Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2019

Phút suy niệm ngày 15//2019

Filled under:

Phút suy niệm ngày 15//2019
Họ đầy lòng thán phục, mà rằng: "Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được"(Mc 7, 31-37).
Các nhà khoa học nói: "Người câm luôn kèm theo điếc". Quả thế, khi chưa có chữ viết, người câm điếc hoàn toàn sống cách biệt, họ chỉ hiểu một cách sơ sài khi ra hiệu bằng tay, nên khi giao tế họ rất khó chịu bực bội.
Trong Tin mừng, Đức Giêsu rất cảm thông với nỗi khổ người thanh niên bị câm điếc này, Ngài chia sẻ sự sống của Ngài cho người thanh niên ấy, bằng cách đặt ngón tay vào tai anh, lấy nước miếng của Ngài mà bôi vào lưỡi anh và anh đã được lành sạch, đưa anh trở lại với đời sống vui tươi này.
Lạy Chúa, sống giữa phồn hoa đô thị trần gian này, chúng con như bị điếc vì gian dối, như bị câm vì gian tham. Xin Chúa giúp chúng con biết mở tai để lắng nghe tiếng Chúa, tiếng kêu cứu của tha nhân. Xin cho chúng con biết mở miệng ra để ca tụng Chúa, để cùng vui với anh chị em chúng con. Để cuộc đời chúng con sống trong hạnh phúc. Amen.


THÁNH PHÔTINÔ VÀ THÁNH GIÔVITA
TỬ ĐẠO
Brescia một tỉnh nhỏ trải mình trên miền biên giới Lombađia và Vênêtia. Ngay từ năm 60 đời các tông đồ, Brescia đã nổi tiếng là một trung tâm công giáo phồn thịnh, một địa điểm Chúa chọn để ương nhiều hạt giống tử đạo. Trong số những vị đã đem máu đào thấm nhuần cánh đồng Brescia phì nhiêu, chúng ta phải kể đến hai anh em thánh Phôtinô và Giôvita.
Xuất thân từ một gia đình quyền quý lại nhờ sự giáo dục hoàn hảo của cha mẹ, hai anh em đã sớm tỏ một đức tin trung kiên, đức tin đã ràng buộc hai anh em trong tình yêu Thiên Chúa và nhân loại, đức tin đã thúc đẩy và hướng dẫn hai anh em trong công cuộc truyền giáo, để rồi với cũng đức tin ấy, hai anh em cùng lãnh nhận ngành lá vạn tuế kết liễu những ngày sống hoàn toàn tận hiến.
Thời thánh Giám mục Apôlônô, Brescia phải qua một cơn bách hại rùng rợn, hàng ngàn giáo dân ngã gục trước sự tràn lấn và tàn sát dã man của dân ngoại. Hàng giáo sĩ, kể cả đức Tổng Giám mục, đều phải chạy trốn. Các ngài chạy trốn không phải để được yên thân nhưng để tìm kế hoạch bảo vệ đồng lúa đức tin đang bị những cơn cuồng phong tàn phá.
Đức giám mục gửi thư kêu gọi lòng trung thành anh dũng của giáo dân. Ngài cũng kén chọn nhiều giáo hữu nhân đức cho chịu chức thánh hầu bù vào số giáo sĩ đã khuất bóng vì đức tin. Chính kỳ này Pôtinô được gọi lãnh chức linh mục, và Giôvita trẻ tuổi hơn, chịu chức phó tế. Tinh thần truyền giáo lên mạnh, bóng cờ thánh giá tung bay khắp miền, bất chấp mọi cơ mưu tàn sát của dân ngoại.
Trước tình thế ấy, viên tổng trấn Italicô phát điên vì căm hờn và khát máu. Y còn sợ tiếng đồn tới triều đình Rôma. Vì thế nhân dịp Hoàng đế Ađrianô kinh lý miền Liguyria, Italicô vội vã đến quỳ dưới chân và tha thiết kêu xin: "Tâu bệ hạ, người chiến thắng bất khuất, xin hãy cứu lấy dân quốc Rôma, hãy bảo vệ các thần linh của dân tộc, và hãy tàn sát tà đạo Giêsu!" Hứng thú vì lời tâu phỉnh nịnh của viên tổng trấn, Hoàng đế Adrianô, con người ghét đạo có tiếng, lập tức đổi nét mặt nửa ngạo nghễ, nửa căm hờn. Không do dự suy nghĩ, chính ông tự tay viết sắc dụ ban cho Italicô toàn quyền triệt hạ người công giáo, với danh nghĩa là phục vụ hòa bình cho dân quốc Rôma.
