Bài giảng Thánh Lễ của Ðức Thánh Cha tại sân vận động Zayed, Abu Dhabi.
Chuyển ngữ: Văn Yên, SJ
Abu Dhabi (Vat. 5-02-2019) - Ðức Thánh Cha Phanxicô dâng thánh lễ cầu bình an và công lý tại sân vận động Zayed Sports City với số người tham dự Thánh Lễ cả bên trong lẫn bên ngoài sân vận động khoảng 180 ngàn người, đến từ khoảng 100 quốc gia, trong đó có khoảng 4 ngàn người Hồi giáo. Tin Mừng trong Thánh Lễ được công bố là bài Tin Mừng về các Mối Phúc (Mt 5,1-12a): Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vị họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Tin Mừng được công bố bằng tiếng Anh, trong khi bài đọc 1 bằng tiếng Arập. Ðức Thánh Cha giảng bằng tiếng Ý và được một linh mục thông dịch ra tiếng Arập.
Phúc thay: đây là lời Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng trong Tin Mừng Matthêu. Ðiệp từ này Ngài cũng lặp lại hôm nay, như để điều chỉnh con tim chúng ta, hơn bất cứ điều gì khác, về một thông điệp thiết yếu: nếu bạn ở với Chúa Giêsu, nếu bạn thích lắng nghe lời của Ngài như các môn đệ đã làm, nếu bạn cố gắng sống điệp từ này mỗi ngày, thì bạn được chúc phúc. Không phải là sẽ được, nhưng là được trong hiện tại; đây là sự thật đầu tiên chúng ta biết về đời sống Kitô hữu. Các Mối Phúc này không đơn giản là một danh sách dài những chỉ dẫn bên ngoài để thực hiện, hoặc một bộ các giáo huấn cần biết. Trước hết và trên hết, đời sống Kitô hữu không phải là như thế; nhưng đúng hơn, đó là việc nhận biết rằng, trong Chúa Giêsu, chúng ta là những người con yêu dấu của Chúa Cha. Ðời sống Kitô hữu có nghĩa là sống niềm vui của lời chúc phúc này, muốn sống cuộc sống như một chuyện tình, một câu chuyện tình yêu trung tín của Thiên Chúa, Ðấng không bao giờ bỏ rơi chúng ta và luôn muốn thông hiệp với chúng ta. Ðây là lý do cho niềm vui của chúng ta, một niềm vui không ai trên thế giới và không hoàn cảnh nào trong cuộc sống có thể lấy đi khỏi chúng ta được. Ðó là một niềm vui mang lại bình an giữa đau khổ, một niềm vui giúp chúng ta tham dự vào hạnh phúc vĩnh cửu đang chờ đợi chúng ta. Anh chị em thân mến, trong niềm vui gặp gỡ anh chị em, đây là lời tôi nói với anh chị em: những người được chúc phúc!
Ai là người được chúc phúc?
Dù Chúa Giêsu gọi các môn đệ của Ngài là những người được chúc phúc, nhưng họ phải đụng đến những lý do của từng Mối Phúc. Nơi đó, chúng ta thấy có một sự đảo lộn so với lối nghĩ chung: đó là, người giàu có và quyền lực là những người được chúc phúc, là những người thành công và được mọi người chúc tụng. Ngược lại, đối với Chúa Giêsu, phúc cho những người nghèo, người hiền lành và những người còn lại thậm chí còn phải trả giá bằng hình ảnh đen tối và cả bị bắt bớ. Ở đây ai là người đúng: Chúa Giêsu hay thế gian? Ðể hiểu điều này, chúng ta hãy nhìn vào cách Chúa Giêsu đã sống: nghèo về mọi thứ, nhưng giàu về tình yêu; Ngài chữa lành cho nhiều người, nhưng không dành cho chính mình. Ngài đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ; Ngài dạy chúng ta rằng sự vĩ đại không nằm ở việc có nhưng là ở việc cho đi. Công chính và hiền lành, Ngài không kêu gọi kháng cự, nhưng để mình bị kết án cách bất công. Bằng cách này, Chúa Giêsu đã mang tình yêu Thiên Chúa vào thế giới. Chỉ bằng cách này, Ngài đã đánh bại cái chết, tội lỗi, sợ hãi và chính thế gian: chỉ bằng sức mạnh tình yêu Thiên Chúa. Hôm nay, cùng nhau tại đây, chúng ta cầu xin ân sủng tái khám phá sự lôi cuốn của việc theo Chúa Giêsu, bắt chước Ngài, không tìm kiếm ai khác ngoài Ngài và tình yêu khiêm nhường của Ngài. Vì đây là ý nghĩa của cuộc sống chúng ta: hiệp thông với Ngài và trong tình yêu với người khác. Anh chị em có tin điều đó không?
