lời và điều đáng chúng ta lưu ý là ngài còn kèm theo 4 lời quở trách.
Những kẻ được chúc phúc là những người nghèo khó, đói khát, đang phải khóc lóc, bị bách hại.
Những người bị chúc dữ là những người đang giàu có, no đầy, vui cười, được tâng bốc.
Điều nên chú ý là: không phải tự thân, sự nghèo nàn khổ sở là hạnh phúc, nhưng chúng mang lại hạnh phúc vì chúng giúp người ta không dính bén với trần gian để hướng lòng về Chúa.
Cũng không phải tự thân, sự giàu có sung sướng là xấu, nhưng chúng có thể trở thành nguồn bất hạnh khi chúng trói buộc lòng con người vào thế giới vật chất trần thế.
Quả thật, hạnh phúc là mối bận tâm sâu thẳm nhất của con người, nhưng làm sao để có hạnh phúc thì điều đó không dễ trả lời.
Vua Abder Rahman đệ tam của nước Tây Ban Nha thuở xưa là một người nổi tiếng thông thái, đã thâu tóm được nhiều quyền lực trong tay, đã biến đất nước Tây Ban Nha thành một trung tâm khoa học của Âu Châu vào thế kỷ thứ X. Giỏi như thế, tài như vậy, mà vào những ngày cuối đời đã phải thốt lên rằng:
"Ta đã ngồi trên ngai vàng 50 năm, đã trải qua nhiều kinh nghiệm chiến thắng và hòa bình, được thần dân mến phục, kẻ thù sợ hãi, và đồng minh kính nể. Danh lợi, quyền lực và tất cả các thú vui trên trần gian ta đều có cả. Nhưng khi ngồi tính lại số ngày ta được hạnh phúc, chỉ vỏn vẹn có 14 ngày."
Làm vua một nước lớn, có quyền thế, danh vọng, giàu sang trong tay suốt 50 năm, tức là 18.250 ngày, vậy mà chỉ hưởng được có 14 ngày hạnh phúc! Thật là xót xa!
Vậy đâu là hạnh phúc?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta một hạnh phúc, một hạnh phúc đích thực và đồng thời cũng mời gọi chúng ta được tự do lựa chọn:
Sống theo những giá trị của thế gian (theo đuổi tiền bạc, lạc thú, sự nổi danh, quyền lực, địa vị) hoặc sống theo những giá trị của Nước Trời (sự nghèo khó tâm linh, sự trong sạch của tâm hồn, khả năng bày tỏ lòng thương xót, chịu đựng đau khổ vì công lý…).
Trong cuốn truyện The Forst Circle, Salzhenisyn kể lại câu chuyện của một nhà ngoại giao tên Innokenty.
Trong suốt thời kỳ Staline cầm quyền, Innokenty và vợ ông, Dottie, sống một cuộc sống được ưu đãi. Ở mỗi nhiệm sở ông được gởi đến, một căn nhà đầy đủ tiện nghi xa hoa tráng lệ và họ được tự do sử dụng.
Tuy nhiên, trong năm thứ sáu của cuộc hôn nhân của họ, Innokenty bắt đầu có cảm giác bất ổn về phương diện vật chất. Cảm giác ấy làm ông bối rối và lo sợ. Ông có tất cả nhưng hình như ông còn thiếu một điều gì đó.
Một ngày kia, ông bắt đầu xem lại những bức thư mà người mẹ quá cố của ông để lại.
Khi đọc những bức thư ấy, ông đã khám phá ra một bảng giá trị hoàn toàn trái ngược với những giá trị của tầng lớp xã hội đương thời.
Trong các bức thư của bà, bà nói về những điều như lòng thương xót, chân lý, lòng nhân hậu...  Và rồi ông đọc đến một đoạn thư thật lạ lùng: “điều quý giá nhất trong thế giới này là luôn ý thức rằng mình không được dự phần vào sự bất công”.
Ông đã khám phá một phương thế mới để nhìn vào cuộc sống.
Giờ đây, ông hiểu rõ một sự thật khác: chúng ta chỉ có một lương tâm và nếu lương tâm trở nên què quặt thì đời sống coi như đánh mất không gì bù đắp lại.
Một sự kiện xảy đến cho mẹ ông: mẹ ông có một bác sĩ đứng tuổi là người điều trị căn bệnh cho bà trước khi bà mất. Một ngày kia, ông này sắp lên đường sang Paris, nơi đó ông định trao cho Phương Tây một số bí mật về y khoa bởi vì ông cho rằng thế giới có quyền biết những bí mật ấy.
Nhưng một cái bẫy đã được giăng ra để bắt ông bác sĩ. Innokenty biết được điều đó.
Ông tìm cách gọi điện cho ông bác sĩ. Nhưng cuộc gọi ấy đã bị theo dõi và Innokenty bị bắt.
Innokenty đã biết giàu sang như thế nào.
Khi bạn giàu có tiếng tăm, bạn là một thành viên của một nhóm được kính trọng, và thật sự bạn không bao giờ bị đàn áp.
Một cuộc gọi điện thoại đã quyết định tất cả.
Ông đã mất việc làm, địa vị, sức khoẻ, và mất cả vợ con.
Ông khám phá ra sự nghèo khó: nghèo khó là không có bạn bè và không có sự an toàn.
Nhưng Innokenty đã tìm được một kho tàng: ông có kinh nghiệm về sự thức tỉnh tâm linh.
Và như Kahlil Gibran đã nói: “sự tỉnh thức tâm linh là điều quan trọng nhất trong đời sống;
nó là mục đích duy nhất của bản thân chúng ta”.

Có bao nhiêu Kitô hữu có thể nói được rằng mình sống theo những giá trị các mối Phúc Thật?
Việc làm, xe cộ, tiện nghi, nhà ở, tương lai của con cái đã tác động trên chúng ta như thếnào?
Của cải và tiện nghi sau cùng rồi cũng để chúng ta lại trong sự trống vắng của tinh thần.
Chỉ khi sống bằng những giá trị của Tin Mừng, khát vọng sâu xa nhất của chúng ta mới được thoả mãn.
Để hiểu biết các mối Phúc Thật, chúng ta cần một sự thức tỉnh tâm linh.
Một sự thức tỉnh tâm linh như Innokenty để đi vào Các Mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu giới thiệu với chúng ta trong bài tin Mừng hôm nay. Amen