Phút suy niệm ngày 16/1/2019
"Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám" (Mc 1, 29-39).
Ở đâu, thời nào cũng có những bệnh nhân và ở đâu, thời nào cũng có những bác sĩ. Nói như thế để biết, con người thật yếu đuối.
Đức Giêsu là vị "Bác sĩ" duy nhất chữa lành được đau yếu bệnh tật, Ngài còn chữa được cả những người bị quỷ ám, tay sai cho ma quỷ. Vì thế số người bệnh đến với Ngài rất đông.
Đức Giêsu mặc dù rất mệt sau một ngày giảng dạy ở Hội đường, chiều đến, không nỡ để người bệnh đau khổ thêm, Ngài đã chữa lành tất cả với một tình thương vô bờ.
Giờ đây, vì yêu chúng con, Chúa đón nhận tất cả, chữa lành tất cả, để làm chứng cho sự thật là Ngài yêu thương và muốn cứu độ mọi người.
Lạy Chúa, Xin hãy đốt lên trong chúng con tình yêu mến, để chúng con luôn hăng say không mệt mỏi. Xin cho chúng con biết chu toàn nhiệm vụ trong mọi công việc, để chúng con thi hành tốt nhất mọi việc Chúa giao. Amen.
THÁNH HÔNORATIÔ GIÁM MỤC (+ 429)
Thánh Hônoratiô xuất thân trong một gia đình quý phái ở Lôren nước Pháp hồi giữa thế kỷ thứ IV.
Ông thân sinh thánh nhân không có đạo công giáo; nhưng bà mẹ lại là tín hữu sốt sắng. Hai ông bà sinh hạ được ba người con: hai trai một gái: Vênenciô là con cả, Magarita là em gái út.
Ba anh em sống trong bầu không khí đầm ấm vui tươi của gia đình vì được cha mẹ nâng niu chiều chuộng. Ông thân sinh vui mừng thấy hai người con trai cùng thông minh, hy vọng sau này chúng sẽ có địa vị trong xã hội, làm vinh danh gia đình và quê hương.
Rồi năm tháng trôi qua, Magarita trở lại đạo công giáo. Từ khi em gái theo đạo, cả hai anh em Vênenciô và Hônoratiô như nghe thấy một tiếng gọi thâm sâu trong tâm hồn. Hai anh em cùng miệt mài tìm hiểu giáo thuyết công giáo. Thấy người công giáo lúc nào cũng có vẻ mặt hồn nhiên, trọng công bằng và bác ái, hai anh em càng đem lòng cảm phục.
Tiếng Chúa thúc giục tâm hồn hai anh em mỗi ngày một mạnh. Và cứ như thế cho đến một ngày kia, hai anh em nhất quyết xin tòng giáo mặc dầu cha mẹ và bạn hữu phản đối. Ngăn cản bằng lời nói không được, ông thân sinh mang danh vọng, chức quyền, hạnh phúc và tiền tài để dỗ hai con. Hai anh em lại dùng ngay những tiền của cung cấp cho mình mà phân phát cho kẻ nghèo đói hết. Trước những lời dụ dỗ của cha, Hônoratiô chỉ trả lời: "Thưa cha, đời tuy sung sướng, nhưng chóng qua ".
Thánh Hônoratiô có lòng bác ái lạ thường. Một buổi chiều, sau khi thương giúp người nghèo khó ngoài biệt thự, ngài thấy một người mắc bệnh cùi đang nặng nề lê bước ngoài xa. Ngài mau chân chạy tới ôm choàng lấy âu yếm rồi giúp bác ăn uống. Đang khi thánh nhân săn sóc người bệnh thì bỗng nhiên thấy mặt bác toả sáng như một tinh tú rồi biến mất: thánh nhân đã tiếp đón một thiên thần hay phải chăng là Hoàng đế của thiên thần?
Câu truyện thánh Antôn ẩn sĩ càng làm phấn khởi tâm hồn hào hiệp của thánh nhân. Thánh nhân muốn bắt chước thánh Antôn để sống đời ẩn sĩ, cầu nguyện và hãm mình như ngài.
Nghe tiếng Chúa kêu gọi, Hônoratiô và anh quyết định ra đi mặc dầu gặp nhiều thử thách và đau khổ cả hai cùng sẵn sàng đặt tình yêu Chúa trên tình yêu gia đình và quê hương.
Hai anh em nhờ tu sĩ Caphan, một tu sĩ nhân đức và giầu kinh nghiệm chỉ dẫn. Rồi một buổi sớm mai, trong lúc cảnh vật còn ngủ yên trong tấm màn sương dầy đặc, ba người lặng lẽ đi về phía Địa Trung Hải để tu thân, sống đời nghèo nàn và xa vắng trần tục.
Khi đến Mạcxây, Giám mục Prôcunlo nhận thấy cả ba tu sĩ cùng có tài ba lỗi lạc, và đức hạnh tuyệt vời nên ngỏ ý mời cả ba đấng nhập vào đoàn tu sĩ của giáo phận. Vẫn nghe tiếng Chúa thúc đẩy, cả ba cùng không muốn ở lại, và vượt thuyền tiến về phía đông.