Tin Mừng cần được thể hiện trong cuộc sống
Tôi cũng cảm ơn anh chị em vì cách anh chị em sống Tin Mừng chúng ta đã nghe. Người ta nói rằng Tin Mừng được viết và Tin Mừng được sống có sự khác nhau, giống như bản nhạc được viết và bản nhạc được trình diễn. Anh chị em ở đây biết giai điệu Tin Mừng và anh chị em hăng say sống nhịp điệu của nó. Anh chị em là một ca đoàn hợp nên từ sự đa dạng về quốc gia, ngôn ngữ và nghi lễ; một sự đa dạng mà Chúa Thánh Thần yêu thích và muốn ngày càng trở nên hài hòa, để tạo nên một dàn giao hưởng. Hợp ca vui tươi này của đức tin là một lời chứng cho mọi người và xây dựng Giáo hội. Tôi bị đánh động khi nghe Ðức cha Hinder nói: ngài cảm thấy không chỉ ngài là mục tử của anh chị em, nhưng chính anh chị em với những gương sáng, anh chị em cũng thường là mục tử của ngài.
Tuy nhiên, sống như người được chúc phúc và bước theo con đường của Chúa Giêsu không có nghĩa là luôn phấn khởi. Những người chịu chèn ép, chịu bất công, những người làm tất cả những gì có thể để kiến tạo hoà bình, họ biết đau khổ nghĩa là gì. Chắc chắn, thật không dễ khi anh chị em sống xa nhà, và có thể cảm nhận sự thiếu vắng tình cảm từ những người thân yêu, và cũng cảm thấy không chắc chắn về tương lai của mình. Nhưng Chúa thành tín và không bỏ rơi dân Người. Một câu chuyện từ cuộc đời của Thánh Antôn viện phụ, người sáng lập vĩ đại của đời đan tu trong sa mạc, có thể hữu ích cho chúng ta. Vì Chúa, ngài đã bỏ hết mọi sự và vào ở trong sa mạc. Tại đó, có những lúc, ngài phải trải qua cuộc chiến đấu thiêng liêng gay gắt khiến ngài không bình an; ngài bị tấn công bởi những ngờ vực và bóng tối, và thậm chí bởi cám dỗ hoài niệm và tiếc nuối về cuộc sống trước đây. Nhưng sau đó, sau tất cả những dằn vặt này, Chúa đã an ủi ngài và thánh Antôn đã hỏi Chúa: Ngài đã ở đâu? Tại sao trước đây Ngài không xuất hiện để giải thoát con khỏi sự đau khổ? Rồi ngài nghiệm được một cách rõ ràng câu trả lời của Chúa Giêsu: Ta đã ở đây, Antôn (Thánh Athanasius, Vita Antonii, 10). Chúa gần gũi. Ðiều này có thể xảy ra, khi chúng ta phải đối mặt với một thử thách hay một thời điểm khó khăn, chúng ta nghĩ rằng mình đơn độc, thậm chí trước đó chúng ta đã dành nhiều thời gian với Chúa. Trong những lúc đó, dù không can thiệp ngay lập tức, nhưng Ngài vẫn đi cạnh chúng ta. Và nếu chúng ta tiếp tục tiến bước, Ngài sẽ mở cho chúng ta một con đường mới; Bởi vì Chúa là chuyên gia trong việc làm những điều mới; Ngài có thể mở những con đường trong sa mạc (x. Is 43,19).
Sống các Mối Phúc trong đời thường
Anh chị em thân mến,
Tôi muốn nói với anh chị em điều này, sống các Mối Phúc không đòi hỏi những cử chỉ vĩ đại. Hãy nhìn Chúa Giêsu: Ngài không để lại văn bản viết nào, không xây dựng gì lớn lao. Và khi Ngài nói với chúng ta về cách sống, Ngài đã không yêu cầu chúng ta xây dựng những công trình vĩ đại hay đánh dấu bản thân bằng những cử chỉ phi thường. Ngài chỉ yêu cầu chúng ta thực hiện một tác phẩm nghệ thuật mà mọi người đều có thể làm được: đó là cuộc sống của chính chúng ta. Do đó, các Mối Phúc là một bản đồ cuộc sống: không đòi hỏi những hành động siêu phàm, nhưng là bắt chước Chúa Giêsu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Các Mối Phúc mời chúng ta giữ cho trái tim mình được sạch, để trên hết, thực hành sự hiền lành và công chính, để trở nên lòng thương xót cho tất cả mọi người, để sống những đau khổ kết hiệp với Thiên Chúa. Ðây là sự thánh thiện của cuộc sống hàng ngày, là điều không cần phép lạ hay dấu chỉ phi thường. Các Mối Phúc không dành cho siêu nhân, mà dành cho những con người phải đối mặt với bao nhiêu thách đố và khó khăn mỗi ngày. Ai sống theo Chúa Giêsu, người đó có thể làm sạch thế giới. Họ giống như một cây xanh, mà ngay cả trong vùng khô cằn, cũng hấp thụ không khí ô nhiễm mỗi ngày và trả lại oxy. Tôi cầu chúc anh chị em cũng giống như thế, bén rễ sâu vào Chúa Giêsu và sẵn sàng làm điều tốt cho những người xung quanh. Ước gì những cộng đoàn của anh chị em là đảo của hòa bình.
Mối phúc của người hiền lành
Cuối cùng, tôi muốn dừng lại một chút ở hai trong số các Mối Phúc. Trước tiên: "Phúc thay ai hiền lành" (Mt 5,5). Không phải phúc cho những kẻ tấn công hoặc chế ngự người khác, nhưng là cho những người theo lối hành xử của Chúa Giêsu, Ðấng đã cứu chúng ta: Ngài hiền lành ngay cả đối với những kẻ buộc tội mình. Tôi muốn trích lời thánh Phanxicô, khi ngài cho các anh em những chỉ dẫn về việc tiếp cận những người Saracens và không Kitô. Ngài viết: Ðừng làm cho họ phải tranh luận hay bất đồng, nhưng để họ thấy mình thụ tạo con người vì tình yêu Thiên Chúa, và để họ tuyên xưng rằng họ là Kitô hữu (Regula Non Bullata, XVI). Không tranh luận cũng không bất đồng: vào thời điểm đó, trong khi nhiều người trang bị vũ khí nặng, thánh Phanxicô đã chỉ ra rằng các Kitô hữu chỉ trang bị vũ khí là đức tin hiền lành và tình yêu cụ thể. Sự hiền lành rất quan trọng: nếu chúng ta sống trong thế giới theo cách của Thiên Chúa, chúng ta sẽ trở thành kênh hiện diện của Ngài; bằng không, chúng ta sẽ chẳng sinh hoa trái.
Mối phúc của người xây dựng hoà bình
Mối phúc thứ hai: "Phúc thay ai xây dựng hòa bình" (c. 9). Kitô hữu thúc đẩy hòa bình, bắt đầu với cộng đoàn nơi mình sống. Trong Sách Khải Huyền, trong số các cộng đoàn mà chính Chúa Giêsu đề cập, có một cộng đoàn, đó là Philadelphia, mà tôi nghĩ có sự tương đồng với anh chị em. Giáo hội đó, không giống như hầu hết những Giáo hội khác, Chúa đã không trách cứ điều gì. Thật vậy, Giáo hội ấy đã giữ lời Chúa Giêsu, không chối bỏ danh Ngài, và đã kiên trì, nghĩa là tiến bước ngay cả khi gặp khó khăn. Ngoài ra, còn một chi tiết quan trọng: cái tên Philadelphia có nghĩa là tình yêu giữa anh em. Tình huynh đệ. Thế đó, một Giáo hội kiên trì giữ lời Chúa Giêsu; tình huynh đệ thì đẹp lòng Chúa và sinh hoa trái. Tôi cầu xin cho anh chị em ân sủng để gìn giữ bình an, hiệp nhất, chăm sóc lẫn nhau, với tình huynh đệ tốt lành, nơi đó không có Kitô hữu hạng nhất hay hạng hai.
Nguyện xin Chúa Giê-su, Ðấng kêu gọi anh chị em đến các mối phúc, ban cho anh chị em ân sủng để luôn tiến bước không nản lòng, lớn lên trong tình yêu "với nhau và với tất cả mọi người". (1 Ts 3,12).
Ðức Thánh Cha gặp gỡ Hội đồng kỳ lão Hồi Giáo.
G. Trần Ðức Anh OP
Abu Dhabi (Vat. 5-02-2019) - Hoạt động thứ hai của Ðức Thánh Cha Phanxicô trong ngày 4 tháng 2 năm 2019 là cuộc viếng thăm lăng của vị lập quốc Emirati và gặp gỡ Hội đồng kỳ lão của Hồi giáo Sunnit.
Lúc quá 5 giờ chiều giờ địa phương (4 tháng 2 năm 2019), Ðức Thánh Cha đến Ðại Ðền Thờ Hồi Giáo Sheik Zayed, cách nơi ngài trú ngụ 15 cây số. Ðây nơi thờ phượng lớn nhất nước và là một trong những đền thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới có thể chứa được 40 ngàn tín hữu.
Ðại Ðền thờ Hồi giáo Sheik Zayed
Ðền thờ được xây dựng theo ý muốn của quốc vương Zayed vị lập quốc, phản ánh mong ước liên kết những khác biệt văn hóa trong thế giới Hồi giáo với các giá trị lịch sử và hiện đại của kiến trúc và nghệ thuật. Ðền thờ được hoàn thành năm 2007 sau 11 năm kiến trúc, với rất nhiều vật liệu quí giá từ các nơi, Âu, Á và Phi châu. Tổng cộng có 82 mái vòm, 1,100 cột và tháp cao 107 mét ở 4 góc. Chính điện có thể chứa hơn 7 ngàn tín đồ, với những bức thảm khổng lồ chế tại Iran và những ngọn đèn to lớn được dát vàng.
Cạnh đền thờ cũng có một trung tâm văn hóa với một thư viện thu thập các sách cổ điển và văn hóa bằng nhiều thứ tiếng, phản ánh những khác biệt trong thế giới Hồi giáo và giữa các tiểu vương quốc Arập.
Nghi lễ tôn giáo đầu tiên được cử hành tại Ðền thờ này là lễ an táng vị lập quốc Sheik Zayed và thi hài nhà vua được chôn trong một mộ cạnh Ðền thờ.
Viếng mộ quốc vương Zayed
Khi đến Ðại Ðền Thờ, Ðức Thánh Cha đã được Sheik Ahmad al-Tayeb, Ðại Imam của Ðền thờ và cũng là đại học al-Azhar ở thủ đô Cairo, Ai Cập, là thẩm quyền cao nhất của Hồi giáo Sunnit, nồng nhiệt tiếp đón, cùng với các vị Bộ trưởng ngoại giao, Bộ bao dung và văn hóa. Ngài viếng mộ của Sheik quốc vương Zayed, trước khi gặp gỡ các thành viên Hội đồng kỳ lão Hồi giáo trong vòng nửa tiếng đồng hồ. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong tinh thần huynh đệ và thân mật, trong đó các vị nhấn mạnh tầm quan trọng của nền văn hóa gặp gỡ để củng cố quyết tâm đối thoại và hòa bình.
Hội đồng kỳ lão Hồi giáo
Ðây là một tổ chức quốc tế độc lập, có trụ sở tại Abu Dhabi, nhắm mục đích thăng tiến an bình trong các cộng đồng Hồi giáo. Hội đồng qui tụ các học giả, chuyên gia và chức sắc Hồi giáo nổi tiếng vì các nguyên tắc công lý, độc lập và ôn hòa. Cơ quan này đặc biệt quan tâm đến những xung đột nội bộ nhiều khi xảy ra trong các cộng đoàn Hồi giáo, đồng thời cũng quan tâm tới các nguyên nhân gây ra những xung đột ấy, với mục đích bảo vệ các gia trị nhân đạo và các nguyên tắc bao dung của Hồi giáo, chống lại xu hướng phe phái và bạo lực.
