Hơn 400 ngàn tín hữu tham dự buổi Ði Ðàng Thánh Giá với Ðức Giáo Hoàng tại Panama.
G. Trần Ðức Anh OP
Hơn 400 ngàn tín hữu tham dự buổi Ði Ðàng Thánh Giá với Ðức Giáo Hoàng tại Panama.
|
Panama (Vat. 26-01-2019) - Chiều thứ sáu, 26 tháng 1 năm 2019, hơn 400 ngàn tín hữu, trong đó có hàng trăm ngàn bạn trẻ các nước, đã tham dự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể do Ðức Thánh Cha Phanxicô chủ sự, từ lúc 5 giờ rưỡi chiều tại Công viên Santa María La Antigua, cạnh bờ biển ở thành phố Panama.
Trong nghi thức phụng vụ này, Ðức Thánh Cha và cộng đoàn đã đặc biệt cầu nguyện cho phong trào đại kết các tín hữu Kitô, cho những người di dân và tị nạn, cho hòa bình và hòa giải, và cho cả những cố gắng bảo vệ thiên nhiên như căn nhà chung của nhân loại cùng nhiều ý nguyện khác.
Các chặng đàng với các chủ đề khác nhau
Thánh giá được các nhóm bạn trẻ rước đi, lần lượt qua 14 chặng truyền thống và mỗi chặng có những chủ đề khác nhau: từ nạn tham nhũng, cho đến những vụ chà đạp nhân quyền, bạo hành chống phụ nữ, các bà mẹ, nạn phá thai, khủng bố, bảo vệ thiên nhiên như căn nhà chung của nhân loại, vấn đề những người di dân và tị nạn, các thổ dân. Tại mỗi chặng, các bạn trẻ thuộc các nước khác nhau như Cuba, Honduras, Guatemala, Salvador, Venezuela, Mêhicô, Haiti thay phiên nhau đọc những đoạn suy niệm.
Những bài suy niệm ngắn ấy có nhắc đến thánh Oscar Romero, và xác tín rằng tiếng nói của các vị tử đạo luôn luôn là một bài ca hy vọng; tiếp đến là những đau khổ của các thổ dân bản xứ, thảm trạng người di dân và tị nạn, các phụ nữ phải phấn đấu trong đêm đen của những lạm dụng, các nạn nhân của những vụ khủng bố, các thai nhi bị sát hại. Các bạn trẻ cũng cầu khẩn sự bảo trợ của Ðức Mẹ được tôn kính dưới nhiều tước hiệu: Ðức Mẹ Suyapa ở Honduras, Ðức Mẹ Bác Ái Mỏ Ðồng ở Cuba, Ðức Mẹ Hòa Bình (Venezuela), Ðức Mẹ Mân Côi (Guatemala), Ðức Mẹ các Thiên Thầnm (Costa Rica), Ðức Mẹ Coromoto (Venezuela), Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Ðức Mẹ Vô Nhiễm Aparecida, Ðức Mẹ Guadalupe, Ðức Mẹ La Antigua ở Panama, v.v.
Lời cầu nguyện của Ðức Thánh Cha cuối Ðàng Thánh Giá
Cuối buổi đi đàng Thánh Giá, ÐTC đã dâng lên Chúa Cha lời khẩn nguyện trong đó có đoạn ngài nói:
Con đường đau khổ của Chúa kéo dài dưới nhiều hình thức
"Con đường của Chúa Giêsu tiến về đồi Canvê là một con đường đau khổ và cô đơn vẫn tiếp tục ngày nay. Chúa Giêsu bước đi và chịu đau khổ trong bao nhiêu khuôn mặt khổ đau vì sự lãnh đạm thích thú và làm tê liệt của xã hội chúng con đang tiêu thụ và tiêu hao chính mình, cố tình không biết đến và không ý thức bản thân trong đau khổ của các anh chị em.