Như con sư tử sổ chuồng, tổng trấn Italicô cùng đoàn kỵ mã phi ngựa khắp thành truy nã hàng giáo sĩ và các giáo dân. Bấy giờ cha Phôtinô và thầy sáu Giôvila là hai người Italicô đã ghi vào sổ đen. Chẳng bao lâu dò biết nơi ẩn của các vị, y cho lính đến vây bắt, trói các vị và điệu về dinh. Gặp mặt các thánh, Italicô trừng trộ tuyên bố:
- "Theo lệnh Hoàng đế, tất cả các giáo sĩ và giáo dân phải bỏ tà đạo Giêsu, trở về xông hương tế thần. Riêng hai anh em nhà ngươi, ta sẵn sàng bầu cử trước Hoàng đế để các ngươi được ân xá và hưởng tước lộc. Vậy hãy nghe ta, vào đền dâng hương cho thần linh!"
Chậm rãi nhưng cương quyết và đều giọng, hai anh em đồng thanh trả lời: 
- "Chúng tôi thà chết để vâng lời Vua Kitô chân thật hơn là hưởng lộc phù vân và làm tôi Hoàng đế của ông!!! Xin ông biết cho rằng, ông không thể dùng cách nào khiến chúng tôi chối đạo Chúa Kitô và vâng lệnh bất chính của hoàng để Ađrianôââ được đâu…"
Mấy hôm sau Hoàng đế Ađrianô lại đến kinh lý miền Brescia, Italicô tâu lên những công việc đã thi hành và xin Hoàng đế chỉ cách khuất phục Phôtinô và Giôvita. Nghe bản tường trình Ađrianô thịnh nộ, truyền đòi hai thánh nhân đến lập phiên toà đặc biệt và chính Hoàng đế đóng vai chánh án. Phiên toà khai mạc, Hoàng đế nói như tát vào mặt hai đấng:
- "Hỡi những con người khốn nạn, bất trung bất hiếu kia! Các ngươi là con nhà quyền quý, đã thụ hưởng nhiều ân lộc của ta và của dân tộc, thế mà các ngươi lại dám bỏ các thần linh, thờ ông Giêsu trần truồng trên cây thập giá. Mỉa mai thay lòng tin của các ngươi! Là những con người trí thức, các ngươi thử nghĩ như thế có hợp đạo lý hay không? Các ngươi không sợ uy quyền của ta sao? Các ngươi không biết rằng quyền sinh tử của các ngươi ở trong tay ta ư ?
Hỡi quân khốn kiếp này!"
Nhưng vua phải thất bại đến xấu hổ vì chỉ hai lời của hai vị thánh. Các ngài thưa cách cương quyết:
- "Chúng tôi tâu thẳng với Hoàng đề rằng, chúng tôi là người Kitô giáo. Chúng tôi chỉ thờ có một Chúa độc nhất là Thiên Chúa, chỉ vâng lời có một Vua là Vua Kitô". Yên lặng một lát như để cầu nguyện rồi các đấng lại tiếp: "Chúng tôi sẵn sàng dâng hiến mạng sống cho Thiên Chúa chân thật, Đấng mọi người phải tôn thờ. Xin vua đừng uổng lời dụ dỗ hoặc đe nạt chúng tôi. Chúng tôi muốn chết vì Thiên Chúa theo án của vua hơn là vâng lệnh vua mà chối từ Thiên Chúa. Đó là tất cả những điều chúng tôi muốn đạo đạt lên Hoàng đế…"
Tức giận đến cắn răng, vua đỏ mặt đứng nhìn các thánh. Những tia nắng hè vô tình chiếu thẳng vào "thiên nhan" khiến người ta càng dễ nhận sự giận dữ và căm hờn của vua hơn. Vua quát, và truyền điệu hai thánh nhân vào trường đua vật cho thú dữ ăn thịt. Nhưng những con vật nhịn đói mà người ta cho là hung dữ thì lại hiền lành và thùy mỵ hơn Hoàng đế với cái tên danh dự là "cha mẹ dân".
