Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

SUY NIỆM TIN MỪNG - NGÀY 26-1-2017

Filled under:

I. LỜI CHÚA: Mc 4, 21-25
21 Người nói với các ông: “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao?”
22 “Vì chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng”.
23 “Ai có tai nghe thì nghe!” 24 Người nói với các ông: “Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.25 Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
II. SUY NIỆM
1. Chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày”
Sau dụ ngôn Người Gieo Giống (c. 1-20), mà chúng ta nghe trong Thánh Lễ hôm qua, Đức Giê-su tiếp tục kể dụ ngôn cái đèn :
Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng
hay dưới gầm giường?
Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao? 
(c. 21)
và Người kết luận:
Chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng. (c. 22)
Chúng ta thường hay hiểu câu nói này của Đức Giê-su theo nghĩa luân lý; theo đó, một ngày kia, vào lúc phán xét, mọi hành động, lời nói và tư tưởng của chúng ta, vốn đa phần vẫn còn được che dấu, tất cả sẽ được đem ra ánh sáng, được phơi bày trước mặt Thiên Chúa và loài người; nếu là như thế, thì sẽ thật là xấu hổ.
Vì thế, lời này của Đức Giê-su làm cho chúng ta lo sợ, hơn là mang lại bình an, tin tưởng và hi vọng. Bởi lẽ, tội lỗi đủ loại của chúng ta vừa nhiều và vừa thầm kín, một ngày kia sẽ bị đưa ra ánh sáng, được công bố cho mọi người đều biết. Tuy nhiên, hiểu lời nói này của Chúa như thế, là không phù hợp với những gì Ngài nói trước đó và sau đó.
2. Cây đèn và Lời Chúa
Trước đó, trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu kể dụ ngôn Người Gieo Giống để mặc khải “những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa” (x. Mt 13, 35; Tv 78, 2). Tiếp đến, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dùng hình ảnh cây đèn được thắp sáng, phải được để ở trên giá, được đặt hay treo ở trên cao để mọi người xem thấy và soi sáng cho cả nhà. Thế mà, ánh sáng là hình ảnh của Lời Chúa: Ngôi Lời là ánh sáng, thánh Gioan nói như thế (x. Ga 1, 4-5).
Về hình ảnh « cây đèn », bản dịch tiếng Việt của chúng ta diễn tả như sau: « Chẳng lẽ mang đèn tới… ». Tuy nhiên, trong tiếng Hi-lạp, « đèn » là chủ từ: « Chẳng lẽ đèn đến để cho mình được đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường ? »[1]. « Đèn » phải là chủ từ, bởi vì đó là hình ảnh nói về Đức Ki-tô, Ngài là nguồn ánh sáng ban sự sống, đã đến với chúng ta.
Và ngay sau khi kể dụ ngôn cái đèn, Đức Giê-su nói: « Hãy để ý tới điều anh em nghe », nghĩa là đến cách thức chúng ta lắng nghe Lời của Đức Giê-su, vốn là Lời mặc khải cho chúng ta những điều kín ẩn về Thiên Chúa, như dụ ngôn Người Gieo Giống trong bài Tin Mừng của ngày hôm qua.
Do đó, điều bí ẩn, điều được ẩn dấu (chứ không phải là điều bị che dấu) chính là những mầu nhiệm kín ẩn của Thiên Chúa, sẽ tất yếu được hiển hiện, được biết và được bừng sáng (thay vì bị đưa ra ánh sáng). Và những mầu nhiệm này ngay bây giờ đã và đang được bày tỏ cho chúng ta nơi Lời của Đức Giê-su và nơi ngôi vị của Người rồi. Thực vậy, thánh Phao-lô nói :
Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài. Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật. (Ep 3, 9 ; và Rm 16, 25 ; Col 1, 25-27).
 3. « Mầu nhiệm được giữ kín từ muôn thủa »
Như thế, mầu nhiệm được giữ kín từ muôn thủa nơi Thiên Chúa, nhưng nay được hiển hiện, được đưa ra ánh sáng, được bày tỏ, được công bố và loan báo, chính là « Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô ». Thực vậy, nơi Đức Ki-tô, khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa được bày tỏ cho chúng ta trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, và nơi Ngài, không có gì tách chúng ta ra khỏi Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Vậy, theo lời mời gọi của Đức Giê-su, chúng ta hãy để ý tới cách thức chúng ta nghe Lời của Người, như chính Người lập đi lập lại : « Ai có tai nghe thì nghe » (Mc 4, 9 và 23), và cách thức chúng ta đón nhận chính Người nơi bí tích Thánh Thể, để cho Lời của Ngài và chính ngôi vị của Ngài được gieo vào lòng chúng ta như gieo vào đất tốt, lớn lên và sinh hoa kết quả dồi dào, vì như lời Ngài nói : « Ai đã có, thì sẽ được cho thêm ».
*  *  *
Hơn nữa, Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta trở thành ánh sáng, thành muối, thành men, như chính Ngài (x. Mt 5, 13-16). Hay đúng hơn, chúng ta để cho ánh sáng của Ngài tỏ hiện nơi con người chúng ta ; nhất là lòng thương xót tỏ hiện và chói người nơi con người giới hạn và tội lỗi của chúng ta, như thánh nữ Tê-rê-xa nói :
Vậy thì quả thực, Lạy Chúa, ở nơi ai
Lòng Thương Xót của Chúa
có thể chói ngời hơn ở nơi con? »[2]
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