Lạy Chúa, cả chúng con, những người bạn hữu của Chúa, cũng để cho mình bị thái độ lãnh đạm và bất động chế ngự. Nhiều khi thái độ xu thời đã đánh bại và làm cho chúng con tê liệt. Thật là khó nhận ra Chúa nơi người anh em đau khổ: chúng con quay mặt đi để khỏi nhìn thấy họ; chúng con trốn chạy trong tiếng ồn ào để không nghe thếy, chúng con tự bịt miệng để khỏi lên tiếng.
Thật là điều dễ dàng hơn khi gần gũi những người được coi là nổi tiếng và chiến thắng.
Thật là dễ rơi vào thứ văn hóa bắt nạt, xách nhiễu và hăm dọa!
Chúa đồng hóa với những người đau khổ
Nhưng lạy Chúa, đối với Chúa thì không như vậy: trên thánh giá, Chúa đồng hóa với mọi đau khổ, với tất cả những người cảm thấy bị quên lãng.
Lạy Chúa, Chúa không như vậy, vì Chúa đã muốn ôm lấy tất cả những người mà bao nhiêu lần chúng con coi là không xứng đáng được ôm lấy, được một cử chỉ dịu dàng, và được chúc lành, hoặc tệ hơn, chúng ta chẳng thấy rằng họ đang cần những điều ấy.
Lạy Chúa, đối với Chúa không phải như vậy: trên thánh giá Chúa liên kết với mỗi hành trình thánh giá của mỗi bạn trẻ, mỗi hoàn cảnh, để biến đổi nó thành con đường phục sinh.
Thảm trạng nhân loại: đường Thánh Giá tiếp tục
Lạy Chúa Cha, hôm nay Con đường khổ giá của Chúa Con đang kéo dài:
- trong tiếng kêu bị bóp nghẹt của các trẻ em mà người ta ngăn cản không cho sinh ra và của bao nhiêu những trẻ em khác bị phủ nhận quyền được có tuổi thơ, quyền có một gia đình, được giáo dục, các em không được chơi đùa, ca hát, mơ ước ...
- Ðường khổ giá của Chúa Con đang tiếp tục nơi những phụ nữ bị hành hạ, khai thác và bị bỏ rơi, bị bóc lột và không được biết đến trong phẩm giá của họ; trong nững đôi mắt buồn sầu của những người trẻ thấy hy vọng tương lai của họ bị tước mất vì không được giáo dục và không có một công ăn việc làm xứng đáng;
- Con đường khổ giá của Chúa Con đang kéo dài trong lo âu của những khuôn mặt trẻ, bạn của chúng con, họ rơi vào mạng lưới của những kẻ vô lương tâm, trong số đó có cả những người nói là đang phụng sự Chúa - những mạng lưới khai thác, tội phạm, lạm dụng, đang bóc lột cuộc sống của người trẻ.
Ðường khổ giá của Con Chúa đang kéo dài nơi bao nhiêu người trẻ và các gia đình, bị chìm đắm trong cái vòng chết chóc vì ma túy, rượu chè, mại dâm, và buôn người, họ chẳng có tương lai và hiện tại. Và giống như y phục của Chúa bị phân chia, cả phẩm giá của họ cũng bị chia cắt và hành hạ.
Con đường khổ giá của Chúa Con đang kéo dài nơi những người trẻ với khuôn mặt đầy vết nhăn, đã đánh mất khả năng mơ ước, sáng tạo và phát minh ngày mai, và họ về hưu sớm trong thái độ cam chịu và xu thời, một trong những ma túy được tiêu thụ nhiều nhất ngày nay.
Con đường khổ giá của Chúa còn kéo dài trong đau khổ âm thầm và làm cho bao nhiêu người thịnh nộ, thay vì liên đới, từ phía một xã hội sung túc, khi họ thấy sự phủ nhận, đau khổ và lầm than, và hơn nữa họ bị chỉ tay và đối xứ như những người gây ra mọi tai ương xã hội.