Ðứng đầu Hội đồng kỳ lão Hồi giáo hiện nay là Sheik Ahmad al-Tayeb, từ 9 năm nay là Viện trưởng kiêm Ðại Iman của Ðền thờ và Ðại học Hồi giáo Al Azhar ở Cairo Ai Cập. Ông đã gặp Ðức Thánh Cha Phanxicô lần đầu tiên hồi tháng 5 năm 2016 tại Vatican, rồi tại Cairo hồi tháng 4 năm 2017 trong cuộc viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng tại đây, rồi tháng 10 năm 2018 tại Nhà trọ thánh Marta ở Vatican.
Sau hoạt động này, Ðức Thánh Cha đến khu vực Ðài Tưởng Niệm vị lập quốc cách đó gần 19 cây số để gặp gỡ các tham dự viên Hội nghị quốc tế liên tôn về chủ đề là "Tình huynh đệ nhân loại".
Ðức Thánh Cha viếng thăm Thái Tử Liên minh Emirati.
G. Trần Ðức Anh OP
Ðức Thánh Cha viếng thăm Thái Tử Liên minh Emirati.
|
Abu Dhabi (Vat. 4-02-2019) - Sáng thứ hai, 4 tháng 2 năm 2019, như hoạt động đầu tiên tại Liên minh Emirati, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã được chính thức chính phủ Liên minh Emirati đón tiếp tại Phủ Tổng Thống.
Ðức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ riêng tại nhà quốc khách nơi ngài qua đêm và lúc 12 giờ trưa, ngài dùng chiếc xe bé nhỏ nhất trong đoàn 16 chiếc xe để đến Phủ Tổng Thống Abu Dhabi.
Dinh thự hoành tráng
Dinh thự huy hoàng này trải dài trên một một khu vực 160 hécta và tòa nhà rộng tới 160 ngàn mét vuông, mới được hoàn thành cách đây gần 2 năm (2017). Tại đây có các văn phòng của tổng thống, phó tổng thống, Thái tử và các bộ trưởng. Một đặc điểm của dinh này là có hơn 70 mái vòm khảm bằng kiếng và vàng với diện tích tương đương với 18 ngàn mét vuông.
Khi xe chở Ðức Thánh Cha đến cổng chào đầu tiên của Phủ Tổng thống, ngài được đoàn kỵ binh hộ tống cho đến cổng vào chính trong khi 3 máy bay phản lực bay trên không và thả khói mày họp thành màu cờ Tòa Thánh, và 21 phát nổ vang.
Phái đoàn chính phủ Emirati
Tại cửa dinh Tổng thống, Thái Tử Mohammad bin Zayed và vị thủ tướng của Emirati đứng đợi để chính thức đón tiếp vị quốc khách, với hàng quân danh dự và quốc thiều. 16 vị thống đốc của 7 tiểu quốc và các vị Bộ trưởng đã được giới thiệu với Ðức Thánh Cha và tiếp đó, đoàn tùy tùng của ngài trong đó đứng đầu là Ðức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, Ðức Hồng Y Sandri Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương, Ðức Hồng Y Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo và các chức sắc khác cũng được giới thiệu với Thái Tử và thủ tướng.
Hội kiến riêng với Thái Tử Mohammad Zayed
Sau phần giới thiệu các thành phần của hai phái đoàn, Ðức Thánh Cha đã hội kiến riêng với Thái Tử. Thái tử năm nay 58 tuổi (1961) là con của Quốc Vương Sheik Zayed bin Sultan Al Nahyan, là vị lập quốc và là Tổng thống đầu tiên của Liên minh Emirati. Thái Tử vốn là một sĩ quan thuộc lực lượng an ninh Emirati, phi công quân sự, và đã từng làm phó Tổng tư lệnh quân đội Emirati. Thái tử có gia đình và 9 người con, 4 trai 5 gái.
Trao đổi quà tặng
Cuối buổi hội kiến, Ðức Thánh Cha đã ký vào sổ vàng lưu niệm và trong phần trao đổi quà tặng. Ngài tặng cho Thái Tử huy hiệu Giáo Hoàng của ngài có đúc hình thánh Phanxicô Assisi gặp gỡ Vua Hồi giáo Malek-al-Kamel cách đây đúng 800 năm. Thái tử tặng Ðức Thánh Cha Văn kiện công chứng lịch sử ký ngày 22 tháng 6 năm 1963, qua đó chính quyền Emirati tặng đất để kiến thiết thánh đường Công Giáo đầu tiên tại Emirati.
Sau đó, Ðức Thánh Cha đã trở về dinh quốc khách Al Mushrif để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.