SUY NIỆM 2
"Có ai đem đèn sáng đặt trong thùng hay dưới gầm giường chăng?”. Với những lời chất vấn này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy luôn sống tử tế tốt lành với nhau, như đèn thắp sáng soi dọi đêm tối. 

Gần đây, vào mỗi tối thứ Sáu hằng tuần, kênh truyền hình HVT7 phát chương trình “Tỏa sáng giữa đời thường”. Nội dung chính của chương trình này là đề cao những tấm gương sáng của biết bao con người không mệt mỏi, âm thầm làm đẹp xã hội bằng những việc làm nhân ái. Những nét cuộc sống ấy thật đáng trân trọng và mong được nhân đôi luôn mãi trong cuộc sống hôm nay. Đó cũng chính là điều Chúa Giêsu mong muốn các Kitô hữu chúng ta làm trong cuộc sống này để tỏa sáng tình thương của Chúa cho thế giới hôm nay.

Đó cũng là điều mà chúng ta được nhìn thấy trong cuộc đời của cha thánh Gioan Bossco mà Giáo Hội mừng kính hôm nay. Gioan Bosco sinh tại Castelnuovo thành Asti ngày 16 tháng 8 năm 1815, trong một gia đình nhà quê. Cha là Phanxicô Bosco, qua đời khi Gioan chỉ mới 2 tuổi. Mẹ là Magarita Ochiena, đã một mình nuôi dưỡng Antôn, Giuse và Gioan.Với đức tin vững mạnh cùng sự tử tế kiên gan, một nhà giáo dục khôn ngoan đã biến gia đình trở thành một Giáo Hội tại gia.

Ngay từ thời bé, Gioan đã bắt đầu cảm thấy một ước muốn trở thành linh mục. Cậu kể lại giấc mơ 9 tuổi vốn khai mở sứ mệnh của mình. Một người đàn bà sáng láng tựa mặt trời đã nói với cậu: “Con hãy trở nên khiêm nhường, mạnh mẽ và ngay thật" và “điều gì con thấy đã xảy ra cho những vật trước là sói nay thành cừu này thì con hãy làm như vậy cho các con của Ta. Ta sẽ là bà giáo của con. Con sẽ hiểu tất cả khi tới giờ”.  

Tháng 6 năm 1841, Gioan Bosco được chịu chức linh mục. Cha Gioan Bosco đã trở thành nơi náu thân cho những đứa trẻ không nhà cửa. Ngài dạy chúng làm việc và yêu mến Thiên Chúa. Ngài cùng ca hát, vui chơi và cầu nguyện cùng với chúng. Do đó, ngài phát triển phương pháp giáo dục nổi tiếng của mình: phương pháp Giáo dục Dự phòng. Chính phương pháp giáo dục này đã giúp ngài hoán cải và biến đổi bao thanh niên hư hoảng thành những con người hữu ích cho xã hội, gia đình.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con gương sáng của thánh Gioan Bosco, không ngừng trở nên đèn sáng đức tin cho những người trẻ. Xin cho chúng con biết theo gương sáng của thánh nhân để luôn sống tốt cho gia đình cho Giáo Hội. Amen. 

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường