Ðức Thánh Cha mời gọi mọi người xây dựng và sống hòa bình mỗi ngày.
G. Trần Ðức Anh OP
Vatican (Vat. 31-12-2018) - Trong sứ điệp nhân Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 52, cử hành ngày 1 tháng 1 năm 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô nói đến những đóng góp quan trọng của các nhà chính trị cho hòa bình, nhưng ngài cũng đề cao tầm quan trọng của mỗi người trong việc xây dựng và sống hòa bình ngày qua ngày.
Nghĩa vụ các nhà chính trị
Ngày Hòa Bình thế giới 2019 có chủ đề là: "Chính trị tốt phục vụ hòa bình". Trong Sứ điệp, Ðức Thánh Cha cổ võ các nhà chính trị đặt công ích lên trên hết, coi quyền bính là một sự phục vụ, và trong chiều hướng này, đức bác ái là điều phải linh hoạt mọi hoạt động chính trị:
"Hoạt động của con người trên trái đất, khi được đức bác ái soi sáng và nâng đỡ, thì nó góp phần vào việc kiến tạo xã hội phổ quát của Thiên Chúa mà lịch sử nhân loại đang hướng tới" (4). Ðó là một chương trình trong đó tất cả các chính trị gia có thể theo đuổi, bất luận họ thuộc văn hóa hoặc tôn giáo nào, khi họ cùng nhau mong ước hoạt động cho thiện ích của gia đình nhân loại, thực thi những đức tính nhân bản làm nền tảng cho một nền chính trị tốt: công bằng, ngay chính, tôn trọng nhau, thành thực, lương thiện và trung tín ." (đoạn 3)
Cảnh giác trước các "tật xấu" trong chính trị
Ðức Thánh Cha cũng kêu gọi các nhà chính trị xa lánh và bài trừ các "tật xấu làm suy yếu lý tưởng của một nên dân chủ chân chính, chính là điều ô nhục cho đời sống công cộng và làm cho hòa bình xã hội bị lâm nguy: đó là nạn tham nhũng - dưới nhiều hình thức chiếm đoạt trái phép của công hoặc lạm dụng con người -, phủ nhận luật pháp, không tôn trọng các qui luật cộng đồng, làm giàu bất hợp pháp, biện minh quyền bính bằng võ lực hoặc viện cớ một cách độc đoán "vì lý do quốc gia", xu hướng bám víu ở lại mãi trong quyền bính, ghét người nước ngoài và kỳ thị chủng tộc, từ khước không chăm sóc Trái Ðất, khai thác vô hạn những tài nguyên thiên nhiên để tìm lợi lộc nhất thời, coi rẻ những người bị buộc lòng phải lưu vong ." (đoạn 4)
Dấn thân của mọi tín hữu
Ðức Thánh Cha không quên kêu gọi tất cả mọi tín hữu và những người thiện chí dấn thân hằng ngày xây dựng và sống hòa bình trong môi trường của mình. Ngài viết:
"Hòa bình là kết quả của một dự phóng chính trị to lớn dựa trên trách nhiệm hỗ tương và sự lệ thuộc nhau của con người. Nhưng hòa bình cũng là một thách đố đòi phải được đón nhận ngày qua ngày. Hòa bình là một sự hoán cải tâm hồn, và thật dễ nhìn nhận ba chiều kích không thể tách rời nhau của thứ hòa bình nội tâm và cộng đoàn ấy:
- hòa bình với chính mình, từ khước thái độ khăng khăng nhất mực, giận dữ và thiếu kiên nhẫn, và như thánh Phanxicô đệ Salê đã khuyên nhủ, hãy thực thi "một chút" dịu dàng đối với bản thân", để cống hiến "một chút" dịu dàng đối với người khác;
- hòa bình với tha nhân; thân nhân, bạn hữu, người ngoại quốc, người nghèo, người đau khổ..; dám gặp gỡ và lắng nghe sứ điệp họ mang trong mình;
- hòa bình với thiên nhiên, tái khám phá sự cao cả của hồng ân Thiên Chúa và phần trách nhiệm của mỗi người chúng ta, trong tư cách là người dân của thế giới, công dân và là tác nhân xây dựng tương lai. (Rei 31-12-2018)
Thoáng nhìn chương trình của Ðức Giáo Hoàng trong năm 2019.