Con đường khổ giá của Chúa Con đang kéo dài trong tiếng kêu của trái đất là mẹ chúng ta, bị thương tổn trong lòng vì sự ô nhiễm không khí, sự sự khô cằn của các cánh đồng, sự ô nhiễm của nước và thấy mình bị chà đạp vì khinh rẻ, vì tiêu thụ như điên rồ vượt quá mọi lý trí.
Con đường ấy đang kéo dài trong một xã hội đã đánh mất khả năng khóc và cảm đông trước khổ đau.
Chúng con phải làm gì?
Lạy Chúa, phần chúng con, chúng con làm gì đây?
Chúng con phản ứng thế nào trước Chúa Giêsu đang chịu đau khổ, đang bước đi, đang xuất cư nơi khuôn mặt của bao nhiêu bạn hữu chúng con, bao nhiêu người lạ mà chúng con đã học cách làm cho họ trở nên vô hình?
Lạy Chúa Cha từ nhân, phải chăng chúng con đang an ủi và đồng hành với Chúa, vô phương thế tự vệ và đau khổ nơi những người bé nhỏ nhất và bị bỏ rơi?
Chúng con có giúp Chúa vác gánh nặng của thập giá, như ông người xứ Xirêne, cư xử như những người xây dựng hòa bình, kiến tạo các liên minh, thành men của tình huynh đệ hay không?
Chúng con chiêm ngắm Mẹ Maria, người phụ nữ đại đảm. Từ Mẹ chúng con muốn học cách đứng dưới chân thập giá, với cùng một quyết tâm và lòng can đảm, không trốn tránh hoặc ảo tưởng. Mẹ đã biết đồng hành với đau khổ của Chúa Con, nâng đỡ Người với cái nhìn và bảo vệ Người bằng con tim. Mẹ đau đớn vì khổ đau, nhưng đau khổ không làm Mẹ ngã quị. Mẹ là ngừơi phụ nữ can đảm thưa xin vâng, nâng đỡ và đồng hành, bảo vệ và ấp ủ. Mẹ là người quyết liệt cẩn giữ hy vọng.
Cả chúng con cũng muốn là một Giáo Hội nâng đỡ và đồng hành, biết nói: "con ở đây!" trong cuộc sống và trong những khổ giá của bao nhiêu tín hữu đi cạnh chúng con. Từ Mẹ Maria chúng con học thưa "đồng ý" với sự kháng cự mạnh mẽ và kiên trì của bao nhiêu cha mẹ, ông bà, không ngừng nâng đỡ và đồng hành với con cái cháu chắt của họ khi chúng gặp nguy hiểm và khó khăn.
Từ Mẹ chúng con học thưa "đồng ý" với sự kiên nhẫn quyết liệt và sự sáng tạo của những người không nhụt chí và bắt đầu lại từ đầu trong những hoàn cảnh trong đó dường như mọi sự đã mát hết, bằng cách kiến tạo những không gian, những môi trường gia đình, những trung tâm chú ý là cánh tay giơ ra giúp đỡ trong khó khăn ."
Buổi đi đàng thánh giá kết thúc với phép lành của Ðức Thánh Cha vào lúc 7 giờ tối. Ngài trở về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó gần 9 cây số để dùng bữa tối và nghỉ đêm. (Rei 26-1-2019).
Lời nguyện của Ðức Thánh Cha trong buổi đi đàng thánh giá tại Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama.
J.B. Ðặng Minh An dịch
Panama (VietCatholic News 25-01-2019) - Sáng thứ Sáu 25 tháng Giêng năm 2019, lúc 10 giờ 30, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự phụng vụ thống hối với các bạn trẻ tù nhân tại Trung Tâm cải huấn trẻ vị thành niên Las Garzas de Pacora.
Sau cuộc gặp gỡ tại đây, lúc 11 giờ 50 Ðức Thánh Cha đã đáp trực thăng về tòa Sứ Thần cách đó 46 cây số.
