Phút suy niệm ngày 8/2/2019
"Ðó chính là Gioan Tẩy Giả trẫm đã chặt đầu, nay sống lại"(Mc 6, 14-29).
Từ khi vua Hêrôđê sai lính chặt đầu Gioan là từ đấy tâm trí vua bất an. Nay lại nghe danh Đức Giêsu rao giảng sự thật, khiến vua càng lo lắng hơn. Vua quả quyết; Đức Giêsu là Gioan mà vua đã giết oan, vì vậy trong thâm tâm vua có một chút gì đó ăn năn thống hối.
Nhận ra lỗi lầm của mình để ăn năn thống hối là việc nên làm và làm ngay, chắc rằng Thiên Chúa luôn mỉm cười với các chiên lạc của Ngài.
Lạy Chúa. Chúng con cũng đã nhiều lần làm sai, nghĩ sai cho anh chị em chúng con, chúng con cũng bị lương tâm dày vò, chúng con quyết sửa sai. Xin cho chúng con biết lắng nghe lời Chúa, biết phân biệt đâu là phải, trái, để có cách hành xử đúng, xứng đáng là con của Thiên Chúa. Amen.
GIÊRÔNIMÔ ÊMILIANÔ
LẬP DÒNG
(1481-1537)
LẬP DÒNG
(1481-1537)
Năm 1528, người miền bắc Ý phải trải qua một nạn đói thê thảm do sự bóc lột của bọn quân phiệt Tây Ban Nha. Quay lại cuốn phim cảnh đói khổ của đồng bào họ, trong đầu óc người dân Ý không một ai mà không phải rùng mình kinh sợ. Những phần đất đai trù phú nhất cũng hoá hoang vu, nơi hoành hành của từng bầy sói đói. Từ năm 1528 cơn đói đã lên tới tột độ. Dân chúng trước đây vẫn không quen ăn thịt chó, mèo, chuột, nay coi đó như những món cao lương mỹ vị.
Những con người sống giở chết giở vì đói lũ lượt kéo về thành Vênêtia (Venise) khiến ở đây cũng bị đói lây. Bên những bàn tay thực dân bóc lột, trước những cùng cực khốn khổ đó, người ta thấy không thiếu những bàn tay anh hùng, quảng đại, bác ái và hăng hái hoạt động, đã giang rộng ra để đón tiếp, nâng đỡ và xoa dịu những nhịp đập cồn cào của bao tử rỗng tuếch. Trong số những vị anh hùng ân nhân của nhân loại đó, phải kể vào hàng đầu, con người quý phái của thành Vênêtia là Giêrônimô Êmilianô mà chính tên theo tiếng ý là Girolamo Miani.
Phải chăng con người có đức bác ái anh hùng đó sinh ra đã sẵn có một nếp sống như thế, hay cũng đã phải ba chìm bẩy nổi rồi mới được như thế? Cứ nhìn vào con người thánh Inhaxiô vị sáng lập Dòng Tên, chúng ta đã có một câu trả lời khá đầy đủ rõ rệt.
Vênêtia, thuộc Ý, về mạn đông bắc, trên bờ biển Adriatica, là một thành phố thơ mộng "bồng bềnh" giữa làn nước biếc. Năm 1481, Vênêtia hân hạnh được đón nhận một em bé chào đời, em bé đó mai ngày sẽ là vinh dự cho Vênêtia nói riêng và cho Giáo hội Công giáo nói chung: Girolamo Miani hay Giêrônimô Êmilianô.
Lớn lên, Êmilianô gia nhập quân đội như Inhaxiô. Nhưng Inhaxiô luôn sống trong trật tự với một tinh thần kiêu hãnh sẵn có trong huyết thống Tây Ban Nha; còn Êmilianô có thể nói được lại sống thời thanh xuân bạt tử, hiếu chiến và vui chơi như bao quân nhân đồng thời đồng hương của ngài. Trong trận chiến đấu với quân bảo hoàng của thành Castelnôvô gần Trêvi (Trévise) ngài bị bắt và bị xiềng xích. Nhân bị chiến thương mà đã xoay hẳn lại cuộc đời. Và cũng như Inhaxiô, Êmilianô vừa được Đức Mẹ cứu một cách lạ, liền đến tạ ơn Đức Mẹ thành Trêvi mà dân thành Vênêtia rất sùng mộ, và quyết tâm hiến thân phụng sự Người. Để chuộc lại quãng đời quá khứ không tốt đẹp mấy, ngài hằng ra sức thống hối và thực hành bác ái. Ngài thường nguyện rằng: "Lạy Chúa Giêsu nhân từ, xin hãy đối xử với con như vị cứu tinh của con, chứ đừng như vị quan án công thẳng".