Sống cô độc trên đất Hi lạp, ba thánh nhân cùng gặp nhiều thử thách như đói khát, không hợp thuỷ thổ và khí hậu, nên năm 400, Vênenciô từ trần ở Môđôn. Sau một thời gian lưu trú ở miền hoang địa, Hônoratiô và thầy Caphan xuống thuyền đi Phêduy (Fréjus). Bấy giờ Giám mục Lêô Nice mời hai thánh nhân nhập giáo phận. Ngài còn thuận cho hai vị nếu muốn tu hành nơi cô tịch, ngài sẽ sẵn sàng dẫn hai thánh nhân đến mũi biển Ru (Roux). Nhưng vì ở Ru thường có nhiều du khách tới vãng cảnh nên hai thánh nhân lại ngỏ ý xin Đức Giám mục cho phép đến tĩnh tu ở hoang đảo Lơrin (Lerin) một dẫy đảo nằm chơ vơ giữa biển Địa Trung Hải.
Năm 375 thánh Caphan và những người muốn theo ngài đến tĩnh tu ở Têbaiđate. Còn thánh Hônoratiô thì đến tu ở Lơrin, nơi có rất nhiều rắn độc. Thánh nhân trèo lên một cây dừa cầu nguyện ca tụng quyền năng Thiên Chúa, bỗng nhiên sóng biển tràn lên rất lớn quét xạch tất cả các loài rắn. Sau đó thánh nhân mới nghĩ đến việc lập tu viện.
Lơ thơ vài chiếc lều lá, một nhà nguyện nho nhỏ nơi hoang đảo đó là cảnh tu viện đầu tiên của thánh Hônoratiô. Sau đó ít lâu, Giám mục Léônicê phong chức linh mục cho thánh nhân. Chẳng bao lâu tu viện Lêvina phát triển và là nơi đào tạo nên nhiều đấng thánh danh tiếng như: Masiminô Giám mục thành Riê (Riez); thánh Giacôbê người Ba Tư; thánh Lupô người đã cứu thành Troa (Troyes) thoát cuộc khủng bố ghê gớm của Attila; thánh Hilariô; thánh Vinh sơn…
Đọc kinh, cầu nguyện, suy niệm lâu giờ và làm việc chân tay là luật dòng của thánh nhân. Lêvina trước là hoang đảo hiểm trở, nay với sức cần lao của tu viện Lêvina đã trở thành một nơi trù phú. Nhờ lời cầu nguyện, thánh nhân đã khiến một suối nước vọt ra cho cả tu viện dùng.
Ngày nay đã hơn một ngàn năm, suối đó vẫn còn róc rách chảy đều đều. Trong thời ly loạn nhiều nhà thờ, học đường khắp Âu châu bị triệt hạ tàn phá. Nhưng nhờ Chúa quan phòng và lời cầu nguyện của thánh nhân, tu viện Lêvina vẫn bằng an. Hơn nữa, tu viện của thánh nhân còn là một trung tâm văn hoá đã sản xuất ra nhiều bậc vĩ nhân và đại thánh.
Mùa thu năm 427, và người đại biểu thành An (Arles) gồm các nghị sĩ và một số quan toà đến tu viện Lêvina xin thánh nhân làm Giám mục thay thế Giám mục Êrốt (Erox) mới bị đảng phiến loạn phát lưu.
Thánh nhân do dự và không biết đâu là ý Chúa. Nhưng sau cùng, với ơn soi sáng, ngài vui lòng nhâïn nhiệm vụ Chúa giao phó và ra đi vào cuối thu năm 427. Khi ngồi toà Giám mục cũng như lúc còn làm bề trên tu viện, thánh nhân đều có một nhân cách hoàn toàn, một đức bác ái sâu rộng đáng ca tụng.
Thánh Hilariô đã nói: "Nếu muốn diễn tả đức bác ái, ta phải căn cứ vào nhân đức bác ái đặc biệt của thánh Hinoratiô". Ngài thường bố thí cho kẻ nghèo hết những của cải người ta dâng cúng. Ngài tận tâm phụng sự Chúa và giáo phận. Ngài mạnh bạo cảnh cáo một số người Nabon (Narbonnaire) dám phê bình thông điệp ngày 25-07-427 của Đức Giáo Hoàng Cêlesttinô.
Ngày lễ Hiển Linh năm 429, thánh nhân giảng bài sau cùng ở nhà thờ chính toà thành An trước một số đông tín hữu.
Sau đó ngài lâm bệnh nặng. Được tin ngài bị bệnh, các giáo sĩ xúc động, họ tuốn đến thăm nom và túc trực ở phòng ngài rất đông.
Quanh giường ngài, các giáo sĩ buồn rầu sa lệ nhưng thánh nhân mặt vẫn điềm tĩnh quay sang nói với thánh Hilariô môn đệ của ngài: "Cha không thể nói được những điều cha muốn".
Thánh Hilariô khóc lóc nói: "Cha đáng kính! con biết chắc cha sẽ không bỏ con, cha sẽ là người bênh vực con trên thiên đàng; con thương cảm vì Cha phải đau khổ". Thánh nhân trả lời: "Đau khổ của người đầy tớ Chúa còn bé nhỏ quá nếu, sánh với những nỗi thống khổ các thánh đã chịu".
Ngày thứ 9 sau lễ Hiển Linh, thánh nhân trút linh hồn. Dân chúng tấp nập chạy đến hôn mặt, và tay chân thánh nhân lần cuối cùng.
Xác ngài được an táng trong đền thờ Đức Mẹ Ban ơn bên mồ thánh Trôphimê.
Năm 1392, xương thánh ngài được di chuyển về tu viện Lơrin.
Ngày nay ở Grát (Grasse) và ở Can (Cannes) còn giữ được một ít hài cốt của thánh nhân.
Năm 1896 Toà Thánh Rôma chính thức phong thánh cho ngài trong một bầu không khí rất sầm uất và trang nghiêm của Thủ đô Ánh sáng.