Hoạt động tiếp theo và cũng là hoạt động nổi bật nhất trong ngày là buổi đi đàng thánh giá diễn ra tại Juan Pablo II.
Năm 1997, tại Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Paris, người Pháp đã ghi thêm buổi đi đàng thánh giá vào chương trình Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Ðây là những đóng góp quan trọng. Nhiều bạn trẻ tìm được ơn hoán cải khi theo chân Chúa Giêsu qua các chặng đàng thánh giá.
Từ đó, chặng đàng thánh giá thường kéo dài đến 3 tiếng đồng hồ là một trong những biến cố chính tại Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới.
Trong lời nguyện sau các chặng đàng thánh giá với các bạn trẻ, Ðức Thánh Cha nói:
Lạy Chúa, là Cha của lòng thương xót, ở Vành đai duyên hải này, cùng với rất nhiều người trẻ từ khắp nơi trên thế giới, chúng con đã đồng hành cùng Con Cha trên Con đường Thánh giá của Ngài: đó là con đường mà Ngài muốn đi để cho chúng con thấy Chúa yêu thương chúng con biết là ngần nào và Chúa quan tâm đến cuộc sống của chúng con ra sao.
Con đường của Chúa Giêsu dẫn đến Núi Sọ là một con đường khổ đau và cô độc; con đường đó vẫn đang tiếp diễn trong thời đại của chúng con. Chúa bước đi và chịu đựng trong tất cả những khuôn mặt bị tổn thương bởi sự thờ ơ tự mãn và tê dại của xã hội chúng con, một xã hội tiêu thụ và bị tiêu thụ, phớt lờ và thờ ơ, mù quáng trước nỗi đau của anh chị em chúng con.
Lạy Chúa, chúng con, những bằng hữu của Chúa, cũng vậy. Chúng con cũng chiều theo sự vô cảm và bất động. Quá thường là chúng con cuối cùng cũng chạy theo đám đông, và điều này đã làm tê liệt chúng con. Thật khó để nhìn thấy Chúa trong những anh chị em đau khổ của chúng con. Chúng con đã nhìn đi chỗ khác để không nhìn thấy; chúng con đã ẩn mình trong tiếng ồn để không nghe thấy; chúng con đã che miệng để đừng khóc.
Cám dỗ ấy luôn luôn là như thế. Nó dễ dàng hơn và "đáng đồng tiền bát gạo hơn" để trở thành bạn bè trong chiến thắng và vinh quang, trong thành công và vỗ tay ca tụng; thật dễ hơn để xun xoe xung quanh một người được xem là có nhiều người mến mộ và là kẻ chiến thắng.
Thật dễ dàng để rơi vào một nền văn hóa bắt nạt, quấy rầy và đe dọa người khác. Chúa không như thế: trên thập giá, Chúa đã đồng hóa mình với tất cả những người đau khổ, với tất cả những người cảm thấy bị lãng quên.
Chúa không như thế: bởi vì Chúa muốn ôm lấy tất cả những người mà chúng con thường coi là không xứng đáng để ôm vào lòng, để vuốt ve, chúc phúc; hoặc, tệ hơn nữa, thậm chí chúng con không nhận ra rằng họ cần những điều đó.
Chúa không như thế: trên thập tự giá, Chúa đồng hành với con đường thập giá của mọi người trẻ, trong mọi tình huống, để biến nó thành con đường phục sinh.
Lạy Cha, hôm nay con đường thập giá của Con Cha vẫn tiếp diễn: trong tiếng khóc nghẹn ngào của những đứa trẻ không được sinh ra và cơ man những trẻ thơ bị từ khước quyền được sống thời thơ ấu, quyền được có mái ấm gia đình, được giáo dục, được vui chơi, ca hát hay mơ ước.. . Con đường thập giá của Con Cha vẫn tiếp diễn nơi những phụ nữ bị ngược đãi, bóc lột và bị bỏ rơi, bị tước đi phẩm giá và bị đối xử như chẳng là gì. Con đường thập giá của Con Cha vẫn tiếp diễn trong đôi mắt buồn vời vợi của những người trẻ tuổi, những người nhìn thấy hy vọng của họ về tương lai đang bị cướp đi vì thiếu giáo dục và công ăn việc làm xứng đáng. Con đường thập giá của Con Cha vẫn tiếp diễn trong nỗi thống khổ của những gương mặt trẻ, những người bạn của chúng con, những người rơi vào bẫy của những kẻ vô đạo đức - bao gồm cả những người tuyên bố sẽ phục vụ Chúa - những kẻ bóc lột, bọn tội phạm, và những kẻ lạm dụng cuộc sống của họ.