Ít lâu sau Êmilianô được thăng làm thị trưởng thành phố Castelnuôvô một thời gian. Nhưng chí đã không màng tưởng công danh, ngài lui về Vênêtia, chuyên cần giáo huấn các cháu và lo tự trau dồi học thức chuẩn bị chịu chức linh mục. Năm 1518, ngài thụ phong linh mục và từ đó tận hiến hoàn toàn cho công cuộc bác ái và kết thân với Gioan Phêrô Carapha Giám mục thành Kiêti đồng thời nhận Carapha làm cha linh hướng.
Năm 1528 một năm đói kém khủng hoảng, như đã nói trên, lại thêm bệnh truyền nhiễm lan tràn đó đây khiến tử thần càng thêm lộng hành dữ dội. Người chết đầy đường không ai chôn cất. Cha Êmilianô bán tất cả đồ đạc của ngài để cứu trợ những người đồng hương khốn khổ, đêm đêm ngài đi lượm xác chết đem chôn táng cẩn thận. Vì quá tận tâm ngài đã bị lây bệnh và cơn bệnh đã nên một dịp tập luyện rất tốt cho cuộc đời trọn lành của ngài. Được khỏi bệnh, cha bán hết mọi của tư hữu, để hoà mình hoàn toàn với những kẻ đói nghèo mà ngài yêu mến; ngài ăn vận như những người ăn mày. Nhất là khi thấy từng bầy trẻ mồ côi, vất vưởng, không ai màng đến, ngài thu tập chúng lại, lập thành cô nhi viện tại San Rocco. Ở đây ngài lo săn sóc chúng hồn xác. Ngài thật là một nhà dậy giáo lý nhiệt thành, có biệt tài về cách dậy giáo lý theo phương pháp đối thoại, đồng thời cha chăm lo dậy thủ công cho chúng. Nhờ đó ngay từ thiếu thời, chúng đã quen chịu khó để không ăn bám vào người khác như lời người cha hiền của chúng thường nhắc nhủ chúng: "Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ", cũng như thánh Phaolô xưa thường khuyên nhủ giáo đoàn Texalonica rằng: "Ai không làm thì không được ăn" (2 Tx 3, 11)
Lòng bác ái của cha Êmilianô thực như nước triều dâng; dâng qua miền bãi biển Vênêtia, rồi tràn vào mãi trong nội địa các thị trấn Brescia, Bergame và cả Milanô nữa. Ở Brescia và Bergame ngài thiết lập nhiều cô nhi viện. Riêng ở Bergamô ngài còn lập một nhà cải huấn những thiếu nữ trụy lạc để đưa họ về đường ngay nẻo chính. Ngài còn lo khuếch trương chương trình hoạt động của mình bằng cách giáo huấn dân chúng nông thôn, săn sóc bệnh nhân. Có nhiều linh mục ưu tú và giáo dân sốt sắng cộng tác với ngài. Nhờ thế mà ngài thành lập được một tu hội, trước hết chuyên lo điều khiển các cô nhi viện do ngài sáng lập, sau đó lo cho cả những kẻ khốn khó, những người nghèo nàn, đau yếu, dốt nát. Nhân việc đặt trụ sở tại Somasca gần Bergamô năm 1532 mà dòng ngài lập mang tên là dòng Somasca và được Đức Giáo Hoàng Phaolô III chấp nhận với sắc lệnh đề ngày 05-07-1540.
Vì quá nhiệt tâm với những con bệnh dịch tễ, nên cha đã lây bệnh mà chết tại Somasca ngày 08-02-1537. Chết đi ngài không kịp chỉ ai nối vị. Vì thế các bạn ngài theo thói quen như cha vẫn làm là hỏi ý kiến nơi Carapha, bấy giờ là Hồng Y và là vị sáng lập dòng Têatinh (Théatinh). Các ngài muốn sát nhập vào dòng Têatinh và Đức Giáo Hoàng uỷ thác công việc cứu xét ý định ấy cho Đức Hồng Y Carapha. Sau bao cuộc thăm dò ý kiến đôi bên, Đức Hồng Y Carapha quyết định ưng chuẩn và được Đức Giáo Hoàng chấp thuận ngày 08-10-1546. Nhưng thực ra mãi năm 1547 mới sát nhập thực sự. Đến năm 1555 hai dòng lại tách ra và năm 1565 các tu sĩ Somasca mới có nhà chính ở nhà thờ thánh Mayộ Pavia lại đứng ra lập thành một dòng riêng biệt lấy tên là dòng "Các Giáo sĩ dòng thánh Mayơ đệ Pavia". Dòng này hiện nay có mười nhà và tất cả đều ở trên đất Ý.
Nhân loại vẫn chưa hết sự bóc lột đói khổ, bệnh tật… Nhân loại đang chờ đợi kêu gào những bàn tay bác ái lăn xả vào mà nâng đỡ những cơ cực của họ. Chúng ta hãy noi theo tinh thần thánh Êmilianô, biết quên mình phụng sự cho hạnh phúc nhân loại, hầu làm cho đời sống của những người xung quanh ta được bớt phần đau khổ và cay cực một phần nào. Hãy rộng tay ban phát cho kẻ nghèo khó thì sẽ được Chúa thương và trả gấp lại trăm.