G. Trần Ðức Anh OP
Vatican (Vat. 31-12-2018) - Trong năm 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm 5 quốc gia nguyên trong 5 tháng đầu năm 2019, và tuy đã hơn 82 tuổi, chưa có dấu hiệu chứng tỏ ngài giảm bớt đà hoạt động.
Thăm Panama
Trước tiên, Ðức Thánh Cha sẽ thăm Panama trong 5 ngày, nhân dịp Ngày Quốc Tế lần thứ 34, tiến hành tại đây từ ngày 22 đến 27 tháng 1 năm 2019.
Giáo Hội địa phương chờ đón hơn 200 ngàn bạn trẻ đến từ 155 quốc gia, trong đó có 1,300 từ Pháp, 200 từ Áo, 450 từ Cuba.. Số người tham dự từ Âu Mỹ tương đối ít ỏi vì đây không phải là mùa nghỉ của các sinh viên và những người trẻ đang ở tuổi làm việc, nhưng chắc chắn là cơ hội tốt đẹp để giới trẻ ở Trung Mỹ có thể tham dự dễ dàng. Từ Á và Úc châu càng ít ỏi vì quá xa.
Thăm Abu Dhabi
Vài ngày sau khi từ Panama trở về Roma, Ðức Thánh Cha sẽ viếng thăm Abu Dhabi, thủ đô Liên minh các Tiểu Vương Quốc Arập từ 3 đến 5 tháng 2 năm 2019, nhân cuộc gặp gỡ liên tôn tổ chức tại đây. 900 ngàn tín hữu Công Giáo tại quốc gia nhỏ bé này, hầu hết là các công nhân nước ngoài, đang chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Ðức Thánh Cha, nhất là thánh lễ ngài cử hành lúc 10 giờ rưỡi sáng ngày 5 tháng 2 năm 2019 tại trung tâm thể thao Zayed Sports City, trong đó có sân bóng đá có 43 ngàn chỗ ngồi. Ðây sẽ là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm tại bán đảo Arập. Vì thế, nhiều công nhân cho biết họ sẽ xin nghỉ việc hôm đó để tham dự thánh lễ với Ðức Thánh Cha.
Viếng thăm Vương quốc Maroc
Cuối tháng 3 năm 2019, Ðức Thánh Cha sẽ viếng thăm Vương quốc Maroc từ 30 đến 31 tháng 3 năm 2019, để đẩy mạnh cuộc đối thoại với Hồi giáo và cũng bày tỏ quan tâm của ngài đối với những người di dân. Ngài sẽ dừng lại tại thủ đô Rabat và thành phố Casablanca. Trong số hơn 31 triệu dân tại đây, đại đa số là người Hồi giáo và chỉ có 27 ngàn tín hữu Công Giáo, tương đương với gần 1% dân số.
Thăm Bulgari và Macedonia
Tiếp đến, từ ngày 5 đến 7 tháng 5 năm 2019, Ðức Thánh Cha sẽ viếng thăm Bulgari và Macedonia cựu Yugoslavi, 2 nước có đại đa số dân theo Chính Thống giáo và Công Giáo chỉ là đoàn chiên rất bé nhỏ. Thực vậy, Bulgari rộng 110 ngàn cây số vuông, với 7 triệu dân cư trong đó 6 triệu là tín hữu Chính Thống, và chỉ có khoảng 45 ngàn tín hữu Công Giáo, đa số sinh sống tại thành phố Rakovski thuộc vùng Plodiv ở tây nam Bulgari.
Macedonia cựu Yugoslavi chỉ rộng 25 ngàn cây số vuông với hơn 2 triệu 300 ngàn dân cư, đa số theo chính thống, trong đó chỉ có 3.600 tín hữu Công Giáo, họp thành một giáo phận gồm 2 giáo xứ, 5 thánh đường, và 7 Linh Mục, 13 nữ tu.
Các dự án viếng thăm khác được nói tới
Giới báo chí cũng đồn thổi về tin Ðức Thánh Cha có thể viếng thăm Mozambique và Madagascar ở mạn cực nam Phi châu, và có thể sẽ thăm Nhật Bản. Việc ghé thăm Bắc Hàn cũng được dự đoán, nhưng dự án này bị coi là quá phiêu lưu.
Mặt khác, hôm 17 tháng 12 năm 2018, tuyên bố trong cuộc họp báo ở Roma sau khi được Ðức Thánh Cha tiếp kiến, Ðức Hồng Y Thomas Manyo Maeda, Tổng Giám Mục giáo phận Osaka Nhật bản, cho biết Ðức Thánh Cha đã bày tỏ mong muốn viếng thăm Nhật Bản, đặc biệt là hai thành phố bị dội bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki vào cuối năm 2019. Nếu mong ước này thành tựu thì đây sẽ là lần thứ hai một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm nước Nhật sau cuộc viếng thăm của Thánh Gioan Phaolô 2 hồi năm 1981.
Ðức Hồng Y Maeda nói Ðức Giáo Hoàng muốn cầu nguyện cho các nạn nhân của bom nguyên tử. Hồi năm 2014, thủ tướng nhật Shinzo Abe đã mời Ðức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm. Và tháng 9 năm 2018, trong cuộc gặp gỡ một đoàn đại biểu của một sáng kiến hòa bình ngài cũng đã bày tỏ ước muốn viếng thăm Nhật Bản.
Thị trưởng thành Hiroshima và Tỉnh Trưởng tỉnh này, đã từng mời Ðức Thánh Cha. Nhưng hồi tháng năm năm 2018, Ðức Thánh Cha trả lời với các vị này, nhưng không nhắc đến một kế hoạch viếng thăm.
Ðức Hồng Y Maeda xuất thân từ tỉnh Nagasaki và mẹ của ngài đã sống sót sau hỏa ngục Nagasaki.
Hội nghị "Thượng Ðỉnh" về lạm dụng tính dục
Từ ngày 21 đến 24 tháng 2 năm 2019, Ðức Thánh Cha sẽ nhóm họp tại Roma các vị Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục và các vị lãnh đạo hơn 20 Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Ðông Phương, đại diện Liên hiệp các Bề trên Tổng Quyền dòng nam về nạn lạm dụng tính dục và phương thế phòng ngừa.
Nạn lạm dụng tính dục này chắc chắn sẽ còn là vấn đề nóng bỏng trong Giáo Hội tại nhiều nước Âu Mỹ. Tuy con số những vụ lạm dụng mới tương đối ít ỏi, nhưng giới chức tư pháp tại nhiều nước tiếp tục khui lại những vụ xảy ra từ hơn 60 năm nay và báo chí thì trình bày chúng như thể đó là những hiện tượng còn thịnh hành ngày nay, làm giảm uy tín của Giáo Hội và càng làm giảm bớt số người trẻ muốn dân vào con đường linh mục.
Tháng đặc biệt về truyền giáo
Tháng 10 năm 2019, sẽ là tháng đặc biệt về truyền giáo được cử hành trên toàn thế giới, và trong tháng này Thượng Hội Ðồng Giám Mục đặc biệt về miền Amazzonia cũng sẽ diễn ra tại Roma, với mục đích đẩy mạnh việc bảo vệ môi trường, nâng đỡ và gia tăng mục vụ cho các thổ dân bản xứ tại 6 quốc gia trong vùng, từ lâu phải chịu tình trạng thiếu Linh Mục. Tại Âu Châu, nhiều thành phần Giáo Hội như ở Ðức, hoặc Bỉ, hy vọng Thượng Hội Ðồng Giám Mục này sẽ ủng hộ việc truyền chức Linh Mục cho những người có gia đình để giải quyết nạn thiếu Linh Mục ở địa phương, và từ đó biện pháp này cũng được áp dụng cho Âu Mỹ và những nơi khác thiếu linh mục.