Con đường thập giá của Con Cha vẫn tiếp diễn nơi tất cả những người trẻ và những gia đình đang bị cuốn vào vòng xoáy của cái chết vì ma túy, rượu chè, mại dâm và nạn buôn bán người, những người không chỉ bị tước đoạt tương lai mà ngay cả hiện tại cũng không còn. Như áo xống của Chúa từng bị xâu xé thế nào, nhân phẩm của họ bị chia năm xẻ bảy và ngược đãi.
Con đường thập giá của Con Cha vẫn tiếp diễn nơi những người trẻ tuổi với khuôn mặt thẫn thờ, những người đã mất khả năng mơ ước, sáng tạo và định hình tương lai của họ, và đã chọn để "về hưu", trong sự trùm chăn hay tự mãn, là một trong những chất gây nghiện nhất trong thời đại của chúng con.
Con đường ấy vẫn tiếp diễn trong nỗi đau thầm lặng và đầy giận dữ của những ai, thay vì nhận được tình liên đới của một xã hội phồn vinh, lại gặp phải sự từ chối, nỗi buồn và sự khốn khổ, và bị đối xử như căn nguyên gây ra các tệ nạn xã hội.
Con đường ấy vẫn tiếp diễn trong sự cô độc tuyệt vọng của người già bị quên lãng và bỏ rơi. Nó tiếp diễn nơi các dân tộc bản địa mà những người khác đã cướp đi đất đai, cội nguồn và văn hóa của họ, phớt lờ và làm câm nín trí tuệ vĩ đại mà họ có thể mang lại.
Con đường thập giá của Con Cha vẫn tiếp diễn trong lời cầu xin của Mẹ đất chúng con, bị tổn thương sâu sắc bởi sự ô nhiễm của bầu trời, sự cằn cỗi của những cánh đồng, sự ô nhiễm nguồn nước, bị giẫm đạp dưới chân bởi sự coi thường và ngạo mạn của sự tiêu dùng phi lý.
Con đường ấy vẫn tiếp diễn trong một xã hội đã mất khả năng rơi lệ và xúc động trước khổ đau. Vâng, Lạy Cha, Chúa Giêsu Con Cha tiếp tục bước đi, tiếp tục vác thập giá và đau khổ trong tất cả những khuôn mặt này, trong khi cái thế giới không được chăm sóc này đang bị cuốn hút vào bi kịch về sự phù phiếm của chính nó.
Lạy Chúa, chúng con phải làm gì đây? Chúng con phải phản ứng thế nào trước Chúa Giêsu khi Ngài đau khổ, lang thang, di cư nơi khuôn mặt của cơ man những bạn hữu của chúng con, hay nơi dung nhan của tất cả những người xa lạ mà chúng con đã học cách làm cho họ ra vô hình?
Và lạy Cha của lòng xót thương, chúng con có an ủi và đồng hành với Chúa, đang bất lực và đau khổ nơi những anh chị em nghèo nhất và bị bỏ rơi nhất không? Chúng con có vác đỡ gánh nặng của thập tự giá, như ông Simon thành Kyrênê, bằng cách là những người hòa giải, xây dựng những nhịp cầu, hay là men của tình huynh đệ không? Liệu chúng con có vẫn tiếp tục đứng dưới chân thập giá như Ðức Maria không? Xin cho chúng con biết nhìn vào Ðức Maria, người phụ nữ của sức mạnh. Từ Mẹ, xin cho chúng con biết học cách đứng dưới thập giá với cùng quyết tâm và lòng can đảm của Mẹ, không trốn tránh hay ảo tưởng. Mẹ đồng hành với nỗi khổ của con Mẹ, là Con Cha; Mẹ nâng đỡ Ngài bằng ánh mắt và bảo vệ Ngài bằng trái tim. Mẹ chia sẻ nỗi thống khổ của Chúa Giêsu con Mẹ, nhưng không bị nỗi thống khổ ấy áp đảo. Mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ đã thốt lên tiếng Xin Vâng, là người hỗ trợ và đồng hành, bảo vệ và ôm ấp. Mẹ là người bảo vệ tuyệt vời cho niềm hy vọng.
Chúng con cũng muốn trở thành một Giáo Hội hỗ trợ và đồng hành, nghiã là có thể nói: "Này tôi đây!" trong cuộc sống và giữa thập giá của tất cả những Kitô hữu đi bên cạnh chúng con.
Từ Ðức Maria, chúng con học cách nói tiếng Xin Vâng trước sự kiên nhẫn và bền đỗ của nhiều người mẹ, người cha, người ông, người bà không bao giờ ngừng ủng hộ và đồng hành cùng con cháu trong gian truân.
Từ Mẹ, chúng con học được cách nói tiếng Xin Vâng trước sự bền bỉ và sáng tạo của những người không chịu khuất phục trước khó khăn và nghịch cảnh, sẵn sàng làm lại từ đầu trong tình huống mọi thứ dường như đã mất, nhằm tạo ra những không gian, nhà cửa và các trung tâm chăm sóc, để có thể là một bàn tay chìa ra cho tất cả những người gặp khó khăn.
Nơi Ðức Maria, chúng con học được sức mạnh để có thể nói tiếng Xin Vâng trước những người đã từ chối giữ im lặng trước thứ văn hóa ngược đãi và lạm dụng, chê bai và gây hấn, và trước những người dấn thân để cung cấp cơ hội và tạo ra bầu không khí an toàn và bảo vệ.
Nơi Ðức Maria, chúng con học được cách chào đón và tiếp nhận tất cả những người bị bỏ rơi, và buộc phải rời khỏi quê cha đất tổ, cội nguồn, gia đình và công ăn việc làm của họ.
Như Ðức Maria, chúng con muốn trở thành một Giáo Hội nuôi dưỡng một nền văn hóa chào đón, bảo vệ, thúc đẩy và hòa nhập; một nền văn hóa không kỳ thị, không đắm chìm trong sự lên án vô nghĩa và vô trách nhiệm những người nhập cư như một mối đe dọa cho xã hội.
Từ Mẹ, chúng con muốn học cách đứng dưới thập giá, không phải với trái tim đóng kín, mà với trái tim có thể đồng hành, dịu dàng và tận tụy, một trái tim thể hiện lòng thương xót và đối xử với người khác bằng sự tôn trọng, nhạy cảm và hiểu biết. Chúng con muốn trở thành một Giáo Hội của ký ức, nơi đánh giá cao và tôn trọng người già và trao lại cho họ vị trí xứng đáng của họ.
Như Ðức Maria, chúng con muốn tìm hiểu ý nghĩa của từ "đứng". Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết đứng, dưới chân thập giá, dưới chân mọi thập giá. Xin Chúa mở mắt và trái tim của chúng con đêm nay, và giải cứu chúng con khỏi sự tê liệt và bất định, khỏi sự sợ hãi và tuyệt vọng. Xin hãy dạy chúng con nói: "Này tôi đây", bên cạnh Con Chúa, bên cạnh Ðức Maria và tất cả những môn đệ yêu dấu, những người mong muốn chào đón Nước Chúa trong tâm hồn của họ.
(Source: Vatican News WYD Panama: Pope's homily at Way of the Cross - full text)