Đoàn vật xô ra giữa lúc các thánh đang cầu nguyện. Khác hẳn mọi ngày, chúng không gầm thét, không nhẩy chồm lên, nhưng hiền từ tiến đến gần chân các thánh. Ba con sư tử và hai con hổ sỉ lượt nhau hôn chân liếm áo hết thánh Phôtinô, đến thánh Giôvita. Sau cùng chúng quỳ phục hoặc nằm gác miệng lên chân các thánh, như để tỏ tình trìu mến và thề hứa yểm hộ các ngài. Nhìn thấy cảnh tượng ấy Hoàng đế vô cùng bối rối, và càng bối rối hơn vì sự huyên náo của đám đông dân ngồi trên bệ đấu trường. Họ thi nhau hò hét:
-"Hãy đưa những con người phù thủy này khuất mắt chúng tôi. Hãy giết chúng đi. Chúng là những tội nhân chống thần minh. Chớ thì Hoàng đế để thần minh của dân tộc thất bại nhục nhã vì hai tên phù thuỷ theo tà đạo này hay sao? …"
Để trấn tĩnh lòng dân, vua cao giọng tuyên bố: "Thần dân đừng lo, trẫm còn nhiều hình khổ để trị bọn này…" 
Trong khi Hoàng đế Ađrianôââ lấy hết tài hùng biện xoa dịu nỗi căm hờn của đám dân mê thần linh, thì thánh Phôtinô được Chúa soi sáng lớn tiếng truyền cho đoàn vật: "Nhân danh Thiên Chúa, ta truyền cho các ngươi bỏ thành trở về rừng xanh núi thẳm, và trên đường về các ngươi không được cắn xé ai". Chúng vâng lời tiến thẳng theo hướng chỉ của thánh Giôvita.
Giữa lúc ấy, những cơn mây đen nghịt ùn ùn kéo đến. Gió thổi mạnh, trời tối đen. Thêm vào đó, những tiếng sấm sét vang trời khiến đám dân xô nhau chạy tán loạn kể cả Hoàng đế và quan quân hộ vệ. Sau cùng chỉ còn trơ lại hai thánh nhân và mấy tên đao phủ. Bọn này dù khiếp sợ nhưng vì có lệnh phải ở lại điệu các thánh về ngục. Nhân dịp này, nhiều người trở lại nhận đức tin. Đặc biệt có nhiều công chức và một quan cận thần tên là Calôcệ Ông này mấy tháng sau cũng được nhập vào số các chiến sĩ tử đạo.
Hoàng đế tiếp tục cuộc kinh lý về Milanô và Rôma. Thánh Phôtinô, thánh Giovita và quan cận thần Calôcê cũng được điệu đi theo. Thâm ý của vua là nhân dịp cho các thánh đi viếng nhiều đền chùa thời danh, vua hy vọng các ngài sẽ đổi lòng, bỏ tà đạo Kitô và dâng hương tế thần… nhưng đức tin của các thánh đã đánh tan mọi mưu chước của vua. Vua dùng kế hoạch sau cùng để giương oai, lấy lại uy thế và trấn tĩnh lòng dân là ra lệnh chém đầu quan cận thần Calôcê tại Liguria. Hôm ấy là ngày cuối năm 119. Thánh Calocê được Giáo hội kính nhớ vào ngày 18-04 hằng năm.
Riêng cha Phôtinô và thầy sáu Giôvita lại bị điệu về Brescia. Gặp ngày đẹp trời, dân thành Brescia đua nhau đi đón hai công dân lịch sử đó. Còn gì sung sướng hơn cho người công giáo, nhất là hàng giáo sĩ. Với diễm phúc được gặp lại hai người anh hùng gương mẫu này, họ mạnh bạo chen chân với dân ngoại, cầm ngành lá vạn tuế hoan hô các thánh.
Vì thế, vô tình hôm ấy đã trở nên một ngày hội nhộn nhịp và tưng bừng hiếm có: dân ngoại ngơ ngác, phần tức giận trước thái độ người công giáo, phần oán hờn sự bất lực của nhà cầm quyền. Thấy thế, tổng trấn Aurêlianô người thay thế ông Italicô đã chết vì bị bêïnh lao, vội vã dẫn các thánh vào chùa khuyên ép lần cuối cùng.
Kết thúc buổi viếng chùa là lời tuyên bố của các thánh trước mặt số đông dân thành: "Chúng tôi thà chết vì danh Thiên Chúa còn hơn vâng lời Hoàng đế của các ông!"
Một hồi trống vang lên trước cửa đền, lưỡi kiếm sáng quắc khát máu của những tên đao phủ đưa theo nhịp tiếng trống chém rơi đầu các thánh. Lập tức hai cột máu đỏ vọt ra như một lần nữa dâng lên Thiên Chúa đức tin anh dũng, muốn đổ ra hết thấm nhuần cánh đồng Brescia. Ngay buổi đầu mọi người đã tôn kính các ngài như những vị bổn mạng của dân thành. Cử chỉ tốt đẹp ấy được chính thức hóa từ ngày Giáo hội truy phong các ngài lên bậc hiển thánh. Hằng năm, cứ độ xuân về, ngày 15-02 toàn dân thành, lương cũng như giáo, lại hân hoan mừng lễ hai thánh nhân. Phải chăng Chúa quan phòng muốn đặt cao ngọn đèn đức tin, ngọn đèn bất diệt và duy nhất dẫn đưa chúng ta về nhà Cha chung trên trời ?